Menu Đóng

Chính Biên 35

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 35

Từ Bính Tuất, Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) đến Tân Sửu, Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 2 (1721) gồm 16 năm.

Bính Tuất, Dụ Tông Hòa hoàng đế, năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706). (Thanh, năm Khang Hy thứ 45).

Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.

Tháng 5, mùa hạ. Ai Lao sang dâng lễ cống chúa Trịnh.

Trước kia, nhân dân Man Chan (Chăn) thuộc Ai Lao thường khổ sở vì bộ lạc Lạc Hòn xâm lấn ngược đãi, cứ phải chạy lánh không được thường trú ở một nơi nào: triều đình (nhà Lê) vẫn phải che chở cho. Khi tù trưởng Triều Phúc trở về nước, thì thành quách hào lũy đỗ nát, binh lính thuộc dưới quyền chỉ có hơn 700, khí giới dự trữ không được đầy đủ, lễ cống nạp bỏ khiếm khuyết đã lâu. Trịnh Căn sai người trách hỏi, Triều Phúc tỏ bày tình trạng, xin dâng cống nạp về lễ diên thọ và xin 3 năm dâng một lần, bỏ cho lễ cống nạp hàng năm.

Sau, Triều Phúc sai sứ đến dâng phẩm vật địa phương, xin giúp cho binh khí và xin cho kết nghĩa hơn nhân để được nương nhờ ơn nước lớn mà trấn áp sự khinh rẽ của nước ngoài. Trịnh Căn làm giấy yên ủi. Từ đấy, Triều Phúc cống hiến không bao giờ gián đoạn. Sau đem người tông nữ2970 họ Trịnh, lấy danh nghĩa là quận chúa họ Trịnh gả cho Triều Phúc.

Lời chua – Ai Lao: Xem Triệu Việt vương năm thứ 2 (Tb. IV, 19).

Lê Thánh Tông lấy đất Lao Bồn2971 đặt phủ Trấn Ninh. Ở đây gọi là Ai Lao, có lẽ cũng là đất Trấn Ninh.

Mang Chan (Chăn): Xem Hy Tông, năm Chính Hòa thứ 17 (Chb, XXXIV, 37).

Lạc Hòn: Xem năm Chính Hòa thứ 21 (Chb, XXXIV, 47, 48).

Lễ diên thọ: Tức lễ về đầu mùa xuân để cầu được sống lâu, lễ này cử hành trong phủ chúa Trịnh.

Việc đem Tông nữ gả cho Triều Phúc: Xem năm Vĩnh Thịnh thứ 142972 .

Quận chúa: Chế độ triều nhà Lê, con gái của hoàng tự gọi là quận chúa2973 . Lúc bấy giờ con gái của chúa Trịnh cũng tiếm xưng là quận chúa.

Đinh Hợi, năm thứ 3 (1707). (Thanh, năm Khang Hy thứ 46).

Tháng 2, mùa xuân. Định rõ lại phép khảo công.

Theo chế độ cũ: Về việc khảo công, thông tính ba lần khảo trong cả ba năm, rồi mới thi hành việc truất bãi hoặc thăng thưởng. Đến nay định rõ lại: Trong ba năm, quan chức đều phải đủ ba lần khảo theo thể lệ thưởng, trung, hạ, rồi sẽ cân nhắc với nhau: người nào ba lần khảo đều liệt vào thượng hạng sẽ được thăng chức hai bậc, người nào hai lần thượng hạng, một lần trung hạng, được thăng chức một bậc, những người này đều được thưởng thêm 50 quan tiền; người nào năm đầu vào thượng hạng, năm thứ nhì vào trung hạng, năm thứ ba vào hạ hạng, là loại trung bình, sẽ thuyên chuyển làm việc ở địa phương giản khuyết2974 ; người nào hai lần trung hạng, một lần hạ hạng, sẽ phải giáng chức một bậc; người nào hai lần hạ hạng, một lần trung hạng, phải giáng chức hai bậc.

Lời chua – Chế độ cũ: Xem Hy Tông, năm Chính Hòa thứ 6 (Chb, XXXIV, 19).

Định lệnh truy tặng và ân tuất cho tướng sĩ bị chết trận.

Từ lúc trung hưng đến nay, chưa định thể lệ truy tặng và ân tuất cho tướng sĩ bị chết trận. Đến nay bàn định: cai đội và đội trưởng chết trận. truy tặng cho hàm hiệu điểm và được cấp ruộng; binh đinh bị chết trận, chỉ được cấp ruộng và tha dao dịch cho con của họ.

Lời cẩn án – “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: Lê Thần Tông, năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), định lệnh truy tặng và ân tuất cho tướng sĩ trận vong như thế này: Phàm chánh đội trưởng hoặc đội trưởng các doanh các cơ, đi đánh giặc bị chết trận, thì cai đội được gia tặng hàm tả hiệu điểm và cấp cho 20 mẫu ruộng công; chánh đội trưởng và đội trưởng được gia tặng hàm hữu hiệu điểm và cấp cho 15 mẫu ruộng công; binh đinh được cấp 5 mẫu và miễn dao dịch cho con họ; nếu người nào chưa có con thì cho một người cháu thân nhất được miễn dao dịch. Nay xét quan chế đời Hồng Đức (1740-1497): tả hiệu điểm, hữu hiệu điểm hàm tòng nhị phẩm, cai đội hàm chánh tứ phẩm, đội trưởng hàm chánh ngũ phẩm. Bây giờ đem hàm tòng nhị phẩm mà tặng cho người tứ phẩm, ngũ phẩm, chả phải cũng là vượt bậc quý hay sao? Đại để nhà Lê từ trung hưng về sau, thứ tự quan chức phần nhiều đổi khác. Lại tham khảo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn nói: Tả hiệu điểm, hữu hiệu điểm cấp bậc ở dưới thự vệ được phong tước hầu. Hai chức này chưa được dự vào triều ban. Như vậy, thì lúc bấy giờ phẩm trật hiệu điểm thuộc vào hạng thấp, cho nên thể lệ truy tặng ân tuất năm ấy, mới đem hàm hiệu điểm mà truy tặng cho cai đội trưởng. Nhưng việc này không có văn kiện rõ ràng chép trong Sử, nên tham khảo mà chép ra đây để phòng thi khảo cứu đến. Tháng 7, mùa thu. Định rộng niên hạn ân tuất cho dân phiêu lưu.

Tai họa hạn hán và kém đói xảy ra từ năm Quý Mùi (năm Chính Hòa thứ 24-1703) nhân dân phần nhiều phiêu tán, triều đình đã nhiều lần thi hành lệnh ân xá rộng rãi, nhưng nhân dân các làng xóm vẫn chưa trở về đông đủ. Nay định niên hạn: người phiêu tán sẽ được xá phú thuế và dao dịch trong năm năm; người trở về mà tình cảnh nghèo khổ sẽ được miễn thuế hộ trong ba năm.

Lại sai quan văn, quan võ chia nhau đi khám xét kiện tụng.

Lúc ấy, Ngự sử đài xét hỏi kiện tụng, phần nhiều có những việc kiện còn kêu đi kêu lại. Triều đình bèn theo chế độ cũ năm Chính Hòa (năm thứ 17)2975 , hạ lệnh cho quan văn, quan võ chia nhau đi xét hỏi. Việc này giao cho việc bồi tụng Hoàng Công Chí và đề đốc Đặng Đình Thuyên cả thảy tám ngư82i chịu trách nhiệm.

Lời chua – Đình Thuyên: Người xã Lương Xá, huyện Chương Đức.

Tháng 10, mùa đông. Trịnh Căn hạ lệnh: hai ty Thừa chính và Hiến sát chọn trong số huyện lệnh thuộc dưới quyền hai ty ấy, đề cử viên nào có thể làm nổi công việc tri phủ.

Trịnh Căn nhận thấy chức trách phủ huyện là chỗ thân cận với dân, thế mà bộ Lại cất nhắc thuyên chuyển chỉ theo vào tư cách, thành ra người có tài năng kiến thức không tỏ rõ ra được; hai ty Thừa chính và Hiến sát đối với viên huyện thuộc dưới quyền mình ngày thường đã am hiểu rõ ràng, thì sự nhận định phân tích có phần dễ. Bởi thế, mới hạ lệnh hai ty ở các xứ chọn trong số các viên huyện lệnh thuộc dưới quyền, đề cử người nào có thể giữ nổi chính chức hoặc chức ta nhị trong một phủ, thì người đứng đề cử cùng người được đề cử đều về kinh sư xét thực, sẽ cho được thuyên chuyển cất nhắc.

Lời cẩn án – Người bàn thuật về chính trị cần phải tìm đến nguồn gốc chính trị. Ông Chu Tử nhà Tống nói: “Giám ty2976 là đầu mối của các viên thú, lệnh2977 mà triều đình là gốc rễ của giám ty”. Mệnh lệnh này của Trịnh Căn hầu như biết thận trọng về việc lựa chọn chức thú, lệnh đấy. Nhưng không biết triều đình lúc bấy giờ có thật trong sạch sáng sủa không? Hai ty Thừa chính, Hiến sát có thật đều là người hiền tài lương thiện không? Lại còn việc bắt người đề cử cùng với người về kinh sư xét duyệt, như thế há chẳng phải phiền phức tế toái mà bỏ mất cả công việc à? Mậu Tý, năm thứ 4 (1708). (Thanh, năm Khang Hy thứ 47).

Tháng 8, mùa thu. Hạ lệnh sửa đắp đường đê sông Nhị.

Hàng năm, nước sông Nhị tràn ngập, đường đê nhiều chỗ khuyết liệt. Triều đình bèn hạ lệnh hai ty Trấn thủ và Thừa chính đốc sức dân phu, tùy theo địa thế bồi đắp sửa chữa, để lợi cho nông dân.

Lời cẩn án – Sông Nhị, tức sông Phú Lương, một con sông lớn ở Bắc Kỳ, ở phía đông bắc tỉnh thành Hà Nội. Con sông này phát nguyên từ sông Lô thuộc Tuyên Quang và sông Thao, sông Đà thuộc Hưng Hóa2978 , nước các ngành sông này tụ họp ở phía đông nam huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây2979 chảy qua Hà Nội, Hưng Yên và Nam Định rồi đổ vào các cửa biển Ba Lạt2980 , Thái Bình và Diêm Hộ. Lại có một chi lưu là sông Hát, con sông này tự huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây đi qua huyện Đan Phượng, chảy vào địa phận phủ Lý Nhân thuộc Hà Nội2981 , qua địa phận tỉnh Ninh Bình, rồi đổ vào các cửa biển Đại Liêu và Chính Đại. Nay tham khảo: “Địa lý chí” trong Minh Sử: “PhủLệ Giang thuộc Vân Nam có sông Lan Thương thông sang Giao Chỉ làm thành sông Phú Lương; phủ Lâm An có thác Liên Hoa tức hạ lưu sông Lan Thương và là thượng lưu sông Thao ở Giao Chỉ”. Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, về “Tây Nhị Hà” chép: “Sông Diệp Du có một tên nữa là Tây Nhị Hà, phát nguyên từ núi Bãi Cốc huyện Lãng Khung, hạ lưu hợp với Dạng Thủy huyện Thái Hòa, lại hợp với dòng sông Lan Thương, rồi đổ vào biển Nam Hải. Nước ta gọi sông Phú

Lương là Nhị Hà, có lẽ lấy cớ rằng nước sông ấy đầu bắt nguồn từ sông Lan Thương, nhưng vẫn là hạ lưu của Tây Nhị Hà”. Cứ các sách đã dẫn ở trên, thì sông Nhị bắt nguồn từ Tây Nhị Hà và sông Lan Thương thuộc Vân Nam chảy vào địa phận nước ta. Sông này nhiều ngọn nước giao nhau chảy vào, nên mỗi năm đến mùa hạ mùa thu thì đầy rẫy, nước chảy quá mạnh. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 (1248) dưới triều Thái Tông nhà Trần2982 đã có nạn vỡ đê. Đến thời nhà Lê, nạn vỡ đê lại càng nhiều hơn, triều đình chia cho dân phải nộp tiền thuế điệu để hàng năm sửa đắp, dân phải tốn của hao công, mà một khi xảy ra nạn nước xoáy vỡ đê, dân lại bị hại không sao kể xiết. Tháng 9. Cấm thổ tù ở các phiên trấn không được giao thiệp riêng với người quyền quý trong triều đình.

Lúc ấy, phụ đạo các phiên trấn phần nhiều vào kinh sư chơi, giao thiệp liên kết với người có quyền lực hoặc người giữ địa vị trọng yếu, vì thế mới hạ lệnh cấm. Nếu triều đình có tiết lễ lớn, các phụ đạo vào kinh, không được đem quá 4 người đi theo, khi lưu ở kinh sư, không được quá 20 ngày. Từ đấy, sự phân biệt người Kinh, người Thổ mới nghiêm ngặt.

Kỷ Sửu, năm thứ 5 (1709). (Thanh, năm Khang Hy thứ 48).

Tháng 5, mùa hạ. Trịnh Căn mất. Tằng tôn (chắt) của Căn là Cương lên nối ngôi.

Căn, chuyên giữ chính quyền 28 năm. Khi mất, truy xưng là Khang Vương tiếm hiệu là Chiêu Tổ.

Tháng 9, mùa thu. Tiết chế Cương tự gia phong làm nguyên soái tổng quốc chính, An đô vương.

Cương, giả thác mệnh lệnh của nhà vua, tiến phong tước vương. Tha cho dân một nửa thuế tô năm ấy và các thuế còn thiếu lại đã lâu; lại thăng chức cho các quan văn võ, người chức cao, người chức thấp khác nhau.

Canh Dần, năm thứ 6 (1710). (Thanh, năm Khang Hy thứ 49).

Tháng giêng, mùa xuân. Lại ban hành tỏ rõ giáo điều.

Đầu năm Vĩnh Trị (1676-1680), triều đình đặt 6 giáo điều để khuyên răn bầy tôi và nhân dân trong kinh thành, ngoài phiên trấn: 1. Người đại thần không được cậy quyền thế; 2. Bầy tôi về hàng vọ phải siêng năng thao luyện, các viên phủ huyện không được hà khắc bạo ngược; 3. Bầy tôi về hàng văn phải thanh liêm cần mẫn; 4. Bầy tôi trong nội điện phải giữ lòng trung thành lương thiện; 5. Quân sĩ phải tuân theo pháp lệnh; 6. Nhân dân phải dốc lòng phân biệt điều liêm, điều sỉ. Đến nay, lại ban hành sách tỏ 6 giáo điều kể trên.

Tân Mão, năm thứ 7 (1711). (Thanh, năm Khang Hy thứ 50).

Tháng giêng, mùa xuân. Bắt đầu sai quan trong kinh đi đôn đốc việc đắp đê.

Trước đây, việc đốc thúc dân đắp đê, giao quyền cho viên quan ở trấn, phần nhiều chỉ làm cẩu thả cho xong việc, nên mỗi năm đến mùa nước lũ, đê lại vỡ lở, dân vùng ven sông luôn luôn bị tai hại. Đến nay mới hạ lệnh cho quan trong kinh là bọn Lê Dị Tài và Trần Công Trụ chia nhau đi đôn đốc. Công việc sửa đắp đê sau đây thêm bận rộn hơn, nhưng cũng không sao ngăn ngừa được nạn nước lụt.

Lời chua – Dị Tài: Người xã An Hoạch huyện Đông An2983 , đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676) năm Vĩnh Trị triều Lê Hy Tông.

Định rõ lại thể lệ quân cấp ruộng công.

Trước đây, ruộng công do các quan châu hoặc huyện quân cấp cho dân, phần nhiều sơ lược, không được công bằng, nay Trịnh Cương bàn với phủ liêu định lại:

Niên hạn quân cấp cứ sáu năm một lần, do viên quan trưng thu chịu trách nhiệm.

Thời hạn quân cấp; ruộng vụ mùa không được cấp sau tháng 3; ruộng vụ chiêm không được cấp sau tháng 9, để thích hợp với thời tiết làm ruộng của dân.

Cách thức chia khẩu phần: các xã có ruộng công, tính số người mà quân cấp, xã nào nhiều ruộng công thì phần cấp tính theo mẫu; xã nào ít ruộng công thì phần cấp tính theo sào, thước.

Người được hưởng phần ruộng: từ quan viên đến người quan, quả, cô, độc và phế tật2984 đều được tùy theo suất số mà liệu lượng cấp cho phần ruộng. Người nào đã có dân lộc, điền lộc hoặc ruộng của mình hoặc ruộng của vợ ngang với số khẩu phần quân cấp, thì không được dự phần cấp nữa.

Những ruộng ẩn lậu còn ở ngoài sổ điền vẫn được miễn thuế, cũng đem quân cấp cho dân. Ruộng công, đất bãi không được phép mua bán.

Lời chua – Quan trung thu: Thể lệ đời cố Lê, các phủ huyện đều đặt một viên quan trưng thu, trông coi việc thu thuế lệ và khuyên nhủ nhân dân làm ruộng, trồng dâu.

Cấm quan viên thiện tiện lập trang trại.

Ít lâu nay, những nhà quyền quý thế hào, phần nhiều nhận ruộng đất của mình ở đâu thiện tiện lập trang trại ở đấy, rồi chiêu tập người trốn tránh, cho họ nấp bóng để vơ vét mối lợi, vì thế mà dân xã nhiều người phiêu tán.

Đến nay nhiêm cấm, người nào trái lệnh sẽ phải luận vào tội nặng. Còn những người phiêu lưu trú ngụ ở xã khác, khai khẩn nhờ vào đất hoang xã ấy, hiện đã dựng thành cơ nghiệp, thì chỗ đất khai khẩn ấy xét định cho làm thổ, để họ được yên nghiệp sinh nhai.

Trịnh Cương tự tiến phong ông là Vĩnh tước Lương mục vương, cha là Bính tước Tấn quang vương.

Cương lấy địa vị là tằng tôn (chắt) của Căn lên nối ngôi, nay Cương truy tôn tước vương cho ông và cha. Khi bàn đến điển lễ miếu thờ, có người nói nên lập miếu riêng, tham tụng, Nguyễn Quý Đức nói: “Hai tước vương đều là chính tông đích trưởng2985 , thờ ở cung miếu, thì thuận lý hơn”. Cương theo lời bàn của Quý Đức.

Lời chua – Cung miếu: Miếu thờ tiên tổ họ Trịnh.

Hạ lệnh triệu Trương Công Khải, tham trấn Thanh Hoa vào triều, giữ chức phó đô ngự sử. Bổ dụng hoạn quan Đoàn Hữu Toán làm lưu thủ thay. Tên quan tham trấn đổi ra lưu thủ bắt đầu từ đấy.

Lời chua – Tham Trấn: Tức trấn thủ ở các trấn. Không rõ chức này đặt từ năm nào.

Tháng 10, mùa đông. Chỉnh đốn lại thể thức văn bài trong khoa thi hương.

Trước đây, các quan trường thi hương, nghĩ soạn đầu bài: và thể văn tứ lục chẳng qua chỉ soạn độ mười đầu bài; về thể phú chẳng qua độ bốn, năm đầu bài, không thay đổi gì, gọi là bản mẫu mực (sáo bản). Những người học giỏi phần nhiều làm sẵn thành văn, học trò đi thi đều đọc thuộc lòng từ trước, khi vào trường thi cứ chép theo nguyên văn ấy. Quan trường tùy ý phê duyệt lấy đổ, không câu nệ gì về sự trùng kiến, cho nên những người trúng tuyển phần nhiều không phải người thực học. Vì thế khoa thi này mới hạ lệnh cho quan chấm thi tùy ý ra đầu đề, không được rập theo sáo cũ. Do đấy, tập tục hủ lậu về lối văn khoa cứ dần dần thay đổi.

Nhâm Thìn, năm thứ 8 (1712). (Thanh, năm Khang Hy thứ 51).

Tháng 3, mùa xuân. Lại hạ lệnh cấm tả đạo gia tô.

Triều đình đã nhiều lần ra điều lệnh cấm tả đạo Gia tô, nhưng quan và dân sở tại tham của đút lót của họ, che giấu lẫn cho nhau, nên đạo ấy lan ra làm người ta mê hoặc mỗi ngày một sâu rộng. Vì thế, triều đình lại định điều lệ ngăn cấm: người nào biết có người theo đạo Gia tô được phép tố cáo; người theo đạo ấy sẽ phải cắt tóc trên đỉnh đầu, thích vào mặt bốn chữ “học Hoa lang đạo” và phát 100 quan tiền để thưởng cho người tố cáo. Nhưng cũng không sao ngăn cấm được.

Lời chua – Hoa Lang: Xem Lê Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ nhất (Chb, XXXIII, 6).

Bắt đầu hạ lệnh cho các quan trấn thủ ở biên giới phải đến đóng tại trấn lỵ.

Tham tụng là bọn Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Thế Bá nói: “Chức quan trấn thủ bấy giờ, tức là chức quan trong Đô ty lúc đầu bản triều. Nơi các viên ấy đóng để làm việc cai trị đã có thành quách. Trước đây, các trấn Tuyên, Hưng, Thái, Lạng hoặc ủy thác cho viên quan ở trấn khác kiêm quản lĩnh, hoặc bổ dụng bầy tôi thân cận để quản lĩnh, nhưng viên quan kiêm lĩnh thì ở yên tại nơi trấn, viên quan chầu chực thân cận thì quyến luyến ở kinh sư, chỉ theo tiện nghi mà khống chế bằng cách vắng mặt, việc ấy từ trước đến nay vẫn làm theo thói quen. Tuy cũng có lúc thay đổi bổ dụng quan võ, thì viên quan võ thường lấy cớ là nơi biên viễn núi rừng lam chướng, đối với binh lính không được tiện lợi. Các viên ấy không biết rằng địa thế nội trấn và ngoại trấn xa cách nhau, mà công việc ở biên giới không thể nào dự định trước được. Nếu không đóng ở trấn, ngộ chợt có biến cố xảy ra thì làm thế nào xem xét quản cố được. Lại còn việc kiện tụng: nào đòi hỏi, nào dẫn người đương sự về nha hầu xét, bọn lại dịch tính hành trình bắt dân cung đốn, làm cho dân càng phải phí tổn nặng nề. Vậy xin từ nay các quan trấn thủ ở biên giới đều phải đến lỵ sở cũng như các viên trấn thủ ở tứ trấn2986 . Về phần trấn Yên Quảng nguyên trước thuộc viên trấn thủ Hải Dương kiêm quản lĩnh, nhưng xét đấy là nơi bãi biển xa xăm, xin phải riêng viên quan có tài năng chuyên giữ trách nhiệm phòng ngự. Các trấn thủ Tuyên Quang, Lạng Sơn cũng nên nhất luật phải theo chế độ cũ2987 . Trịnh Cương nghe theo lời trình bày ấy.

Lời chua – Đô ty2988 : Đầu niên hiệu Quang Thuận đời Lê Thánh Tông, đặt đô ty ở 12 thừa tuyên, trong đô ty có các chức tổng binh và phó tổng binh, tức là chức quan trấn thủ. Sau khi trung hưng, bãi bỏ đô ty đặt trấn thủ, lại có những tên quan: đốc trấn, lưu thủ, đốc thủ và tổng phủ, đều là chức quan giữ chức trách nhiệm ở trấn cả.

Tuyên: tức là Tuyên Quang-Hưng: tức Hưng Hóa-Thái: tức Thái Nguyên, xưa gọi là Ninh Sóc-Lạng: tức Lạng Sơn-Yên Quảng: xưa là Yên Bang-Hải Dương: xưa là Dương Tuyền. Các địa danh trên, đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb.XXI,17,19,24,25,39,32,34,35).

Từ tháng 6 đến tháng 12, không mưa.

Dân bị đói to.

Hạ lệnh: Tha các tù tội nhẹ hiện đương bị giam; hoãn thu các thứ thuế bỏ thiếu đã lâu; giảm một nữa thuế tuần ty và bến đò, đình hoãn việc bắt phu làm việc; sửa lễ tế các nơi thờ tự mà ít lâu nay bỏ không tế.

Quý Tỵ, năm thứ 9 (1713). (Thanh, năm Khang Hy thứ 52).

Tháng giêng, mùa xuân. Bàn định thi hành việc phát chẩn và cấp đỡ cho dân.

Lúc ấy, đã lâu không mưa, giá thóc gạo cao vọt, dân gian có người phải ăn vỏ cây, rễ, cỏ, chết đói đầy đường, làng xóm các nơi tiêu điều hiu quạnh. Vì thế, triều đình bàn thi hành chẩn cấp: hạ lệnh cho quan hoặc dân nộp thóc, sẽ lượng theo số thóc mà trao cho chức tước, hoặc phẩm hàm, rồi đem số

thóc ấy phân phối phát chẩn cho dân nghèo. Lại trích tiền cho nội phủ phát chẩn cho dân kinh kỳ; trích một vạn quan tiền ở kho An Trường cấp đỡ cho dân Thanh Hoa; cân nhắc để xá tô thuế cho dân ở tứ trấn và ở Phụng Thiên, Trường Yên, nơi nhiều nơi ít khác nhau.

Lời chua – An Trường: Xem Lê Trang Tông, năm Thuận Bình thứ 5 (Chb.XXVIII,4).

Trường Yên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb.II,11).

Phụng Thiên: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb.XXI,20,32,33,35).

Tháng 7, mùa thu. Nước lớn, vỡ đê.

Lúc ấy mưa dầm không ngớt, nước các sông tràn ngập, vỡ đê các trấn Sơn Tây, Sơn Nam và Thanh Hoa, mấy vạn nhà bị nước cuốn đi mất, nhân dân bị đói. Triều đình hạ lệnh cho các xã dân đều chiếu theo mẫu ruộng và suất đinh trong hộ nộp tiền, để thuê người sửa đắp.

Lời chua – Theo Tập kỷ của Cao Lãng, thì năm ấy triều đình hạ lệnh cho các xã dân tùy theo các số mẫu ruộng công và tư nộp tiền để thuê người sửa đắp. Lại tính các xã dân nội vi tử và tạo lệ, tự sự, ân lộc, ngụ lộc, chế lộc, cộng 206.311 suất, liệu lượng thu mỗi suất một quan tiền, cấp phát cho dân phu, để làm việc đắp đê.

Nguyên văn trong Tập kỷ chua: các xã nội vi tử 64.267 suất rưỡi, các xã ân lộc và ngụ lộc 20.038 suất rưỡi, các xã chế lộc 86.851 suất, các xã tạo lệ 8.892 suất, các xã tự sự 26.262 suất.

Tạo lệ, tự sự, ân lộc, ngụ lộc, chế lộc: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì năm Hồng Đức, Thánh Tông ban cấp ân tứ và phong hộ cho bầy tôi: thân vương và các quan được phong tước công, hầu, bá, tử, nam đều có ruộng thế nghiệp và số người thế nghiệp và số người hầu hạ (tạo lệ); quan văn cấp cho hộ suất tùy hành làm ngụ lộc, quan võ cấp cho quan xã chế lộc, đều cho phép nộp tiền để làm lương bổng hàng năm của quan văn, quan võ. Các viên quan đã trí sĩ về nhà cấp cho huệ dưỡng dân lộc (ban ơn được hưởng lộc của dân để nuôi dưỡng) gọi là ân lộc. Lại theo “chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú: Ngự sử đài và hai ty Thừa chính, Hiến sát được cấp cho thủ lê dân, để làm ngụ lộc. Quan văn, quan võ được triều đình chiếu theo chức phẩm hiện có của từng người chuẩn cấp cho dân xã tự sự, người nhiều người ít, để cung phụng việc tế tự.

Nội vi tử: Tức dân nội tịch chính cung. Đại để, trừ những xã dân đã đem cấp làm lộc điền, lệ dịch đi rồi, còn những xã thuộc vào số hộ để phong vị việc kinh phí ở phủ thự công, gọi là nội vi tử.

Suất: Theo Khang Hy tự điển thì “suất” là danh từ để gọi con số đếm ra. Tự điển lại dẫn lời chua trong Chu lễ: suất là tính từng suất nhân khẩu mà nộp tiền.

Lại đặt chức lưu thủ ở Tuyên Quang.

Năm Quang Thuận, chia đặt thừa tuyên hai xứ Tuyên Quang và Hưng Hóa. Lúc bắt đầu trung hưng, Vũ Văn Mật được chuyên giữ quyền khống chế Tuyên Quang, cha truyền con nối, đến đời Vũ Công Đắc; sau con Công Đắc là Công Tuấn làm phản, triều đình dẹp yên được2989 , mới sai quan đến giữ địa phương này mà thuộc quyền thống trị của trấn thủ Hưng Hóa.

Đến nay mới đặt chức lưu thủ riêng của từng trấn. Bổ dụng hoạn quan Trần Công Tôn trấn thủ Hưng Hóa, Phạm Gia Vương trấn thủ Tuyên Quang. Hưng Hóa và Tuyên Quang, lại chia ra hai trấn bắt đầu từ đây.

Lời chua – Tuyên Quang, Hưng Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb.XXI, 16, 19, 30, 32, 35).

Giáp Ngọ, năm thứ 10 (1714). (Thanh, năm Khang Hy thứ 53).

Tháng giêng, mùa xuân. Văn Đinh Nhâm (Nhậm), lưu thủ Yên Quảng, đánh giặc biển, dẹp yên được.

Bọn giặc biển ở Yên Quảng nhiều lần cướp bóc dân ở biên giới một cách bạo ngược. Lưu thủ Văn Đình Nhâm và đốc đồng Đinh Phụ Ích đem quân lùng bắt, chiêu dụ được đảng này 300 người ra hàng, bắt sống và giết chết hơn 70 người,, hết thảy toán giặc này đều dẹp yên được.

Lời chua – Đình Nhâm (Nhậm) người xã Lạc Phố, huyện Hương Sơn2990 .

Bồn Man đến cống nạp.

Lời chua – Bồn Man: Ở thượng du phía tây Nghệ An, xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chb. XVIII, 8). Nay xét: Lê Thánh Tông đã lấy đất Bồn Man đặt làm Trấn Ninh rồi2991 , thế mà nay lại chép: “Bồn Man đến cống nạp”. Sử cũ chép thiếu sót sơ lược, như thế rất nhiều, hãy chép ở đây, sẽ khảo cứu sau.

Tháng 6, mùa hạ. Không mưa.

Tháng 9, mùa thu. Trịnh Cương tự tiến phong đại nguyên soái tổng quốc chính, thượng sư, An vương.

Trịnh Cương bái yết nhà thái miếu, rồi vào chầu nhà vua ở điện Vạn Thọ.

Trước đây, những ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng chúa Trịnh và trăm quan chầu vua ở điện Vạn Thọ. Nhưng sau họ Trịnh vượt quyền lấn át, nên mồng một, ngày rằm hàng tháng chỉ có trăm quan triều yết mà thôi. Đến nay, vì vừa mới tấn phong, nhân đấy Cương đến bái yết nhà thái miếu, rồi vào chầu vua một lần đầu. Sau đấy lại bỏ.

Ất Mùi, năm thứ 11 (1715). (Thanh, năm Khang Hy thứ 54).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ thần sang nhà Thanh.

Chánh sứ: Hộ bộ tả thị lang Nguyễn Công Cơ và thái bốc tự khanh Lê Anh Tuấn; phó sứ Thượng bảo tự khanh Đình Nho Hoàn và Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Mậu Áng sang nhà Thanh dâng lễ tuế cống. Đến năm sau, bọn Công Cơ trở về nước, phụng chỉ dụ của vua nhà Thanh nói: Phẩm vật tuế cống, lư hương và bình hoa bằng vàng, chậu bằng bạc, từ sau được theo số lượng đã định mà thay thế làm thành vàng đĩnh, bạc đĩnh rồi giao quan chức tỉnh Quảng Tây thu nhận lưu trữ, còn ngà voi và tên giác đều được miễn, người tùy hành cũng liệu lượng giảm bớt.

Lời chua – Phẩm vật cống nạp: Theo lời trình bày trong sách Việt thuật của Hoàng Sơn Mẫn nhà Thanh chép: “Năm Quý Mão niên hiệu Khang Hy (1663), nước An Nam sai sứ thần sang cống nạp. Lễ cống có: 4 bộ lư hương và bình hoa bằng vàng, tất cả nặng 209 lạng; 12 chiếc chậu bằng bạc tất cả nặng 691 lạng; 20 bộ tê giác và 20 chiếc ngà voi”. Nay đem đối chiếu niên thứ của hai nước, thì năm Quý Mão niên hiệu Khang Hy, ngang với năm Cảnh Trị thứ nhất triều Lê Huyền Tông.

Theo tập Bang giao triều cố Lê, thì năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12, tức năm Khang Hy thứ 55 (1716) triều Thanh, quan chức tỉnh Quảng Tây tư sang nước ta nói: “Bộ Lễ tâu (vua nhà Thanh) rằng: Quốc vương An Nam sai bồi thần là bọn Nguyễn Công Cơ dâng lễ tuế cống hai lần. Sau được chỉ dụ (vua Thanh) nói: An Nam dâng lễ cống như lư hương bằng vàng, bình hoa bằng vàng, chậu bằng bạc và tê giác, ngà voi, xét ra đường sá xa xăm, vận tải khó nhọc. Vậy từ sau được thay thế làm thành

vàng đĩnh, bạc đĩnh, rồi giao cho ty Bố chính tỉnh Quảng Tây lưu trữ vào kho. Lại vâng chỉ dụ cho miễn việc dâng tiến tê giác và ngà voi. Còn việc dâng biểu văn quan hệ về điển lễ lớn, nghĩ cho châm chước liệu lượng rút bớt số quan viên và chức dịch phải tới kinh đô2992 “.

Lê Anh Tuấn: Người xã Thanh Mai2993 , huyện Tiên Phong, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.

Nguyễn Mậu Áng: Tên cũ là Mậu Thịnh, người xã Kim Sơn2994 , huyện Gia Lâm đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1691) năm Chính Hòa.

Đinh Nho Hoàn: Người An ấp2995 , huyện Hương Sơn, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) năm Chính Hòa.

Bổ dụng Nguyễn Mại làm trấn thủ Sơn Tây.

Lúc ấy, Đặng Đình Sở giữ trấn Sơn Tây, thi hành chính trị một cách lỏng lẻo trễ tràng, thành ra trộm giặc các nơi nổi dậy, dân bị tai hại. Đình Sở can tội, giáng chức. Triều đình mới bổ dụng phó đô ngự sử Nguyễn Mại lấy chức thấp làm nhiêm vụ trấn thủ Sơn Tây. Khi Mại đến trấn lỵ thi hành chánh lệnh nghiêm chỉnh, sách suốt, bèn được lãnh chức chánh trấn thủ.

Mại là người có sức mạnh, có trí lực, giỏi về việc cưỡi ngựa, bắn tên. Trước kia, Mại giữ công việc ở Lễ phiên, một hôm, đương bàn công việc ở phủ chúa, có con voi xổng chạy vào, mọi người đều sợ hãi bỏ chạy, duy chỉ có Mại tinh thần khí sắc không thay đổi, vẫn trình bày công việc như thường. Trịnh Cương nhận xét cho là có thể dùng Mại giữ chức quan to được, sai giữ quân thủy, sau được cất nhắc làm đốc trấn Cao Bằng. Đến nay lại bổ đi trấn thủ Sơn Tây. Mại ở trấn, hiệu lệnh gì đã ban bố là bắt phải tuân hành, điều cấm gì đã ấn định là bắt phải thôi hẳn, vì thế mà bọn trộm giặc phải ẩn nấp một nơi không dám hành động. Mại nổi tiếng là người có tài về chính trị.

Lời chua – Sơn Tây: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 27, 34).

Nguyễn Mại: Người xã Ninh Xá, huyện Chí Linh2996 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1691) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.

Nghệ An phát sinh chứng dịch.

Triều đình hạ lệnh cho hai ty Thừa chính và Hiến sát lập đàn tràng ở nơi sạch sẽ, hội đồng bách thần trong hạt để cầu đảo.

Tháng 4, mùa hạ. Thái hậu Nguyễn Thị mất (không rõ lăng táng ở đâu).

Lời chua – Thái hậu: Tên húy là Ngọc Đệ, người xã Trùng (Xung) Quán2997 , huyện Đông Ngàn2998 sinh ra Dụ Tông.

Tháng 5. Định phép khảo công bằng việc trưng thu.

Dùng việc trưng thu các khoản đủ hay thiếu, nhiều hay ít, công việc đối với dân có thương yêu hay hà khắc, cả hai việc ấy tính lẫn với nhau, chia ra hạng hơn hạng kém để định việc thưởng phạt. Lệ định cứ 3 năm một lần khảo công.

Tháng 12, mùa đông. Bổ dụng Nguyễn Công Hãng làm đốc trấn Cao Bằng.

Lúc ấy có tên Uyên Hợp, người ở một châu thuộc Cao Bằng, tự xưng là Mạc Trạch con cháu họ Mạc. Hắn buông lời để mê hoặc nhân dân trong châu, định mưu nổi loạn, nhưng việc bị lộ, không hành động được. Vì việc ấy, triều đình nhận ra rằng Lê Đốc Thuần, đốc trấn Cao Bằng, xử trí trái phương pháp, nên triệu Khắc Thuần về kinh. Phủ liêu chọn mấy người có thể bổ thay, nhưng đều không được chúa Trịnh chẩn y. Cao Bằng vốn là nơi yếu khuyết2999 , Trịnh Cương muốn dành chỗ ấy để đãi Công Hãng. Công Hãng nói: Muốn được ở bên tả bên hữu nhà chúa. Công Hãng nhiều lần từ chối không được. Trịnh Cương ưng thuận bèn nhận mệnh lệnh. Cương cho phép Công Hãng được tùy tiện thi hành mọi việc ở Cao Bằng.

Lời phê – Lúc ấy chính quyền do họ Trịnh giữ, quan lại đã không biết có nhà Lê nữa, thì ở đấy nói rõ “phủ liêu”, như thế là đúng. Lời chua – Lê Khắc Thuần: Người xã Phù Minh, huyện Hoằng Hóa3000 đỗ tiến sĩ khoa Canh Dần (1710) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Nguyễn Công Hãng: Người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn3001 , đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.

Bính Thân, năm thứ 12 (1716). (Thanh, năm Khang Hy thứ 55).

Tháng 4, mùa hạ. Thái thượng hoàng mất.

Dâng tôn thụy là Chương hoàng đế, miếu hiệu Hy Tông. Thượng hoàng ở ngôi vua 30 năm, sau khi truyền ngôi, ở điện Kiền Thọ 12 năm, hưởng thọ 54 tuổi.

Làm lễ táng ở Phú Lăng.

Lời chua – Lăng: Ở xã Phú Lâm, huyện Đông Sơn, thuộc Thanh Hóa.

Tháng 6. Bắt đầu định phép chia đều thuế khóa và tạp dịch.

Từ lúc thi hành phép bình lệ2999 , thuế khóa và tạp dịch chuyên trách cứ nhân đinh phải chịu, phần nhiều đem việc gánh vác đỗ dồn về một bên. Nên nay bàn định: Dùng khoa điều để phân phối cho đinh

và điền cùng chịu. Phàm có công việc hoặc đóng góp, thì nhân đinh và điền mẫu mỗi bên đều phải chịu một phần, để cho việc thuế khóa và lực dịch được đều nhau.

Đinh Dậu, năm thứ 13 (1717). (Thanh, năm Khang Hy thứ 56).

Tháng 10, mùa đông. Biểu dương người đàn bà tiết nghĩa là Phan Thị.

Phan Thị, vợ bé Đinh Nho Hoàn. Nho Hoàn sang sứ Trung Quốc, bị chết ở dọc đường. Sau khi đem quan tài về chôn, Phan Thị tự thắt cổ để chết theo. Việc này tâu lên, triều đình sai quan cấp cho ruộng thờ tự, tặng phong á thận phu nhân, lập từ đường để thờ và ban cho biển vàng3003 đề hai chữ “tiết phụ” treo ở cửa nhà Phan Thị để biểu dương.

Lời chua – Phan Thị: Tên là Viên, người xã Do Lễ, huyện Hưng Nguyên3004 .

Tháng 12. Định thể lệ hạn chế số người làm ở trường khai mỏ tại các trấn.

Lúc ấy, các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc ở các trấn phần nhiều mộ người nhà Thanh khai quật để lấy, phu mỏ quần tụ mỗi ngày một nhiều. Triều đình e rằng sẽ sinh sự biến động, bèn định thể lệ: số phu mỗi mỏ, nhiều nhất 300 người, thứ đến 200 người và ít là 100 người, không mỏ nào được dùng quá số đã định. Từ đấy, số phu làm ở trường xưởng khai mỏ mới có hạn chế.

Lời chua – Trường xưởng khai mỏ: “Quốc dụng chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: Mối lợi trường xưởng khai mỏ phần nhiều ở các hạt Tuyên, Hưng, Thái, Lạng.

Tuyên Quang: Xưởng đồng Tụ Long, xưởng bạc Nam Xương là Long Sinh.

Hưng Hóa: Xưởng đồng Trình Lạn và Ngọc Uyển.

Thái Nguyên: Xưởng đồng Sàng Mộc, Yên Hân, Liêm Tuyền, Tống Tinh và Vụ Nông, xưởng vàng Kim Mã và Tam Lộng, xưởng chì Côn Minh.

Lạng Sơn: Xưởng đồng Hoài Viễn.

Nay xét: Các xưởng, đều từ năm Cảnh Hưng (1740-1746) trở về sau, vì nhân có việc gì đó mới ghi chép thành văn, ngoài ra còn nhiều xưởng bỏ sót.

Vậy hãy chép ra đây, sẽ khảo cứu sau.

Mậu Tuất, năm thứ 14 (1718). (Thanh, năm Khang Hy thứ 57).

Tháng 4, mùa hạ. Sai sứ thần sang nhà Thanh.

Năm ấy, nhà vua mới xin nhà Thanh phong tước:

Sứ bộ có: chánh sách, Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Công Hãng; phó sứ, Phụng Thiên phủ doãn Nguyễn Bá Tôn (Tông). Các viên quan kể trên sang nhà Thanh báo cáo việc Hy Tông mất và xin phong tước. Khi các viên quan ấy trở về, vua nhà Thanh chuẩn định: Cứ 6 năm hai lễ cống cùng dâng một lúc theo như thể lệ; nhân viên đi sứ, được cử 3 sứ thần và 20 hành nhân. Việc này định làm thể lệ lâu dài.

Lời cẩn án – Cáo phó lể để trọng việc lâm chung của ông vua trước; cầu phong là để trọng việc bắt đầu lên ngôi của ông vua sau. Nghi lễ ban giao không còn việc gì trọng đại hơn việc ấy. Hy Tông mất đã 3 năm mới cáo phó, Dụ Tông lên ngôi 14 năm mới xin phong. Sao lại khinh thường quá như thế? Lúc ấy, chính quyền do họ Trịnh giữ. Dụ Tông đã lên ngôi vua hàng năm sai sứ sang Trung Quốc

vẫn xưng tên húy là Hy Tông, thế thì Dụ Tông dầu được lập làm vua cũng như chưa lập. Đến nay, Hy Tông mất đã đoạn tang rồi, bấy giờ mới nhân việc tuế cống mà cáo phó, mà cầu phong. Việc lớn về

vua trước mất đi và vua sau lên ngôi còn làm lạo thạo như thế, thì các việc khác không cần nói đến làm gì. Lời chua – Thể lệ 6 năm hai lễ cống cùng dâng một lúc: Xem Lê Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 7 (Chb. XXXIII, 26).

Tháng 9, mùa thu. Trịnh Cương tự tiện đặt lục phiên.

Nguyên trước, phủ chúa Trịnh đặt 3 phiên là: Binh phiên, Hộ phiên và Thủy sư phiên. Đến nay đặt thêm lại phiên, Lễ phiên, Hình phiên, Công phiên cùng với Binh phiên, Hộ phiên đã đặt từ trước gọi là Lục phiên. Lại xếp các hiệu trưng thu chia làm lục cung, phàm sổ sách về thuế tô, thuế dung thuộc cung nào, thì các quan trong lục phiên theo chức phận của mình chia nhau quản lĩnh; chính lệnh về tài sản, thuế khóa và binh lính, dân đinh ở các trấn đều thuộc về lục cung. Trịnh Cương hạ lệnh cho quan văn thuộc phủ Chúa quản trị từng phiên, nội giám về liêu thuộc về hàng văn sung làm chức phó thiêm, trong lục phiên có 60 người lại điển thuộc hạ. Từ đây, chính quyền trong nước về hết lục phiên, mà lục bộ3005 và lục tự3006 chỉ đặt cho đủ vị mà thôi.

Lời chua – Lục cung: Theo “Quốc dụng chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) đặt lục cung.

1. Tả trung cung: có các hiệu tả giáp, tả ất.

2. Hữu trung cung: có các hiệu hữu giáp, hữu ất.

3. Đông cung: có các hiệu đông giáp, đông ất.

4. Nam cung: có các hiệu nam giáp, nam ất.

5. Đoài cung: có các hiệu đoài giáp, đoài ất.

6. Bắc cung: có các hiệu bắc giáp, bắc ất.

Thuế khóa ở bốn phương nộp vào, tùy theo nhiệm vụ của từng hiệu mà trưng thu hoặc cấp phát, của cải và thuế khóa không có việc gì liên quan đến bộ Hộ như trước nữa. Tình tệ này, đến lúc hết đời nhà Lê cũng không thể nào thay đổi được.

Định rõ lại thể lệ trình bày công việc của Hiến ty và Ngự sử đài.

Ty Hiến sát có trình bày việc gì hoặc đàn hặc tội lỗi người nào thì làm giấy niêm phong cẩn thận nộp lên quan ngự sử. Quan ngự sử có dâng phong sự3007 , thì đệ nộp cả văn thư mà Hiến ty đã nộp ở đài để triều đình biết. Việc đệ nộp văn thư này mỗi năm hai kỳ vào mùa đông và mùa hạ. Duy việc ác đảng, việc bạn nghịch đương phát giác, không bắt buộc theo kỳ hạn nào.

Lời phê – Trình bày công việc mà cũng có kỳ hạn, thật đáng khinh bỉ. Tháng 10, mùa đông. Định rõ lệnh cấm uống rượu.

Lúc ấy phong tục ở dân gian đắm đuối về chè rượu, họ thường giả thác vào lệ làng, quần tụ nhau uống rượu thả cửa, liên miên không có hạn độ nào. Vì thế mới định điều lệ ngăn cấm: Ở nhà tư, nếu có việc tế tự, việc vui mừng, việc ma chay; ở dân xã, nếu có việc tế thần cầu phước, dùng rượu điều có hạn định. Ngoài ra, người nào không có duyên cớ gì mà tụ hợp, hoặc ở làng chợ hợp nhau uống rượu, sẽ bắt giải lên quan trị tội, người đứng cáo tố sẽ được thưởng. Quan địa phương nếu không xem xét cấm ngăn sẽ bị luận vào tội theo tình riêng dung túng.

Kỷ Hợi, năm thứ 15 (1719). (Thanh, năm Khang Hy thứ 58).

Tháng 3, mùa xuân. Bãi bỏ công việc sửa chùa Phúc Long.

Trịnh Cương bắt dân 3 huyện Gia Định, Lang Tài và Quế Dương sửa chùa Phúc Long từ năm Giáp Ngọ (1714) đến nay gồm 6 năm. Có người nói việc ấy làm nhọc công sức dân. Cương bèn bãi bỏ.

Lời chua – Chùa Phúc Long: Ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Định3008 do Trịnh Tráng làm từ năm Phúc Thái thứ 6 (1648) đời Lê Chân Tông. Khoảng năm Vĩnh Thịnh sửa lại. Nay chùa ấy đã bỏ, nhưng nền cũ vẫn còn. Chữ “Phúc” (phúc đức) long” có sách chép “Phúc” (bụng) long”.

Gia Định: 3009 Nay là Gia Bình, xem Uy Mục đế, năm Đoan Khánh thứ nhất (Chb. XXV, 21).

Lang Tài3010 : Tên huyện, thuộc phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 6).

Quế Dương3011 : Tên huyện, đặt từ đời nhà Lê, nay thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Định phép khảo công đối với viên quan ở trấn ty.

Trịnh Cương lấy cớ rằng, viên quan ở Trấn ty được giữ độc quyền khống chế địa điện trong một phương, khó có người làm xứng đáng được chức vụ. Cương muốn khảo xét tra cứu kỹ càng để thi hành việc giáng truất hoặc cất nhắc, bèn định ra 5 điều: 1. Cầm phòng chế ngự giặc cướp; 2. Khám xét tra hỏi bọn gian phi; 3. Sửa đắp đê điều đường sá; 4. Dò hỏi xem xét nơi quang ải; 5. Bắt lính. Mỗi năm cứ đến cuối năm thi hành việc khảo công. Ngự sử đài chia công trạng của Trấn ty ra 3 bậc: thượng trung và hạ, để tỏ rõ người hơn người kém.

Việc khảo công đối với các viên đề lãnh bốn cửa thành trong kinh kỳ cũng theo như thế.

Cương lại nhận thấy Cao Bằng là ngoại trấn, việc khảo công nên giản lược một chút, bèn định ra bốn điều: 1. Cầm phong; 2. Trạm đệ công văn; 3. Khám xét tra hỏi bọn gian phi; 4. Trưng thu thuế khóa. Cứ cuối năm khảo công cũng theo thể lệ khảo công viên quan ở Trấn ty.

Lời chua – Trấn ty: Tức đô ty các xứ, xem năm Vĩnh Thịnh thứ 8, tờ 12 trong cuốn này.

Đề lãnh: Viên quản giữ chức tuần phòng cảnh sát trong kinh thành, nhiệm vụ cũng như Trấn ty.

Ngày Ất Tỵ, tháng 7, mùa thu. Mặt trăng phạm vào sao Thái Bạch.

Tháng 11, mùa đông. Đo đạc ruộng ở dân gian.

Trịnh Cương hạ lệnh nói: “Thương dân thì cần phải thi hành nhân chính, muốn thi hành nhân chính thì cần phải chia đều thuế khóa và dao dịch. Chế độ cũ làm phiền nhiễu dân đinh về việc duyệt tuyển, triều trước rất chán nghét, nên mới lập ra phép “bình lệ”: Số người đến tuổi ghi tên vào sổ cũng không tính, số người hao hụt đi cũng không miễn trừ. Phép ấy thi hành đến nay đã hơn 50 năm rồi. Trong thời gian ấy, số hộ khẩu ở dân hoặc thêm ra hoặc hụt đi không nhất định, mà nguyên ngạch vẫn theo như cũ, vì thế mà dân đinh phải gánh vác quá nặng, rồi dần dà đi đến lưu tán.

“Nhân đấy, đã họp bầy tôi trong triều bàn luận, tính kỹ phương pháp cứu vớt lấy dân. Mọi người đều nói: nay ruộng trong nước không kể ruộng công hay tư, đều thi hành việc khám xét đo đạc, rồi liệu lượng chia bổ ngạch thuế, để cho người giàu người nghèo giúp đỡ lẫn nhau, nặng nhẹ gánh vác đều với nhau, định làm phép tắc thường hành mãi mãi. Đấy đều là theo thời mà cứu chữa sự tệ hại, không phải là sinh ý thay đổi đâu”.

Vì thế, Trịnh Cương hạ lệnh cho các viên phủ, huyện và hai ty Thừa chính, Hiến sát chia nhau đi đo đạc ruộng ở dân gian.

Lời chua – Chế độ cũ: Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Thái tổ hạ lệnh cho các phủ huyện làm sổ hộ và tuyển đinh tráng3012 .

Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Thánh Tông định phép: 3 năm một lần làm sổ hộ, gọi là tiểu điền, 6 năm một lần gọi là đại điền, xã sở tại dựng trường duyệt tuyển, triều đình sai quan đến duyệt dân đinh, chia ra hạng tráng, hạng binh, hạng quân, hạng dân, hạng lão, hạng cố và hạng cùng, chọn lấy người mạnh khỏe sung vào quân ngũ3013 .

Năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660). Thần Tông hạ chiếu làm sổ hộ: Dân đinh từ 10 tuổi trở lên, tính theo từng hộ ghi tên vào sổ3014 .

Năm Cảnh Trị thứ 2 (1664), triều Huyền Tông, tham tụng Phạm Công Trứ kiến nghị: Xin hạ lệnh làm sổ hộ, đến năm thứ 7, phép bình lệ hoàn thành3015 .

Tháng 12. Sứ thần sang nước ta,

Nhà Thanh sai Nội các điển bạ Đặng Đình Triết và Hàn lâm viện biên tu Thành Văn sang sách phong nhà vua làm An Nam quốc vương, ban cho phẩm phục nhất phẩm và dụ bảo việc ban phẩm vật tế Hy Tông.

Lúc bọn Đình Triết mới đến, yêu cầu khi nhận sách phong nhà vua làm lễ 3 lần quỳ 9 lần vái (tam quỳ, cửu khấu lễ), nhưng triều đình lấy lễ rằng theo lễ nghi trong nước, làm lễ 5 lạy 3 vái (ngũ bái, tam khấu). Việc này tranh luận ba bốn lần. Đình Triết mới miễn cưỡng nghe theo. Triều đình lại tiễn chân trọng hậu bằng bạc lạng, sứ bộ đều không nhận. Khi Đình Triết về Trung Quốc, nói nước ta cảnh thổ bình yên, lễ độ đáng để cho người ngoài quan chiêm. Vua nhà Thanh lấy làm khen ngợi. Đến khi bọn tả thị lang Hồ Phi Tích sang tạ ơn, vua nhà Thanh ban cho có phần hậu hơn lần trước.

Canh Tý, năm Bảo Thái thứ nhất (1720). (Thanh, năm Khang Hy thứ 59).

Tháng 4, mùa hạ. Khảo xét công trạng 10 năm của các quan văn, quan võ.

Bọn Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Công Cơ, Lê Anh Tuấn, Lê [Thì] Liêu và Đặng Đình Lân gồm 14 người dự hạng thượng khảo, được thăng thưởng cao thấp khác nhau.

Lời chua – Đình Lân: Người xã Lương Xá, huyện Chương Đức.

Tháng 5. Trịnh Cương tự gia phong là đại nguyên soái, tổng quốc chính, thượng sư thượng phụ, Uy nhân minh công thánh đức An vương.

Trịnh Cương phong cho con là Giang làm thế tử.

Lời chua – Chữ “Giang”: Lê sử tục biên chép “Khương”. Nay tham khảo Ngọc phả triều cố Lê và các sách khác, đổi là “Giang”. Từ đây trở xuống cũng chép là “Giang” cả.

Khôi phục quan chế đời Hồng Đức.

Quan chế đời Hồng Đức, cấp bậc rõ ràng, sau khi trung hưng phần nhiều có thay đổi. Đến nay, hạ lệnh: Phàm cất nhắc trao chức cho các quan, nhất luật theo quan chế đời Hồng Đức. Duy chức trọng yếu trong hàng đại thần được gia phong thì không câu nệ.

Lời cẩn án – Kiến văn lục của Lê Quý Đôn chép: “Quan chế đời Hồng Đức: Đặt thái sư, thái úy, thái phó, thái bảo, và thiếu sư, thiếu úy, thiếu bảo làm chức trọng yếu trong hàng đại thần. Còn văn ban từ chánh nhất phẩm đến cửu phẩm, võ ban từ chánh nhất phẩm đến tùng lục phẩm, thì cứ theo thứ tự mà thăng dần. Sau khi trung hưng, đặt đại tư đồ, đại tư mã, đại tư không, và tam thái, tam thiếu3016 , làm chức trọng yếu trong hàng đại thần được gia phong. Còn văn ban: thì phó đô (ngự sử) đứng dưới tả thị lang; thừa chỉ, Đông các đại học sĩ, tế tửu, thiêm đô (ngự sử) và thị độc đứng dưới hữu thị lang; võ ban, thì đô chỉ huy sứ, đồng tri và thiêm sự là phẩm trật thấp nhất. Đại khái quan chế đời trung hưng không giống với quan chế đã xếp đặt từ đời Hồng Đức. Đến năm Bảo Thái thứ nhất (1720), khôi phục quan chế cũ, về cấp bậc, phẩm trật, cất nhắc, trao chức nhất luật theo quan chế đời Hồng Đức. Duy các chức trọng yếu trong hàng đại thần được gia phong thì theo thể lệ đời trung hưng”. Nay xét quan chế đời Hồng Đức3017 : Chánh nhất phẩm: Thái sư, thái úy, thái phó, thái bảo, đấy là các chức trọng yếu trong hàng đại thần, các chức ấy đều là hàng văn hay hàng võ cũng đều theo như thế. Các chức dưới sắp xết như thế này: Về hàng văn: Tòng nhất phẩm, thái tử tam thái3018 và thái tử thái úy; Chánh nhị: tam thiếu và thiếu úy; tòng nhị: thượng thư sáu bộ; Chánh tam: đô ngự sử đài; Tòng tam: tả thị lang, hữu thị lang và thừa chính sứ; Chánh tứ: thừa chỉ và phó đô ngự sử; Tòng tứ: Đông các đại học sĩ, Quốc tử giám tế tửu; Chánh ngũ: thị độc, thiêm đô ngự sử, dưới nữa đến cửa phẩm; là các chức huấn đạo, chủ bạ và xiển giáo trong ty tăng lục hoặc đạo lục… Về hàng võ: Tòng nhất phẩm: tả đô đốc, hữu đô đốc; chánh nhị: đô hiệu điểm, đô đốc đồng tri; Tòng nhị: tả hiệu điểm, hữu hiệu điểm và tham đốc; Chánh tam: đô chỉ huy sứ, đô tổng binh sứ; Tòng tam: chỉ huy đồng tri, chỉ huy sứ; dưới nữa đến nhất phẩm: là các chức phó đô úy, phó vệ úy… Quan chế đời Hồng Đức như đã trình bày ở trên, phẩm trật cấp bậc rõ ràng, thuyên chuyển cất nhắc có thứ tự. Còn như quan chế đời Bảo Chế, đầu nói rằng nhất luật theo đời Hồng Đức, nhưng lúc ấy quyền bính về phủ chúa Trịnh, danh nghĩa chức phận đã không phân minh, thì cấp bậc trật tự còn làm thế nào mà nhất định được? ví dụ: Gia phong quan tước cho các chức trọng yếu đã không phù hợp với quan chế sắp xếp dưới đời Hồng Đức, trong quan chức đời Bảo Thái ấy, về văn giai có: tham tụng, bồi tụng và tri phiên, phó thiêm ở sáu phiên, về võ giai có: đô tướng, phó đô tướng, thự phủ, quyền phủ, quan ngoài các trấn có: đốc suất, đốc đồng, tổng phủ, lưu thủ, không thể nói hết được. Danh hiệu các chức đặt thêm ra hơn trước khá nhiều. Còn như nói rằng: “nhất luật theo quan chế đời Hồng Đức” chẳng qua chỉ nói đại khái về cấp bậc, phẩm trật thuyên chuyển cất nhắc mà thôi. Bổ dụng: Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Công Cơ và Lê Anh Tuấn cùng giữ chức tham tụng.

Từ lúc trung hưng trở về sau, các công việc phần nhiều cẩu thả đơn giản. Công Hãng giữ chính quyền, bàn định muốn thay đổi hết thảy. Trịnh Cương càng đem lòng ủy thác tin dùng.

Một đêm, giọt nước đồng hồ3019 mới bắt đầu trống canh năm3020 , Cương sai nội giám3021 triệu Công Hãng và Anh Tuấn vào trong phủ bàn định công việc. Lúc ấy hai người này còn ngũ chưa dậy, Cương ngồi để đợi. Khi bọn Công Hãng vào, Cương cười nói: “Vừa rồi ta cảnh giác trong giấc ngũ, từ đời xưa có bao giờ như thế không”. Bọn Công Hãng tạ lỗi nói: “Chúa thương lo nghĩ siêng năng mọi việc, tài trí chúng tôi kém cỏi tầm thường không có thể theo kịp được. Đến như việc giục giả răn bảo bầy tôi, cảnh giác trong lúc đêm khuya, thì việc này từ đời trước đến nay chưa bao giờ có”. Cương bèn bảo hai người ngồi, cho uống nước trà, ung dung hỏi han mọi việc, ngày đã muộn hai người mới ra về.

Định nghi thức về áo mặc.

Trước đây, quan lại, quân và dân, đồ mặc thường thông dụng thanh cát y3022 , đội khăn chữ đinh3023 . Đến nay, tham tụng Nguyễn Công Hãng bàn thay đổi lại: Phàm ngày thường vào triều vua, vào hầu chúa và người chấp sự thừa hành lễ nghi, áo mặc đều có thể thức, không ai được dùng vượt quá cấp bậc.

Nhân đấy, Công Hãng cùng chưởng phủ Trịnh Quán xin Cương khi tiếp kiến bầy tôi nên mặc áo sắc vàng. Cương bảo bọn này: “Ta nối giữ cơ nghiệp chúa, giúp rập nhà vua. Về sự tôn kính nhà vua, ta luôn luôn để trong bụng. Sắc vàng là đồ mặc của thiên tử, ta đâu dám dùng. Nay phủ liêu từ quan tứ phẩm trở lên dùng áo sa hoặc đoạn, thì về phần ta chỉ nên dùng sắc tía để phân biệt mà thôi.

Lời phê – Gọi Trịnh Cương bằng “chúa thượng”, xin Trịnh Cương mặc áo sắc vàng, thì Công Hãng là tên phạm tội đầu sỏ. Còn như Cương cũng theo thói cũ xưng là “sư phụ” mà còn nhúng nhường không mặc áo sắc vàng. Cái cách giả trá khéo léo của Cương cũng giống hết như Tào Tháo nhường trả ba huyện3024 . Cương toan lừa dối ai? Lời chua – Áo mặc: Lê sử tục biên chua: Hoàng thân và vương thân, áo mặc: mùa xuân, mùa hạ mặc sa tàu, mùa thu, mùa đông mặc đoạn tàu, đều màu trầm hương. Khăn, mùa xuân, mùa hạ dùng mã vĩ, mùa thu, mùa đông mặc đoạn huyền.

Quan văn, quan võ từ nhất phẩm đến tam phẩm, áo mặc: mùa xuân, mùa hạ dùng sa tầu, mùa thu, mùa đông dùng đoạn tầu, đều màu huyền. Khăn: quan viên dùng khăn nhiều trao (trùng diệp), quan võ dùng khăn một trao (đơn diệp). Áo và khăn của quan tứ phẩm cũng như thế, duy dùng sa và đoạn nam.

Nội giám, khăn: dùng bình đính, sau đổi làm lục lăng.

Các quan văn, võ và nội giám, phàm viên nào chấp sự thì khi hành lễ và khi làm việc đều dùng áo thanh cát, mũ sa đen. Vào hầu phủ chúa Trịnh cũng thế.

Ân xá.

Lúc ấy có tai biến về các vì sao, Tư thiên giám xin đổi niên hiệu. Triều đình bèn lấy tháng 8 năm ấy làm năm Bảo Thái thứ nhất, xá hai phần mười thuế vụ hạ năm nay; quan viên nếu có ai vô ý sai lầm phạm lỗi hoặc bị oan uổng chìm đắm, đều được cất nhắc bổ dụng.

Mồng một, tháng 7, mùa thu. Nhật thực.

Định ân lộc cho các quan văn, quan võ nghĩ việc quan về nhà.

Bàn định: các quan văn, quan võ vào hạng triều ban và nội giám, người nào được nghĩ việc, quan về nhà, sẽ cấp cho dân lộc có người nhiều người ít khác nhau.

Lời chua – Ân lộc: Kiến văn lục của Lê Quý Đôn chép: “Thể lệ cấp ấn lộc cho các quan nghĩ việc về nhà. Sử cũ không chép. Đầu năm Bảo Thái mới định thể lệ huệ dưỡng: Nhất phẩm trở lên, dân lộc 4,5 xã, sử tiền 400 quan, nhị phẩm 2,3 xã, sử tiền 300 quan hoặc 250 quan; tam phẩm 1,2 xả, sử tiền 200 quan hoặc 150 quan; tứ phẩm 1 xã, sử tiền 150 quan, ngũ phẩm một xã, sử tiền 100 quan (quan văn quan võ cùng như nhau).

Sử tiền: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XXI,2).

Tháng 8. Ban bố giáo điều cho trong kinh và ngoài các trấn.

Đại lược giáo điều nói: “Học trò siêng năng về nghề nghiệp, học hành, trước hết giảng giải cho sáng tỏ những điều lễ, nghĩa, trung, tín. Làm người phải giữ vững luân thường, người đồng tông một họ hoặc người tình thân bên họ ngoại không được kết hôn lẫn lộn với nhau. Quan và dân lễ nghi cách biệt không được ngạo mạn khinh nhờn. Đồ mặc đồ dùng ở dân gian không nên lấn vượt. Chớ quen với tập tục xấu mà đua nhau phao phí về cỗ bàn. Chớ mê hoặc dị đoan mà theo nhau chơi bời trễ biếng. Việc lễ bái cầu đảo phải có tiết độ theo mức trung bình, để tỏ phong tục sẻn nhặt. Gặp nhà có tang phải thương xót lẫn nhau, làm cho phong hoá của dân ngày một thuần hậu”. Giáo điều ban bố gồm 10 điều.

Lời phê – Vẫn làm văn từ hão huyền. Tháng 10, mùa đông. Bắt đầu phát đầu bài thi hương cho bốn trấn. Thêm ngạch lấy đỗ cho trường thi Sơn Nam.

Theo chế độ cũ, trường thi hương ở các trấn đều do quan trường ra đầu bài. Nay Trịnh Cương lấy cớ rằng việc quyết định khoa danh của học trò là ở hai kỳ đệ tam và đệ tứ, bèn hạ lệnh cho bầy tôi có văn học nghĩa soạn đầu bài thi ở trong phủ, rồi cho chạy trạm phân phát cho các trường. Còn hai trường thi Thanh, và Nghệ vì địa thế xa, nên vẫn theo chế độ cũ. Cương lại nhận thấy trường Sơn Nam số học trò đi thi so với khoa trước bội hơn, nên cho thêm ngạch lấy đỗ: Hương cống trước 60 người nay thêm 20 người nữa, sinh đỗ trước 600 người, nay thêm 200 người nữa. Việc này định thành thể lệ.

Tháng 11. Bắt đầu đánh thuế đồng và vỏ quế.

Trước đây, các sản vật: vỏ quế, muối và đồng, dân gian không được phép bán riêng. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đình hoãn lệnh cấm này, đến năm thứ 13 (1717) lại hạ lệnh: Đồng đỏ không được bán ra nước ngoài, nay bọn tham tụng Nguyễn Công Hãng kiến nghị: đồng và quế là sản vật của nhà nước, trước đây cho phép dân được mua bán riêng, như thế thì mối lợi về cả người buôn bán, mà không giúp ích cho việc tiêu dùng chung. Vì thế, mới định phép đánh thuế: Triều đình cử viên quan trông coi việc này, phàm người nào buôn đồng hoặc bóc vỏ quế, khi đi khi về đều phải có giấy tờ khám nghiệm để làm bằng chứng. Nếu trao đổi cho khách buôn nước ngoài, phải đợi lệnh chỉ của chúa mới được cấp phát giấy tờ; nếu mua bán ở trong nước, thì xin giấy viên giám đương3025 cấp phát để làm bằng chứng. Cấm vận chở lén lút hoặc làm sự vụng trộm.

Tân Sửu, năm thứ 2 (1721). (Thanh, năm Khang Hy thứ 60).

Tháng giêng, mùa xuân. Bãi bỏ hình luật chặt ngón tay.

Theo luật quốc triều (triều Lê), pháp luật thường hành có 5 hình danh. Gần đây hình phạt chặt ngón tay, dùng phép quá nặng. Bèn hạ lệnh: Những phạm nhân bị luận vào tội chặt ngón tay rồi đày (lưu) đi một nơi, nay đều giảm xuống làm tội đồ cư tác3026 , niên hạn định theo tội phạm năng hay nhẹ: phạm nhân phải luận vào tội chặt hai tay và lưu đi Viễn Châu, nay đổi làm tội đồ cư tác chung thân;

phạm nhân phải luận vào tội chặt một tay và lưu đi ngoại châu, nay đổi làm tội đồ cư tác 12 năm; phạm nhân phải luận vào tội chặt 2 ngón tay và lưu đi cận châu, nay đổi làm tội đồ cư tác 6 năm. Những người phạm tội trộm, cướp không theo thể lệ này.

Lời chua – Năm hình danh (ngũ hình): “Hình luật chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép về danh lệ hình pháp triều cố Lê:

– Tội đánh bằng roi có 5 bậc: từ 10 roi đến 50 roi.

– Tội đánh bằng trượng có 5 bậc: từ 60 trượng đến 100 trượng.

– Tội đồ có 3 bậc: đồ làm người phục dịch công việc nặng nhọc (đồ dịch đinh), đồ làm lính chăn voi, đồ làm lính đồn điền.

– Tội lưu có 3 bậc: lưu đi cận châu, lưu đi ngoại châu, lưu đi viễn châu3027 .

– Tội xử tử có 3 bậc: xử bằng thắt cổ hoặc chém đầu, xử bằng bêu đầu, xử bằng tùng xẻo (lăng, trì).

Năm hình danh đều dựa theo hình luật triều Minh, triều Thanh (Trung Quốc) rồi châm chước để thi hành.

Tháng 5, mùa hạ. Động đất.

Không mưa.

Đã lâu không mưa, giá gạo cao vọt, bèn hạ lệnh cho quan và dân: người nào nộp tiền hoặc thóc sẽ được thăng bổ quan chức, để lấy tiền thóc phát chẩn cho dân.

Lúc ấy dân trong kinh kỳ dùng lời đồn phao làm cho nhau ghi ngờ sợ hãi, họ tranh nhau vận chuyển của cải, dắt díu gia quyến về làng, người trước người sau lũ lượt kéo ra cửa thành. Triều đình phải hạ lệnh cho viên đề lãnh cấm tráp nghiêm ngặt, mãi sau mới yên được.

Tháng 8, mùa thu. Định phép học võ và thi võ.

Lúc ấy, nhân thái bình đã lâu, việc binh bị có phần biếng nhác. Triều đình bèn sắp xếp nơi học tập việc võ, đặt chức giáo thụ để dạy bảo. Con cháu công thần và con cháu bầy tôi đều cho vào nhà võ học, để học tập chiến lược trong Võ Kinh và các môn võ nghệ. Hàng tháng thi tiểu tập, bốn tháng trọng3028 , thi đại tập; mùa xuân mùa thu tập môn võ nghệ, mùa đông, mùa hạ giảng bàn Võ Kinh. Viên giáo thụ đề cử người nào trúng tuyển sẽ được bổ dụng. Lại chuẩn định 3 năm một lần thi võ, phàm dân đinh ai có tài trí hơn người cũng được dự thi. Phép thi: trước hết hỏi sơ lược về đại nghĩa trong sách Tôn tử3029 , người nào thông hiểu nghĩa sách sẽ được vào thi khảo về võ nghệ: 1. Cưỡi ngựa múa đâu mâu; 2. Đấu kiếm, lân khiên; 3. Múa siêu đao; kỳ trót thi về phương pháp mưu mẹo việc binh. Ai trúng cách sẽ được dẫn vào sân phủ chúa thi phúc hạch, rồi tùy tài cao thấp theo thứ tự bổ dụng.

Định rõ quy chế việc học và phép thi khảo.

Trường Quốc học: dùng tế tửu và tư nghiệp giữ chức quan giảng dạy. Con cháu các côn thần văn, võ đều được vào học cùng với các học trò khác. Mỗi tháng có một kỳ tiểu tập, thi khảo học trò đã được vào học, việc này do giáo thụ và học chính quản lĩnh; bốn tháng trọng có một kỳ đại tập, thi khảo có học sinh và hương cống, việc này do viên quan ở Quốc tử giám chịu trách nhiệm. Người nào thi bốn kỳ3030 đều trúng tuyển, thì viên quan ở Quốc tử giám đứng bảo cử, bộ Lại sẽ theo thứ tự cất nhắc bổ dụng.

Trường hương học: Viên hiệu quan3031 chuyên giữ việc dạy bảo sinh đồ và đồng sinh3032 có tài trí trong phủ mình. Mỗi năm, hai kỳ thi khảo. Người nào trúng 8 kỳ thi khảo, nếu người ấy là sinh đồ sẽ được miễn các kỳ thi khảo hằng năm, nếu là đồng sinh sẽ được đi thi hương: huyện lớn 200 người, huyện vừa 150 người, huyện nhỏ 100 người, trước hết do viên huyện phúc khảo, chọn lấy người trội nhất gọi là “toát vưu”, sau do viên phủ và hai ty Thừa chính Hiến sát phúc khảo lại để định từng hạng: người nào nghĩa lý về văn bài có phần trội hơn gọi là hạng “sảo thông”, người nào có phần kém một chút gọi là hạng “thứ thông”. Sau khi đã chia từng hạng rồi, nếu có người nào chưa vừa ý, được phép tự mình khiếu tố so sánh, để ấn định người hơn, người kém.

Lời chua – Viên quan ở Quốc tử giám: Xem Lê Hi Tông năm Chính Hòa thứ 4 (Chb. XXXIV, 32).

Tháng 10, mùa đông. Bàn định phép thuế khóa và lực dịch.

Trịnh Cương hạ lệnh cho bọn chấp chính3033 bàn định về thuế khóa và lực dịch. Cương nói: “Ta thấy chế độ các đời trước thu lấy của cải của ở dân thường không giống nhau, nhưng chỉ có ba thứ thuế: tô dung và điệu3034 là đúng hơn cả. Nay về tô ruộng và sổ đinh hương bàn luận để định cách thay đổi, thì về phần thuế điệu dịch cũng nên thương lượng để thi hành một thể. Ngoài ba thứ thuế ấy ra, những dao dịch khác và thuế khóa vụng vặt, nhất luật đều ngừng lại hoặc bớt đi. Đời cổ, định sự chi dùng trong nước, thì cân nhắc số thu vào để trù tính số thi chi ra, nhưng bây giờ nên trước hết tính số chi ra, rồi sau sẽ định số cho dân phải nộp. Các ông đều nên suy xét cho chín rồi trình bày từng đều mục, để theo thứ tự thi hành”.

Lời phê – Chỉ nghe thấy nói, chưa thấy thực hành.

Giảm bớt các quan trong hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện ở các trấn ngoài biên giới.

Trịnh Cương hạ lệnh nói: Nhà Đường, Nhà Ngu, ngoài số quan ở chín châu3035 , chỉ đặt 5 viên quan trưởng; nhà Thành Chu, viên quan giữ cương vực đều đặt một chức giám. Như vậy đủ biết, muốn cho công việc được chỉnh đốn, không phải ở chỗ đặt nhiều chức quan.

Nay dân ở biên giới bị phiêu tán, làng xóm tiêu điều, nếu không giảm bớt số viên chức đi, thì cung cấp về bổng lộc, sự phiền nhiễu về đưa đón làm thế nào cho đủ được? Vậy các quan trong hai ty Thừa chính, Hiến sát phủ huyện ở các trấn Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Lạng Sơn đều tạm bớt đi, công việc của các viên quan ấy giao cả cho ty Trấn thủ nhận giữ. Duy hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ Phú Bình cùng 7 huyện Tư Nông, Động Hỷ, Bình Tuyền, Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ, Văn Lãng thuộc Thái Nguyên, địa thế liền với trấn3036 không thể ví như nơi biên viễn khác được, viên chức ở các nơi ấy vẫn phải đến lỵ sở giữ chức phận như cũ. Ngoài ra, châu Vũ Nhai, huyện Đinh Hóa thuộc phủ Phú Bình, và phủ Thông Hóa, huyện Cảm Hóa, châu Bạch Thông đều là những địa điểm ở xa, khí hậu phần nhiều lam chướng, đều theo lệnh đình bãi.

Lời chua – Năm viên quan trưởng: Thiên “Ích tắc” trong sách Thượng thư chép: “Chín châu, mỗi châu có 12 viên quan đứng đầu các nước chư hầu3037 , ngoài ra bốn mặt của chín châu liền với bốn biển, đều đặt 5 quan trưởng”.

Để làm sáng tỏ đoạn văn đã dẫn ở trên, “Tập truyên” họ Thái3038 giải nghĩa như thế này: “Bên ngoài chín châu liền với bốn biển, mỗi phương đều đặt năm người để làm chức quan trưởng”.

Một chức giám: Sách Chu Lễ chép về chức phận quan đại tư mã: “Đặt quan mục, lập quan giám, để trông nom giữ gìn công việc trong nước”.

Để làm sáng tỏ thế nào là chức quan giám, Lâm Thị Y3039 giải nghĩa: “Giám là viên quan trưởng trong một thuộc, hoặc viên quan súy trong một liên”.

Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc.

Cao Bằng: Nguyên trước thuộc Ninh Sóc.

Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Lạng Sơn: đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 30-32, 35).

Phủ Phú Bình:3040 đặt từ triều Lê.

Tư Nông, Đại Từ3041 : Nguyên đặt từ hồi thuộc Minh, triều Lê vẫn theo như thế.

Động Hỷ: 3042 Hồi đầu triều Lê gọi là Đồng Hỷ, sau đổi là Động Hỷ.

Bình Tuyền: 3043 Nhà Minh gọi Bình Nguyên; nhà Lê đổi Bình Tuyền; bây giờ là Bình Xuyên.

Phổ Yên:3044 Xem Lê Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 17 (Chb. XXX, 6).

Phú Lương:3045 Nhà Lý gọi là phủ Phú Lương; thuộc Minh gọi là huyện; nhà Lê vẫn theo như thế.

Văn Lãng3046 : Đặt từ triều Lê.

Vũ Nhai3047 : Tức Vạn Nhai, xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 5 (Chb. II, 43).

– Theo Khổng Dĩnh Đạt, thì 2.500 người là một sư, mỗi châu 12 sư, tức 3 vạn người, số người này dùng vào việc trị thủy của vua Hạ Vũ.

– Theo Trịnh Huyền, thì cứ một năm nước có một chức sư. Sư là chức quan đứng đầu các nước chư hầu, để giúp vua Nghêu cai trị thiên hạ.

Ở đây Trịnh Cương hạ lệnh giảm bớt quan chức, mà lời chua của Cương mục dẫn câu này để giải nghĩa, thì Cương mục cũng theo như thuyết của Trịnh Huyền. Vì thế chúng tôi dịch là “mỗi câu có 12 chức sư đứng đầu các nước chư hầu” cho hợp với nghĩa của Cương mục.

Định Hóa:3048 Thuộc Minh là tỉnh Tuyên Hóa, hồi đầu triều Lê là châu Tuyên Hóa, sau đổi Đinh Hóa; bây giờ là Định Châu.

Phủ Thông Hóa:3049 đặt từ triều Lê.

Huyện Cảm Hóa:3050 Nguyên đặt từ hồi thuộc Minh; nhà Lê vẫn theo như thế.

Châu Bạch Thông:3051 tức Vĩnh Thông.

Định Hóa, Bạch Thông và Cảm Hóa: Đều xem Lý Thái Tông, năm Thiên cảm thánh vũ thứ nhất (Chb. III, 11).

Bắt đầu bổ dụng bồi tụng Đinh Phụ Ích giữ chức đốc trấn Lạng Sơn.

Trước đây, viên quan ở Trấn ty các xứ, chuyên bổ dụng quan võ. Đến nay bổ dụng Phu Ích làm đốc trấn. Quan văn giữ chức đốc trấn bắc đầu từ đây.

Tháng 12. Định rõ lại ngạch lính.

Trịnh Cương hạ lệnh nói: Triều ta lúc bắt đầu mở nước, sắp xếp ngạch lính, đặt từng vệ, từng sở, lựa chọn dân đinh để bổ sung vào quân ngũ. Từ lúc trung hưng, dùng binh lính Thanh Nghệ diệt hết giặc Mạc, khôi phục được đất nước, rồi giữ luôn binh lính ấy đóng ở kinh đô để đủ số lính chờ chực và bảo vệ hoàng thành; còn binh lính ở bốn trấn, chỉ giữ có ngạch không, lúc có việc mới bắt tụ hợp để phân phối, xong việc lại cho trở về làm ruộng. Mới đây, vì luôn mấy năm bị kém đói, số đinh giảm sút, quan trên phải hàng ngày truy tầm bắt lính, dân gian phải khổ sở về việc thay thế. Nay muốn khôi phục chế độ xưa, theo như quy chế đã sẵn có, châm chước thêm bớt cho được công bằng, cốt làm cho dân hai xứ được yên vui về việc đỡ phải gánh vác binh lính, mà dân bốn trấn cùng theo một sự điều khiển như thân người sai khiến cánh tay. Muốn như thế, thì ngay bây giờ phải định thể lệ, rồi theo thứ tự mà thi hành: ở hai xứ, nơi nào phải chịu lính quá nặng nay được giảm bớt đi; ở bốn trấn, nơi nào có ruộng công nay phải tuyển tráng đinh sung vào đội ngũ, cấp ruộng công cho họ để làm lương ăn, nơi nào không có ruộng công thì châm chước theo với ngạch cũ, mà liệu lượng cho về làm ruộng.

Trịnh Cương bèn rạ lệnh: Tuyển lính ở bốn trấn, cứ 5 suất đinh lấy một người, ghi tên lệ thuộc vào số quân. Cương lại nhận thấy trước kia tuyển lính ở Thanh Nghệ cứ 3 suất đinh lấy một tên lính, nay hạ lệnh cho quan địa phương tra xét số hộ, số khẩu nơi nào tăng lên, nơi nào sút kém, chia ra từng hạng, khi tuyển lính đều được theo điển lệ khoan hồng, định lệ 5 suất đinh lấy một người lính. Những lính được dẫn tuyển phải kén người mạnh khỏe và là nhà vật lực.

Lời cẩn án – Binh lính cần dùng để bảo vệ nước, trong nước, không thể một ngày mà không có binh lính được, chỉ cốt người trên xếp đặt cho có phương pháp, quản trị cho được đúng đường lối mà thôi. Chế độ “lương quân” triều nhà Hán3052 , chế độ “phủ vệ” triều nhà Đường3053 đều là làm cho quân trong kinh sư, quân ngoài biên trấn liên hệ với nhau, người mạnh, người yếu chống đỡ lẫn cho nhau, mà không xảy ra mối lo nặng nhẹ thiên lệch. Triều Hậu Lê chuyên lấy lính ở Thanh Nghệ, nuôi dưỡng lính thì cấp cho ruộng công, ưu đãi lính thì thưởng cho chức sắc; lúc ấy tuy có kén lính ở bốn trấn, cũng chỉ có ngạch lính hão huyển mà thôi. Vì thế mà làm cho lính Thanh Nghệ sinh kêu căng, không thể nào ngăn cấm được. Sự thế đến như vậy, đấy là lẽ tất nhiên.

Lời chua – Ngạch lính: “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: Hồi đầu triều Lê, Thái Tổ chia quân Thiết đột làm trung,tiền, hậu, tả, hữu đều có chức hành quân tổng quản; lại đặt 14 vệ Thiết đột, số lính cộng 25 vạn. Sau khi bình định được cả nước, cho 15 vạn về làm ruộng3054 chỉ để lại 10 vạn, ghi tên lệ thuộc vào sổ binh lính. Lại đặt vệ quân ở 5 đạo là các đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây3055 . Đến hồi trung hưng đánh nhà Mạc, số lính chỉ có hơn 5 vạn 6 ngàn người.

Bắt đầu thi hành phép đánh thuế muối.

Thể lệ đánh thuế định như sau:

Đặt chức giám đương3056 trông coi. Phàm dân miền biển người nấu muối gọi là “táo đinh”, người buôn muối gọi là “diêm hộ”, đều thuộc miễn thuế khóa và dao dịch. Số muối đã nấu ra sẽ liệu lượng đánh thuế hai phần mười làm muối công. Người diêm hộ phải có chứng chỉ của viên giám đương mới được vào trường xưởng mua muối; trước mua muối công, sau mới đến muối của táo đinh. Việc mua hoặc bán đều phải có giấy tờ làm bằng cứ.

Lời cẩn án – Muối là thứ ăn cần thiết của dân, cũng như rau, đậu, lúa, gạo, không thể một ngày nào thiếu được. Dân vùng ven biển, một nửa ở vào nơi đồng chua nước mặn, ruộng đất có thể cày cấy không được bao nhiêu, hàng ngày chờ để sinh sống chỉ trông vào mối lợi muối mắm mà thôi. Nay lại đặt phép đánh thuế, nào là phân biệt ra hạng diêm hộ và táo đinh, nào là phiền nhiễu vể chứng chỉ của giám đương và giấy tờ mua bán. Làm như thế, thì dân vùng ven biển còn trông nhờ vào đâu được nữa? Lúc ấy, đặt ra cửa ải bến đò, thuế đánh đã nặng, nay thi hành việc đánh thuế muối lại cướp mất mối lợi của dân. Chính sách này đều là theo trí thuật cũ rích của Tăng Hoằng Dương và Khổng Cận3057 Hạ lệnh cho bầy tôi nho học sung chức giảng dụ hoàng tử.


2970 Một danh từ để gọi chung con gái vua chúa.

2971 Nguyên văn chép: “Lao bồn địa”, không rõ có phải tên đất Lao Bồn hay còn một nghĩa khác nữa. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, thì trong sử liệu chỉ có Bồn Man hoặc Tôn Bồn Man, không có chỗ nào là Lao Bồn cả. Bồn Man: Hồi đầu triều Lê, họ Cầm vẫn được nối đời làm tù trưởng. Dưới triều Lê Thánh Tông, Cầm Công cấu kết với Lão Qua chống Công, lấy đất Bồn Man đặt phủ Trấn Ninh (xem thêm Chính biên quyển XXIII tờ 28, 31).

2972 Từ đây cho hết niên kỷ Lê Dụ Tông, Sử Cương mục không chỗ nào chép việc này. Tham khảo Lịch triều tạp kỷ, thì năm Vĩnh Thịnh thứ 14, Trịnh Cương đem người con gái tôn thất gả cho triều phúc, thổ tù Ai Lao. Cương hạ lệnh cho bọn nội giám (hoạn quan) Kiều Hữu Luân đem quốc thư cùng đi với sứ thần Ai Lao hộ vệ đưa người con gái ấy đến nước Ai Lao. Khi đưa đến phủ Trấn Yên (tức Trấn Ninh) phải báo ngay Phì Xà (phong tục người Man gọi là tù trưởng Phì Xà), tức Triều Phúc đem dân phu đón rước. Khi đến đầu biên giới Ai Lao, phải đợi Triều Phúc thân đến đón tiếp, sẽ hộ vệ đưa đến kinh thành Ai Lao, rồi ban cho quốc thư và tuyên truyền dụ bảo ân tín của triều đình, để lễ hôn nhân được long lọng.

2973 Cương mục chua lầm. Theo thể lệ phong ấm triều Lê, thì con gái của hoàng tử phong quận thượng chúa, con gái của hoàng thái tôn mới phong là quận chúa.

2974 Nơi nào ruộng đất tốt, cày cấy thuận tiện, phong tục thuần hậu, ít kiện tụng, trong hạt ít xảy ra trộm cướp, nhân dân không bị phiêu lưu. Nói tóm lại: Công việc nhẹ nhàng không vất vã bận rộn như những nơi tối yếu khuyết, yếu khuyết, trung khuyết, gọi là giản khuyết. Xem thêm chú thích số 1 tờ 19 trong cuốn này.

2975 Xem thêm Chính biên quyển XXXIV, tờ 38.

2976 Một danh từ để gọi quan chức có quyền trông coi các viên quan phủ huyện. Ở đây chỉ Hiến sát và Thừa chính.

2977 Thú: tức thái thú, một danh từ để gọi viên tri phủ, lệnh: tức lệnh doãn, một danh từ để gọi viên tri huyện.

2978 Nay sông theo thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.

2979 Huyện Bạch Hạc nay là huyện Vĩnh Tường tĩnh Vĩnh Phúc.

2980 Ba Lạt: Viết theo Hán văn. Riêng về chữ “Lạt” nguyên văn trong cương mục chua như thế này: “Trong tự điển và Khảo dị, bổ đi đều không có chữ này, ngờ là chữ “lạt” vì là cửa biển nên chấm thủy ở bên cạnh.

2981 Địa phận phủ Lý Nhân nay thuộc tỉnh Hà Nam.

2982 Xem thêm Chính biên quyển VI, tờ 31.

2983 Nay là huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa.

2984 Quan: đàn ông không có vợ. Quả: đàn bà không có chồng. Cô: trẻ con mồ côi. Độc: người già không có con, không thể nương tựa vào đâu được. Phế tật: một mắt bị mù, một chi thể bị hỏng.

2985 Trịnh Vĩnh, con cả Trịnh Căn. Trịnh Bính con cả Trịnh Vĩnh, đều mất sớm, xem thêm Chính biên quyển XXXIV, tờ 50.

2986 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXIII, tờ 21.

2987 Câu này Sử Cương mục chép không được rõ ràng, vì chỉ nói “theo chế độ cũ” thì không hiểu chế độ cũ thế nào. Tham khảo Lịch triều tạp kỷ chép: “Các quan hai ty Thừa chính, Hiến sát ở Tuyên Quang và Lạng Sơn cũng nên bắt phải đến lỵ sở làm việc, nhất luật theo chế độ cũ”. Chép như thế có phần rõ hơn.

2988 Tức đô tổng binh sứ ty, nói tắt.

2989 Xem thêm Chính biên quyển XXX,9,10,28; XXXIII,28; XXXIV,21,22.

2990 Đất huyện Hương Sơn cũ, nay thuộc hai huyện Hương Sơn và Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

2991 Xem Chb. XXIII, tờ 29, 31.

2992 Năm Cảnh Trị thứ nhất, triều đình nhà Lê mới bắt đầu sai sứ thần là bọn Lê Hiệu, Dương Hạo và Đồng Tôn Trạch sang giao hảo với triều đình nhà Thanh, việc này sử Cương mục và sách Việt thuật cũng chép như nhau. Còn lễ cống, thì ngoài phẩm vật đã chép trong sử Cương mục, sách Việt thuật còn cho ta biết những phẩm vật này: 60 cân trầm hương, 148 cân tốc hương, 30 cân giáng chân hương, 50 kiện bạch truật hương, 8000 nén hương đen và 200 tấm lụa thổ màu trắng. Nay trong chiếu chỉ của vua nhà Thanh chỉ nói miễn cho tê giác và ngà voi. Vậy thì còn những phẩm vật nói trên không rõ có được miễn hay không, mà trong chiếu chỉ không thấy nói đến. Sách Việt thuật lại còn cho ta biết; lúc ấy nhà Thanh vừa nhận lễ cống của vua Lê lại vừa nhận lễ cống của Mạc Kính Diệu ở Cao Bằng nữa.

2993 Nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

2994 Nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

2995 Nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

2996 Tỉnh Hải Dương.

2997 Trùng Quán: nay thuộc xã Vân Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

2998 Đất huyện Đông Ngàn cũ, nay thuộc các huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh), Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, (Hà Nội).

2999 Thời đại phong kiến chia địa phương nhiều việc hoặc ít việc để bổ quan, họ định 4 tiêu chuẩn là: xung, phiền, bì, nan. a. Xung : Địa phương gần kinh kỳ, nhiều việc sai phái;- Thuyền bè, xe cộ tụ họp, nhân vật phức tạp, thường sinh sự đánh nhau và trộm cắp;- ven biển, ven rừng, nhiều chỗ hiểm trở, trộm giặc thường lẩn lút cướp bóc của dân;- Địa giới tiếp giáp trấn khác hoặc bộ lạc người Man, trộm cướp bất thần vượt qua biên cảnh để quấy rối;- Địa phận có đường cái, nhiều cầu cống, thường phải chuyển đệ giấy tờ và tài sản công;- Địa phận có đê công, phải khẩn cầu để phòng trong khi mưa nhiều, nước lũ. b. Phiền: Đất rộng người nhiều, việc binh lượng nhiều hơn hạt khác; phải khó nhọc về việc bắt bớ thúc giục;- Kiện tụng nhiều, phải bận rộn về việc tra hỏi về án từ. c. Bì: Đất nhiều sỏi đất hoặc chua mặn, cày cấy tốn công, hoa lợi được ít;- Đất nhiều nơi khô rắn hoặc trũng thấp, động có mưa, nắng, hoa mầu đã bị tổn hại, do đấy mà thuế khóa khó thu được đầy đủ. d. Nan: Dân nhiều người du thủ du thực, thường sinh trộm cướp;- Dân nhiều người điêu toa, lại dịch nhiều người giảo quyệt, xui nguyên giục bị, chia thành bè đảng, làm hại lẫn nhau, để đến nổi sinh nhiều án mạng;- Bọn hào cường tạ sư đục khoét, để đến nổi binh trốn, thuế thiếu, phải bận rộn về sự bắt bớ mà vẫn không được đủ ngạch. Địa phương nào có cả bốn tiêu chuẩn kể trên, gọi là tốt yếu khuyết: có ba trong bốn tiêu chuẩn ấy gọi là yếu khuyết; có hai trong bốn tiêu chuẩn ấy gọi là trung khuyết; có một hoặc không có tiêu chuẩn nào gọi là giản khuyết (Đại nam hội điển sự lệ quyển XIII, tờ 7, 8).

3000 Tỉnh Thanh Hóa.

3001 Nay thuộc xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

3002 Xem thêm Chính biên quyển XXXIII, tờ 29.

3003 Xem chú thích ở Chính biên quyển XIX, tờ 12.

3004 Tỉnh Nghệ An.

3005 Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ và Công bộ.

3006 Đại lý tự, Thái thường tự, Quan lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự và Thượng bảo tự.

3007 Một danh từ để gọi những văn thư tấu sớ dâng lên triều đình, vì e có sự tiết lộ, nên khi dâng nộp, bỏ văn thư tấu sớ vào một cái bao rồi gói kín lại, gọi là phong sự.

3008 Nay là xã Lãng Ngâm, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

3009 Nay là huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

3010 Nay là một phần của huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

3011 Nay là một phần của huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

3012 Xem thêm Chính biên quyển XV, tờ 13.

3013 Xem thêm Chính biên quyển XIX, tờ 29.

3014 Xem thêm Chính biên quyển XXXII, tờ 23.

3015 Xem thêm Chính biên quyển XXXII, tờ 29.

3016 Trên chép: Thái sư, thái úy, thái phó, thái bảo, và thiếu sư, thiếu úy, thiếu phó, thiếu bảo, thế là bốn chức “thái” và 4 chức “thiếu”, ở đây lại chép “tam thái, tam thiếu”. Vậy còn một chức nào đó trong các chức kể trên không liệt vào danh từ “tam thái, tam miếu”. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, thì đời cổ Trung Quốc: Thái sư, thái phó, thái bảo gọi là “tam công”, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo gọi là “tam cô”. Triều Lê không dùng danh từ “tam công, tam cô” mà gọi là “tam thái, tam thiếu”. Lại phần dưới (tờ 29) trong lời cẩn án này chép: “thái tử tam thái, và thái tử thái úy, tam thiếu và thiếu úy”. Như vậy, đủ rõ thái úy không đúng trong “tam thái” và thiếu úy không đúng trong “tam thiếu”.

3017 Xem thêm Chính biên quyển XXII, tờ 15, 24 về quan chế đời Hồng Đức.

3018 Tức thái tử, thái sư thái phó, thái tử thái bảo.

3019 Đời cổ chia một ngày một đêm ra 100 khắc. Muốn biết thì giờ, họ dùng một cái hồ bằng đồng, đáy hồ khoan một lỗ nhỏ, giữa hồ đựng một cái cây nhỏ có ghi 100 khắc để làm tiêu chí. Đem nước đổ đầy vào hồ, nước trong hồ sẽ theo lỗ nhỏ mà rỏ dần đi từng giọt, nước rỏ bớt dần đi, thì số ghi ở cái cây đựng giữa cái hồ cũng lộ dần ra. Trông vào số ghi đã lộ ra ấy sẽ biết lúc ấy là giờ gì (tý hay sửu…).

3020 Phỏng vào quãng cuối 3 giờ.

3021 Tức hoạn quan.

3022 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXII, tờ 37.

3023 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển VIII, tờ 38.

3024 Một nhân vật nổi tiếng thời Tam quốc. Tháo làm thừa tướng nhà Hán, nhưng choán hết quyền bính và uy hiếp Hán đế. Tháo được ăn lộc bốn vạn hộ của bốn huyện. Tháo nói: “Tôi không có tài đức gì xứng đáng với bổng lộc đã được phong, xin trả lại ba huyện”. (Thông giám tập lãm quyển XXVII, tờ 8).

3025 Một danh từ để gọi chức quan đặt tạm thời. Ở đây chỉ viên quan giữ việc trông coi, về đồng và quế (Xem thêm lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXVII, tờ 27).

3026 Phạm nhân bị giữ ở chỗ bị đày theo thời hạn đã định trong án văn và phải làm mọi việc nặng nhọc.

3027 Xem thêm lời chua cận châu, viễn châu và ngoại châu, Chính biên quyển XV, tờ 10.

3028 Tháng 2: trọng xuân; tháng 5: trọng hạ; tháng 8: trọng thu; tháng 11: trọng đông.

3029 Một bộ sách gồm 13 thiên do Tôn Võ người thời Xuân Thu biên soạn.

3030 Chữ này Cương mục in lầm: “nội khóa” đúng ra phải là “tứ khóa” nghĩa là bốn kỳ thi: trọng xuân, trọng hạ, trọng thu và trọng đông.

3031 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXIV, tờ 8.

3032 Người học trò nào được đi thi hương, mà chưa vào học ở trường hương học, gọi chung là đồng sinh.

3033 Một danh từ để gọi các viên quan quyền cao chức trọng, đời phong kiến như tể tướng, thừa tướng… viên quan này có nhiệm vụ bàn định thi hành mọi việc chính trị trong nước, nên gọi là chấp chính. Ở đây chỉ phủ liêu trong phủ chúa Trịnh.

3034 Xem thêm Chính biên quyển XXXVI, tờ 10, 11, về phần mục có giải nghĩa 3 thứ thuế tô, dung và điệu của Trịnh Cương.

3035 Theo truyền thuyết: Đường Nghiêu (2357 tr. CN), Ngu Thuấn (2255-2208 tr. CN) hai ông vua đời thượng cổ Trung Quốc, lúc ấy chia trong nước làm chín châu là: Ký, Duyện, Thanh, Từ, Ứng, Dự, Lương, Kính , Dương.

3036 Tức bốn trấn giáp kinh kỳ Thăng Long. Lúc này vị trí Thái Nguyên giáp trấn Kinh Bắc và Sơn Tây.

3037 Nguyên văn chép: “Châu thập hữu nhị sư”. Câu này có 2 giải nghĩa:

3038 Tức Thái Trừng cũng gọi là Thái Trầm, học trò Chu Hy, Thái là một nhà đạo học đời Tống làm “tập truyện” sách Thượng thư.

3039 Chưa khảo cứu được tiểu sử.

3040 Nay gồm các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, phổ Yên (Thái Nguyên) và một phần huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

3041 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3042 Nt.

3043 Nay là một phần huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

3044 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3045 Nt.

3046 Nay thuộc tỉnh Lạng Sơn.

3047 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3048 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3049 Nay gồm các huyện Ngân Sơn, Ba Bể (Cao Bằng) và Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Cạn).

3050 Nay gồm các huyện Ngân Sơn (Cao Bằng) và Na Rì (Bắc Cạn).

3051 Nay gồm các huyện Ba Bể (Cao Bằng) và Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Cạn).

3052 Hán Văn Đế theo kế của Triều Thổ chia quân ngũ làm 5 hạng: một hạng chuyên đánh giữ ở đường rừng núi hiểm trở một hạng chuyên đánh giữ ở nơi đồng bằng, hai hạng quân lính này thường phối hợp với nhau để ngăn cản rợ hung nô xâm lấn.

3053 Nhà Đường chia trong nước làm 634 phủ, quân lính ở phủ đều lệ thuộc vào các vệ: Tả vệ, và Hữu vệ, mỗi vệ quản lĩnh quân lính 60 phủ, còn các vệ khác quản lĩnh quân lính từ 50 đến 40 phủ.

3054 Theo Chính biên quyển XV, tờ 19, thì số quân trong lúc đánh giặc Minh tất cả 35 vạn, sau khi trong nước đã bình định, cho 25 vạn về làm ruộng; số quân ấy so với số quân chép ở đây có phần chênh lệch. Ở trên (quyển XV) chép theo số quân trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên; ở đây, chép theo số quân ghi trong “Binh chế chí” (Lịch triều hiến chương) của Phan Huy Chú, không rõ sách nào chép đúng.

3055 Xem thêm Chính biên quyển XV, tờ 5.

3056 Xem thêm chú thích số 1, tờ 34 trong cuốn này.

3057 Hai người này đều giữ chức đại nông thừa, dưới triều Hán Vũ Đế (140-89Tr.C.N) đều trông coi việc muối và sắt ở trong nước.