Menu Đóng

Chính Biên 15

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XV

Từ Mậu Thân, Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) đến Quý Sửu, Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), gồm 6 năm.

Mậu Thân, Lê Thái Tổ Cao hoàng đế, năm Thuận Thiên thứ 1 (1428). (Minh, năm Tuyên Đức thứ 3).

Tháng giêng, mùa xuân. Trần chúa, tên là cao, lén đi Ngọc Ma. Quan quân đuổi kịp. Cao uống thuốc độc, chết.

Cao, khi đã được lập làm chúa, đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời đi Ninh Giang, rồi lại thiên đi thành Cổ Lộng. Quần thần đều nói với Bình Định vương rằng: “Cao không có công cán gì, sao lại để cho ăn trên ngồi trốc người ta! Xin trừ khử hắn đi”. Nhà vua không nỡ, đãi ngộ lại càng hậu hơn. Cao tự biết người nước không theo mình, bèn cất lẻn vượt biên, trốn đi Ngọc Ma. Quan quân đuổi theo, bắt được. Khi về đến thành Đông Quan, Cao uống thuốc độc, chết.

Sử cũ chua về việc Trần Cao: “Có thuyết cho rằng Cao tự biết người nước không phục, bèn dùng bọn Văn Nhuệ lén vượt biển, trốn đến ải Cổ Lộng. Nhà vua sai người đuổi theo, giết chết”.1486

Lời chua – Ngọc Ma: Xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chính biên XIII, 10).

Núi Không Lộ: Xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chính biên XIII, 34).

Ninh Giang: Theo sách của nhà Minh, thì năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) đặt ti Tuần kiểm ở cửa sông Ninh Giang thuộc Mỹ Lộc; nay thuộc huyện Vụ Bản, Thượng Nguyên và Mỹ Lộc.

Cổ Lộng: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 2 (Chính biên XII, 28).

Đông Quan: Tức Đông Đô. Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (Chính biên XI, 29).

Lập trường học.

Nhà vua khi mới lập quốc, để ý ngay đến việc gây dựng nhân tài: trong kinh thì lập Quốc Tử Giám, lựa con cháu nhà các quan và những người tuấn tú trong nhân dân sung làm giám sinh; ngoài các lộ thì lập trường học ở từng lộ, lựa các con em những nhà lương thiện trong dân gian sung làm lộ hiệu sinh1487 ; cử những nhà nho đáng làm thày đứng ra dạy dỗ.

Lời cẩn án – Sự việc này , Sử cũ không chép. Nay theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) đời Lê Thái Tổ có lập trường học, lại theo bài “Tiến sĩ đề danh bi” của Thân Nhân Trung, thì Thái Tổ khi đã dẹp yên cả nước, võ công đã hoàn thành, có hạ chiếu thiết lập trường học, gây dựng nhân tài. Và theo bài “Tiến sĩ đề danh bi” của Đỗ Nhuận, thì khi đặt niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433), bắt tay ngay vào công việc học chính. Vậy (nay căn cứ vào những tài liệu trên đây) xin bổ sung thêm.

Tháng 2. Ghi chép công trạng những công thần đã theo khởi nghĩa từ đất Lũng Nhai. Cho họ được phong tước có thứ bậc hơn kém khác nhau và được lấy theo họ Lê.

Nhà vua ra sắc lệnh rằng các tướng sĩ trong quân Thiết Đột là những người vất vả theo đòi từ lúc mới khởi nghĩa ở Lũng Nhai, nay được ghi chép công lao, sắp xếp thành thứ bậc gồm 221 người1488 :

Thứ nhất bọn Lê Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ồ 52 người được phong Vinh lộc đại phu, Tả Kim Ngô vệ đại tướng quân, tước thượng trí tự.

Thứ hai, bọn Lê Bồ, Lê Liệt, Lê Khả 72 người được phong Trung lượng đại phu, Phụng thần vệ tướng quân, tước đại trí tự.

Thứ ba, bọn Lê Trễ, Lê Nghiễn 94 người được phong Trung vũ đại phu, Câu kiềm vệ tướng quân, tước trí tự.

Tất cả những người trên đây đều được ban cho quốc tính1489 và thưởng tấm biển đề chữ “công thần”.

Lời phê – Bầy tôi có công được ban quốc tính là Hán Cao tổ ban cho Lâu Kính trước tiên. Việc làm ấy tuy cốt để tỏ ý thân mật trung hậu đối với công thần, nhưng đã mang tiếng là làm rối cả họ hàng nhà vua, không đủ để làm gương mẫu cho đời sau; huống chi nhà Lê lại cho quốc tính nhiều quá thế này thì nhàm lắm! Lời cẩn án – Sử cũ chép “Hành khiển Lê Cảnh Phụng trích”1490 nay tra tự điển thì âm là trích1491 nghĩa là hẹp. Lại như Tấn ngữ ( trong sách Quốc ngữ) có chép: “Tội nhẹ hơn thì dùng phép toàn trích”1492 Rồi tài liệu của Tấn ngữ này chú thích rằng “tức là thứ tội bị thích chữ”. Như thế là ý nghĩa không ăn hợp gì với việc phong thưởng công thần ở đây. Có người nói triều Thuận Thiên (1428-1433) tưởng lục công thần, ban cho mỗi người một tấm biển. Sử cũ cũng chép đời Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), tước hết những chữ “công thần” của bọn Lê Văn Linh1493 Như vậy có thể lấy đó làm chứng cớ. Lại xét: Năm Quang Thuận thứ 2 (1461), khắc chữ vào tấm biển đề biểu dương Nguyễn Dương là người “hiếu để”. Vậy thì việc khắc chữ vào biển, đương thời chép chữ Hán là “tạc”. Lời chua – Lũng Nhai: Nay đổi là thôn Lũng Mi, thuộc xã Lam Sơn, chỗ Lê Thái Tổ khởi nghĩa.

Thiết Đột: Theo “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì Lê Thái Tổ có tổ chức 14 vệ Thiết Đột, trong có vệ Kim Ngô, vệ Phụng Thần, vệ Châu Kiềm,…

Thượng trí tự: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú; thì năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) phong tước có thượng trí tự, đại trí tự và trí tự khác nhau.

Tháng 3. Sai sứ sang nhà Minh.

Trước đây, nhà vua sai bọn Lê Thiếu Dĩnh sang Minh xin lập con cháu họ Trần lên làm vua. Nhà Minh sai bọn Lễ Bộ tả thị lang Lý Kỳ, Công bộ hữu thị lang La Nhữ Kính, Hữu thông chính Hoàng Ký và Hồng lô tự khanh Từ Vĩnh Đạt đem tờ dụ và bài văn ân xá sang ta. Khi họ đến nơi thì Trần Cao đã chết rồi, bọn Lý Kỳ bèn cáo từ về nước. Nhà vua sai bọn Hộ bộ lang trung Lê Quốc Khí và Phạm Thành sang Minh đáp tạ, còn bọn Xu mật thiêm sự Hà Phủ và Hà Liễn đi cáo phó về việc Trần Cao chết.

Lời chua – Lê Quốc Khí: Người làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương1494 .

Phong tước cho con là Nguyên Long làm Lương quận công.

Sắp xếp ngôi thứ các công thần: Gia phong Nguyễn Trãi tước Quan phục hầu, Trần Hãn1495 làm Tả tướng quốc, Phạm Văn Xảo làm Thái úy. Mấy người này đều được cho lấy theo họ Lê.

Nhà vua nhóm họp tất cả các bầy tôi và quan liêu, sắp xếp thứ bậc cao thấp tùy theo công nhiều hay ít. Gia phong Nhập nội đại hành khiển Nguyễn Trãi tước quan phục hầu, tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc, xu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái úy.

Chia trong nước làm 5 đạo. Thiết lập các vệ quân, đặt Tổng quản và Hành khiển chia giữ sổ sách về quân và dân.

Trước kia, nhà vua ra Đông Đô, chia trong nước làm bốn đạo. Đến đây, trong nước đã yên hẳn rồi, lại đặt thêm đạo Hải Tây, cho Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa đều lệ thuộc vào đó. Ở đạo thì đặt vệ quân, ở vệ thì đặt Tổng quản. Đơn vị to và nhỏ cùng gìn giữ cho nhau, cấp bậc trên và dưới cùng ràng buộc lẫn nhau. Lại đặt Hành khiển1496 ở các đạo, chia giữ sổ sách quân và dân.

Lời chua – Năm đạo: Theo Địa dư chí trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì:

Các trấn Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Gia Hưng đều thuộc Tây Đạo;

Các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách thượng, Nam Sách hạ và trấn An Bang đều thuộc Đông Đạo;

Các trấn và các lộ Bắc Giang, Lạng Giang và Thái Nguyên đều thuộc Bắc Đạo;

Các lộ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương và Thiên Trường đều thuộc Nam Đạo;

Các lộ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa đều thuộc Tây Đạo;

Vệ quân: Các vệ Hồng Châu, Nam Sách và An Bang đều thuộc Đông Đạo;

Các vệ Tam Giang, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Gia Hưng đều thuộc Tây Đạo;

Các vệ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương và Thiên Trường đều thuộc Nam Đạo;

Các vệ Bắc Giang, Lạng Giang và Thái Nguyên đều thuộc Bắc Đạo;

Các vệ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa đều thuộc Hải Tây đạo.

Tổng quản: “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: “Ở vệ, đặt chức Tổng quản”. Và chua: “Có các chức tổng quản, đô tổng quản, đồng tổng quản,…”.

Hành khiển: “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: “Hành khiển ở năm đạo chia giữ các việc về sổ sách, đơn từ và kiện tụng quân sự, dân sự. Chức vị hành khiển (ở đạo) này ở vào hàng nhập nội đại hành khiển (trong triều), kém dưới tể tướng. Các quan chức ở đạo: đầu là hành khiển, thứ đến tham tri, đồng tri, chủ bạ và đạo thuộc,…

Tân Bình: Tức Địa Lý. Xem Lý Thánh Tông, năm Thuần Vũ thứ 1 (Chính biên III, 29).

Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 20, 21, 23, 24).

Nhà vua sai các quan chia nhau đi làm lễ cúng tế lăng tẩm các triều đại trước, thần linh các đền miếu và các núi sông.

Sai các quan chia đi cúng tế để khấn cáo với thần linh về việc cả nước đã được bình định.

Truy tôn các tổ khảo nhà vua.

Truy tôn ông là Thinh làm Hiển Tổ Chiêu đức Trạch hoàng đế, cha là Khoáng làm Tuyên tổ Hiến Văn Phúc hoàng đế, bà là Nguyễn Thị và mẹ là Trịnh Thị đều làm Hoàng hậu.

Trước kia, đời người cụ (tằng tổ), tên là Hối, nhà ở thôn Như Áng, giỏi về thuật phong thủy. Từng đi chơi Lam Sơn, thấy bầy chim bay lượn bên dưới núi này, Hối nói: “Đây là chỗ cảnh đẹp”. Rồi dời nhà ở tại đó. Chính mình siêng năng làm việc cày cấy, Hối giàu có mà hào phóng, trở thành đàn anh ở ấp này. Hối lấy vợ họ Nguyễn, sinh ra Thinh, tức là Hiển Tổ. Thinh nối được nghiệp nhà, trong tay có đến nghìn gia nhân. Lấy vợ họ Nguyễn, Thinh có hai trai: Con trưởng là Tòng, con thứ là Khoáng, tức là Tuyên Tổ. Khoáng lấy vợ họ Trịnh, sinh ba trai: Trưởng là Học, thứ hai là Trừ, rốt là nhà vua.

Lời chua – Lam Sơn: Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chính biên XIII, 2).

Như Áng: Tên thôn, nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa1497 .

Tháng tư, mùa hạ. Lê Lợi lên ngôi ở Đông Đô. Quốc hiệu là Đại Việt.

Nhà vua từ dinh Bồ Đề tiến vào thành Đông Quan, đóng đô tại đó. Bầy tôi dâng biểu khuyên mời lên ngôi Hoàng đế cho vị hiệu được chính thức. Nhà vua ban sắc dụ rằng: “Các vua Vũ, Thang, Văn, Vũ ngày xưa công đức lớn là thế, vậy mà chỉ xưng là vương thôi, huống chi trẫm nay, công đức nhỏ mọn mong manh, dám đâu nói đến Hoàng đế làm một tôn hiệu to tát?”. Rồi, đúng ngày rằm tháng 4 ấy, nhà vua lên ngôi ở điện Kính Thiên, xưng là Thuận Thiên thừa vận duệ văn anh vũ đại vương, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, quốc hiệu là Đại Việt.

Ra sắc dụ rằng: Phàm ai dâng thư bàn nói việc gì và các giấy tờ khế khoán đều phải tuân theo phép nước, viết đúng niên hiệu và quốc hiệu. Kẻ nào vi phạm, sẽ bị phạt trượng và biếm truất.

Lời chua – Bồ Đề: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 4).

Đại xá.

Ban chiếu cho trong nước:

– Tha hẳn hai năm điền tô và các thứ thuế vàng, bạc, đầm nước, đồi nương và bãi dâu. Nhân dân từ 70 tuổi trở lên được miễn sai dịch. Hạng con hiếu thảo, hạng vợ trinh tiết do quan hàng lộ tâu lên vua biết sẽ được biểu dương khen thưởng. Những nhà nào có người đi lính thì một suất trong nhà ấy được miễn sưu dịch.

– Phàm lăng tẩm các đế vương và đền thờ, phần mộ công thần các triều đại trước đều được tùy số cần mà cắt người làm việc quét tước.

– Trong các lộ hễ lộ nào bị thiệt hại vì binh hỏa thì do quan lộ sở tại đến khám xét điều tra cho rõ ràng, sẽ tùy liệu mà miễn tô thuế, tha sưu dịch thêm.

Sông Nhị có sản ra vàng.

Bầy tôi dâng biểu chúc mừng.

Lời phê – Tầm bậy! Dù có sản vàng đi nữa cũng chẳng quan hệ gì đến cuộc thống trị của đế vương. Lời chua – Sông Nhị: Tức sông Phú Lương. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chính biên II, 13).

Tặng phong Bình chương Lê Thạch là Trung Vũ vương, cho phụ thờ ở miếu đình nhà vua.

Thạch, là con người anh nhà vua, tính hiền hậu, ham đọc sách, có sức khoẻ tuyệt vời, khi ra trận, thường làm tiên phong, đánh đâu được đấy, lập được công to nhất trong trận chém Nguyễn Sao, đánh bật Trần Trí. Về sau khi chiến đấu với Ai Lao, Thạch giẫm phải chông, bị tử trận1498 . Nhà vua vô cùng thương tiếc. Khi trong nước đã yên hẳn, tưởng lục công thần ở Lũng Nhai, Thạch được tặng phong Nhập nội kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, rồi lại truy phong tước vương, cho phụ thờ ở miếu đình. Bấy giờ nghĩ đến những tướng đã chết vì việc nước, truy phong Lê Lễ làm Nhập nội tư đồ, Lê Triện làm Nhập nội tư mã.

Lời chua – Ai Lao: Xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tiền biên IV, 9-10).

Hạ chiếu cho các đại thần cử những người có thể làm nổi chức chuyển vận và chức trấn thủ nơi xung yếu, khai tên dâng lên cho vua biết.

Sắc sai các đại thần phải hết lòng xem xét, tiến cử và kê tên cho nhà vua biết để tuyển lấy chức huyện lệnh ở các lộ và trấn thủ những nơi xung yếu ở đầu nguồn và các cửa biển. Những chức quan này phải dùng hạng người tinh thục, tài năng, thanh liêm, chính trực.

Đúc ấn “Thuận Thiên”.

Sát hạch các viên thuộc ở trong Kinh đô và ngoài các lộ, chia làm ba bậc.

Sai đại thần sát hạch các viên thuộc ở trong kinh đô và ngoài các lộ: Bậc nhất là những người có tài cả văn lẫn võ; bậc nhì là người có học thức, minh mẫn; bậc ba là những người tinh thông phép viết và phép toán.

Quy định luật lệ.

Hạ lệnh cho quần thần bàn về chức vụ của các quan ở các lộ và các trấn. Lại quy định luật lệ về kiện tụng, điển lệ về tước phong và phẩm trật.

Lời chua – Chức quan ở các lộ, các trấn: Theo Lê sử lược đàm , thì Thái Tổ cắt đặt quan chức phần nhiều noi theo phép cũ của nhà Trần và nhà Hồ, lại dùng xen cả điển lệ nhà Minh. Các quan ở trấn và lộ, văn có chức An phủ, võ có chức Trâấn phủ, coi quản công việc thuộc về quân và dân. Theo “Chức quan chií” trong Lịch triều hiến

chương của Phan Huy Chú, thì các quan nhận chức ở ngoài, hàng lộ có An phủ sứ và An phủ phó sứ, hàng trấn có Tuyên phủ đại sứ và Tuyên phủ sứ.

Luật lệ về kiện tụng: Theo “Hình luật chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì hồi đầu đời Lê xen dùng cả luật pháp nhà Đường, đặt làm quy tắc và thể lệ hình danh: tội đánh bằng roi có 5 hạng; tội đồ có 3 hạng; tội lưu có 3 hạng, phân biệt ở chỗ là lưu đi cận châu (Nghệ An), viễn châu (Bố Chính) và ngoại châu (Tân Bình); tội xử tử có ba hạng.

Gặp trường hợp phạm nhân được vin vào một tiêu chuẩn trong bát nghị1499 thì trước hết phải tâu lên vua để xin cho bàn xét luận tội, bàn xét luận tội xong rồi, lại tâu lên vua để xin ý kiến định đoạt.

Hạng bầy tôi kỳ cựu có công lao (như đã theo khởi nghĩa, đã chịu gian khổ ở núi Chí Linh, chưa từng lẩn trốn lần nào) mắc tội đồ hoặc lưu, mà từ ngũ phẩm trở lên thì được miễn giam giữ và miễn bắt làm việc. Còn mọi người khác đều không được hưởng lệ miễn này. Con cháu những nhà được liệt vào hạng “nghị công”1500 mà phạm tội thì được vin vào công lao của ông cha, sẽ cho giảm nhẹ.

Quan viên, quân, dân nếu phạm tội mà là sơ hở lầm lỡ, thì từ tội lưu trở xuống được phép chuộc tội.

Phàm kẻ phạm tội đồ tội lưu, khi đang phát vãng ở dọc đường mà gặp dịp ân xá thì cũng được tha đúng như pháp luật.

Phàm người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống hoặc là phế tật1501 mà phạm tội lưu trở xuống thì được phép chuộc tội. Người từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống hoặc là hạng đốc tật1502 thì được giảm nhẹ dần dần.

Phàm kẻ can phạm mà tội chưa phát lộ, đã tự thú trước thì được tha tội.

Phàm kẻ lấy trộm tiền tài hoặc đồ vật của người ta mà biết thú tội và trả lại cho tài chủ1503 cũng được tha tội như đã lên quan mà tự thú.

Phàm kẻ lầm lỡ làm hỏng việc công mà biết tự kể ra, cũng được tha tội.

Phàm tố cáo được vua âm mưu làm phản, âm mưu làm những việc đại nghịch bất đạo và tố cáo kẻ nào đã tiết lộ việc trọng đại của nhà nước thì được thưởng tước ba tư1504 .

Phàm cáo tỏ được những vụ ẩn lậu ruộng đất và bãi phù sa thì được thưởng một phần ba mươi trong số ruộng đất và bãi đã phát giác ấy.

Phàm con cháu mà chịu đánh roi thay cho ông bà cha mẹ thì được giảm xuống một bậc.

Lại đặt thể lệ chuộc tội trượng1505 , đồ, lưu bằng tiền có tầng bậc khác nhau. Lại quy định 32 điều luật trong chương “Điền sản”.

Điều lệ tước phong và phẩm trật: Tức là chức quan văn võ. Xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chính biên XIII, 32-33).

Hạ lệnh cho các đại thần ai nấy tiến cử những người hiền lương, chân phương, chính trực.

Nhà vua dụ bảo hễ ai tiến cử được người xứng đáng thì cho thăng chức và ban thưởng; nếu vì chuyện tây vị chạy vạy, tiến cử người dở, sẽ bị khép tội theo luật lệ.

Nhà vua ra sắc chỉ hỏi các văn võ đại thần: “Trẫm có tài đức gì mà được Trời tựa? Tại sao làm nên được sự nghiệp lớn này? Vả lại, sự vụ trong triều bây giờ, việc nào nên trước, việc nào nên sau? Trong các bầy tôi ở triều đình, ai có thể gánh nổi trách nhiệm nặng nề, giao phó cho sứ mạng trọng đại ở ngoài nghìn dặm? Và ai có thể làm người phụ đạo Thái tử?”.

Tháng 10, mùa đông. Sai sứ sang nhà Minh.

Bấy giờ nhà Minh sai bọn La Nhữ Kính và Từ Vĩnh Đạt lại đem sắc thư sang dụ bảo bên ta phải tìm lập con cháu họ Trần và đòi ta phải trả lại nhà Minh đủ cả số quan lại quân lính đã bị bắt và số võ khí đã bị giữ lại. Khi bọn La Nhữ Kính trở về, nhà vua lại sai bọn Thiêm sự Hà Lật và Lang trung Đỗ Như Hùng đem biếu nhà Minh sản vật địa phương và người vàng thế mạng, tâu lại cho nhà Minh biết rằng con cháu họ Trần thực không còn ai nữa; đến như số quan quân nhà Minh bị bắt và số khí giới nghi trượng bị tước sẽ xin tiếp tục nộp trả.

Nhà vua, khi mới khởi binh, bị người Minh đánh úp, lạc mất một người con gái nhỏ, mới 9 tuổi. Nội quan Minh, Mã Kỳ, bắt được và nuôi người con gái ấy, rồi đem về Yên Kinh, tiến làm nữ tì nhà quan. Đến đây, nhà vua đưa biểu trần tình xin cho con về. Nhà Minh trả lời rằng người con gái ấy đã chết vì bệnh đậu mùa.

Tháng 11. Bọn Trần Phong và Lương Nhữ Hốt âm mưu làm phản, bị giết chết.

Bọn Trần Phong và Lương Nhữ Hốt đã đầu hàng với tư cách là người bản thổ, làm quan với Minh. Chúng đều được tha tội cả. Đến đây, chúng lại ngầm sai đồ đảng lén đi đường tắt, đem thư bí mật ước hẹn người Minh lại sang xâm lược để chúng làm nội ứng. Việc lộ liễu. Nhà vua cho bá cáo việc này với trong Kinh đô và ngoài các lộ rồi giết chết chúng.

Hạ chiếu cho làm sổ điền và sổ hộ; đặt chức xã quan1506 .

Trước đây, nhà vua cho kiểm tra các thứ thổ sản như đồng, sắt, dâu, gai, tơ, lụa, keo, sơn, trám, sáp ong, dầu, muối, tiêu1507 , dây mây và những hạng điền sản đáng nên sung công như của các nhà ngụy quan1508 , của những hộ tuyệt tự, và của hạng lính đào ngũ, hết thảy đều phải ghi rõ số mục kê trình đầy đủ để nhà vua biết. Đến đây, lại phê chuẩn cho quan lại các châu, các huyện, các trấn và các lộ khám xét từng hạng sản vật và thuế khóa về chằm, bãi, ruộng đất và vàng bạc luôn với các điền sản bị sung công, mỗi hạng số lượng bao nhiêu phải làm thành sổ: kể từ trung tuần tháng 2 năm tới là năm Kỷ Dậu (1429) phải đệ trình lên. Sổ hộ thì gia hạn cho đến tháng 4 năm Quý Sửu (1433). Khi sổ sách làm xong, sẽ bắt đầu đánh thuế.

Lại đặt xã quan: Xã lớn từ 100 người trở lên, có 3 xã quan; xã bậc trung từ 50 người trở lên, có 2 xã quan; xã nhỏ từ 10 người trở lên, có 1 xã quan.

Tháng 12. Sửa điện Kính Thiên; làm điện Vạn Thọ, điện Cần Chính, điện Tả và điện Hữu.

Lời chua – Điện Kính Thiên: Theo Cố Lê dã lục thì điện này ở trên đỉnh núi Nùng. Núi Nùng ở trong tỉnh thành Hà Nội ngày nay.

Đặt quy chế về các khí giới và nghi trượng trong quân.

Bấy giờ trong quân thủy và quân bộ chưa có quy chế hẳn hoi về cờ xí, khí giới, nghi trượng và thuyền bè.

Nhà vua bèn bàn luận rồi quy định:

Trung đội: Cờ vàng

Thượng đội: Cờ đỏ

Hạ đội: Cờ trắng

Vệ quân mỗi đạo:

Cờ lớn chủ tướng: 1 lá

Cờ vừa: 1 lá

Cờ đội: 10 lá

Cờ nhỏ: 40 lá

Chiến thuyền dùng vào việc hỏa công (hỏa chiến thuyền): 10 chiếc

Thuyền tuần liễn: 2 chiếc

Còn ống hỏa đồng, nỏ cứng, sào dài, áo giáp, lá chắn (cái mộc), thủ tiễn1509 , câu liêm, thanh đao thì tùy theo quân số nhiều ít khác nhau.

Lại đổi hỏa đầu làm chánh ngũ trưởng và phó ngũ trưởng.

Lời chua – Hỏa đầu: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 16 (Chính biên II, 25).

Đúc tiền “Thuận Thiên thông bảo”.

Trước kia, khoảng niên hiệu Kiến Trung (1225-1231), nhà Trần quy định thể lệ: mỗi một tiền gồm có 69 đồng, là tiền “gián dụng”1510 ; 70 đồng, là tiền “chính dụng”1511 . Đến đây, quy định cứ 50 đồng là một tiền.

Bấy giờ có nạn khan tiền1509 , có người dâng thư kiến nghị xin dùng tiền giấy thay tiền đồng. Nhà vua bèn hạ chiếu cho các đại thần và trăm quan hội họp bàn luận để tìm cách thi hành. Bài chiếu đại lược thế này:

“Thứ tiền đồng cổ đã bị người Hồ1513 tiêu hủy chỉ còn một phần trăm; đến nay trong mọi việc quân, việc nước, luôn luôn tỏ ra thiếu thốn eo hẹp. Bấy giờ muốn tìm cách làm cho tiền tệ được lưu thông để cho nhân dân được tiện tiêu dùng, há chẳng khó khăn sao? Mới đây có người dâng thư xin dùng tiền giấy để thay tiền đồng. Trẫm từng sớm hôm suy nghĩ, vẫn chưa tìm được mấu chốt để làm việc này. Vì rằng tiền giấy là vật vô dụng mà đem lưu hành giữa nhân dân là những người hữu dụng thì thật không phải là lòng yêu dân và biết dùng tiền. Vậy hạ lệnh cho các khanh họp bàn kỹ càng tế nhị để cho việc làm được ổn thỏa”.

Lời chua – Tiền giấy: Tống sử chép: “Nữ Chân1514 vì khan đồng, nên theo phép “giao tử”1515 của nhà Tống, làm ra tiền giấy gọi là “sao dẫn”. Loại gọi là “đại sao” (tiền giấy lớn) có 5 hạng: 1 quan, 2 quan, 3 quan, 5 quan và 10 quan1516 ; loại gọi là “tiểu sao” (tiền giấy nhỏ) cũng có 5 hạng: 100, 200, 300, 500 và 7001517 . Những tiền giấy này đồng thời cũng được lưu hành với các tiền đồng, cứ 7 năm là một hạn (lại đem nộp tiền giấy cũ đổi lấy tiền giấy mới)1518 .

Kỷ Dậu, năm thứ 2 (1429). (Minh, năm Tuyên Đức thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Cấm rượu và cờ bạc.

Bấy giờ nhiều người du thủ du thực thường hay uống rượu, đánh bạc nên nhà vua chỉ dụ nghiêm cấm: đánh bạc, bị chặt 3 đốt ngón tay, đánh cờ vây1519 , bị chặt một đốt, không có việc gì mà quần tụ uống rượu thì được giảm tội xuống một bậc.

Lập con là Tư Tề làm Quốc vương, Nguyên Long làm Hoàng thái tử.

Nhà vua sai Lê Vấn, Lê Ngân và Lê Văn Linh đem ban kim sách1520 lập con trưởng là Tư Tề làm Quốc vương, tạm quyền coi quản việc nước; sai Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lý và Lê Quốc Hưng đem ban kim sách1521 lập con thứ là Nguyên Long làm Hoàng thái tử.

Lại sắc sai các bầy tôi và liêu thuộc ở trong kinh đô và ngoài các lộ: hễ có công việc gì trình bày với Tư Tề thì tôn xưng là Quốc vương điện hạ. Còn Quốc vương và Thái tử có văn thư gì truyền ra thì gọi là “chỉ huy”1512 .

Sau đó nhà vua ban chiếu đại lược nói: “Cha gây dựng, con làm theo: đạo nhà càng thêm thịnh vượng; anh kế thừa em tiếp tục: gốc nước càng được vững vàng. Những vua hiền triết xưa lo tính công việc thật là sâu sắc và trông xa.

“Trẫm đây chính mình đã mặc áo giáp, đội mũ trụ, tắm gió gội sương hàng mười ba năm, cũng đã nhọc lắm. Nay tuổi tác ngày cao, sức lực muốn kém, hàng ngày muôn việc bộn bề thật khó một mình làm xuể.

“Trẫm đã nghĩ kỹ: Người xưa chấp kinh mà có lúc tòng quyền, cũng hợp đường lối của thánh hiền, lập anh trước rồi truyền em sau, vẫn kéo dài được ngôi bảo tộ, cốt sao châm chước cho hợp thời, rồi đặt làm phép nhất định.

“Tư Tề, tuổi ngoài hai mươi1523 , đã đủ tư cách thành nhân, dẫu suy nghĩ chưa được sáng suốt chu đáo, nhưng đối với sự vụ và cơ nghi, cũng rất biết học tập rạch ròi. Như vậy chính là đáng nên tạm quyền coi quản việc nước để giúp đỡ trẫm.

“Nguyên Long tính chất tuy thông sáng, nhưng tuổi còn non trẻ, hãy nên để cho gây nuôi ở chốn thanh cung, đợi ngày thành tài”.

“Vậy nếu Tư Tề vào coi triều để xét xử chính sự, thì Nguyên Long làm việc coi giữ nhà nước, vỗ về quân đội, noi theo như chuyện Triệu Tống1524 xưa”.

Nhà vua lại còn làm bài Huấn phạm để răn bảo Tư Tề và Nguyên Long.

Lời phê – Việc Tống Thái Tổ (968-975) nghe theo lời tư vị1525 gây nên tai vạ về sau1526 có gì đáng làm gương mẫu! Lời chua – Chuyện Triệu Tống xưa: Theo Tống sử thì Tống Thái Tổ (968-975) vâng theo lời Đỗ Thái Hậu1527 dặn lại khi sắp chết, anh em theo thứ tự truyền ngôi cho nhau.

Hạ chiếu lựa con các quan văn võ vào hầu Thái tử học tập và đến nhà Quốc học để theo học.

Các con từ 9 đến 15 tuổi của quan võ từ chức Quản lãnh và quan văn từ chức Hành khiển trở lên đều được vào hầu Hoàng thái tử học tập. Các con từ 9 đến 17 tuổi của quan võ từ Đồng tri xuống đến Đại đội trưởng, và của quan văn từ Thượng thư xuống đến Thất phẩm đều được vào nhà Quốc học theo đuổi việc học.

Lời chua – Thượng thư: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì đầu thời Lê, sự xếp đặt quan chức, mới chỉ có một bộ Lại và bộ Lễ1528 , ngôi vị chức Thượng thư của hai bộ này ở dưới Hành khiển.

Quản lãnh, Đại đội trưởng: Theo Chức quan chí trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì hạng võ từ Quản lãnh, Đồng tri đến Đại đội trưởng đều là chức cao.

Quy định phép chia ruộng.

Nhà vua cho rằng những kẻ dong chơi lười biếng phần nhiều chiếm hữu ruộng đất; còn những người chiến đấu thì không có một tấc đất nào. Thế là giàu nghèo chênh lệch không đều, lấy gì để khuyến khích hạng người siêng năng làm việc được. Nhà vua bèn ra lệnh cho các đại thần bàn định về việc cấp ruộng: từ đại thần xuống đến hạng người già yếu, mồ côi, góa bụa đều phân ra từng hạng mà chia ruộng, rồi tâu vua biết.

Lời phê – Công cuộc sáng nghiệp (của vua Lê) có quy mô hẳn hoi, tuy chưa đến được bậc có văn hiến1529 rõ ràng, nhưng đã làm được nhiều việc khả quan, dần dần đã biến đổi được những thói quê kệch của nhà Lý, Trần. Nhà Lê được hưởng ngôi báu lâu dài, chính vì thế đó. Lời cẩn án – Theo “Quốc dụng chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì, đầu đời Lê chế độ ruộng đất chia theo cấp bậc ra sao, không thể biết tường tận được. Nhưng đại khái thế này: những ruộng đem chia cấp ấy đều là số ruộng công cả, còn những ruộng tư ở dân gian có lẽ chưa từng thu lấy mà chia cấp. Lại theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn thì, hồi đầu Lê, chế độ cấp ruộng lộc điền thế nào, không thể khảo cứu được, nhưng thấy người cháu xa đời của Chiêu Huân công1530 Nguyễn Công Duẩn1531 xuất trình gia phả họ Nguyễn trong có chép một bài chiếu về việc cấp ruộng lộc điền cho khai quốc công thần đề năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), trong bài chiếu này nói cho phép thu lấy các trang trại và ruộng tuyệt tự của nhà thế gia triều đại trước cùng với số ruộng đất bỏ hoang ở các xã thuộc huyện Tống Sơn1532 để ban cho Công Duẩn làm tư sản cộng 470 mẫu. Đó là chứng cớ ít khi thu lấy những ruộng công đang cày cấy đã đóng thuế mà chia cấp. Nay kết hợp cả hai thuyết trên mà xem xét, thì có thể biết đại khái rằng sự cấp ruộng cho dân đầu đời Lê là chỉ lấy ruộng đất công, còn lộc điền của công thần cũng lấy ở di sản những nhà thế gia tuyệt tự hay là những ruộng lậu ngoài sổ điền và những ruộng bỏ hoang mà thôi. Tháng 2. Thao diễn quân đội một cách vĩ đại. Chia quân cho về làm ruộng.

Trước kia, khi ra Đông Đô, nhà vua có dụ bảo tướng sĩ rằng: “Số quân hiện tại của ta nay có 35 vạn, đợi khi nào khôi phục được Đông Đô, bấy giờ sẽ cho 25 vạn về làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn quân ở lại làm việc phòng thủ và bảo vệ đất nước. Đến đây, sắc sai các vệ quân ở 5 đạo1533 đều diễn tập thủy chiến và lục chiến. Việc xong rồi, chia quân làm năm phiên: một phiên lưu lại tại ngũ, còn bốn phiên cho về làm ruộng.

Sắc sai Đại thần và Hành khiển: hễ thấy điều lệ và mệnh lệnh có gì bất tiện, nên đem tâu ngay.

Ra sắc dụ các Đại thần và chức Hành khiển: “Hễ thấy có điều lệ và mệnh lệnh của trẫm có gì bất tiện cho quân đội và nước nhà hoặc bắt làm những việc sai dịch không cần thiết, hoặc đánh thuế nặng sưu cao thì nên tâu dộng1534 ngay để sửa chữa lại”.

Đặt chức quan Ngự sử đài1535 .

Đây là noi theo chế độ nhà Trần: chức Trung thừa, Phó trung thừa thì dùng An phủ ở lộ sung vào; chức Điện trung thị ngự sử thì dùng chuyển vận ở huyện và giáo thụ ở lộ sung vào; chức Giám sát ngự sử1536 thì dùng thuộc quan ở tòa Trung thư sung vào.

Nhà vua dụ rằng: “Hễ thấy trẫm có chính sự hà khắc làm hại dân, thưởng phạt không đúng phép và quan lại lớn bé không giữ phép công thì nên kíp dâng giấy tờ lên đàn hặc. Nếu ai tư vị nể nang, buông thả dong túng hoặc chỉ chăm nhằm những việc nhỏ nhặt hay là bắt bóng nói càn thì đều phải tội”.

Ra lệnh bắt Hữu tướng quốc Lê Hãn để giao quan lại xét hỏi. Lê Hãn tự sát.

Là dòng dõi tư đồ Trần Nguyên Đán, Hãn có học thức, giỏi binh pháp, giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, ngày càng được yêu thương hậu đãi, thường được dự bàn những việc bí mật; theo đi trận mạc, đến đâu cũng lập được chiến công đấy.

Năm Mậu Thân, Thuận Thiên thứ 1 (1428), tưởng lục công thần, Hãn được gia phong Hữu tướng quốc, cho lấy theo họ Lê. Công lao và danh vọng của Hãn thật cao tột. Hãn có nói riêng với người thân tín rằng: “Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn: không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được!”.

Hãn xin về hưu, được nhà vua ưng thuận; nhưng vì là dòng dõi nhà Trần nên bị nghi kỵ. Khi đã về ấp Sơn Đông, sống trong cảnh quê hương, Hãn xây dựng phủ đệ, đóng thuyền không giữ gìn hình tích. Những kẻ tâng công gièm pha với nhà vua rằng Hãn mưu toan làm phản. Nhà vua tin lời, ra lệnh cho lực sĩ đến bắt. Khi thuyền đi đến bến Sơn Đông, Hãn tự trầm chết.

Lời chua – Sơn Đông: Tên ấp, nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Sơn Tây1537 .

Tháng 5, mùa hạ. Phong mọi tước hầu (liệt hầu) cho các công thần.

Bấy giờ có 93 người được phong tước:

Huyện Thượng hầu, 3 người: Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo.

Á Thượng hầu, 1 người: Lê Ngân.

Hương Thượng hầu, 3 người: Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng.

Đình Thượng hầu, 14 người: Lê Chích, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê Miễn, Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Lê Lỗi, Lê Như Lãm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Bật.

Huyện hầu, 14 người: Lê Bị, Lê Bì, Lê Phủ, Lê Náo1538 , Lê Thụ, Lê Lôi, Lê Khả, Lê Bồi, Lê Lang1539 , Lê Xí, Lê Khuyển, Lê Bí, Lê Quốc Trinh, Lê Bật;

Á hầu, 26 người: Lê Lạn, Lê Trãi, v.v…;

Quan nội hầu, 16 người: Lê Thiệt, Lê Chương,…

Quan phục hầu, 12 người: Lê Cuống, Lê Dao (Diêu)…

Thượng trí tự trước phục hầu, 4 người: Lê Khắc Phục, Lê Hài, v.v…

Quy định rõ về phẩm trật quan giai văn võ: hàng văn từ quan nội hầu, đại hành khiển, và quan phục hầu trở lên, hàng võ từ thượng tướng, tước trí tự, và trước phục hầu trở lên đều được phép mặc phẩm pục màu lụa pha đỏ1540 .

Nhà vua ra tờ dụ: “Trẫm, khi mới dấy nghĩa binh, phải lặn suối trèo non, trải bao hiểm trở; bấy giờ ai đã đem gia quyến đi theo trẫm từ Mường Thôi1541 , Bồ Đằng, Chí Linh và Khả Lam thì tên họ được ghi trong Ký công sách1542 , con cháu trừ số đã làm quan, còn nếu không can án phạm pháp, đều được miễm sai dịch”.

Lời cẩn án – Về việc này , Sử cũ chép là “Khắc biển công thần 93 người”. Theo Thông sử của Lê Quý Đôn thì, năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) tưởng lục các công thần, theo thứ bậc cao thấp khác nhau là: huyện Thượng hầu, á Thượng hầu, hương Thượng hầu, đình Thượng hầu, quan nội hầu, quan phục hầu, … Vậy nay xin đính chính theo Thông sử (của Lê Quý Đôn). Lời chua – Liệt hầu: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì, khi Thái Tổ đã dẹp yên đất nước, phong mọi tước hầu (liệt hầu) cho các công thần, gồm có 9 bậc:

Thứ nhất: Huyện thượng hầu.

Thứ hai: Á thượng hầu.

Thứ ba: Hương thượng hầu.

Thứ tư: Đình thượng hầu.

Thứ năm: Huyện hầu.

Thứ sáu: Á hầu.

Thứ bảy: Quan nội hầu.

Thứ tám: Quan phục hầu.

Thứ chín: Trước phục hầu.

Lại theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì, đầu đời Lê, sự ban chức tước có nhiều cấp bậc, gồm 12 hạng:

1. Trí tự

2. Đại trí tự

3. Thượng trí tự

4. Trước phục hầu

5. Quan phục hầu

6. Quan nội hầu

7. Á hầu

8. Huyện hầu

9. Hương hầu

10. Đình thượng hầu

11. Hương thượng hầu

12. Á thượng hầu

Nay xin trình bày cả hai để tham khảo.

Phi: Màu lục pha đỏ. Theo phần “Xa phục chí” trong Đường thư thì chế độ lễ phục1543 quy định là: từ ngũ phẩm trở lên đều được dùng màu lục pha đỏ (phi).

Mường Thôi: Xem Bình Định vương năm thứ 3 (Chính biên XIII, 13-14).

Bồ Đằng: Có tên là Bồ Liệp. Xem Bình Định vương năm thứ 7 (Chính biên XIII, 20-21).

Chí Linh: Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chính biên XIII, 3).

Khả Lam: Không rõ ở đâu.

Hạ chiếu cho tiến cử những người hiền năng còn bị bỏ sót.

Nhà vua hạ chiếu: “Những bậc hào kiệt trong thiên hạ vì sót lọt chìm lịm không ai tiến cử, hoặc có kẻ thù hằn chèn ép mà bị che đậy dập vùi, không bởi đâu ló mình ra được. Vậy ai nấy đều được phép đến chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh để xét rõ sự thực rồi tâu lên để bổ dụng, chứ không câu nệ là ngụy quan, là nhân sĩ hay thứ dân, miễn chỉ chuộng lấy người có tài có đức.

Thi minh kinh.

Trước kia, sắc sai các quan văn võ trong kinh đô và ngoài các lộ từ tứ phẩm trở xuống, văn thì thông kinh sử, võ thì thông Vũ kinh : đến tháng 5, năm sau, tất cả đều họp tập đông đủ ở Đông Kinh để dự kỳ khảo thí theo môn học của mình. Đến đây, nhà vua mở khoa minh kinh, lại sắc sai quân nhân các lộ và những người ẩn dật ở rừng núi hễ có ai thông kinh sử và giỏi văn nghệ thì đều đến đô sảnh đường, chờ đợi quan trên cùng sát hạch một thể.

Lời chua – Đô sảnh đường: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì đầu đời Lê có đặt ra ba sảnh là Trung thư, Môn hạ và Hoàng môn. Đây chép “đô sảnh đường” có lẽ tức là chỗ nha môn của ba sảnh này.

Lại theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, đầu đời Lê, noi theo chế độ đời Trần, đặt ra ba sảnh: Thượng thư sảnh thì giữ về vụ quan chức; Trung thư sảnh thì thương lượng bàn bạc mọi việc rồi mới ban bố thi hành.

Vậy nay xin trình bày ra cả đây để tham khảo.

Tháng 6. Thi các tăng đạo.

Sắc sai các tăng đạo: hễ ai thông kinh điển, cẩn thận giữ được giới hạnh thì đến sảnh đường1544 để sát hạch: nếu trúng tuyển thì sẽ được cấp cho tờ thiếp1545 chứng nhận làm sư; còn thì phải hoàn tục.

Hạ chiếu cho các quan từ tam phẩm trở lên được phép tiến cử người hiền tài.

Tờ chiếu đại lược nói: “Trẫm nghĩ: làm được thịnh trị cốt ở kiếm được người hiền; muốn được người hiền, phải do mọi người tiến cử. Vì thế, người cầm quyền trong thiên hạ tất phải cho việc này là cần kíp trước nhất.

“Trẫm nay phải gánh trọng trách, sớm hôm kính cẩn lo sợ như người đứng bên vực sâu! Đó chính vì cớ chưa tìm được người hiền tài để giúp việc trị nước.

“Vậy ra lệnh cho các đại thần văn võ, các công hầu và các đại phu từ tam phẩm trở lên: ai nấy được đề cử một người. Còn ai hoặc có tài kinh tế1546 mà phải chèn ép ở cấp dưới, hoặc là hào kiệt tài giỏi mà bị vùi dập ở nơi đồng nội thì cũng cho phép tự tiến cử lấy mình.

“Xưa, Mao Toại xuất đầu lộ diện, tự tiến mình để theo giúp Bình Nguyên quân1547 . Ninh Thích gõ sừng trâu, mượn bài hát để tỏ khí mà cảm được Tề Hoàn công phải trọng dụng. Như thế người xưa có từng câu nệ ở tiểu tiết đâu? Vậy các bậc hiền giả chớ ngại mang tiếng đem ngọc bán rao để trẫm khỏi phải than phiền về việc thiếu nhân tài!”.

Sai sứ sang nhà Minh.

Bấy giờ nhà Minh lại sai bọn Lý Kỳ và Từ Vĩnh Đạt đến Đông Đô dụ bảo nhà vua cho lục tìm con cháu họ Trần. Kịp khi sứ nhà Minh trở về, nhà vua ra lệnh cho các đầu mục và các kỳ lão họp nhau làm tờ trạng nói rõ đầu đuôi sự việc, rồi sai bọn Hoàng môn thị lang Đào Công Soạn và Thẩm hình viện sứ Lê Đức Huy đem đồ vàng bạc, theo sứ nhà Minh sang Yên Kinh đệ trình bản trạng văn. Đại lược nói: “Người trong nước chúng tôi đã tìm khắp mọi nơi, nhưng con cháu họ Trần không còn ai cả. Lê Lợi, đại đầu mục của bản quốc, là người khiêm tốn, cung kính, cẩn thận, trung hậu, biết đường lối vỗ về yên ủi nhân dân, rất được lòng dân yêu mến, có thể cáng đáng coi quản công việc đất nước”.

Vua Minh bảo các thị thần: “Lời lẽ trong bản trạng này chưa vội tin được; phải lại nên cho tìm kiếm con cháu họ Trần”. Rồi vua Minh lại sai bọn Công Soạn đem tờ sắc về dụ bảo nhà vua và các đầu mục cùng các kỳ lão lại cứ lùng kiếm con cháu họ Trần, nếu hiện nay quả không còn ai, bấy giờ sẽ lại làm bản tâu trình, mọi người liên danh ký tên để đợi xử trí.

Lời phê1548 – Minh Tuyên Tông (1426-1435) xử trí việc này rất đắc thể. Phải lựa chiều đối xử với Minh như thế, Lê Thái Tổ (1428-1433) thật cũng khổ tâm! Tháng 11, mùa đông. Nhà vua vào Tây Đô.

Nhà vua đi vào Tây Đô, bái yết các lăng tẩm. Thưởng cho các tướng hiệu đi hộ giá: mỗi người, về phong tước được thêm một tư1549 .

Lời chua – Tây Đô: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chính biên XII, 16).

Tháng 12. Tặng phong Thiếu úy Lê Lai làm Thái úy.

Trước kia, nhà vua bị quân Minh bao vây bức bách, phải long đong lao đao ở nơi hang núi. Nhà vua có hội họp các tướng, bàn việc thay đổi áo bào như chuyện Kỷ Tín ngày xưa1550 . Riêng có Lê Lai hăng hái nói: “Nay bị quân địch bức bách nguy khốn như thế này, ta cứ ngồi yên ở chỗ hiểm nghèo, e chẳng ích gì; nếu làm chước này may ra có thể hòa hoãn tình thế được đôi chút thì, vì lòng yêu vua, người trung thần còn có tiếc gì!”. Nhà vua ngước lên trời, nguyền rằng: “Lê Lai đổi áo bào, chịu chết thay để lo tròn báo đáp. Mai sau nếu ta không nhớ nghĩ đến công ấy thì nguyền nơi hành điện sẽ hóa rừng núi, quả ấn báu sẽ hóa thành cục đồng, thanh thần kiếm sẽ hóa đao binh”.

Lê Lai liền quản lãnh quân và voi, xông pha hướng về phía địch, bị giặc bắt và bị giết.

Kịp khi trong nước đã yên, nhà vua tặng phong Lê Lai là Thiếu úy Lũng Nhai công thần. Đến đây, lại tặng phong thêm chức Thái úy, sai Lê Trãi1551 chép lời thề nguyền của nhà vua cất vào trong hòm bằng vàng để tỏ ý ghi nhớ không quên.

Canh Tuất, năm thứ 3 (1430). (Minh, năm Tuyên Đức thứ 5).

Tháng 6, mùa hạ. Đặt lệ ngạch về thuế khóa. Ban hành luật lệ.

Sai Tổng quản Lê Khôi vào trấn giữ Hóa Châu.

Hóa Châu gần kề Chiêm Thành, nên phải sai người bầy tôi có họ thân1552 đi trấn thủ vỗ về để phòng giữ đất ấy.

Lời chua – Hóa Châu: Xem Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 15 (Chính biên VIII, 44).

Chiêm Thành: Xưa là Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên VIII, 20-21).

Đổi Đông Đô làm Đông Kinh, Tây Đô làm Tây Kinh.

Tháng 11, mùa đông. Thổ tù Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái làm phản. Nhà vua hạ chiếu chính mình cầm quân đi đánh.

Bọn Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái, thổ tù châu Thạch Lâm thuộc Thái Nguyên, mưu định làm phản. Nhà vua hạ chiếu chính mình cầm quân đi đánh, tuyển bộ binh ở hành doanh1553 Bồ Đề.

Lời chua – Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc. Xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 19).

Thạch Lâm: Tức Thông Nông. Xem Lý Anh Tông năm Đại Định thứ 6 (Chính biên IV, 41).

Giết Thái úy Lê Văn Xảo, tịch thu cả nhà.

Văn Xảo là người trội cả về tài lẫn trí, rất được nhà vua tin dùng. Đã từng làm tướng cầm quân đi đánh dẹp: làm cho An Lão1554 và Mộc Thạnh1555 đều phải thua chạy, Văn Xảo lập được nhiều chiến công vẻ vang. Năm Mậu Thân, Thuận Thiên thứ 1 (1428), nhận định công lao để ban thưởng: gia phong Văn Xảo làm Thái bảo, ban cho lấy theo họ Lê, rồi lại gia phong làm Thái úy.

Bấy giờ nhà vua đã hơi cao tuổi, lại nhiều tật bệnh. Quốc vương Tư Tề thì ngông cuồng càn bậy, Thái tử Nguyên Long thì còn thơ ấu. Thấy Văn Xảo là người Kinh lộ, có danh vọng đối với mọi người, nhà vua sợ rằng, một ngày kia, có lẽ khó kiềm chế được, cho nên đem lòng nghi kỵ. Bọn Trình Hoành Bá và Lê Quốc Khí đón biết ý ấy, muốn tâng công, nên dâng mật sớ cáo tỏ rằng Văn Xảo âm mưu làm việc trái phép. Nhà vua tin lời, bắt Văn Xảo phải chết và tịch thu cả nhà.

Tân Hợi, năm thứ 4 (1431). (Minh, Tuyên Đức năm thứ 6).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua tiến quân đến châu Thạch Lâm, thắng trận: Khắc Thiệu phải chạy rồi chết; bắt được Đắc Thái. Kéo quân về.

Châu Thạch Lâm đã dẹp yên. Đem tội trạng của Khắc Thiệu và Đắc Thái báo cáo cho trong kinh đô và ngoài các lộ đều biết.

Tháng 3. Nhà vua về cung.

Mở khoa thi hoành từ.

Nhà vua ngự ở hành cung Bồ Đề, thi các sĩ tử. Bọn Nguyễn Thiên Tích trúng tuyển, được bổ làm ngự tiền học sinh.

Lời cẩn án – Về khoa thi hoành từ , Sử cũ không chép; còn Đăng khoa lục và Lịch triều hiến chương Khoa mục chí đều chép cả, nhưng không ghi tháng. Nay xét: thi cử có quan hệ đến điển lễ trọng đại về việc lựa chọn nhân tài, không nên bỏ sót và chép sơ lược, nên nay xin chép vào tháng 3 năm này (Tân Hợi, 1431). Lời chua – Khoa thi hoành từ: Xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 8 (Chính biên XXI, 8-9).

Bồ Đề: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 4).

Nguyễn Thiên Tích: Người làng Nội Duệ thuộc huyện Tiên Du1556 .

Tháng 11, mùa đông. Sứ nhà Minh sang.

Trước đây, nhà vua sai bọn Lê Hữu Lãm đem sang Minh tờ biểu của các kỳ mục1557 và xin phong tước. Vua Minh ưng thuận việc này, sai bọn Hữu thị lang Chương Xưởng và Hữu thông chính Từ Kỳ đem sắc sang phong nhà vua tạm quyền coi quản việc nước An Nam. Khi bọn Xưởng về, nhà vua sai bọn Thẩm hình viện phó sứ Nguyễn Văn Huyến sang Minh đáp lễ và tạ ơn, giải nộp lễ cống hàng năm là 5 vạn lạng vàng, rồi xin theo thể lệ thuế cống đã đặt từ năm Hồng Vũ thứ 3 (1370). Từ đó, sứ giả về việc bang giao đi lại không ngớt.

Lời phê – Bấy giờ vì phải lựa xử với nhà Minh cho được việc, nên lễ cống mới phí tổn quá nặng, chứ không được nhẹ như ngày nay1558 Lời chua – Lệ cống đặt từ năm Hồng Vũ thứ 3: Theo sách Hội điển nhà Minh thì lệ cống gồm có: Các đồ dùng bằng vàng bạc, sừng tê, ngà voi, lụa bạch, hương xông, hương giáng chân1559 , trầm hương, tốc hương1560 , mộc hương, hương vòng đen và quạt giấy.

Tháng 12. Sách Lam Sơn thực lục làm xong.

Trước kia, nhà vua sai cho thần soạn cuốn Lam Sơn thực lục, trình bày công đức chứa chất của ông cha và những nỗi gian nan gây dựng cơ nghiệp đế vương. Đến đây, sách làm xong, nhà vua đề tựa đặt ở đầu sách, tự hiệu là Lam Sơn động chủ.

Đèo (Điêu) Cát Hãn, thổ tù châu Ninh Viễn, làm phản. Nhà vua sai Quốc vương Tư Tề và Tư khấu1561 Lê Sát đi đánh.

Liên kết với Kha Lại, bầy tôi phản nghịch của Ai Lao, Đèo Cát Hãn lấn lướt khuấy nhiễu nhân dân ở nơi biên giới. Việc này lên đến triều đình, nhà vua sai tướng đi đánh; kế đó lại định chính mình cầm quân đi dẹp.

Lời chua – Ninh Viễn: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 17).

Nhâm Tí, năm thứ 5 (1432). (Minh, năm Tuyên Đức thứ 7).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua chính mình cầm quân đi đánh châu Ninh Viễn, thắng trận: Kha Lại chạy rồi chết, Đèo Cát Hãn lẩn trốn. Nhà vua đặt đất Ninh Viễn là châu Phục Lễ. Tháng 3, trở về cung, dâng tù binh ở nhà Thái miếu.

Quan quân chia hai đường thủy bộ cùng tiến, thẳng tới châu Ninh Viễn: cả phá được địch. Kha Lại phải chạy về Lự Động thuộc Ai Lao. Nhà vua ra lệnh cho Lê Sát tiến quân đến đầu địa giới Ai Lao. Người Lào sợ, bèn giết Kha Lại, rồi đến xin hàng tại cửa trại quân ta. Cát Hãn trốn xa. Nhà vua sai bắt hết làm tù binh các bè đảng của hắn. Đặt đất Ninh Viễn làm châu Phục Lễ; rồi hạ chiếu rút quân về, dâng tù binh ở nhà Thái miếu.

Lời phê1562 – Với oai quyền và danh tiếng của Lê Thái Tổ, cần gì phải diễu võ dương uy với đám giặc cỏ, tép nhẹp khoe khoang như vậy? Lời chua – Phục Lễ: Nay là Lai Châu thuộc tỉnh Hưng Hóa1563 .

Lự Động: Thay đổi ra sao, không rõ.

Tháng 11, mùa đông. Đèo Cát Hãn và con là Mạnh Vượng xin hàng. Nhà vua tha tội cho Cát Hãn và phong làm Tư mã.

Quý Sửu, năm thứ 6 (1433). (Minh, năm Tuyên Đức thứ 8).

Tháng 4, mùa hạ. Sổ hộ tịch đã hoàn thành.

Trước kia, nhà vua sai làm hộ tịch; đến đây, sổ sách đã xong, dâng lên triều đình.

Tháng 8, mùa thu. Nhà vua đi vào Tây Kinh. Cùng tháng ấy, trở về cung.

Nhà vua đi Tây Kinh, thăm các lăng tẩm.

Quôc vương Tư Tề có tội bị giáng xuống làm Quận vương.

Tư Tề làm nhiều điều cuồng dại, trái nghịch. Nhà vua lấy làm lo lắng, bèn ban dụ rằng:

“Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu. Thế mà Tư Tề ngang ngược với thần, khinh lờn cả trời, không hiếu thảo với cha mẹ, không noi theo đường lối của các hiền triết xưa. Vậy nay giáng Tư Tề xuống làm Quận vương”.

Nhà vua sai Thái tử Nguyên Long coi quản việc nước.

Tờ chiếu đại lược nói: “Trẫm đây tài mọn, đức mỏng, kính vâng mạng trời, ở ngôi đến nay đã được sáu năm. Bây giờ đã đến lúc mệt mỏi, không siêng chăm được chính sự.

“Hoàng thái tử, tuổi tuy thơ ấu, nhưng tính nhân từ hiếu thảo bấy lâu đã thấy tỏ lộ ra ngoài, được mọi người hòa thuận tin theo, đáng hưởng ngôi báu. Vậy có tể trao cho kiếm và ấn để thay trẫm coi quản việc nước”.

Phong Lê Sát làm Đại tư đồ1564 .

Bấy giờ nhà vua đau nặng. Thái tử còn nhỏ tuổi, coi quản việc nước. Lê Sát là bậc công thần, được nhà vua tin cậy, định giao cho công việc nhận lãnh di chiếu làm phụ chính để giúp chúa nhỏ, cho nên nay có mệnh lệnh phong cho chức này.

Tháng 8 nhuận. Sao chổi mọc ở phương tây.

Nhà vua mất.

Nhà vua ở ngôi 6 năm, thọ 49 tuổi. Trước kia, nhà vua trỗi dậy, khởi nghĩa, dẹp yên giặc Minh, trải mười năm trong nước được bình định. Kịp khi lên ngôi, quy định thuế khóa, chia ruộng đất, ban hành

luật lệnh, mở khoa thi, tổ chức quân cấm vệ, cất đặt quan chức, tưởng lục công thần, dựng trường học… Quy mô sáng nghiệp có thể gọi là rộng lớn; nhưng hay nghi kỵ, đa sát: đó là chỗ kém của nhà vua.

Lời cẩn án – Theo Thông sử của Lê Quý Đôn, nhà vua thọ 49 tuổi: còn Sử cũ và mục “Nhân vật chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú đều chép nhà vua thọ 51 tuổi. Thế là hai thuyết khác nhau. Nay xét: Nhà vua sinh năm Ất Sửu (1385), mất năm Quý Sửu (1433), vậy thì Thông sử là đúng. Nay theo Thông sử. Tháng 9. Thái tử Nguyên Long lên ngôi (tức là Thái Tông).

Nguyên Long mới 11 tuổi.

Đại xá cho cả nước.

Ban chiếu đại xá. Kể từ sang năm (Giáp Dần, 1434) là niên hiệu Thiệu Bình thứ 1.

Tháng 11, mùa đông. Táng (Lê Thái Tổ) ở Vĩnh Lăng.

Đưa về táng ở Vĩnh Lăng trong Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ. Bầy tôi dâng thụy hiệu là: Thống niên, khải vận thánh đức thần công duệ văn anh vũ khoan minh dũng trí hoằng nghĩa chí minh đại hiếu Cao hoàng đế. Sai sứ sang cáo phó với nhà Minh.

Xây điện Lam Kinh.

Lời chua – Điện Lam Kinh: Theo Hoàng Việt địa dư chí thì điện này ở xã Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, phía sau dựa vào núi làm gối, phía trước hướng mặt ra sông.


1486 Trên phần “mục” này, Cương mục có đặt một đoạn cuối của “Lời phê” nhưng thiếu sót một đoạn đầu, nên chúng tôi bỏ hẳng đi, không dịch vì nó dở dang không thành văn.

1487 Học sinh trường lộ.

1488 Con số này của Cương mục cũng giống Toàn thư (quyển X, tờ 56b), trong cả hai đều không ăn khớp với những con số đã nêu ở dưới, vì 52+72+94=218, e có sự kể sót hay chém lầm chăng.

1489 Được lấy theo họ Lê cùng họ với Lê Lợi. Xem thêm chú giải số 3 ở Chính biên V, 22.

1490 Nghĩa là quan hành khiển Lê Cảnh vâng mạng nhà vua, khắc biển ban cho các công thần (xem Toàn thư X, 56b-57a). Về chữ này có âm là “trích”, nghĩa là “hẹp”, nhưng lại có âm là “tạc”, nghĩa là dục hay khắc. Chỉ vì Cương mục không tra cứu kỹ, chưa nắm hết toàn diện đã vội hạ “Lời cẩn án” ngay, nên cả một đoạn văn này mới có sự ngô nghê ngớ ngẩn như vậy. Nếu Cương mục chọn lấy âm “tạc” mà cắt nghĩa là đục hay khắc thì đúng ngay với nghĩa khắc chữ vào biểu ban cho các công thần, đâu còn có nạn dài dòng, khó hiểu nữa.

1491 Nghĩa là quan hành khiển Lê Cảnh vâng mạng nhà vua, khắc biển ban cho các công thần (xem Toàn thư X, 56b-57a). Về chữ này có âm là “trích”, nghĩa là “hẹp”, nhưng lại có âm là “tạc”, nghĩa là dục hay khắc. Chỉ vì Cương mục không tra cứu kỹ, chưa nắm hết toàn diện đã vội hạ “Lời cẩn án” ngay, nên cả một đoạn văn này mới có sự ngô nghê ngớ ngẩn như vậy. Nếu Cương mục chọn lấy âm “tạc” mà cắt nghĩa là đục hay khắc thì đúng ngay với nghĩa khắc chữ vào biểu ban cho các công thần, đâu còn có nạn dài dòng, khó hiểu nữa.

1492 Ở trường hợp này, đáng phải học là toàn tạc mới đúng, nhưng vì đây theo Cương mục . Thực ra, “toàn tạc” nghĩa là “xăm” hay “thích chữ”.

1493 Xem Toàn thư XI, 42b.

1494 Thuộc Thanh Hóa.

1495 Tức Trần Nguyên Hãn.

1496 Chức Hành khiển này phẩm hàm thấp hơn chức Hành khiển ở trong triều.

1497 Nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

1498 Xem Chính biên XIII, 15.

1499 Tám điều đáng bàn xét lại để ân xá hoặc ân giảm cho phạm nhân: 1- Nghị thân , đáng bàn xét vì có họ thân với nhà vua; 2- Nghị cổ , đáng bàn xét vì là chỗ cố cựu với nhà vua; 3- Nghị hiền , đáng bàn xét vì là bậc hiền đức; 4- Nghị năng , đáng bàn xét vì là bậc tài năng; 5- Nghị công , đáng bàn xét vì là người có công lao; 6- Nghị quý , đáng bàn xét vì là quan cao chức trọng từ nhị tam phẩm trở lên; 7- Nghị cần , đáng bàn xét vì là người siêng năng; 8- Nghị tân , đáng bàn xét vì là tân khách của nhà vua, chẳng hạn như người giữ hương hỏa thờ cúng các vua triều trước.

1500 Xem chỗ chú giải về “bát nghị” ở trên.

1501 Tức là “bất cụ”, như mù, què, câm, điếc,…

1502 Những người tàn tật như đui, què, câm, điếc, hoặc mất trí khôn,…

1503 Tức là chủ sở hữu.

1504 Xem chú giải ở Chính biên VII, 4; X, 18.

1505 Đánh bằng gậy, to gấp đôi roi. “Trượng” là một hình phạt nặng hơn hình phạt đánh bằng roi.

1506 Chức quan đứng đầu một xã.

1507 Một loại khoáng vật, kết tinh và thấu sáng như pha lê dùng làm thuốc súng và chế pha lê.

1508 Chỉ những người bản quốc làm quan với Minh.

1509 Tên bắn bằng tay. Theo Bội văn vận phủ , quyển 76, thượng, tờ 15b, thì bề dài của tên không đầy một vồ tay, thường để trong áo giáp, khi gặp quân địch, bấy giờ người ta mới tung ra hàng trăm chiếc tên rồi vung roi cho bắn đi, có khi lấy ngón tay kẹp luôn mấy chiếc tên mà phóng ra.

1510Cương mục chính biên VI, 4 chép là tiền “tĩnh mạch” (mỗi tiền bớt một đồng) và tiền “thượng cung” (cung ứng cho bề trên tiêu dùng). Đến đây Cương mục lại chép là tiền “gián dụng” và tiền “chính dụng”. Sở dĩ có sự không thống nhất như vậy, là vì Cương mục đã nhận lầm về lời chiếu này của Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2 (1226): “Dân gian dùng” (dân gian dụng) với nhau thì một tiền là 69 đồng: “dùng chính thức về việc công” (chính dụng) thì 70 đồng. (Xem Toàn thư X, 63b).

1511Cương mục chính biên VI, 4 chép là tiền “tĩnh mạch” (mỗi tiền bớt một đồng) và tiền “thượng cung” (cung ứng cho bề trên tiêu dùng). Đến đây Cương mục lại chép là tiền “gián dụng” và tiền “chính dụng”. Sở dĩ có sự không thống nhất như vậy, là vì Cương mục đã nhận lầm về lời chiếu này của Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2 (1226): “Dân gian dùng” (dân gian dụng) với nhau thì một tiền là 69 đồng: “dùng chính thức về việc công” (chính dụng) thì 70 đồng. (Xem Toàn thư X, 63b).

1512 Nguyên văn là “tiền hoang”, tức như ngày nay gọi là “khủng hoảng tiền tệ”.

1513 Chỉ triều nhà Hồ.

1514 Nữ Chân là tên một chủng tộc, cư trú ở một dải Tùng hoa giang về phía đông bắc Trung Quốc. Hồi cuối Bắc Tống (960-1126), Nữ Chân lập thành nước Kim, rồi diệt Liêu (916-1201), đánh Tống, thế lực rất cường thịnh; về sau bị diệt trước sức mạnh của nhà Nguyên.

1515 Khoảng giữa niên hiệu Khánh Lịch (1041-1048) nhà Tống, người đất Thục vì thấy tiền sắt nặng quá, không tiện trong việc lưu thông, nên tự làm riêng một thứ khoản phiếu để tiêu với nhau, gọi là “giao tử”. Khấu Hàm nhân đó mới sáng lập ra Giao Tử vụ ở Ích Châu, đó là bước đầu tiên của Trung Quốc phát hành và tiêu dùng tiền giấy (theo Từ Nguyên ).

1516Tống sử dẫn trong Từ Nguyên trang 1519, thì loại “đại sao” chia làm 5 hạng: Từ 1 quan đến 5 quan, chứ không có hạng 10 quan.

1517 Con số 5 hạng “tiểu sao” này, Cương mục , cũng như Lịch triều hiến chương và nhiều từ thư khác, chỉ chép trống là “nhất bách, nhị bách, tam bách, tứ bách, ngũ bách, thất bách”, chứ không nói rõ đơn vị của từng hạng ấy là gì. Nhưng nay xét: Đó có lẽ là số đồng tiền, chứ không phải quan tiền, vì nó là “tiểu sao”, tất phải nhỏ hơn “đại sao”. Vậy có thể là 100 đồng, 200 đồng, 300 đồng, 500 đồng, 700 đồng.

1518 Đây là “Quốc dụng chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, nên mới thêm mấy chữ trong hai ngoặc đơn để cho sáng nghĩa, chứ như Cương mục thì chỉ chép là “dĩ thất niên vi hạn” (cứ 7 năm là một hạn).

1519 Cờ mỗi bên có 100 quân; khi đánh, đặt từng quân một để bao vây lẫn nhau.

1520 Sách: Bài văn của vua dùng để biểu dương tư cách và bày tỏ lý do người được phong tước Kim sách: có nghĩa bài sách viết chữ vàng hoặc quý hơn vàng.

1521 Sách: Bài văn của vua dùng để biểu dương tư cách và bày tỏ lý do người được phong tước Kim sách: có nghĩa bài sách viết chữ vàng hoặc quý hơn vàng.

1522 Trong Việt sử thực lục của nhà lê, mỗi khi nói đến lời sắc hay lời dụ của vua Thuận Thiên bấy giờ, thường chép là “chỉ huy” có nghĩa là “ban bố mệnh lệnh”. Đồ chừng là vua Lê ban đầu khiêm tốn, chỉ xưng “đại vương” chứ không xưng “hoàng đế”, nên mới dùng hai chữ “chỉ huy” để thay cho “sắc” hay “dụ”. Có lẽ vì thói quen của đương thời, nên đây cũng dùng danh từ “chỉ huy” để dành cho quốc vương và hoàng tử.

1523 Nguyên văn là “nhược quán”. Theo lễ xưa, con trai đến 20 tuổi, làm lễ đội mũ (quán), tỏ ra là có tư cách thành nhân, nhưng vì thể chất hãy còn chưa cường tráng, nên mới gọi “nhược”.

1524 Vua đầu nhà Tống là Triệu Khuông Dận, nên mới gọi là Triệu Tống (nhà Tống họ Triệu).

1525 Chỉ lời thiên vị của Chiêu Hiến thái hậu dặn lại: Tống Thái Tổ truyền ngôi cho Thái Tông, Thái Tông truyền ngôi cho Đình Mỹ rồi đến Đức Chiêu bất đắc kỳ tử, Đức Phương chết non; còn Tần Vương Đình Mỹ thì bị Tống Thái Tông nghi kỵ, biếm truất ra Phòng Châu rồi lo buồn mà chết, diễn thành một tấm thảm kịch trong hoàng gia triều Tống!

1526 Chỉ lời thiên vị của Chiêu Hiến thái hậu dặn lại: Tống Thái Tổ truyền ngôi cho Thái Tông, Thái Tông truyền ngôi cho Đình Mỹ rồi đến Đức Chiêu bất đắc kỳ tử, Đức Phương chết non; còn Tần Vương Đình Mỹ thì bị Tống Thái Tông nghi kỵ, biếm truất ra Phòng Châu rồi lo buồn mà chết, diễn thành một tấm thảm kịch trong hoàng gia triều Tống!

1527 Tức Chiêu Hiến thái hậu.

1528 Xem thêm Chính biên XIX, 1.

1529 Đây là nghĩa cổ: văn, chỉ sách vở, kinh điển; hiến, chỉ những người hiền tài.

1530 Tước của Nguyễn Công Duẩn.

1531 Về chữ “Duẩn” này, Hán văn viết “ngọc bên chữ Duẩn là măng”. Cương mục cước cho rằng: “Xét trong Tự điển và cả phần Bị khảo lẫn phần Bổ di đều không thấy có chữ này, vậy không rõ âm gì”. Nay dịch giả xin tạm phiên là Duẩn cho tiện đọc.

1532 Nay là huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa.

1533 Năm Bính Ngọ (1426) Bình Định vương Lê Lợi chia Đông Đô làm bốn đạo, tức là Tây đạo, Đông đạo, Bắc đạo, Nam đạo (xem Chính biên XIII, 32); đến năm Mậu Thân (1428) lại đặt thêm Hải Tây đạo, gồm thành năm đạo (xem Chính biên XV, 5).

1534 Tâu dộng: Tiếng cổ, có nghĩa như tâu trình.

1535 Có quan có nhiệm vụ can gián nhà vua và đàn hạc các quan. Trung thừa, Phó trung thừa, Thị ngự sử đều là các chức quan trực thuộc Ngự sử đài.

1536 Nhà Lê đặt mỗi đạo một giám sát ngự sử, như vậy có 13 giám sát ngự sử.

1537 Bây giờ là huyện Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

1538Toàn thư X, 67 chép là Nào (chữ Nôm).

1539Toàn thư X, 67 chép là Lê Khả Lang.

1540 Nguyên văn là “phi”. Đây dịch theo định nghĩa của Cương mục . Còn theo Từ Hải (trang 1052) thì “phi” là mầu đỏ; theo từ điển tứ giác (trang 109), là màu đỏ tươi.

1541 Hán văn in là “Mang Thôi” (chữ mang: bộ tâm bên chữ vàng).

1542 Bản ghi công lao.

1543 Nguyên văn là “khóa tập”, có nghĩa là áo mặc của kỵ sĩ (kỵ phục) hoặc áo mặc đi trận (nhung y). Nhưng theo Từ Nguyên trang 1.346 thì thứ áo này, đời Nam triều (420-589) dùng làm lễ phục, nên dịch là “lễ phục” cho dễ hiểu.

1544 Xem Lời chua về “đô sảnh đường” của Cương mục ở Chính biên XV, 23.

1545 Tức như cái thẻ.

1546 Danh từ “kinh tế” đây theo nghĩa cổ: Có tài trị nước giúp đời (kinh bang tế thế).

1547 Mao Toại, người thời Chiến Quốc, là khách ăn ở tại nhà Bình Nguyên quân nước Triệu. Khi Triệu bị Tần đánh, Mao Toại tự tiến cử mình để cùng đi với Bình Nguyên quân sang Sở cầu cứu. Kết quả là nhờ có Mao Toại uy hiếp thuyết phục được vua Sở nên lời giao ước “hợp tung” để chống Tần được thực hiện, cứu nước Triệu thoát khỏi hiểm nguy.

1548 Về việc vua Minh dụ bảo tìm lập con cháu họ Trần và việc Lê Thái Tổ ngoại giao với Minh.

1549 Xem chú giải ở Chính biên VII, 4 và X, 18.

1550 Xem chú giải ở Chính biên XIII, 8.

1551 Tức Nguyễn Trãi, vì đây theo “Quốc tính”, nên chép là Lê Trãi.

1552 Lê Khôi, họ đồng tông với Lê Lợi.

1553 Quân Doanh đóng ở dọc đường khi vua đi trận.

1554 Hai tướng nhà Minh.

1555 Hai tướng nhà Minh.

1556 Nay là xã Nội Duệ thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

1557 Tờ biểu do các kỳ mục nước ta đứng khai về việc con cháu họ Trần không còn, Lê Lợi được người nước yêu mến, xứng đáng coi quản việc nước (Chính biên XV, 25).

1558 Tác giả lời phê này có ý so sánh cống phẩm đời Lê Thái Tổ với đời Tự Đức (1848-1883).

1559 Cũng gọi “giáng hương”, một thứ gỗ thơm, gốc rắn chắc, sắc tía mà nhuần mỡ: khi đốt làm hương, ban đầu không thơm lắm, nhưng được hòa với các mùi hương khác thì nó mới ngào ngạt thơm. Sở dĩ gọi là hương “giáng chân”, là vì người xưa theo duy tâm đốt hương này có thể cầu thần linh giáng lâm.

1560 Xem chú giải ở Chính biên XIV, 24.

1561 Chức quan trông coi về việc đánh bắt giặc.

1562 Chỉ việc Lê Thái Tổ đi đánh Đèo Cát Hãn.

1563 Nay thuộc tỉnh Lai Châu.

1564 Đây là chức hàm gia thêm để phong cho đại thần.