K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ 42
Từ Đinh Sửu, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757) đến Bính Tuất, năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), gồm mười năm.
Đinh Sửu, năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757). (Thanh, năm Càn Long thứ 22).
Tháng giêng, mùa xuân. Cấm chơi bời và cờ bạc.
Trịnh Doanh hạ lệnh rằng: Dân có nghề nghiệp nhất định, thì sự vật lạ không thể cám dỗ thay đỗi được ý chí; trong nước không có người dân phóng túng chơi bời, thì phong tục tự nhiên thuần hậu. Vậy nếu xét thấy có người nào không theo về nghề nghiệp tứ dân3406 , tính tình hung hãn, chơi bời cờ bạc, thì quan sở tại trình bày đàn hặc để trị tội.
Tháng 2. Thi hội các cống sĩ, cho bọn Bùi Đình Dự đỗ tiến sĩ xuất thân và đồng tiến sĩ xuất thân, cao thấp khác nhau.
Từ khoa Quý Hợi (1623) năm Vĩnh Tộ (niên hiệu Lê Kính Tông) trở về sau, cống sĩ vào thi đình không ai bị đánh hỏng. Khoa này thi hội, có Nguyễn Khiêm Hanh, người thôn Nhân Nội, được dự hạng trúng cách, đến khi thi đình, can tội mang sách vào trường thi nên bị đánh hỏng.
Lời chua-Bùi Đình Dự: Người xã Nãi Sơn, huyện Nghi Dương3407 .
Nhân Nội: Tên thôn, thuộc huyện Thọ Xương3408 , Hà Nội.
Tháng 3. Bãi bỏ việc binh lính làm đồn điền.
Hạ lệnh cho quan trong kinh chia chau đi khám đồn điền, tùy theo ruộng tốt, ruộng xấu địch ngạch thuế, rồi giao cho sở tại cày cấy nộp thuế, còn binh lính trước kia làm đồn điền nay đều cho rút về.
Tháng 6, mùa hạ. Hạ lệnh đề cử người có văn học, đức hạnh và thành tích chính trị mà hiện bị chìm đắm, thì các quan kể trên tâu lên để triều đình biết.
Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.
Tháng 8. Lại mở khoa Hoành từ.
Lấy bọn Ngô Tưởng Đạo 8 người trúng cách, đều được cất nhắc giữ chức quan trong kinh, ngoài trấn.
Lời chua-Ngô Tưởng Đạo: Người Tả Thanh Oai3409 , huyện Thanh Oai, là em Ngô Thì Sĩ.
Khoa Hoành từ: Phép thi khoa này, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XXI, 8, 9).
Tháng 10, mùa đông. Vùng Sơn Tây bị đói to, phát sinh chứng dịch.
Các huyện thuộc Sơn Tây bị đói to, phát sinh chứng dịch, dân cư mười phần chỉ còn một hai phần.
Lời chua-Sơn Tây: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 27, 34).
Tháng 12. Quả núi ở Thái Nguyên bị lở, nước mưa dẫy lên.
Quả núi ở châu Bạch Thông thuộc Thái Nguyên bị lở hơn 20 chỗ, nước dẫy lên làm ngập lụt, người, súc vật, và thóc lúa phần nhiều tổn hại.
Lời chua-Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).
Bạch Thông: Tên châu, nay thuộc Thái Nguyên3410 .
Mậu Dần, năm thứ 19 (1758). (Thanh, năm Càn Long thứ 23).
Tháng 2, mùa xuân. Nghiêm định rõ thể lệ phúc khiếu về việc kiện tụng.
Theo thể lệ cũ, các việc kiện tụng lên đến lục bộ và Ngự sử đài xét sử là kết liễu, nếu người nào còn có sự oan uổng, mới được làm tờ khải trình bày đầy đủ kêu xin xét lại, nhưng sau nhiều người trái thể lệ, tố cáo vượt cả thứ tự, nên nay hạ lệnh cấm rõ. Tuy thế, nhưng nhân dân quen thói khinh thường khinh thường lệ luật, mà bổng lộc quan văn lại trông nhờ vào kiện tụng, nên chung quy không thể nào cấm chỉ được.
Cấm sở tuần ti hà khắc nhũng nhiễu người buôn bán.
Trước kia, thuế sở tuần ti đã có ngạch nhất định, gần đây, các tuần ti đặt thêm chi nhánh, thu lạm trái thể lệ. Đến nay hạ sức lệnh: mỗi tuần ti chỉ được một chi chính và một chi nhánh, không được đặt chi sở bừa bãi sách nhiễu thuyền buôn. Về phần sở tuần sát ở từng trấn, cũng chỉ được phép đặt ở bốn phía giáp giới của trấn mình mỗi nơi một sở, để xét hỏi những thứ đã có lệnh cấm và người nói tiếng nước khác mặc y phục nước khác; không được mượn cớ để quấy nhiễu người buôn bán qua lại.
Tháng 6, mùa hạ. Trịnh Doanh phong cho người ngoại thích là Vũ Tất Thận làm đại tư đồ, Bính trung công; Nguyễn Mậu Du làm đại tư đồ, Luân trung công.
Lời chua-Nguyễn Mậu Du: Người xã Thịnh Mĩ, huyện Lôi Dương3411 , là bố của Trịnh Phi Nguyễn Thị.
Hạ lệnh cho viên quan khám xét hình ngục, không được để đọng việc ngục tụng.
Hạ lệnh: việc xét lại người tù phạm trọng tội, viên quan giữ việc khám xét không được để chậm trễ.
Tháng 8, mùa thu. Từ mùa hạ đến tháng này không mưa. Triều đình hạ lệnh miễn tiền gia tô.
Năm ấy, từ mùa hạ đến mùa thu không mưa, lúa mạ khô héo, giá gạo vượt cao. Triều đình hạ lệnh: miễn tiền gia tô và tiền chuộc tội còn bỏ thiếu từ lâu; triệt bỏ sở tuần ti nhánh ở các lộ, bắt tuần ti thu thuế chiếu theo thể lệ, ti Hiến sát thời thường xét hỏi. Lệnh này thi hành chưa được bao lâu, thì Đỗ Thế Giai lấy cớ rằng số thuế thu vào thiếu đi mất nhiều, xin vẫn theo như cũ, do đấy chi nhánh tuần ti nhất luật lại theo cũ.
Tháng 10, mùa đông, Trịnh Doanh phong cho con là Sâm làm tiết chế thủy bộ chư quân, chức thái úy, tước Tĩnh quốc công.
Sau khi Sâm được tiến phong, mở phủ Lượng Quốc, hết thảy công việc nhà nước đều giao cho Sâm quyết định. Nguyễn Hoàn, viên quan giữ việc giảng nghĩa sách cho Sâm, làm 10 bài châm dâng lên, Sâm đều thu nạp: 1. Bụng nghĩ phải ngay thẳng; 2. Học hỏi phải rộng khắp; 3. Tề chỉnh việc chính trị trong nước; 4. Phòng ngừa việc đối với người thân cận; 5. Thống nhất căn bản chính sự; 6. Cẩn thận việc sai phái, cất nhắc; 7. Mở rộng việc thu nhận những lời khuyên can; 8. Giữ phép tắc đã sẵn có; 9. Hiệu lệnh phải cho tin thực; 10. Việc nào đáng rộng rãi hay đáng nghiêm ngặt, nên suy xét kỷ càng.
Bãi bỏ vệ binh ở Trường An.
Hồi đầu quốc triều (triều Lê), ở Trường An cứ 5 suất đinh kén lấy một người làm lính, đến cuối năm Vĩnh Hựu (niên hiệu Lê Ý Tông) kén thêm, cứ ba suất đinh lấy một người, theo như thể lệ lấy lính ở Thanh, Nghệ; sau lại lấy riêng vệ binh đặt làm các đội Trung và Hùng3412 . Đến nay nhận thấy có phần quá nặng, nên hạ lệnh hết thảy đều cho về.
Lời chua-Trường An3413 : Tên phủ, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11).
Kỷ Mão, năm thứ 20 (1759). (Thanh, năm Càn Long thứ 24).
Tháng 2, mùa xuân. Thanh Hoa và Nghệ An bị nạn đói.
Thanh Hoa và huyện Đông Thành, huyện Quỳnh Lưu thuộc Nghệ An bị đói to. Hạ lệnh cho Hà Huân đi ngay đến nơi thăm hỏi xem xét, hiệp đồng với viên quan ở trấn, tạm lấy tiền thông kinh và mộ nhà giàu nộp của, sẽ tùy phương tiện phát chẩn cho dân. Còn dân phiêu lưu ở hai xứ này nếu có người nào đến kiếm ăn ở tứ trấn, sẽ đem tiền gạo chẩn cấp cho.
Lời chua-Thanh Hoa và Nghệ An: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 17, 20, 23, 33).
Đông Thành và Quỳnh Lưu: Tên hai huyện, thuộc tỉnh Nghệ An.
Tháng 5, mùa hạ. Sao đổi ngôi, đường đi từ phía tây bắc, ở khoảng không trung có tiếng vang.
Tháng 6. Hạn hán.
Ban bố cách thức chế xe nước, bắt dân y theo cách thức ấy chế tạo để lấy nước tưới vào ruộng. Lại phát thóc công chẩn cấp cho dân. Hạ lệnh cho nội trấn và ngoại trấn đều đình hoãn khám xét ngục tụng.
Tháng 6 nhuận. Thượng hoàng mất, táng ở lăng Phù Lê.
Sau khi đã truyền ngôi, thượng hoàng ở điện Kiền Thọ, đến nay mất, dâng tôn thụy là Huy hoàng đế, miếu hiệu Ý Tông. Thượng hoàng ở ngôi 6 năm, nhường ngôi 20 năm, hưởng thọ 41 tuổi. Bầy tôi giữ việc bàn nghi lễ tâu xin nhà vua, cử hành lễ tang 3 năm, nhà vua nói: “Trẫm là con trưởng của tiên đế lên nối ngôi, không phải làm con người khác, khi nào trẫm dám nhận hai tông thống (nhị bản)?”. Sau bèn cử hành lễ để tang một năm.
Lời chua-Lăng Phù Lê: Ở xã Phù Lê, huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa. Xã Phù Lê nay đổi Phù Nguyên3414 .
Tháng 9, mùa thu. Phát sinh hoàng trùng.
Các lộ có hoàng trùng. Triều đình hạ lệnh cho quan trong ba ti3415 lập đàn lễ bái để tống tiễn.
Canh Thìn, năm thứ 21 (1760). (Thanh, năm Càn Long thứ 25).
Tháng hai, mùa xuân. Miễn thuế diêm tiêu cho hai trấn Tuyên và Hưng.
Lời chua-Tuyên: Tức trấn Tuyên Quang. Hưng: Tức trấn Hưng Hóa. Cả hai đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 30, 31).
Tháng 3. Khởi phục Lê Trọng Thứ giữ chức tả chính ngôn.
Trọng Thứ là người chất phát, bộc trực, dám nói thẳng thắn, là một chỗ dựa vững chắc trong triều đình. Mùa thu năm trước, Trọng Thứ lấy cớ là tuổi già xin nghĩ. Triều đình hạ chiếu cho thăng chức tả thị lang bộ Hộ, về hưu trí, nhưng Trịnh Doanh vẫn chú ý quyến luyến mãi, nên lại có lệnh triệu vào chầu giữ chức bồi tụng kiêm tả chính ngôn. Nhữ Đình Toản nói: “Phủ liêu giữ việc chính trị, Ngự sử đài giữ việc can ngăn, mỗi người đều có nhiệm vụ phải làm, nếu nay đem Trọng Thứ đặt vào công việc chính phủ, thì sự lầm lỗi ở triều đình lấy ai sửa chữa cho đúng đắn được?”. Vì thế mới không bổ vào giữ việc ở phủ liêu mà phong cho chức này.
Tháng 4, mùa hạ. Trịnh Doanh đi Sơn Nam, tế vọng thần núi sông, khảo xét quan lại.
Trịnh Doanh muốn khảo xét quan lại, để cho chính trị đổi mới. Nhân đi đến trấn Sơn Nam, tế vọng thần núi sông, sai dẫn các quan trong hai ti Thừa chính và Hiến sát vào yết kiến, xét hặc phủ huyện và hiệu quan3416 trong hạt, xem người hay người dở để định việc truất bãi hoặc cất nhắc. Lại hạ lệnh cho phủ huyện xét hỏi trong hạt mình: người nào có văn học, đức hạnh, tài năng, nghệ thuật đáng nơi bổ dụng; người nào là hạng kỳ cựu, lão thành, hiếu hạnh, tiết nghĩa, đáng được tuyên dương, cùng những việc mở mang mối lợi, trừ bỏ mối hại cho dân, đều cho phép phủ huyện được trình bày sự thực. Trịnh Doanh thấy Hoàng Ngũ Phúc ở trấn Sơn Nam, biết cách yên dân, dẹp giặc, bèn cho 4 chữ “phiên tuyên lương hàn”3417 để khen thưởng một cách đặc biệt.
Lời chua-Sơn Nam: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 18,25, 27, 34).
Mồng một, tháng 5. Nhật thực.
Bổ dụng Đinh Văn Thản giữ chức lưu thủ trấn Hưng Hóa.
Lúc ấy, tên thành (sót họ), giặc rừng núi ở Hưng Hóa, tụ họp quần chúng cướp bóc, tràn vào biên cảnh phương bắc, thổ quan nhà Thanh không thể khống chế nổi. Viên tổng đốc. Vân Nam đưa công văn sang ta hội quân để săn bắt. Triều đình bèn hạ lệnh cho Văn Thản đi trấn thủ Hưng Hóa, hẹn ngày hội đồng với quân nhà Thanh đi tiễu bắt.
Lời chua-Vân Nam: Xem Bình Định Vương năm thứ 10 (Chb. XIV, 10).
Tháng 7, mùa thu. Hạ lệnh cho dân nộp thóc sẽ trao cho quan chức.
Năm ấy hơi được mùa, triều đình hạ lệnh: người nào có thể nộp thóc được 6 vạn bát quan, sẽ trao cho chức tri phủ ở phủ thái phiền3418 , người nào nộp được 4 vạn bát quan, sẽ trao cho chức tri huyện ở huyện trái phiền, ngoài ra đều trao chức cao thấp khác nhau.
Lời phê-Phủ huyện là người tiêu biểu của dân, triều đình giao phó cho cai trị hàng trăm dặm đất, trách nhiệm không nhỏ. Thế mà lại cho người nộp của để làm quan ở phủ huyện, vậy thì coi việc vui mừng việc đau khổ của dân, chẳng phải cũng quá khinh thường lắm ru?. Tháng 8 mưa dầm.
Tháng 9. Thanh Hoa bị thủy tai.
Vì dân Thanh Hoa phải khổ sở vì nước lụt, triều đình hạ lệnh cho tam ti: để ý thăm hỏi vỗ về nhân dân; hoãn việc nã bắt, đốc thúc, đưa đón. Nguyễn Phương Đĩnh, lưu thủ, dâng tờ biểu giảy bày công việc cứu đói. Trịnh Doanh đều chuẩn y.
Lời chua-Thanh Hoa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 20, 21, 33).
Tân Tỵ, năm thứ 22 (1761). (Thanh, năm Càn Long thứ 26).
Tháng 2, mùa xuân. Đặt sở Tuy Viễn.
Lúc ấy, dân Man (không rõ tên người Man) xin phụ thuộc vào nước ta, triều đình hạ lệnh đặt sở Tuy Viễn ở Sơn Nam, lấy đất bãi xã Yên Lệnh và Nễ Độ trích cấp cho người Man cày cấy, cư trú; giao viên quan ở trấn thu nhận và vỗ về họ.
Lời chua-Yên Lệnh: Tên xã, thuộc huyện Phú Xuyên3419 .
Nễ Độ: Tên xã, thuộc huyện Nam Xang3420 .
Tháng 3. Không mưa.
Hạ lệnh các nha môn giữ việc khám kiện, phải theo đúng kỳ hạn xét xử kết án. Người tù bị tội lưu hiện giam ở nhà ngục cửa Đông, nay cho giảm nhẹ và phát vãng đến chỗ bị đày (đồ), để việc ngục tụng không ứ đọng.
Lời chua-Nhà ngục cửa Đông: Ý nói người bị tù đồ hiện giam cầm ở nhà ngục cửa Đông.
Phong thêm thái ấp cho bầy tôi có công.
Trịnh Doanh nghĩ đến công lao bầy tôi giúp đỡ phò lập lên ngôi chúa, bèn phong thêm thái ấp cho họ, có người nhiều người ít khác nhau. Những người được phong là bọn Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Đình Hoàn, Giáp Nguyễn Khoa, Vũ Đình Trác, Trương Khuông, Trịnh Trụ, Đinh Văn Giai và Nguyễn Công Thái, gồm 10 người.
Lời chua-Đạc và Trụ: Đều là thân thuộc họ Trịnh.
Giáp Nguyễn Khoa: Hoạn quan, người xã Thiết Thượng3421 , huyện Yên Dũng.
Vũ Đình Trác: Hoạn quan, người xã Tiên Cầu3422 , huyện Kim Động.
Tháng 5, mùa hạ. Hạ lệnh cho Lê Đình Châu, hoạn quan, hội đồng đánh Hoàng Công Chất ở Hưng Hóa, được thắng trận.
Trước đây, giặc cỏ là Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hoa, sau lẫn lút ở Thanh Hóa, liên kết với giặc núi là tên Thành. Trấn thủ Đinh Văn Thản đem quân tiến đánh, nhưng Thản nuông giặc không đánh, lại giam hãm quân sĩ ở nơi nước độc, nhiều người nhiễm chướng khí, sốt rét rồi chết. Thản bị triều đình vặn hỏi quở trách nhiều lần, vì thế hắn lo sợ mà chết. Để làm cho nhục nhã sau khi đã chết, triều đình hạ chiếu truy lột hết quan tước và đánh vào áo quan. Rồi hạ lệnh cho đốc chiến Lê Đình Châu và tham mưu Nguyễn Quốc Khê hội đồng với Phan Cảnh, đốc đồng Tuyên Quang, đi đánh phá. Nhân lúc ấy nước to, tên Thành xông ra vòng vây để chạy, bị bắt đưa về kinh sư chém chết. Còn Văn Chất chạy đến động Mãnh Thiên. Từ đấy trấn Hưng Hóa được bình định. Sau Phan Cảnh mắc bệnh chết, triều đình truy tặng hàm hữu thị lang bộ Hình, tước bá.
Lời chua-Nguyễn Quốc Khê: Người xã Hoằng Liệt3423 , huyện Thanh Trì, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) năm Cảnh Hưng.
Phan Cảnh: Người xã Lai Thạch, huyện La Sơn3424 , đỗ thám hoa khoa Quý Hợi (1743) năm Cảnh Hưng.
Lê Đình Châu: Người xã Liên Hồ, huyện Ngọc Sơn3425 .
Động Mãnh Thiên: Ở giáp giới phía bắc châu Ninh Biên, Hưng Hóa.
Tháng 7, mùa thu. Hạn Hán.
Hạ lệnh cho ti Thừa chính và ti Hiến sát các nơi xét hỏi công việc nên làm để mở mang điều lợi, trừ bỏ điều hại ở dân, rồi làm tờ tâu niêm phong dâng lên để triều đình biết.
Cho Lê Lai, công thần khai quốc, được thờ theo ở miếu Quan Công.
Trước kia, Lê Lai theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, đem thân để chết theo vua. Sau khi bình định được đất nước, Thái Tổ truy tặng Lê Lai là khai quốc công thần3426 . Năm Dương Đức thứ nhất (1672) triều Gia Tông, ban cho 100 mẫu tự điền và cho người cháu lâu đời giữ việc thờ tự3427 . Đến nay bàn định, cho thờ theo ở miếu Quan Công, để biểu dương tấm lòng trinh trung.
Tháng 10, mùa đông. Khí trời ấm áp.
Sau tiết lập đông, mà khí trời nóng ấm khác thường. Triều đình hạ lệnh cho bọn Nhữ Đình Toản giữ việc trong chính phủ khảo xét quan lại, việc thưởng việc phạt phải nghiêm minh, để được lòng trời nghĩ lại.
Tháng 11. Sứ thần nhà Thanh sang nước ta.
Trước kia, nhà vua sai bọn Trần Huy Mật và Lê Quý Đôn sang nhà Thanh dâng lễ tuế cống và báo cáo việc Ý Tông mất. Đến nay nhà Thanh sai bọn Đức Bảo, hàn lâm thị độc, và Cố Nhữ Tu, đại lý thiếu khanh, đệ sách văn sang phong nhà vua làm An Nam quốc vương và dụ bảo việc ban lễ tế Ý Tông.
Lúc ấy, nhân trong nước thái bình, Trịnh Doanh muốn phô trương nhân tài nước ta đông đúc, phần nhiều sai bầy tôi văn học như bọn Ngô Thì Sĩ giao thiệp ứng đối về việc giấy tờ. Bọn Thì Sĩ là người học hỏi sâu rộng, nên sứ thần nhà Thanh rất ngợi khen kính trọng.
Tháng 12. Trịnh Giang mất.
Giang (trước tên là Khương) nhường chính quyền cho Doanh. Đến nay mất, hưởng thọ 51 tuổi, truy tôn là Thuận Vương, tiếm xưng hiệu là Dụ Tổ.
Nhâm Ngọ, năm thứ 23 (1762). (Thanh, năm Càn Long thứ 27).
Tháng giêng, mùa xuân. Đặt chức giám đốc trường đúc tiền.
Bắt đầu đặt quan trông coi đôn đốc trường đúc tiền ở Nhật Chiêu, Cầu Giền và các trường đúc ở Sơn Tây, Thái Nguyên, bắt các trường đúc đều có ghi dấu khác nhau, để đề phòng việc đúc tiền quá lạm hoặc mỏng mảnh.
Tháng 4, mùa hạ. Nhữ Đình Toản, thượng thư bộ Hộ, đổi sang giữ chức hữu hiệu điểm.
Đình Toản nhiều lần xin đổi sang võ ban. Đến nay, đổi bổ giữ chức hiệu điểm, hạ lệnh cho cai quản đội Nghiêm Hữu trong Nội Hầu.
Lời chua-Hữu hiệu điểm: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, hồi đầu triều Lê đặt chức điện tiền đô kiểm điểm, trật chánh nhị phẩm; khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) dưới triều Thánh Tông, đặt thêm chức tả, hữu điểm kiểm; sau khi trung hưng, vì tránh tên húy Trịnh Kiểm, nên đổi làm tả, hữu hiệu điểm. Chức này cùng các chức thượng thư ở lục bộ, đều trật tòng nhị phẩm, giữ việc quản lãnh quân cấm vệ.
Đội Nghiêm Hữu: Là thân quân chầu chực.
Phát sinh nhiều bệnh dịch.
Năm ấy, khí trời nóng nực dữ dội, nhân dân nhiều người bị bệnh dịch. Triều đình hạ lệnh cho quan các lộ lập đàn cầu đảo.
Tháng 5. Thi viết chữ và tính toán.
Chế độ cũ, khoa viết chữ và tính toán không quyết định, hoặc 10 năm hoặc 15 năm một lần mở khoa thi. Ai viết chữ tốt thì thi 3 lối chữ: lối viết chữ lớn, lối viết chữ nhỏ và lối viết chữ lệch (ý nói lối chữ viết tờ chiếu, tờ sắc); người ứng thí phải viết một bài thơ Đường luật. Ai tính toán thạo thì hỏi các phép bình thân và sai phân. Khoảng niên hiệu Chính Hòa3428 , bàn định 12 năm một lần thi; khoảng niên hiệu Long Đức3429 định lại 6 năm một lần thi, nhưng sau vì nhiều việc, nên chưa mở khoa thi lần nào. Đến nay bàn định cứ 12 năm thi một lần, việc này giữ làm thể thức thường hành.
Khoa thi này, về thi viết chữ, lấy 978 người trúng cách, về thi tính toán lấy 120 người trúng cách. Lại hạ lệnh thải bớt hạng lại điển thừa ở các nha môn trong kinh, ngoài trấn, để nha môn nhiều việc và nha môn ít việc được quân bình.
Tháng 6. Liệu lượng kén lính Thanh Hoa và Nghệ An.
Binh lính hai xứ Thanh, Nghệ phần nhiều bỏ trốn và thiếu ngạch lính. Trịnh Doanh lấy cớ rằng số dân nơi nhiều nơi ít không đều nhau, bèn hạ lệnh tùy theo số suất đinh mà kén chọn lấy lính, sai quan khám xét lựa chọn; người nào thân thể sức vóc cao lớn thì tuyển vào làm lính thị hậu, ngoài ra điền sung vào các cơ, các đội. Lại hạ lệnh cho lính ở kinh thành chọn trong hàng ngũ bầy ra mỗi tổng một người cán đương, nếu có lính tổng nào khuyết, thì người cán đương tổng ấy nhận giấy tờ quan trên cấp cho đem về dân chọn người sung bổ. Còn việc viên quan bản trấn thúc giục nã bắt và việc viên quan cai quản sai người bắt bớ thì nay đều nhất thiết cấm chỉ.
Định rõ thuế muối ở Sơn Nam.
Hạ lệnh cho ti Trấn thủ xét thực số ruộng muối ở bãi biển để đánh thuế, cứ 50 mẫu làm một bếp, thuế đồng niên mỗi bếp 30 quan tiền.
Khởi phục Hà Huân giữ công việc ở Quốc Tử Giám.
Hà Huân là người học hỏi rộng khắp, mùa xuân năm trước, lấy tư cách là thượng thư bộ binh, viện thể lệ, thôi làm việc, về nhà. Đến nay, vì chấn chỉnh thể văn, nên khởi phục bổ dụng. Triều đình hạ lệnh cho Hà Huân sức rõ mẫu mực thể văn cho học quan dạy bảo học trò, để đào tạo lấy nhân tài.
Tháng 7, mùa thu. Khai mỏ đồng, mỏ bạc, mỏ gang và diêm tiêu ở các lộ.
Hạ lệnh cho các trấn Sơn Tây, Thái Nguyên và Hưng Hóa khai lấy các mỏ bạc, mỏ đồng, mõ gang và mõ diêm tiêu ở xã Thượng Dã, xã Tiên Nông và động Trình Lạn, đều định hạn ba năm sẽ đánh thuế.
Lời chua-Trình Lạn: Tên động, thuộc châu Thủy Vĩ3430 , trấn Hưng Hóa.
Thượng Dã: Tên xã, trấn lỵ Thái Nguyên.
Tiên Nông: Tên xã, thuộc huyện Tam Nông, Sơn Tây3431 .
Tháng 8. Định rõ lại điều lệ khám xét kiện tụng.
Hạ lệnh cho Ngự sử đài chuyển sức các nha môn khám xét kiện tụng ở trong kinh, ngoài trấn, đại ý cốt để cấm kiện giang, cấm kiện việc này dắt dây đến việc khác, răn thói kéo dài để việc hình ngục ứ đọng, tiền tạ và tiền phạt phải được công bằng. Ngự sử đài tham khảo châm chước thể lệ cũ để thi hành.
Lời chua-Tiền tạ, tiền phạt: Xem Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 2 (Chb. XXXII, 11).
Tháng 9. Sửa nhà Quốc Tử Giám.
Tháng 10, mùa đông. Đặt bí thư các.
Bổ dụng Nguyễn Bá Lân và Lê Quý Đôn sung làm học sĩ trong Bí thư các, để duyệt kỷ sách vỡ, chọn người có văn học là bọn Ngô Thì Sĩ sung giữ chức chính tự trong các.
Quý Mùi, năm thứ 24 (1763). (Thanh, năm Càn Long thứ 28).
Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Doanh về trấn Thanh Hoa.
Trịnh Doanh từ kinh thành về Thanh Hoa, để sửa sang tô điểm các thắng cảnh non nước ở núi Dục Thúy và động Bích Đào. Dân phải phục dịch phiền phí khó nhọc. Hạ lệnh tha một năm thuế cho 6 huyện sở tại là Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang, Tống Sơn, Nga Sơn và Thuần Lộc.
Lời chua-Gia Viễn: Xem Tương Dực Đế, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 2)3432 .
Yên Mô: Xem Tương Dực đế, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb, XXVI. 2).
Yên Khang3433 : Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 8 (Chb. VIII, 2).
Tống Sơn3434 và Nga Sơn: Tên hai huyện, xem Anh Tông, năm Chính Trị thứ 14 (Chb. XXVII, 28).
Thuần Lộc: Tức Hậu Lộc, tên huyện, thuộc Thanh Hóa.
Núi Dục Thúy: Ở phía tây bắc tỉnh thành Ninh Bình, nay đổi tên là núi Hộ Thành.
Động Bích Đào: Ở xã Đam Khê, huyện Yên Mô, trong núi có động, nên gọi tên là động Bích Đào. Có một tên nữa là hang Từ Thức.
Tháng 5, mùa hạ. Văn Đình Ức, đốc suất trấn Nghệ An, can tội, bị bãi chức. Bổ dụng Bùi Thế Đạt tạm giữ công việc trấn Nghệ An.
Đình Ức ở trong trấn, bòn rút của dân, chính lệnh hà khắc, nhũng nhiễu, bị dân thuộc hạ cáo tố. Lúc Lê Duy Mật đánh úp phủ Trấn Ninh và Cao Châu, Lư Cầm (tù trưởng Trấn Ninh) cho người báo cáo tình hình nguy cấp, Đình Ức bắt giữ sứ giả của Lưu Cầm, mà không đem việc ấy tâu ngay cho triều đình biết. Đến lúc Duy Mật chia đường cướp phủ Quỳ và phủ Trà, lòng dân xôn xao lo sợ. Viên án trấn là Vũ Tá Đoan nhiều lần xin triều đình chọn viên tướng khác giữ nơi biên khổn. Vì thế, Đình Ức phạm tội dối
trên lừa dưới, phải luận vào tử hình, nhưng Trịnh Doanh lấy cớ rằng Đình Ức là người có công, nên chỉ lột hết quan chức, cho về làm dân. Rồi bổ dụng Bùi Thế Đạt tạm giữ công việc trong trấn, sau hạ lệnh cho kiêm giữ chức đốc suất, được tùy tiện xếp đặt công việc. Thế Đạt giải bày 5 điều về công việc mấu chốt, Trịnh Doanh đều chuẩn y cho thi hành. Doanh lại lấy cớ rằng đất Nghệ An là nơi xa xăm, bèn hạ lệnh cho Thế Đạt dò xét quan lại trong hạt, người nào nhũng nhiễu tàn tệ thì hặc tâu, sẽ thi hành cách trừng phạt, làm cho trong sạch chính trị trong hàng quan lại.
Lời chua-Năm điều: 1. Xin phái thêm binh lính kinh thành để tiện việc điều khiển; 2. Xin chọn kỷ viên quan cai quản binh lính; 3. Xin định kế hoạch của triều đình, rồi trao cho phương pháp mưu mô đánh và giữ; 4. Xin tải thóc công chứa sẵn ở kho, để lương thực ở biên giới được đầy đủ; 5. Đúc súng.
Vũ Tá Đoan: Người xã Hà Hoàng3435 , huyện Thạch Hà, đỗ tạo sĩ.
Trấn Ninh: Tên phủ, xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 10 (Chb. XXIII, 30, 31).
Cao Châu: Tức Trịnh Cao, xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chb. XIII, 9).
Quỳ: Tức Quỳ Châu. Trà: Tức Trà Long. Đều xem Bình Định Vương năm thứ 7 (Chb. XIII, 20).
Tháng 6. Khởi phục Đỗ Thế Giai giữ chức thự phủ sự.
Thế Giai do hương cống xuất thân, thờ Trịnh Doanh từ khi ở Lượng Phủ, rất thân với bọn nội giám Hoàng Ngũ Phúc và Đàm Xuân Vực, nên Nguyễn Công Thái nghét lắm. Thế Giai nhiều lần xin nghĩ việc để giữ vững lòng yêu đương của chúa. Hắn ở nhà riêng tại làng Đông Ngạc, nếu trong triều có việc gì, Trịnh Doanh liền cho sứ thần đến thăm hỏi. Đến nay, Ngũ Phúc xin lại dùng Thế Giai, nên Trịnh Doanh cho khởi phục.
Thế Giai xin: Lấp hẵn con đường xin xỏ cầu may, để căn bản chính trị được trong sạch; việc thưởng việc phạt phải nghiêm minh, để kỷ cương trong triều được chỉnh đốn; nghiêm sức cho trăm quan, để mọi người làm hết chức trách; cẩn thận lựa chọn trăm quan, để phép tắt quan lại được ngay thẳng: cân nhắc việc ban phát, để tài dụng trong nước được đầy đủ. Phàm những việc Thế Giai tâu bày, bọn Hoàng Ngũ Phúc lại cùng tán thành, nên không việc gì Trịnh Doanh không tin theo.
Lúc ấy, nội giám Lê Đình Viên và Nguyễn Đình Xuân đều là con nuôi Xuân Vực, rất được Trịnh Doanh thân yêu, phàm có ai nhờ cậy gởi gắm không việc gì không được như ý. Thế Giai muốn ức chế bọn quyền thần để lập lấy uy thế, bèn tra ra việc ghi chép và truyền lệnh trái lệ3436 , xử bọn Đình Viên vào tử hình, nhưng Trịnh Doanh tha cho và bắt trở về làm dân. Nguyễn Phan, Nguyễn Đình Khoan tư túi thiếu hơn một vạn quan tiền công, rồi thậm thụt cầu cạnh bọn Đình Viên nũng nụu cầu xin cho được tha, nay đều bị giáng chức. Từ đây, quyền bính lớn trong nước lại lọt vào tay Thế Giai.
Lời chua-Nguyễn Đình Khoan: Người huyện Văn Giang, đỗ tạo sĩ.
Đông Ngạc:3437 Tên xã, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Hạ lệnh cho trăm quan đều được đề cử người mà mình biết là xứng đáng.
Hạ lệnh: quan nhị phẩm trở lên đề cử 2 người, quan tam phẩm trở xuống đề cử một người, rồi kê đệ tên những người được đề cử để triều đình biết. Những người ấy phải là người có thể giữ được chức việc trong kinh, ngoài trấn và người có thể cai quản được binh lính.
Tháng 7, mùa thu. Bùi Trọng Huyến, hàn lâm thừa chỉ, vì phạm tội, bị bãi chức.
Trọng Huyến giữ chức đề điệu trường thi Nghệ An, ẩn giấu hơn một ngàn quan tiền thông kinh do học trò tục nạp. Bị viên quan củ sát phát giác, Trọng Huyến phải bãi bỏ chức và thu gấp đôi số tiền mà hắn đã tham tang nộp vào kho công.
Tháng 9. Bỏ bớt số viên thuộc trong sáu bộ.
Lúc ấy, thuộc viên ở các bộ thừa nhiều người. Triều đình bèn chuẩn định: các chức lang trung, viên ngoại, tư vụ trong mỗi bộ và chức chiếu khám trong. Ngự sử đài đều đặt một người, còn ra, đổi bổ giữ chức khác. Lại hạ lệnh cho bộ Lại chiếu theo thể lệ cũ: Lang trung và viên ngoại thì dùng văn thuộc, tư vụ thì dùng ấm tử, người nào không hợp thể lệ này đều bổ sang chức khác.
Lời chua-Văn Thuộc: Quan chế triều cố Lê, văn thuộc là chức quan văn thuộc phủ chúa Trịnh, chức này có phẩm trật từ chánh lục phẩm đến tòng cửu phẩm.
Tháng 10, mùa đông. Giảm bớt ti Thừa chính và số quan phủ huyện ở trấn Yên Quảng.
Bầy tôi trong triều đình bàn luận cho rằng trấn Yên Quảng số đinh ít, công việc ít, nên bỏ bớt ti Thừa chính và số quan ở phủ huyện, việc binh việc dân và kiện tụng cho lệ thuộc vào ti trấn thủ.
Lời chua-Yên Quảng: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI 19, 29, 35).
Giáp Thân, năm thứ 25 (1764). (Thanh, năm Càn Long thứ 29).
Tháng giêng, mùa xuân. Lập con là Duy Vĩ làm hoàng thái tử.
Duy Vĩ, con trưởng của nhà vua, sáng suốt, chăm học, Trịnh Doanh rất kính trọng. Đến nay lập làm thái tử.
Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán, cầu đảo, mưa.
Hạ lệnh cho ba ti ở các trấn hết lòng cầu đảo, qua ngày hôm sau, mưa to.
Cấm những người gièm pha bới xấu người khác.
Lúc ấy, bọn Hoàng Ngũ Phúc và Đàm Xuân Vực bè đảng nâng đỡ lẫn nhau, vì thế, người ngoài bàn tán xôn xao. Ngũ Phúc xin Trịnh Doanh đặt lệnh cấm nghiêm ngặt để khóa miệng mọi người, nhưng cũng không sao cấm chỉ được.
Lời phê-Dùng nhiều hoạn quan, không thể không suy yếu. Tài của Doanh không đền bồi được lỗi của Doanh. Tháng 7, mùa thu. Sơn Tây và Hưng Hóa đánh giặc tên là Thai, bắt được, giết chết.
Giặc tên là Thai (sót họ) tụ họp nhiều người nổi loạn. Triều đình sai các quan trấn Sơn Tây và Hưng Hóa hội đồng tiễu nã, bắt được tên Thai và đồ đảng 159 người, đều luận tội tử hình. Trịnh Doanh thương tình, sai xét lại, nhiều người được khoan hồng tha cho.
Lại hạ lệnh cấm khách buôn phương Bắc không được ở lẫn với dân.
Trước đây, khách buôn phương Bắc đến buôn bán, chỉ cho trú ngụ ở châu Vân Đồn, châu Vạn Ninh thuộc Yên Quảng và xã Cần Hải, Hội Thống, Triều Khẩu thuộc Nghệ An, không được ở lẫn với dân. Lúc ấy, dân ở châu Vạn Ninh nhiều người phiêu tán, nên cũng có khách buôn nhân tiện chiếm ở trú ngụ ngay chỗ đất bỏ không, lại có nhiều người mở phố xá ở Vĩnh Đại và Triều Khẩu. Vì thế, mới hạ lệnh cho quan ở trấn sức sở tại dẫn đưa ra ngoài cảnh thổ, xếp đặt cho họ ở riêng ra như trước.
Lời chua-Châu Vân Đồn3438 : Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chb. IV, 43).
Châu Vạn Ninh3439 : Xem Trần Thuận Tông năm Quang Thái thứ 4 (Chb. XI, 16).
Xã Cần Hải: Thuộc huyện Quỳnh Lưu3440 .
Hội Thống: Tên xã, thuộc huyện Nghi Xuân3441 .
Vĩnh Đại: Tên xã, thuộc huyện La Sơn3442 .
Triều Khẩu: Tên xã, thuộc huyện Hưng Nguyên. Đều thuộc Nghệ An.
Đặt chức quan trưng phủ ở các phủ.
Trịnh Doanh lấy cớ rằng tiền thuế điệu, tiền vệ suất, tiền đất bãi, tiền cửa đình, tiền giáo phường và tiền nộp chuộc tội còn thiếu lại, chia nhau thu nhận làm phiền nhiễu dân, bèn hạ lệnh mỗi phủ đều đặt chức quan trưng phủ, dùng quan trong kinh và người hào mục ở trấn sung bổ vào chức này, giữ cả các việc trưng thu và chiêu tập yên ủi dân; lại sai viên quan trong ti Hiến sát thời thường xét hỏi.
Lời chua-Tiền thuế điệu, đất bãi, cửa đình và giáo phường: Đều xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 4 (Chb. XXXVI, 10-12).
Tiền vệ suất: Nghĩa là lính các vệ lúc không có việc về nhà làm ruộng, theo thể lệ nộp một quan hai tiền thuế dung, lúc có việc gọi ra lính mới được miễn.
Bổ dụng hoạn quan Đàm Xuân Vực giữ chức thống suất Thanh và Nghệ.
Trước đây, Duy Mật chạy trốn ra ngoài, mạo xưng mệnh lệnh vua Ý Tông, chế tạo riêng bảo tỉ và cờ, kiếm, dụ dỗ khắp các tù mục ở Thanh Hoa giúp cho lính thổ, lún lút chiếm cứ miền thượng du, làm tờ hịch kể tội ác họ Trịnh. Trịnh Doanh sai quân đi đánh, mấy năm chưa dẹp yên được. Đến nay, Duy Mật đánh úp Trấn Ninh, bắt giam Bồn Xà là Lư Cầm Hương, rồi ngay ở động Trình Quang, Duy Mật đặt làm nội phủ và ngoại phủ, bốn mặt ngoài phủ chia ra đặt 16 đồn ải, có lũy vững, hào sâu, có nơi đứng cao để nhòm ngó, có điếm canh ở đường xa, phòng bị cẩn thận, chặt chẽ. Duy Mật đem quân đánh chiếm những kẻ không thần phục, khống chế các người Lào, cả đến các động ven biên giới Hưng Hóa, phía đông từ Lạc Hòn, Cao Châu, phía bắc đến 7 tổng phủ Quỳ, phủ Trà, đều bị Duy Mật thống thuộc sai khiến. Nhân đấy, Duy Mật chia quân tràn xuống địa đầu Thanh Hoa, vì thế, dân nơi biên giới náo động. Triều đình bèn hạ lệnh cho Đàm Xuân Vực làm thống suất hai xứ, phàm cơ mưu đánh dẹp, tiễu nã, và việc thưởng công, phạt tội, phong quan, bãi chức. Xuân Vực đều được tùy tiện xử trí.
Lời chua-Động Trình Quang: Thuộc phủ Trấn Ninh.
Lạc Hòn: Tên đất của người Man, Xem Hi Tông, năm Chính Hòa thứ 21 (Chb. XXXIV, 48).
Cao Châu: Tức Trịnh Cao, xem Bình Định Vương năm thứ 2 (Chb. XIII, 9).
Quỳ và Trà: Xem Bình Định Vương năm thứ 7 (Chb. XIII, 20).
Định rõ thể lệ thuyên chuyển, cất nhắc và bảo cử.
Chuẩn định thể lệ thuyên chuyển cất nhắc và bảo cử những ấm tử của quan tam phẩm trở lên: Con quan nhất phẩm ngang với người thi hội bốn khoa đều lọt được kỳ đệ tam (hội thí tam trường tứ trường); con quan nhị phẩm ngang với người lọt được ba kỳ đệ tam; con quan tam phẩm ngang với
người lọt được hai kỳ đệ tam; người trúng cách khoa thi hoành từ ngang với người lọt ba kỳ; người được thượng khảo ngang với người lọt hai kỳ; người trúng cách về ngự đề ngang với người trúng cách một kỳ. Nếu có những người lý lịch và sự trạng giống nhau, thì phải trông vào khoa trường đỗ trước hay đỗ sau và giữ chức quan nơi nhiều việc hay ít việc, rồi châm chước hiệu lượng xét cho thỏa đáng. Còn về lý Lịch, thưởng phạt và công tội, đều phải theo sự thật khai rõ; người nào ẩn giấu, khi việc phát giác sẽ phải luận tội nặng. Ngoài ra đều tham khảo châm chước với thể lệ cũ để thi hành.
Lời chua-Hội thi tam trường tứ trúng: Nghĩa là Hương cống đi thi hội đến bốn khoa, đều lọt được kỳ đệ tam, nên gọi là “tam trường tứ trúng”.
Tam trúng, nhị trúng: Cũng phỏng theo ý nghĩa trên đây. Những hương cống thi hội được tứ trúng, tam trúng hoặc nhị trúng, nếu khi nào có khuyết chức quan ở phủ, ở huyện ở châu và chức quan dạy học ở phủ, thì xét xem người nào đã thi lọt được kỳ đệ tam nhiều hay ít mà cất nhắc trao chức khác nhau. Còn như thể lệ về ấm tử của quan nhất phẩm, nếu có tuyển bổ thì ngang hàng với hương cống thi hội bốn khoa đều lọt được kỳ đệ tam, ngoài ra cứ theo thể lệ ấy mà suy ra.
Hoành từ: Nghĩa là người thi khoa hoành từ được trúng cách.
Thượng khảo: Người được dự hạng nhất trong khi xét công trạng.
Ngự đề: Người được trúng cách trong khi thi bài chế do vua ra đầu đề.
Tháng 12, mùa đông. Lại thu nửa tiền thuế gia tô.
Lúc ấy vì Duy Mật chiếm cứ Trấn Ninh lâu ngày, có việc dùng quân đánh dẹp, bèn hạ lệnh thu một nửa thuế gia tô theo ngạch cũ. Lệnh chỉ nói: “có ruộng thì có tô, là lẽ thường xưa nay. Nhà nước thu lấy của dân, đều có ngạch thuế nhất định. Trước kia, nơi biên giới, nên ngoài số thuế chính ngạch, quyền tạm bổ riêng thuế gia tô3443 , để giúp chi dùng vào việc binh. Từ khi việc binh tạm thư, đã nhiều lần rộng tha cho3444 ; nay có việc điều khiển lính đi đánh dẹp, chi dùng khá nhiều, cần phải liệu lượng thu một nửa và nộp cả vào mùa xuân để tiện cho việc thu nộp”.
Ất Dậu, năm thứ 26 (1765). (Thanh, năm Càn Long thứ 30).
Ngày Ất Tỵ, tháng giêng, mùa xuân. Sét đánh cột cửa tả.
Tháng 2. Thay đổi phép thi hương, lại thu tiền thông kinh.
Trước đây, Thế Giai giữ công việc trong chính phủ, lấy cớ rằng dùng quân đánh dẹp, chi phí mất nhiều, phàm gặp khoa thi hương, hạ lệnh cho nộp tiền thông kinh, sẽ được miễn khảo hạch; kịp lúc Công Thái giữ việc trong chính phủ xin bãi bỏ thể lệ này. Đến nay, Thế Giai lại được khởi phục bổ dụng, bèn thay đổi phép thi: huyện lớn lấy 70 người, huyện vừa 50 người, huyện nhỏ 40 người, người nào khảo hạch không trúng, theo thể lệ nộp tiền thông kinh, cũng được vào thi.
Tháng 3. Hạn hán, phát sinh chứng dịch.
Lại hạ lệnh cấm binh đinh không được thay thế riêng cho nhau.
Theo chế độ cũ, binh đinh ở Thanh, Nghệ và tứ trấn, khi đến tuổi thành đinh (18 tuổi là thành đinh) thì tòng quân, 60 tuổi được miễn. Ít lâu nay, ở dân gian hoặc người bốn, năm mươi tuổi, hoặc người năm, sáu mươi tuổi, thường thay thế riêng cho nhau, viên cai quản binh lính và cơ đội phần nhiều cẩu thả theo tình riêng, thành ra quá nửa số quân không am hiểu kỷ luật. Đàm Xuân Vực, đốc suất Thanh Hoa, dâng tờ khải nói xin theo thể lệ cũ, Trịnh Doanh chuẩn y, bèn lại hạ lệnh cấm rõ: từ nay người binh đinh nào chưa đến 60 tuổi, không được thay thế riêng.
Trịnh Doanh tự ý dâng hữu miếu.
Trước kia, Trịnh Doanh giữ chính quyền trong nước, lấy cớ rằng tiên tổ và tiên khảo truy xưng Lương Mục vương là Vĩnh và Tấn Quang vương là Bính, đều chưa từng chính thức nối ngôi chúa, có ý muốn lập hữu miếu để thờ, sau vì Nguyễn Quý Đức nói mà thôi đi3445 , đến nay lại lập hữu miếu, công việc xây dựng suốt 8 tháng chưa xong. Tham tụng Nguyễn Nghiễm và bồi tụng Trần Danh Lâm cho rằng lễ nghi là theo lẽ phải, trước kia, chúa Nhân Vương (tức Trịnh Cương) là thế đích thừa trọng, cho nên không lẽ lại suy tôn người sinh ra mình một cách long trọng, mà tạm thời thờ riêng. Sau bầy tôi trong triều bàn luận, lấy cớ rằng ông cháu cha con một huyết mạch nối tiếp nhau, cùng thờ cả ở miếu ông thủy tổ, là hợp lẽ phải. Vả lại, việc thờ tự này, đến nay đã trải qua vài mươi năm, tinh thần tiên tổ tụ hợp cả trong một nhà không bao giờ gián cách, nay một lúc lại lập miếu riêng, thì không những mắt thấy tai nghe có phần nghi ngại, mà đối với tình và lễ đều chưa được thỏa đáng, xin bãi bỏ công việc xây dựng hữu miếu. Trịnh Doanh không theo lời.
Lời chua-Lương Mục Vương là Vĩnh: Con trưởng của Trịnh Căn.
Tấn Quang Vương là Bính: Con trưởng của Lương Mục Vương Vĩnh và là cha Trịnh Cương-Vĩnh và Bính đều mất sớm chưa chính thức nối ngôi chúa.
Tháng 6, mùa hạ. Lê Quý Đôn, tham chính Hải Dương bị bãi.
Từ khi sang sứ nhà Thanh trở về nước, rồi bổ làm tham chính Hải Dương, Quý Đôn tự giải bày chín tội, nhưng thực ra là tự kể công lao của mình. Trong lời giải bày lại nói: “Tôi đem cái thân sống sót ở muôn dặm trở về nước, mà nay xiêu giạt nơi giang hồ, xin cho tôi được về quê quán”. Trịnh Doanh không bằng lòng, nhưng vẫn y cho.
Quý Đôn nổi tiếng về văn học, vì phải bổ ra làm quan ở ngoài, nên bất đắc chí, lời nói có giọng oán hờn, đại để cũng như tờ biểu tự trách mình của Bộc Cố Hoài Ân, nên người có kiến thức lấy làm chê cười.
Lời phê-Học rộng thì có làm gì, chỉ đủ để giúp cho lòng tư của mình, như hạng Vương An Thạch3446 . Sở dĩ đến như thế, cũng do kiến thức lệch lạc mà ra. Lời chua-Quý Đôn tự giải bày chín tội: Như nói, tôi không đoái thương đến mẹ già , đem thên theo tiên vương ở nơi hành tại để mộ quân đánh giặc. Đấy là tôi phạm một tội không trung với nước. Dấn mình vào nơi hàng trận, là vì trong chí muốn cho nước nhà được yên. Đấy là tôi phạm hai tội không trung với nước. Còn ra không khảo cứu được.
Bài biểu tự trách mình của Bộc Cố Hoài Ân: Đời vua Đại Tông nhà Đường, Hoài Ân tự nghĩ mình có công to, mà bị người ta gây sự hãm hại, có ý bực tức oán hờn, bèn dâng tờ biểu tự trách mình có sáu tội: 1. Trước kia, bộ lạc Đồng La làm phản loạn, tôi vì tiên đế mà quét sạch giặc giã ở Hà Khúc; 2. Con trai tôi là Phân sa vào tay giặc, khi trốn ra trở về, tôi bắt đem chém, để hiệu lệnh quân sĩ; 3. Con gái tôi vì trong nước hòa thân với Hồi Hột mà đem gả ở nơi xa; 4. Tô cùng con trai là Dương dốc hết tính mạng vào việc nước; 5. Đất Hà Bắc mới quy thuận triều đình, tôi vỗ về yên ủi để cho người giáo giở được yên lòng; 6. Tôi dụ dỗ Hồi Hột, để chúng đem quân đến cứu nạn nước. Tôi chịu sáu tội kể trên, thật đáng muôn vàn tội chết.
Tháng 7, mùa thu. Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế3447 ta nối nghiệp.
Tháng 7. Bổ dụng Nguyễn Đình Huấn, hoạn quan, giữ chức tham đốc.
Đình Huấn làm đề lãnh bốn cửa thành, trong kinh kỳ được nghiêm chỉnh yên tĩnh. Trịnh Doanh nhận thấy là người có tài, nên trao cho giữ chức này.
Lời chua-Tham đốc: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì tham đốc thuộc về hàng võ, trật chánh nhị phẩm.
Tháng 10, mùa đông. Cấm người quý thích ngang ngược nhiễu dân.
Lúc ấy, bọn quý thích phần nhiều trái thể lệ, thiện tiện đánh thuế tuần ti, thuế xưởng mỏ và thuế thổ sản ở ngoại trấn, đi đến đâu cũng nhũng nhiễu, làm khổ cho dân. Triều đình nghe biết việc này, hạ lệnh cho ti Trấn thủ tra xét bắt giải, người nào không có giấy tờ quan cấp sẽ trị tội.
Tháng 12. Phạm Huy Cơ phạm tội, bắt giam vào ngục.
Huy Cơ giữ chức Hiến sát sứ trấn Sơn Nam, vì ăn hối lộ, việc phát giác, triều đình hạ lệnh bắt giam vào ngục.
Bính Tuất, năm thứ 27 (1766). (Thanh, năm Càn Long thứ 31).
Tháng 5, mùa hạ. Sao Thái Bạch đi ngang bầu trời.
Đêm, sao đổi ngôi suốt bầu trời.
Tháng 6. Mưa dầm. Hạt Kinh Bắc nước sông dẫy lên, vỡ đê.
Các huyện hạt Kinh Bắc vỡ đê, ruộng nương nhà cửa bị ngập lụt. Triều đình hạ lệnh cho quan trong kinh thành đi hộ đê. Lại đình hoãn khám xét kiện tụng. Nơi bị đê vỡ làm tổn hại đều được liệu lượng phát chẩn.
Lúc ấy. Trịnh Doanh giữ chính quyền trong nước đã lâu, bầy tôi xin gia phong tôn hiệu. Doanh nhún nhường không nhận, và bảo bọn này rằng: “Mới đây trời mưa quá nhiều, làm cho dân tai hại, như thế, phải chăng chính lệnh triều đình có điểm khiếm khuyết? Ta chưa nghe thấy các ngươi có lời dâng điều hay, bỏ điều dỡ, mà chỉ vội vàng xin tiến tôn hiệu. Việc ấy bây giờ có hợp thời đâu? Các ngươi không nên nói lại nữa”.
Tháng 9, mùa thu. Ánh sáng mặt trăng phạm vào sao Tâm.
Lời chua-Theo “Thiên văn chí” trong Tấn thư, thì sao Tâm có ba chòm sao, là chính vị sao Thiên Vương: chòm sao giữa gọi là minh đường, tượng trưng vị thiên tử, chòm sao đằng trước là thái tử, chòm sao đằng sau là thứ tử-bóng sang hai vì sao giao nhau hoặc lấn vào nhau gọi là Phạm. Tiền Hán thư chép: Năm Dương sóc3448 thứ nhất, ánh sáng mặt trăng phạm vào sao Tâm. Người xem thiên văn đoán rằng: “Trong nước có sự lo buồn như có đại tang”.
Bãi bỏ việc cấp thêm ruộng khẩu phần cho lính tứ trấn.
Lúc ấy, triều đình bàn định, lấy cớ rằng, thái bình lâu ngày, nhất binh ở tứ trấn không phải sai phái tạp dịch, không nên rộng cho cấp ruộng vượt qua ngoài lệ ngạch. Vì thế hết thẩy khẩu phần của lính đều hạ lệnh cho viên trưng phủ thu thuế.
Tháng 10, mùa đông. Có vì sao lớn hình như cái đấu, bay ngang suốt trời.
Tháng 12. Phạm Gia Huệ phạm tội, bị bãi chức.
Gia Huệ là người bẻm mép, a dua phụ học với bọn quyền thế, được dắt díu nhau lên làm quan, thăng đến chức tri Công Phiên, phụng mạng đi thu thuế phủ Bắc Hà, thu lạm của dân hơn hai ngàn quan tiền. Viên quan thái phỏng là Nguyễn Phùng Thời đem việc này tâu bày, gặp lúc ấy dân phủ Bắc Hà họp nhau ở cửa khuyết để tố cáo. Triều đình lập tức hạ lệnh lấy tiền trong kho công trả lại cho dân và giao
việc này cho viên quan có trách nhiệm bàn định, Gia Huệ phải luận tội đồ. Nhưng Trịnh Doanh còn có lòng thương, chỉ bắt phải bãi chức.
Lời chua-Nguyễn Phùng thời: Người xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường3449 , đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.
Phạm Gia Huệ: Người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm.
Bắc Hà: Tên phủ, thuộc Kinh Bắc.
Ở Kinh Bắc động đất.
Giặc nổi lên ở Sơn Tây, Hưng Hóa. Bọn trấn tướng Nguyễn Địch Bàn đi đánh, dẹp yên được.
Giặc (sót họ tên) ở thượng du vùng Sơn Tây tự xưng hiệu là Thuận Nghĩa, tụ hợp quân chúng đi cướp bóc. Triều đình hạ lệnh cho bọn trấn tướng là Nguyễn Địch Bàn và Hoàng Phùng Cơ hội đồng với nhau đi tiễu nã, phá tan được bọn giặc này.
Lời chua-Nguyễn Địch Bàn: Người xã Vụ Cầu, huyện Thanh Ba3450 , đỗ tạo sĩ.
Sơn Tây và Hưng Hóa: Đều xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 19, 27, 30, 34, 35).
3406 Tức sĩ, nông, công, thương.
3407 Nay là huyện Kiến Thụy, T.P. Hải Phòng.
3408 Đất huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Hà Nội).
3409 Nay là thôn Tả Thanh Oai, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
3410 Nay thuộc Bắc Cạn.
3411 Đất huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân và huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
3412 Tham khảo “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú: “Các doanh đội Trung Hùng và Hùng Trung” )Trung Hùng, Hùng Trung đẳng doanh đội). Ở đây có lẽ Cương mục chép tắt: Trung, tức Trung Hùng; Hùng, tức Hùng Trung.
3413 Nay là huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
3414 Nay là thôn Phù Nguyên, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa.
3415 Tức Trấn ti, Thừa ti và Hiến ti.
3416 Viên quan giữ việc dạy học ở phủ huyện. Xem thêm lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXIV, tờ 8.
3417 Bốn chữ này dùng điền ở thơ “Tung cao” thiên Đại Nhã trong sách Mao Thi. Ý nói: một viên quan đại thần rất tốt: về võ công thì là cột trụ của nhà nước; về chính trị thì tuyên dương ơn đức của triều đình.
3418 Xem chú thích số 1, Chính biên quyển XXXV, tờ 19.
3419 Tỉnh Hà Tây.
3420 Nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
3421 Nay là thôn Thiết Thượng, xã Nghĩa Trang, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
3422 Nay là thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
3423 Nay là xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
3424 Nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
3425 Nay là huyện Tĩnh gia, tỉnh Thanh Hóa.
3426 Xem thêm Chính biên quyển XV, tờ 25, 26.
3427 Xem thêm Chính biên quyển XXXIII, tờ 33.
3428 1680-1704. Một niên hiệu triều Lê Y Tông.
3429 1732-1734. Một niên hiệu triều Đế Duy Phường.
3430 Thủy Vĩ nay thuộc Lào Cai.
3431 Huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
3432 Nguyên văn in lầm là Thánh Tông “Hồng Đức nhị niên”.
3433 Nay là huyện Yên Khánh. Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, đều thuộc tỉnh Ninh Bình.
3434 Nay là huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung đều thuộc tỉnh Thanh Hóa.
3435 Nay là thôn Hạ Hoàng, xã Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
3436 Nguyên văn chép “biên truyền phi lệ”. Theo chế độ phong kiến, bổn phận bọn nội giám, ngoài việc hầu hạ vua chúa hàng ngày, còn có mấy việc nữa: một là ghi chép ngày giờ mà vua chúa đến với phi tần, đề phòng khi có phi tần nào sinh đẻ, thì đối chiếu vào sổ nội giám đã ghi chép mà kê cứu; hai là theo lệnh vua chúa truyền cho phi tần đến hầu. Theo Lê sử bổ, trong phủ Trịnh Sâm (con trưởng Trịnh Doanh) bấy giờ có hai người phi tần tên giống nhau; một là Ngọc Khoan và một là Ngọc Hoan. Một hôm, Sâm sai nội giám truyền lệnh triệu Ngọc Khoan, nhưng nội giám cố ý làm sai lạc đi mà truyền lệnh cho Ngọc Hoan. Khi Sâm thấy Ngọc Hoan, có ý không bằng lòng, nhưng đã triệu đến cũng gượng chung chăn gối, sau Ngọc Hoan sinh con là Trịnh Tông, tức Đoan Nam Vương sau này. Có lẽ bọn nội giám Lê Đình Viên đã ghi chép và truyền lệnh về việc trong cung cấm trái thể lệ như thế, nên Thế Giai mới tra ra mà luận vào tội tử hình.
3437 Tục gọi làng Vẽ, nay là xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
3438 Nay là huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
3439 Nay là huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh.
3440 Tỉnh Nghệ An.
3441 Tỉnh Hà Tĩnh.
3442 Nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
3443 Xem thêm Chính biên quyển XXXIX, tờ 27.
3444 Xem thêm Chính biên XLII, tờ 4.
3445 Đoạn văn này có lẽ Cương mục chép lầm, chữ “Trịnh Doanh” chép ở câu đầu đoạn này, phải chép là “Trịnh Cương” mới đúng. Vì việc này Nguyễn Quý Đức trình bày với Trịnh Cương (Chb. XXXV, 9). Còn Trịnh Doanh mới lên ngôi chúa năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) mà Nguyễn Quý Đức đã chết từ năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720) rồi, còn đâu mà nói với Trịnh Doanh nửa.
3446 Một viên tể tướng dưới triều Tống Thần Tông.
3447 Tên là Phúc Thuần, hiệu là Khánh Húc đạo nhân, con thứ 16 của Phúc Khoát.
3448 Một niên hiệu của Hán Thành Đế (24-20 Tr.C.Ng).
3449 Nay thuộc tỉnh Nghệ An.
3450 Tĩnh Phú Thọ.