K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ IX
Từ Mậu Thân, Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 16 (1308), đến Kỷ Sửu, Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 9 (1349), gồm 42 năm.
Mậu Thân, năm thứ 16 (1308). (Nguyên, Vũ Tông, năm Chí Đại thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Bổ dụng Trương Hán Siêu làm Hàn Lâm Học Sĩ.
Hán Siêu trước kia là môn khách823 Hưng Đạo vương, được Hưng Đạo vương tiến cử. Nhà vua vẫn nhận thấy là người có văn học, nên bổ dụng vào chức này.
Lời chua – Hán Siêu: Người làng Phúc Am, huyện An Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Tháng 11, mùa đông. Mặt trời có hai quầng.
Thượng hoàng mất ở chùa núi Yên Tử.
Thượng hoàng sau khi xuất gia, lên ở trong am Ngọa Vân trên ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ824 . Lúc Thiên Thụy công chúa bị bệnh nặng, Thượng hoàng xuống dưới núi để thăm, khi trở về núi, đem công việc sau khi mất dặn lại người thị giả825 là Pháp Loa, dặn xong thì mất. Pháp Loa dùng phép hỏa hóa. Tôn thụy hiệu là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hoa Dân Long Từ Hiển Huệ Thánh Văn Thần Vũ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng đế. Thượng hoàng ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 13 năm, hưởng thọ 51 tuổi.
Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ – Nhân Tông mất ở Sơn Am826 , là một việc trọng đại trong nước, thế mà chỉ có một nhà sư đảm nhận, còn bấy giờ người làm con, người làm tôi cũng đều điềm nhiên như không! Xem thế thì việc Anh Tông thờ cha và việc nhà Trần sùng bái đạo Phật, chả phải là một sự đáng lấy làm kỳ dị lắm sao? Lời chua – Yên Tử: Tên núi. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (Chb. VI, 18).
Thiên Thụy công chúa: Chị ruột của Thượng hoàng.
Pháp Loa: Tên thày chùa, người ở Chí Linh thuộc Hải Dương.
Sai sứ sang nhà Nguyên.
Vũ Tông nhà Nguyên mới lên ngôi vua, sai Thượng thư là An Lỗ Uy sang báo cáo. Nhà vua sai Mạc Đĩnh Chi sang chúc mừng.
Lời chua – An Lỗ Uy: Nguyên sử chép là A Lý Hôi.
Kỷ Dậu, năm thứ 17 (1309). (Nguyên, năm Chí Đại thứ 2).
Tháng 2, mùa xuân. Lập con là Mạnh là Hoàng thái tử. Lập hoàng hậu là Trần Thị. Hạ chiếu đại xá.
Hậu là con gái Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, khi mới lấy gọi là Thánh Tư phu nhân; đến đây lập làm Thuận Thánh hoàng hậu.
Truy tôn Khâm Tử Bảo Thánh thái hậu làm thái hoàng thái hậu.
Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ – “Thái hoàng thái hậu” là danh hiệu để tôn xưng bà nội khi còn sống. Khâm Từ là hoàng hậu của Nhân Tông, thế mà Anh Tông lại truy tôn là thái hoàng thái hậu, danh vị không chính đáng đến như thế dư! Huống hồ linh cữu Nhân Tông còn quàn chưa chôn, mà nào là lập thái tử, lập hoàng hậu, cử hành một cách tự nhiên, thật là không biết lễ nghĩa gì cả. Canh Tuất, năm thứ 18 (1310). (Nguyên, năm Chí Đại thứ 3).
Tháng 9, mùa thu. An táng linh cữu Nhân Tông ở Đức Lăng.
Lời chua – Đức Lăng: Ở phủ Long Hưng.
Có nạn thủy tai. Dân bị đói.
Tân Hợi, năm thứ 19 (1311). (Nguyên, năm Chí Đại thứ 4).
Đặt thêm quân hiệu.
Đặt thêm quân hiệu gọi là đô Toàn Kim Cương, thích ba chữ ấy vào trán, theo như thể lệ đô Chân Thượng; lại chia quân Thiên Thuộc ra làm hai đô: Thượng Phù Đồ và Hạ Phù Đồ.
Lấy con gái người Hồ tăng là Du Chi Bà Lam sung vào hậu cung.
Về triều đại Nhân Tông, người thày chùa này đã thường đến nước ta, dung mạo cổ kính. Ông ta tự nói đã sống ba trăm tuổi, có thể xếp chân vòng tròn ngồi nổi trên mặt nước; lại có thể co rút ngũ tạng827 vào khoảng chỗ dưới ngực và trên hoành cách mô828 làm cho bụng trống rỗng; chỉ ăn lưu hoàng, rau cải, rau hẹ. Ông ta ở nước ta được vài năm rồi trở về, đến nay lại sang, nhà vua cho đem người con gái của ông ta là Đa La Thanh sung vào hậu cung. Sau người thày chùa ấy chết ở kinh sư nước ta.
Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ – Nhà Trần sùng Phật kính sư để cầu được phúc, sự mê hoặc không cần phải nói. Nay Anh Tông lấy con gái thày chùa sung làm phi tần thì nhảm nhí quá! Lời chua – Hồ Tăng: Người thày chùa này ở Trung Quốc, vì nhà Trần gọi nhà Nguyên là Hồ, nên gọi người thày chùa là Hồ tăng.
Tháng 12, mùa đông. Nhà vua tự làm tướng sang đánh Chiêm Thành.
Nước Chiêm Thành từ khi Chế Mân mất, Chế Chí lên thay, thường hay phản trắc, nên nhà vua mới đem quân sang đánh.
Nhâm Tí, năm thứ 20 (1312). (Nguyên, Nhân Tông, năm Hoàng Khánh thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Mặt trời dao động.
Tháng 5, mùa hạ. Sai người dụ bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đưa về nước ta và phong cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm làm Á Hầu trấn thủ đất Chiêm, rồi đem quân về.
Trước đây, Chế Chí sai chủ trại (không có tên) Câu Chiêm sang dâng lễ cống, nhà vua bảo Nhữ Hài bí mật hẹn với chủ trại dụ chúa Chiêm đầu hàng. Đến nay nhà vua thân làm tướng sang đánh. Khi quân tiến đến Lâm Bình, nhà vua sai chia quân làm ba đạo: Huệ Vũ vương Quốc Trấn đi theo đường núi; Nhân Huệ vương Khánh Dư đi theo đường biển, còn nhà vua đem quân đi theo đường bộ, ba đạo quân cùng tiến. Đoàn Nhữ Hài được sung chức Chiêu Dụ sứ đem quân đi trước. Khi đến trại Câu Chiêm, nhà vua đóng dinh ở đó. Nhữ Hài sai người đến nhắc lại với chủ trại những điều đã đính ước ngày trước. Chủ trại dụ bảo Chế Chí; Chế Chí nhận lời, rồi đem theo gia thuộc đi theo đường biển để ra hàng. Khánh Dư liền đuổi theo. Nhữ Hài thấy thế, lập tức phi tấu với nhà vua rằng: “Khánh Dư có ý chực cướp thiên công”829 . Nhà vua giận lắm, sai bắt người giữ chức giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi phải chịu tội chặt chân. Khánh Dư sợ, thân đến ngự dinh830 tạ tội và tâu rằng: “Tôi sợ ở biển, chúa Chiêm lại có ý nghĩ gì thay đổi chăng, nên phải theo sát đằng sau”. Nhà vua nguôi giận, tha tội cho Khánh Dư, rồi hạ chiếu chia quân đi tuần các bộ lạc. Người Chiêm bảo nhau tụ họp, có ý chực xâm phạm thẳng ngự dinh. Lúc nghe tiếng voi hí đến gần, quân sĩ có nét mặt lo sợ; trong khi ấy thì quân của Quốc Tuấn chợt kéo đến, người Chiêm liền chạy tan tác. Nhà vua sai bắt Chế Chí đem về nước, phong cho em hắn là Chế Đà A Bà Niêm là Á Hầu để trấn giữ lấy đất ấy, rồi đem quân về.
Lời phê831 – Việc này xuất phát từ lòng dụ dỗ đánh lừa, không thể làm phép cho người sau bắt trước được. Lời chua – Lâm Bình: Tức Địa lý. Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chb. III, 29).
Sai sứ sang nhà Nguyên.
Nhân Tông nhà Nguyên mới lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Hoàng Khánh, sai Mã Hợp Ngạt sang báo cáo với nước ta, và ban cho lịch mới, nên nhà vua sai sứ sang chúc mừng.
Nhà vua về đến Long Hưng, làm lễ hiến tiệp832 ở các lăng miếu rồi trở về cung.
Thuyền nhà vua đi đến sông Sâm Thị, bỗng gặp mưa, gió, sấm, sét, đương ban ngày trời tối mù mịt, dầu cách gang tấc mà trông cũng không rõ. Quai chèo, dây kéo đều bị đứt, thuyền của nhà vua bị đắm giữa dòng sông. Nhà vua leo lên mũi thuyền, ngồi trên trốc mui, sai quân sĩ sửa lại thuyền và nghi trượng để đi. Khi trở về đến kinh, áo giáp và khí giới đều bị ướt. Quần thần vào bái yết đều mặc áo ngắn đến đầu gối (bình tất phục). Khi bấy giờ Thái tử trông coi việc nước, vì tuổi còn nhỏ, nên nhà vua cho Chiêu Văn vương Nhật Duật và Tuyên Vũ hầu Quốc Tú ở lại kinh sư giúp Thái tử giữ nước. Lúc xét công, nhà vua hạ chiếu cho người ở kinh giữ nước công trạng cũng ngang với người đi theo xa giá đánh giặc. Tuy thế, nhưng sau này việc ban tước hoặc thưởng công chung quy đều không thi hành cả.
Lời phê833 – Quan quân đi theo hầu, làm thế nào mà đến nỗi như thế, người làm thần tử có yên lòng được không? Lời chua – Sông Sâm Thị: Ở xã Sâm Thị, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội834 .
Bình tất phục: Áo ngắn.
Tháng 6, phong cho Chế Chí tước hiệu Trung vương, sau lại đổi là Hiệu Thuận vương.
Chưa được bao lâu, Chế Chí chết ở Gia Lâm, dùng phép hỏa táng.
Tôn thêm thụy hiệu cho các vua và các hoàng hậu đời trước.
Truy tôn đế hiệu cho các tiên tổ.
Truy tôn Chiêu Vương Lý làm Nguyên Tổ hoàng đế, Cung Vương Hấp làm Ninh Tổ hoàng đế, Ý Vương Kinh là Mục Tổ hoàng đế.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên – Vũ Vương nhà Chu khi đã làm vua, truy tôn hai ông tổ835 ; Thái Tổ nhà Tống khi đã lập quốc, truy tôn đế hiệu từ ông tổ bốn đời836 . Vì nghĩ đến công tu nhân tích đức của tổ tông, thì việc truy tôn huy hiệu là việc cần phải làm. Nhà Trần lấy được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, mà dùng tước vương để truy phong ba ông tổ, đã là sự không thỏa mãn được bụng của người làm con cháu; đến đây mới truy tôn đế hiệu, thì lại lỗi đạo ở chỗ truy tôn quá muộn. Lời chua – Việc truy tôn tước vương cho tiên tổ, không thấy Sử cũ chép ở năm nào, chỉ thấy chép ở đây.
Quý Sửu, năm thứ 21 (1313). (Nguyên, năm Hoàng Khánh thứ 2).
Tháng giêng, mùa xuân. Truy tôn hiệu hoàng hậu cho các phu nhân của tổ tiên.
Truy tôn phu nhân của Ninh Tổ làm Ninh Từ hoàng hậu, phu nhân của Mục Tổ làm Mục Từ hoàng hậu.
Lời cẩn án – Vợ ông Nguyên Tổ không thấy chép tôn hiệu ở đâu, là do Sử cũ bỏ sót. Tháng 3. Sao chổi xuất hiện ở phương tây.
Tháng 6, mùa hạ. Sét đánh vào viện Tam ti bị cháy.
Theo phép cũ, phàm cung điện, miếu đường hoặc lang vũ bị cháy, có lễ cầu đảo và lễ tạ. Lúc ấy sét đánh vào viện Tam ti bị cháy, người viện lại là Lương Lang bị chết, nhà vua sai quan sửa lễ cúng tế để khu trừ tai nạn.
Lời chua – Viện tam ti: Tức các viện Phụng Tuyên, Thanh Túc và Hiến Chính. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 19 (Chb. VI, 33).
Tháng 10, mùa đông. Thay đổi quân hiệu.
Đổi tên quân Vũ Tiệp làm quân Thiết Ngạch. Bổ tước Đại liên ban là Trần Thanh Ly làm Vũ vệ đại tướng quân để quản lĩnh.
Bổ Đỗ Thiên Thữ làm kinh lược sứ837 Nghệ An và Lâm Bình.
Lúc ấy, Chiêm Thành thường bị người nước Tiêm sang cướp, nhà vua hạ lệnh cho An phủ sứ là Đỗ Thiên Thữ đi kinh lược hai lộ Nghệ An và Lâm Bình để cứu viện.
Lời chua – Tiêm: Tên nước. Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chb. IX, 43).
Cùng với nhà Nguyên định lại bờ cõi về phía bắc cho được rõ ràng.
Lúc ấy, viên Tri châu Trấn An nhà Nguyên là Triệu Giác bắt người châu Tư Lang nước ta, lấy mất một lọ vàng, và lấn hơn một nghìn khoảng ruộng. Nhà vua bèn sai quân sang đánh châu Quy Thuận và châu Dưỡng Lợi nhà Nguyên, nói rõ là cốt sang đánh để báo thù. Nhà Nguyên sai viên thiên hộ Lưu Nguyên Hanh sang dò xét. Nguyên Hanh đến Du Thôn xem xét địa thế, rồi đưa công điệp sang ta nói: “Trước kia, nhà Hán đặt ra chín quận838 , nhà Đường lập ra năm quản835 , thì An Nam thực là nơi mà thanh
danh giáo hóa của Trung Quốc đã tràn lan tới. Huống chi, An Nam đối với Trung Quốc, nào là dâng địa đồ, nào là nộp lệ cống, danh phận trên dưới đã phân minh, Trung Quốc đối với An Nam, thì ban cho một cách đầy đặn không kể đến việc đáp lại đơn sơ, cái ơn huệ yên ủy người phương xa thật là hết sức. Như thế thánh triều có phụ bạc gì quý quốc đâu! Thế mà bây giờ sao lại tự nhiên gây ra sự không yên lành, dùng sức ngông cuồng để mở rộng bờ cõi. Tuy nói riêng về đất ở Du Thôn, thì việc quan hệ rất nhỏ, nhưng nói chung về dư đồ nhà nước, thì quan hệ rất to. Hơn nữa, những người bị giết, bị cướp đều là những dân, những hộ đã ghi vào sổ của triều đình. Vậy người chủ trương làm việc ấy không rõ là ai?”. Nhà vua trả lời: “Đấy là những người nhỏ mọn ở ngoài biên giới tự làm việc không yên lành, nước tôi biết thế nào được việc ấy”. Nhân thế, Nguyên Hanh dâng thư lên nói với vua Nguyên: “Trước kia An Nam đã từng xâm phạm vào đất Vĩnh Bình, nay lại quen thói cũ; nghĩ nên sai quan đến tuyên truyền dụ bảo, định lại bờ cõi và nghiêm sức quan lại ở biên giới không được xâm phạm lẫn nhau như thế mới giữ được sự yên ổn lâu dài ở ngoài biên giới”. Vua Nguyên y theo lời tâu, sai người đem sắc thư đến dụ bảo. Do đấy, nhà vua mới cho bãi binh.
Lời cẩn án – Việc này có quan hệ đến việc lớn biên giới của hai nước, mà Sử cũ bỏ sót không chép; nay theo sách Nguyên sử loại biên bổ thêm vào. Lời chua – Tư Lang: Tên châu, xem Lý Thái Tông, năm Kiền Phù Hữu Đạo thứ 3 (Chb. III, 3).
Du Thôn: Ở xã Bảo Lâm, huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, hiện nay có cửa ải Du Thôn.
Vĩnh Bình: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng chính bình thứ 10 (Chb. VI, 21).
Giáp Dần, năm thứ 22 (1314). Từ tháng 3 trở về sau, thuộc Trần Minh Tông, năm Đại Khánh thứ 1. (Nguyên, năm Diên Hựu thứ 1).
Tháng 3, mùa xuân. Hạ chiếu truyền ngôi cho Thái tử là Mạnh.
Thái tử đã lên ngôi vua, xưng là Ninh Hoàng; bầy tôi dâng tôn hiệu là Thể Thiên Sùng Hóa Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng đế (tức là Minh Tông). Suy tôn vua cha là Quang Nghiêu Duệ Vũ thái thượng hoàng đế, và tôn Thuận Thánh hoàng hậu làm Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu.
Gặp khi ấy có sứ thần nhà Nguyên đến, nhà vua mặc áo giao lĩnh840 bằng sa vàng, đội thứ muũ có thao rủ để hội kiến. Sứ giả trông thấy, khen rằng: “Hình dáng nhẹ nhàng không khác gì một vị thần tiên”. Khi sứ thần trở về nước, mô tả hết thần thái thanh lịch đẹp đẽ của nhà vua cho mọi người biết. Ít lâu sau, người sứ thần khác đến, có nhắc hỏi lại, sứ thần nước ta trả lời: “Đúng như lời khen ấy. Nhưng đấy cũng là tiêu biểu cho nghi dung một nước”.
Tháng 10, mùa đông. Thi Thái học sinh.
Ai trúng tuyển bắt đầu được bổ chức Bạ Thư Lệnh; cử viên cục chính là Nguyễn Bính dạy bảo luyện tập, để sau này sẽ dùng đến.
Đặt đô Phù Liễn.
Tuyển lấy con những người Cấm Quân và trong hàng quân Thiết Ngạch người nào có thích chữ “Kim cương”, sung làm đô Phù Liễn, gọi là Long Vệ tướng, sau đổi tên là Khấu Mã quân.
Sai sứ sang nhà Nguyên.
Sau khi đã được vua cha truyền ngôi, nhà vua sai bọn Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Ngộ sang báo cáo với nhà Nguyên.
Lời chua – Phạm Ngộ: Trước là người họ Chúc, người ở Kinh Chủ thuộc Giáp Sơn, cùng với em là Mõi, đều đậu Thái học sinh.
Ất Mão (1315), Minh Tông hoàng đế, năm Đại Khánh thứ 2. (Nguyên, năm Diên Hựu thứ 2).
Tháng 5, mùa hạ. Hạ chiếu cấm trong một nhà cha con, vợ chồng và nô tì tố cáo lẫn nhau.
Tháng 6. Đại hạn.
Bấy giờ Khắc Chung giữ chức Hành khiển, Ngự sử đài841 dâng sớ nói: “Nhiệm vụ của người giữ chức Tể phụ842 , việc cần nhất là điều hòa âm dương; nay Khắc Chung giữ chức Thủ tướng, không có kế gì giúp đỡ việc nuôi dưỡng muôn vật để đón rước lấy hòa khí, đến nỗi mưa nắng trái thời, như thế là làm quan không có công trạng gì cả”. Khắc Chung nói: “Khắc Chung này lạm dự vào hàng cận phụ843 chỉ biết làm hết chức trách của mình phải làm, còn như năm bị đại hạn thì phải hỏi Long Vương844 , chứ Khắc Chung này có làm gì nên tội?”.
Ít lâu sau, nước sông lên to, nhà vua thân đi xem sửa chữa đê, Ngự sử đài tâu: “Bệ hạ cần sửa sang đức chính, còn như việc đắp đê là việc nhỏ mọn, cần gì phải tự mình trong nom đến”. Khắc Chung nói: “Lúc dân gặp nước lụt hoặc đại hạn, người làm vua cần phải cứu giúp ngay. Đấy, việc sửa sang đức chính không còn gì trọng đại hơn việc ấy cả, chứ có phải đâu cứ ngồi chĩnh chện một chỗ, cố giữ tinh thần thật vững mới gọi là sửa sang đức chính?”.
Về việc này, dư luận thời bấy giờ nói: Khắc Chung đổ việc đại hạn cho Long Vương, Ngự sử đài bảo việc sửa đê là việc nhỏ, lập luận của hai bên đều không đúng.
Tháng 9, mùa thu. Phát sinh nạn hoàng trùng, kéo dài mãi đến tháng 10, mùa đông.
Bính Thìn, năm thứ 3 (1316). (Nguyên, năm Diên Hựu thứ 3).
Tháng 3, mùa xuân. Xét định cấp bậc các quan văn, quan võ, cấp cho số hộ và nhân khẩu nhiều ít khác nhau.
Trước kia, về thời Nguyên Phong845 , quân Nguyên sang xâm lấn, Thái Tông giục xa giá chạy ra ngoài kinh thành lánh nạn; viên quan giữ ấn vội vàng đem bảo tỉ846 cất giấu vào trên cái xà nhà trong điện Đại Minh chỉ đem theo được quả ấn nội mật; dọc đường lại đánh mất, phải sai khắc ấn bằng gỗ để dùng trong quân thứ. Đến đầu đời Anh Tông, xét công các quan văn võ, nếu viên quan nào không có giấy tờ đóng dấu bằng ấn gỗ sẽ phải giảm một tư847 . Có lẽ cho rằng người đến tham dự tòng quân trong khi vua lánh nạn là có công hơn. Đến nay xét định cấp bậc, có người xuất trình giấy tờ đóng bằng ấn gỗ, viên quan giữ việc xét định ngờ là giả mạo; Thượng hoàng nghe tin, nói: “Đó là giấy tờ việc quan thời Nguyên Phong đấy”. Nhân thể, Thượng hoàng hiểu bảo các viên quan giữ chính quyền rằng: “Phàm người giữ một địa vị trong chính phủ, mà không am hiểu điển chương cũ, thì công việc phần nhiều sai lầm”.
Tháng 11, mùa đông. Hạ lệnh cho vương, hầu, trăm quan gặt lúa ruộng tịch điền848 .
Lời cẩn án – Việc cày hoặc gặt lúa ruộng tịch điền là một lễ lớn trước không thấy chép cày, đây lại chép gặt, là do Sử cũ bỏ sót. Đinh Tị, năm thứ 4 (1317). (Nguyên, năm Diên Hựu thứ 4).
Tháng 3, mùa xuân. Bổ dụng Phí Trực làm An Phủ Sứ phủ Thiên Trường.
Thượng hoàng về chơi Thiên Trường. Trực lấy danh nghĩa là Hình bộ lang trung theo hầu xa giá, vì thế mới bổ dụng chức này.
Gặp lúc ấy có toán trộm nổi lên, có người tự nói bắt được người cầm đầu kẻ trộm là Văn Khánh, giải nộp. Khi quan hỏi người bị bắt thú nhận hết. Người ngoài ai cũng bảo là đúng, chỉ có Trực lấy làm ngờ, thành ra vụ án này mãi không kết liễu. Thượng hoàng hỏi, Phí Trực thưa rằng: “Kẻ kia (trỏ người bị bắt) không bị roi vọt tra tấn mà tự thú nhận, tôi trộm thấy làm ngờ, không dám quyết đoán càn bậy”. Sau quả nhiên bắt được một người khác đúng là Văn Khánh thực. Thượng hoàng khen Phí Trực là người có tài.
Lời chua – Thiên Trường: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (Chb. VI, 28).
Mậu Ngọ, năm thứ 5 (1318). (Nguyên, năm Diên Hựu thứ 5).
Tháng 8, mùa thu. Tuyên Từ thái hoàng thái hậu849 mất.
Trước đây, Nhân Tông thường dặn bảo Thượng hoàng850 rằng: “Mai sau, khi dì851 chết, nên đem phụ táng với mộ của ta”. Nhân tiện, vẽ địa đồ vẽ cả huyệt táng thành hình thước thợ giao cho. Đến nay thái hậu mất, Thượng hoàng theo đúng như lời di chúc. Các quan tâu rằng: “Lăng tẩm của tiên đế không nên động chạm đến”. Thượng hoàng nói: “Ta không dám trái lời di chúc của tiên đế, nếu có xảy ra sự không hay thì ta tự đảm đương lấy”. Sau cùng phụ táng Tuyên Từ ở Đức Lăng852 .
Sai Huệ Vũ Vương Quốc Trấn đem quân đi đánh Chiêm Thành.
Chiêm Thành từ khi Chế Chí mất đi rồi, thường hay giáo giở, nên nhà vua sai đi đánh. Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến đánh nhau với quân Chiêm, bị thua, chết. Phạm Ngũ Lão, quản lĩnh hiệu quân Thiên Thuộc, tung quân ra đánh tập hậu; quân Chiêm bị thau, chúa Chiêm là Chế Năng chạy sang nước Qua Oa cầu viện. Quốc Trấn xin lập người tù trưởng nước Chiêm là A Nan làm Hiệu Thành Á Vương, rồi đem quân về. Khi về triều, nhà vua cho Phạm Ngũ Lão tước quan nội hầu, ban cho binh phù phi ngư853 và bổ dụng người con làm quan.
Lời chua – Tất Kiến: Người họ nhà Lý trước còn sót lại.
Qua Oa: Tên nước. Xem Lý Thánh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chb. IV, 43).
Kỷ Mùi, năm thứ 6 (1319). (Nguyên, năm Diên Hựu thứ 6).
Tháng 4, mùa hạ. Có thủy tai lớn.
Canh Thân, năm thứ 7 (1320). (Nguyên, năm Diên Hựu thứ 7).
Tháng 3, mùa xuân. Thượng hoàng mất.
Thượng hoàng là người tính khí khiêm tốn, đối với người cùng họ rất hòa thuận, thờ vua cha là Nhân Tông rất kính cẩn. Lúc trước, Thượng hoàng thường hay uống rượu854 , Nhân Tông răn bảo về việc ấy, liền chừa hẳn không uống nữa. Trước kia, Thượng hoàng phong thưởng quan tước triều ban có phần hơi nhiều. Nhân Tông xem sổ, phê vào đầu quyển sổ rằng: “Một nước to bằng bàn tay, mà sao lại có triều ban nhiều đến thế này!”. Từ đấy, Thượng hoàng quý trọng tước thưởng, ban cho một cách dè dặt, không bao giờ dám coi thường.
Bọn Nguyễn Sĩ Cố và Chu Bộ là bầy tôi cũ ở nơi tiềm để855 vì không có hạnh kiểm, nên chỉ dùng vào chức nhàn tản mà thôi.
Phép tắc về cấp bậc trong cung giữ rất cẩn thận: Bảo Từ hoàng hậu thường đem xe của mình được dùng theo với cấp bậc ban cho Huy Tư hoàng phi, Thượng hoàng nhận thấy rằng hoàng phi mà đi xe của hoàng hậu là tiếm lạm, nên không cho.
Khi tuổi già, lại càng cẩn thận về hình phạt: Có một lần, người quan nô856 là Hoàng Hộc kiện nhau với người khác, Hoàng Hộc dùng cách xảo trá được thoát tội. Thượng hoàng biết chuyện, bảo viên quan xử kiện rằng: “Tên Hộc là đứa gian ngoan kiệt hiệt như thế, mà không biết tra xét cho ra tình ra lý là không làm hết chức phận”.
Sau khi đã nhường ngôi rồi, vẫn tự mình quyết đoán các công việc, đối với điển chương cũ, vẫn kính cẩn noi theo, không dám khinh thường thay đổi. Lúc nào rảnh việc, lại lưu tâm đến văn mặc; rất có tài về viết chữ và vẽ.
Lúc ốm nặng, Bảo Từ hoàng hậu cho tìm thày chùa là Phổ Tuệ bày đàn cúng lễ, thày chùa xin vào yết kiến để tâu bày việc sống chết. Thượng hoàng từ chối, nói: “Thày chùa chưa chết, làm gì biết việc chết mà bảo người ta?”. Bao nhiêu những bức viết, bức họa ngày thường và tập sách đã trứ tác là tập Thủy vân tùy bút , Thượng hoàng đều bắt đốt đi cả. Rồi mất ở cung Trung Quang. Tên thụy là Hiển Văn Duệ Vũ Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng đế, miếu hiệu là Anh Tông, ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 6 năm, hưởng thọ 54 tuổi.
Tháng 6, mùa hạ. Có thủy tai lớn.
Tháng 8, mùa thu. Gió bão to.
Tháng 11, mùa đông. Điện soái thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất.
Ngũ Lão xuất thân trong hàng ngũ quân lính, khảng khái, có chí khí lớn, rất chăm đọc sách và hay ngâm thơ. Đối với việc vũ tựa hồ không để ý đến, nhưng chỉ huy quân rất có kỷ luật. Đối đãi với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với sĩ tốt; đội quân của Ngũ Lão thống lĩnh đều thân yêu nhau như cha con một nhà, nên đánh đâu được đấy. Những thứ tước được trong khi đánh giặc đều sung vào kho tàng trong quân, coi tiền của thoảng như không. Thực là bậc danh tướng lúc bấy giờ. Khi mất thọ 66 tuổi. Nhà vua thương tiếc lắm, không thiết triều luôn năm ngày. Nhân dân làng ông lập đền thờ ngay tại chỗ nhà ông vẫn ở.
Lời phê857 – Đây là chỗ đắc lực của những người làm tướng nghìn xưa. Lời chua – Đền thờ Ngũ Lão: Nay là xã Phù Ủng, huyện Đường Hào858 .
Tháng 12, an táng Anh Tông ở Thái Lăng.
Lời chua – Thái Lăng: Ở núi Yên Sinh, huyện Đông Triều.
Phụ lục – Sử cũ chép: Lúc Thượng hoàng bị bệnh, Thái học sinh Đặng Tảo thường chầu chực ở bên giường ngự, viết tờ di chiếu: kịp khi Thượng hoàng mất, nhà vua thân thủ liệm vào quan tài, lúc ấy chỉ có Quốc Trấn, Đặng Tảo và người gia nhi chủ đô là Lê Chung tham dự vào việc ấy. Khi an táng ở Thái Lăng rồi, Đặng Tảo và Lê Chung đều chầu chực ở lăng tẩm. Khi nhà vua về lăng tẩm bái yết, Đặng Tảo thường lánh mặt, trong bụng chỉ để chí vào việc chầu chực lăng tẩm mà thôi, không yêu cầu gì cả. Nhà vua thương là nghèo, ban cho hai mươi mẫu ruộng. Sai Trần Thế Hiền đem tờ “thiếp”859 đến ban cho. Nguyên ruộng này trước nhà vua đã cho người thứ phi là Thiên Xuân, Thiên Xuân cứ giữ “thiếp” cũ mà cày cấy. Đặng Tảo cũng không hề tranh. Nhà vua biết chuyện, lập tức hủy bỏ tờ “thiếp” cho Thiên Xuân trước đi, mà lấy ruộng ấy cho Đặng Tảo; Tảo cũng không lấy thế làm mừng. Còn về phần Lê Chung thì dời cả mồ mả tiên tổ, bán cả ruộng và nhà, đem gia quyến đến ở Yên Sinh, cùng với Đặng Tảo đều chết già ở đó. Sau, Nghệ Tông nghĩ thương hai người này, sai sửa lại chùa cũ, cấp ruộng để cúng tế, ban cho tên chùa gọi là Trung Tiết.
Lời phê860 – Nguyễn Trung Ngạn từ chối nhận bài thơ “Chiêu ẩn”861 , có phải là người để chí công danh không? Dân bị nạn đói.
Tân Dậu, năm thứ 8 (1321). (Nguyên, Anh Tông, năm Chí Trị thứ 1).
Mùa xuân. Tôn Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu làm hoàng thái hậu, Huy Tư hoàng phi làm hoàng thái phi.
Bảo Từ là mẹ cả của nhà vua, Huy Tư là mẹ đẻ ra nhà vua. Trước đây, rước quan tài Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường đi đường thủy về để ở cung Thánh Từ. Theo thể lệ thì thuyền của Bảo Từ được một đoàn tám chiếc kéo dây, thuyền của Huy Tư được một đoàn hai chiếc kéo dây; lính cấm quân có ý tâng công, đem dây kéo buộc thêm vào thuyền Huy Tư. Tướng quân là Trần Hựu nói: “Thuyền của thái hậu được một đoàn tám chiếc kéo dây, là chế độ nhà Trần, cốt để phân biệt kẻ trên người dưới”. Nói rồi, liền lấy gươm chặt ngay dây kéo không hợp lệ đi. Nhà vua khen Trần Hựu là người trung thực.
Tháng 12. Dân bị nạn đói.
Mỗi thăng gạo trị giá một quan tiền.
Tháng 5, mùa hạ. Được mùa.
Tháng 10, mùa đông. Thi các thày chùa.
Thi các nhà sư bằng kinh Kim cương .
Lời chua – Kim cương: Kinh nhà Phật, chương “Kinh tịch chí” trong Tùy thư chép: Kinh này là thuyết pháp của Thích Ca Mâu Mi, do đệ tử là Đại Ca Diếp soạn thuật ra.
Sai sứ sang nhà Nguyên.
Anh Tông nhà Nguyên mới lên ngôi vua, sai Thượng thư là Giáo Hóa sang báo cáo, nên nhà vua sai sứ thần sang chúc mừng.
Nhâm Tuất, năm thứ 9 (1322). (Nguyên, năm Chí Trị thứ 2).
Tháng 3, mùa xuân. Sét đánh cây tháp ở chùa Báo Thiên.
Hồi đầu niên hiệu Thiệu Long862 , tháp này bị gió đánh đổ mất ngọn, đến nay sét đánh sạt mất hai tầng về góc phía đông.
Lời chua – Chùa Báo Thiên: Tức chùa Sùng Khánh. Xem Lý Thánh Tông, năm Long Thụy Thái Bình thứ 3 (Chb. III, 22).
Mùa hạ. Sai Doãn Bang Hiến sang bên Nguyên biện luận về việc cương giới.
Bấy giờ, người nhà Nguyên tranh lấn bờ cõi nơi biên giới, nên nhà vua sai Hình Bộ thượng thư là Doãn Bang Hiến sang nhà Nguyên để cùng nhau biện luận về biên giới. Bang Hiến sau bị mất ở dọc đường, nhà vua rất lấy làm thương tiếc.
Lời cẩn án – Nguyên sử chép việc ở Du Thôn863 , vào niên hiệu Hoàng Khánh thứ 2 đời Nguyên Nhân Tông ngang với niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1313) đời Trần Anh Tông, nhưng Sử cũ không chép, chỉ chép có việc tranh địa giới ở đây, mà cũng không chép rõ là tranh chỗ đất nào. Có lẽ việc tranh địa giới chỉ có một, mà chép trước sau khác nhau. Vì thế cũng chép cả lại để phòng khi tham khảo. Quý Hợi, năm thứ 10 (1323). (Nguyên, năm Chí Trị thứ 3).
Tháng 8, mùa thu. Nhà vua đến nhà Thái học thi Thái học sinh.
Bấy giờ có người trong quân Thiên Thuộc864 tên là Mặc ứng thí, được trúng cách; nhà vua hạ chiếu trả về quân tịch và cho sung vào làm chức lại điển trong quân Thiên Đinh.
Lời phê – Thiên lệch! Kén quân ngũ.
Theo tục trước, quân sĩ đều xăm hình rồng ở lưng và hai vế đùi; nhưng kỳ tuyển duyệt này lấy người nào béo trắng là hơn, nên từ đây quân sĩ không xăm hình rồng như trước nữa.
Tháng 11, mùa đông. Đúc tiền kẽm, rồi lại bãi bỏ ngay.
Tháng 12. Lập hoàng hậu là Trần Thị.
Hậu là con gái Huệ Vũ đại vương Quốc Trấn, được sách phong là Lệ Thánh hoàng hậu.
Bổ dụng Uy Giản hầu giữ chức Tham Thị Triều Chính865 , quản trị việc quân việc nước (Uy Giản hầu không rõ tên).
Uy Giản hầu trước kia lấy Huy Chân công chúa. Mẹ công chúa là Trần Thị, cung tần của Anh Tông, thường chiếm ruộng của dân. Có người tố cáo, nhà vua triệu Uy Giản hầu đến bảo rằng: “Trẫm
không giao việc chiếm ruộng này cho quan lại trừng trị, là sợ điếm nhục đến phi tần của tiên đế, nhà ngươi nên thể theo đức ý ấy của trẫm”. Uy Giản về, phàm những ruộng nào mà Trần Thị đã chiếm đoạt đều trả hết lại cho dân; nhà vua tỏ lòng khen. Đến nay bổ dụng vào chức này. Thân thuộc của Uy Giản hầu có người phàn nàn rằng được phong chức ấy vẫn còn là thấp. Uy Giản hầu nói: “Phàm những người bầy tôi đã được vua để ý quyến luyến đến, thì việc lựa chọn bổ dụng là tự lòng vua, chứ sức người không thể ước mong được, khi nào lại dám nảy ra bụng nghĩ càn. Tôi may được ơn vua ban cho, rất sợ là quá nguyện vọng, có đâu dám kể đến chức cao hay thấp?”. Nhà vua nghe thấy lời nói ấy, cho Uy Giản là người biết điều.
Giáp Tí, năm Khai Thái thứ 1 (1324). (Nguyên, Thái Định đế, năm Thái Định thứ 1).
Tháng 4, mùa hạ. Phong Huệ vũ vương Quốc Trấn chức Quốc Phụ Thượng Tể.
Lời phê – Danh vị không chính đáng thì nói không thuận lý, đã nói không thuận lý thì mọi việc không xong866 . Sứ thần nhà Nguyên sang.
Thái Định đế nhà Nguyên mới lên ngôi, sai Mã Hợp Mưu và Dương Tôn Thụy sang báo cáo và ban lịch mới; lại dụ nhà vua không nên cho quan lại ở biên giới sang xâm nhiễu Chiêm Thành. Hợp Mưu cưỡi ngựa đến cái cầu ở ao Tây Thấu vẫn không xuống ngựa. Những người hiểu tiếng Trung Quốc vâng chỉ dụ nhà vua ra bảo sứ thần xuống ngựa, tranh luận mãi vẫn không thể giải quyết được. Nhà vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón tiếp, Trung Ngạn dùng lý lẽ bẻ bác, Hợp Mưu không cãi lại được, mới chịu xuống ngựa; nhà vua rất hài lòng. Khi Hợp Mưu về, nhà vua sai Mạc Đĩnh Chi sang chúc mừng.
Lời chua – Đĩnh Chi: Nguyên sử chép là Tiết Phu. Tiết Phu là biểu tự của Đĩnh Chi.
Tháng 12, mùa đông. Đại hạn; hoàng trùng; trâu bò gia súc phần nhiều bị toi.
Ất Sửu, năm thứ 2 (1325). (Nguyên, năm Thái Định thứ 2).
Mùa xuân. Đặt chức Liêm Phỏng Sứ ở các lộ.
Tháng 8, mùa thu. Đổi Hành Khiển Ti làm Môn Hạ Sảnh867 .
Theo chế độ cũ, Hành Khiển ti ở hai cung Quan Triều và Thánh Từ, cùng với Nội thư hỏa cục, đều gọi là Nội Mật viện. Đến đây đổi Hành khiển ti làm Môn Hạ Sảnh, còn Nội thứ hỏa cục vẫn gọi là Nội Mật viện.
Bính Dần, năm thứ 3 (1326). (Nguyên, năm Thái Định thứ 3).
Từ tháng 2, mùa xuân. Đến tháng 6, mùa hạ, không mưa.
Tháng 3. Trung Thư Thị Lang868 cai quản Thẩm Hình viện là Bùi Mộc Đạc mất.
Trước đây, lúc Thượng hoàng sắp mất, bảo nhà vua rằng: “Mộc Đạc từng trải thờ ba triều vua, là người khiêm tốn kính cẩn, có cả văn lẫn chất, nên đối đãi đặc biệt, đừng để bị người ta chèn ép”. Nhân đấy, nhà vua sai vẽ tượng Mộc Đạc để ở thư phủ, có ý dùng vào chức trọng đại, nhưng chưa kịp thăng chức thì Mộc Đạc đã mất.
Bổ dụng Trần Khắc Chung làm Thiếu Bảo, gia hàm Đồng Trung Thư môn hạ Bình Chương Sự869 .
Trước đây, theo phép nhà Lý, chức quan Hành khiển gia hàm Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự. Đến khi Thượng tướng Quang Khải giữ ngôi Tể tướng, thường băn khoăn về việc Hành khiển cùng Tể tướng ngang hàm nhau, nên tâu xin đổi hàm của Hành khiển làm “Trung Thu môn hạ cộng sự” để cho phân biệt. Đến nay, nhà vua cho Khắc Chung thăng chức Thiếu bảo, nhưng vẫn làm công việc Hành khiển, được đặc biệt ưu đãi, nên vẫn theo như cũ, gia phong hàm Trung thư môn hạ bình chương sự.
Giáng chức Nguyễn Trung Ngạn làm An Phủ Sứ ở Thanh Hóa.
Trước đây, Trung Ngạn làm Ngự sử, bàn việc trái ý vua, phải ra tri châu Viêm Laãng; khi tri châu, Trung Ngạn có tiếng giỏi về chính trị, vì thế nên lại được cất lên làm Thiêm tri giữ công việc cung Thánh Từ. Khi bấy giờ, có Bảo Vũ vương (không rõ tên) tước Thượng vị hầu, về hàng được ban cho áo đen, Trung Ngạn sơ suất biên vào trong sổ thuyên tuyển, lại liệt tên Bảo Vũ vương vào hàng áo tía. Nhà vua yêu Trung Ngạn là người có tài, vả lại việc ấy là do lầm lỡ, cho nên chỉ bắt giáng chức.
Lời chua – Quan chế nhà Trần, các màu sắc về đồ mặc, lấy màu tía là hơn cả. Còn sự cất nhắc bổ dụng phần nhiều do ở Thượng hoàng. Trung Ngạn vì giữ công việc ở cung Thánh Từ, nên chịu trách nhiệm về việc ghi sổ thuyên tuyển.
Châu Viêm Lãng: Chưa rõ ở đâu.
Bổ dụng Phạm Ngộ làm Tham tri Chính Sự đồng tri Thượng Thư Tả Ti sự.
Trương Hán Siêu giữ chức Hành khiển, tâu về việc hình quan là Phạm Ngộ và Lê Duy ăn của đút lót; nhà vua liền sai người xét hỏi, Hán Siêu nói riêng với người khác rằng: “Hán Siêu này đãi tội870 trong chính phủ, thấy “chúa thượng tin yêu, nên mới nói, biết đâu lại có xét hỏi như thế?”. Nhà vua nghe được câu ấy, nói rằng: “Hành khiển là quan ở sảnh871 , Thẩm hình là quan ở viện872 , đều là những người mà ta tin dùng, có lẽ nào ta tin sảnh quan mà nghi viện quan bao giờ?”. Kịp khi xét hỏi, Hán Siêu đuối lý, phải phạt tiền 300 quan. Còn Phạm Ngộ, sau đó được bổ lên chức vị này, chức vị ngang với Hán Siêu.
Lời chua – Lê Duy: Người huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Sai Huệ Túc vương là Đại Niên đem quân sang đánh Chiêm Thành, nhưng đánh không được.
Huệ Túc vương đi đánh Chiêm Thành không thành công, khi trở về, nhà vua nói: “Trước kia, tiên đế873 gội gió tắm mưa, mới bắt được chúa Chiêm Thành, sau Quốc Phụ874 là bậc trọng thần, vâng mệnh đi đánh, cũng làm cho chúa nước ấy phải chạy trốn. Nay Huệ Túc vương danh vọng không bằng Quốc Phụ, mà ta cứ yên nhiên ở chỗ thâm cung, ủy thác cho y chuyên trách về việc đánh dẹp, như thế mà muốn bắt chúa Chiêm, thì làm thế nào mà thành công được?”. Câu nói ấy là nhà vua có ý tự trách mình.
Đinh Mão, năm thứ 4 (1327). (Nguyên, năm Thái Định thứ 4).
Tháng 5, mùa hạ. Sét đánh vào lăng tẩm (không rõ lăng nào).
Sau ngày sét đánh, nhà vua hạ chiếu cho bầy tôi họp bàn về việc này. Trần Khắc Chung nói pha trò đùa, mọi người đều cười, trừ có Đoàn Nhữ Hài đứng phắt dậy đi ra chỗ khác. Ngự sử đài hặc tâu, nhà vua hạ lệnh xét hỏi về việc đó. Nhữ Hài nói: “Khi mọi người cười cợt, tôi đã đi chỗ khác rồi”. Nhà vua nói: “Nhữ Hài nghe người ta cười cợt, không biết can ngăn, lại bỏ đi chỗ khác, thế là có ý làm cho người ta mắc vào sự lỗi, chỉ tìm kế giữ lấy thân mình”. Bèn phạt Khắc Chung và Nhữ Hài theo với tội nặng nhẹ của hai người.
Mậu Thân, năm thứ 5 (1328). (Nguyên, năm Trí Hòa thứ 1. Từ tháng 9 trở về sau, thuộc năm Thiên Lịch thứ 1 đời Nguyên Văn Tông).
Tháng 3, mùa xuân. Giết Quốc Phụ thượng tể Huệ Vũ vương là Quốc Trấn.
Trước đây, Thượng hoàng vẫn trông mong nhiều vào Quốc Trấn, muốn phó thác nhà vua cho ông ta; đến lúc thượng hoàng bị bệnh, mỗi khi nhà vua đến thăm, Thượng hoàng bắt phải đi cùng với Quốc Trấn, để khỏi sinh lòng hiềm nghi gián khích. Đến nay nhà vua tuổi đã nhiều mà chưa quyết định ngôi trừ phó875 . Quốc Trấn tự nhận mình là cố mệnh đại thần, vả lại là bố đẻ ra hoàng hậu, nên cố chấp là: “Đợi khi nào hoàng hậu sinh con trai trưởng sẽ lập làm thái tử”. Văn Hiến hầu (không rõ tên) muốn đánh đổ hoàng hậu mà lập hoàng tử tên là Vượng, bèn lấy một trăm lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Trấn tên là Trần Phẫu, để Trần Phẫu vu cáo Quốc Trấn âm mưu làm phản. Nhà vua tin lời Trần Phẫu, bắt Quốc Trấn giam ở chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung về bè đảng với Văn Hiến, lại là người cùng làng với mẹ đẻ của Vượng, hơn nữa, Khắc Chung từng giữ chức sư phó để dạy Vượng, vì thế Khắc Chung liền tâu ngay bằng câu thành ngữ: “Tróc hổ dị, phóng hổ nan” (bắt hổ thì dễ, thả hổ ra thì nguy). Nhà vua bèn cấm tuyệt không cho Quốc Trấn ăn uống, để bắt phải tự tử. Hoàng hậu phải thấm nước vào áo đưa vào cho uống. Quốc Trấn uống xong thì mất. Những người bị bắt lây đến hơn trăm người, mỗi khi tra hỏi thì đều kêu gào là oan.
Về sau, vợ cả, vợ lẽ Trần Phẫu ghen nhau, đem việc Văn Hiến hầu đút lót vàng ra tố cáo. Nhà vua giao việc này cho quan giữ việc hình ngục là Lê Duy xét hỏi, Lê Duy là người cương trực, lập tức tra xét và phán đoán. Trần Phẫu phải tội lăng trì876 , nhưng chưa kịp hành hình, thì người gia nô nhà Thiệu Vũ (không rõ tên) đã xẻo thịt Trần Phẫu ăn sống gần hết. Còn Văn Hiến hầu được tha tội chết, giáng xuống làm thứ dân, tước bỏ danh tịch.
Lời chua – Văn Hiến: Con Nhật Duật.
Thiệu Vũ: Con Quốc Trấn.
Mẹ đẻ của tên Vượng: Minh Từ thái phi Lê Thị, cùng với Khắc Chung đều là người ở Giáp Sơn.
Kỷ Tị, năm thứ 6 (1329). (Từ tháng 3 trở về sau thuộc Trần Hiến Tông, năm Khai Hựu thứ nhất. – Nguyên, năm Thiên Lịch thứ 2).
Tháng 2, mùa xuân. Lập con là Vượng làm Hoàng thái tử và hạ chiếu truyền ngôi; thái tử lên ngôi vua.
Thái tử đã lên ngôi vua, xưng là Triết Hoàng, bầy tôi dâng tôn hiệu là Thể Thiên Ngự Cực Duệ Thánh Chí Hiếu hoàng đế (tức là Hiến Tông). Tôn vua cha làm Chương Nghiêu Văn Triết thái thượng hoàng đế và tôn Lệ Thánh hoàng hậu làm Huệ Từ thái thượng hoàng hậu.
Thượng hoàng về ở hành cung phủ Thiên Trường.
Sau khi đã nhường ngôi, Thượng hoàng lui về ở hành cung phủ Thiên Trường, mỗi khi các hoàng tử vào chầu, Thượng hoàng thường bình luận đến nhân vật bản triều. Uy Túc vương Văn Bích nói: “Phàm bàn luận nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nói đến việc của người hay, còn việc người dở hãy gạt bỏ đi,
không nên nói để người nghe bắt chước”. Thượng hoàng nói: “Việc làm của kẻ hay, người dở đều nên bàn đến cả, không thể gác bỏ thiên lệch được; nếu con ta quả là người hiền, thì nghe việc hay tất theo mà bắt chước, nghe việc dở tất ghét mà tránh đi, thế thì kẻ hay người dở đều có thể làm gương cả; nếu con ta quả không hiền, thì cứ gì phải thấy việc dở rồi sau mới bắt chước. Cứ xem như Thái Khang877 là người thất đức, thì có phải vì ông vua đời trước chơi bời buông tuồng mà Thái Khang bắt chước đâu? Dượng Đế nhà Tùy878 miệng nói việc của Nghiêu Thuấn879 , mà việc làm thì bạo ngược hơn Kiệt, Trụ880 ; thế có phải là người hay mà bắt chước đâu?”. Uy Túc nghe lời Thượng hoàng nói, cúi đầu xin tạ tội.
Một hôm, Thượng hoàng cho mời Huệ Túc vương là Đại Niên vào nhà ngủ bảo ngồi chơi. Thượng hoàng ăn cơm chay, Huệ Túc vương vốn hay bài bác đạo Phật, đạo Lão, nhân nói: “Tôi không biết ăn chay có ích lợi gì?”. Thượng hoàng dụ rằng: “Ông cha ngày trước ăn chay, nên cũng bắt chước, còn như bảo rằng ăn có ích lợi hay không, thì trẫm không biết”. Huệ Túc vương yên lặng đi ra.
Có một lần, người tôi tên là Hiệu Khả khen Thượng hoàng giỏi hơn vua Anh Tông. Thượng hoàng thay đổi ngay nét mặt, gạt đi mà nói rằng: “Phàm người nào khen ngợi người khác, mà bảo người ta giỏi hơn cha, thì người ấy thường bất hiếu đối với cha mẹ”. Thượng hoàng nói câu này là vì Hiệu Khả không biết làm cho cha mẹ vui lòng, nên nhân việc ấy mà răn bảo.
Gia phong Nhật Duật tước Chiêu Văn đại vương.
Mùa đông. Mán Ngưu Hống làm phản, Thượng hoàng tự làm tướng đi đánh.
Thời đại Nhân Tông, Mán Ngưu Hống thường vào chầu, đến nay làm phản, rông rỡ cướp bóc ở miền Đà Giang. Thượng hoàng bàn định thân hành đi đánh. Trần Khắc Chung can rằng: “Đà Giang là nơi lam chướng, vả lại nước thác chảy xiết quá không thể đem quân đi được. Đất Chiêm Thành không phải nơi lam chướng, các triều trước đi đánh, phần nhiều bắt được chúa nước ấy, bây giờ không bằng đem quân sang đánh Chiêm Thành là hơn”. Thượng hoàng nói: “Trẫm làm cha mẹ dân, thấy dân bị lầm than, cần phải cứu ngay, chứ có suy bì gì nơi hiểm trở, nơi bình dị, việc thuận lợi, việc khó khăn”. Khắc Chung lạy tạ, nói: “Độ lươợng thánh nhân bao dung rộng rãi; ngu dại như tôi không thể nào nghĩ tới được”. Thượng hoàng bèn hạ chiếu xuất quân; sai Thiêm tri là Nguyễn Trung Ngạn chuyên việc giữ sổ nhật lịch881 .
Trong bọn Mán Ngưu Hống, có người ở trại Chiêm Chiêu đến cung khuyết dâng thư, đính ước xin đem cả trại đầu hàng, thì khắc phù tín giao cho để làm tin. Thượng hoàng muốn phỏng theo việc “Hán Vũ đăng đài”882 ngày trước, dùng uy lực chế trị phương xa, bèn sai Chiêu Nghĩa hầu là Phụ Minh đem quân theo đường Thanh Hóa xuất phát trước, để làm thanh thế tiếp ứng cho quan quân. Thượng hoàng nhân dụ bảo Phụ Minh rằng: “Trại Chiêm Chiêu đã có đính ước xin hàng, khi đến nơi, phải đợi quan quân đến sẽ hay, không được hành động càn rỡ”.
Thượng hoàng đem quân đến động Mang Việt, đóng ngự doanh ở đấy, và đặt tên chỗ đóng ngự doanh ấy là phủ Thái Bình, chỗ ấy có suối Bác Tử, đặt tên cho là suối Thanh Thủy.
Phụ Minh đem quân đi tắt đến trại Chiêm Chiêu, tự đem một bộ quân của mình ra đánh, bị thua. Tuyên Uy tướng quân là Vũ Tư Hoành cố sức đánh, bị chết trận. Thượng hoàng nghe tin nói: “Thôi lầm
rồi!”. Trận này do Thượng hoàng tự làm tướng, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang động, mán Ngưu Hống nghe tiếng phải chạy trốn, bèn đem quân về.
Lời chua – Ngưu Hống: Tên dân tộc mán. Xem Lý Thánh Tông, năm Long Chương Thiên Tự thứ 2 (Chb. III, 27).
Đà Giang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 30).
Chiêm Chiêu: Tên trại, chưa rõ ở đâu.
Mang Việt: Động mán xưa, nhà Lê đổi làm Việt Châu; bây giờ đổi là Yên Châu, thuộc tỉnh Hưng Hóa883 .
Phụ Minh và Tư Hoành: Đều không rõ người ở đâu.
Bổ dụng Vũ Nghiêu Tá làm Nhập Nội Hành Khiển môn hạ Hữu Ti Lang Trung.
Nghiêu Tá với em là Nông đều thi đậu, nổi tiếng về văn học. Trước đây, Thượng hoàng bổ Nghiêu Tá làm Hành khiển đồng tri Nội Mật Viện sự, nay nhà vua trao cho chức này.
Lời chua – Nghiêu Tá: Người làng Mộ Trạch, huyện Đường An884 , tỉnh Hải Dương.
Canh Ngọ, Hiến Tông hoàng đế, năm Khai Hựu thứ 2 (1330). (Nguyên, năm Chí Thuận thứ 1).
Tháng 7, mùa thu. Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu là Trần Thị mất.
Thái hậu tính nhân từ, yêu các con vợ thứ cũng như con mình đẻ ra, đối với các phi tần, rất có ân huệ, đối với họ hàng riêng của mình, có ý dè dặt giữ gìn, không ban ơn lạm. Người bấy giờ xung tụng Thái hậu là bậc đứng đầu những người mẹ có đức tốt.
Sau khi Anh Tông mất, thái hậu tự giữ mình chay khiết, duy không nhận pháp giới nhà Phật và nói: “Người vị vong885 này không thể trông mặt thày chùa, nói chuyện với thày chùa được, chỉ cốt chay sạch đợi đến ngày chết, còn dùng y bát886 làm chi?”. Thái hậu ở chùa được 10 năm thì mất.
Lời phê – Rất phải đạo đàn bà, nghìn xưa ít có. Lời cẩn án – Thuận Thánh Bảo Từ thái hậu là đích mẫu của Minh Tông, đến đời Hiến Tông, theo điều lệ, đáng lẽ nên chép là thái hoàng thái hậu, thế mà Sử cũ vẫn chép là hoàng thái hậu có lẽ là vì Hiến Tông mới lên ngôi vua, chưa kịp truy tôn; hay là vì Sử cũ bỏ sót. Nay tạm theo Sử cũ, sẽ khảo sau. Lời chua – Yêu con vợ thứ: Huệ Chân công chúa là con gái vợ thứ, thế mà thái hậu yêu quý, phàm có ban cho thức gì, cũng được ngang phần với Thiên Chân công chúa.
Đối đãi với phi tần: Cung tần là Vương Thị được vua yêu, có thai, thái hậu cho nhà Song hương để làm chỗ sinh nở.
Đối với họ hàng riêng của mình: Bảo Huệ quốc mẫu là mẹ đẻ thái hậu, muốn dâng cháu gái là Nguyên Huy vào cung, thái hậu không bằng lòng.
Thái sư Chiêu Văn đại vương Nhật Duật mất.
Nhật Duật học qua Ngũ kinh và Chư sử, tinh thông lời huyền diệu của Đạo gia, hiểu biết âm nhạc, đời bấy giờ khen là người học thức rộng rãi, lại hiểu tiếng các nước. Nhân Tông thường nói: “Chú Chiêu Văn887 có lẽ là hậu thần của người bộ lạc Phiên”. Mỗi khi nói chuyện giao thiệp với sứ thần nhà Nguyên, không cần dùng người thông ngôn, thường tay cầm tay, uống rượu với nhau, vui vẻ như bạn quen biết. Sứ nhà Nguyên nói: “Ông hẳn là người ở Chân Định sang làm quan bên này?”. Nhật Duật cố chối không nhận, họ vẫn không tin, vì họ thấy hình dáng và tiếng nói của Nhật Duật đều giống hệt người Chân Định.
Nhật Duật là người có độ lượng, hòa nhã, dù mừng hay giận không bao giờ lộ ra nét mặt; lại còn không ưa những sự thỉnh thác; lúc gặp việc thì tùy cơ ứng biến, rất mạnh dạn về việc đánh giặc. Cuối niên hiệu Thiệu Bảo888 , Nhật Duật trấn thủ Tuyên Quang, quân Nguyên đến xâm phạm, Nhật Duật đem quân theo dòng sông trở xuôi. Thấy quân đuổi theo ở hai bên bờ sông đi thong thả, biết chắc hẳn mặt trước lại có toán quân nữa, vội vàng sai người dò xem, thì quân giặc đã đến đón chặn ngang ở khúc sông bên dưới rồi, Nhật Duật bèn dẫn quân lên đi bộ, mới thoát được nạn. Chiến dịch Hàm Tử Quan đánh cho quân Toa Đô bị thua to; trận thắng này là một chiến công đứng đầu đời Trùng hưng. Nhật Duật, nói về quyền quý, là bậc thân vương, từng thờ bốn triều vua, ba lần lĩnh chức trấn thủ ở trấn lớn, trong nhà không ngày nào là không chèo hát, yến ẩm, mà không ai chê cười. Có người thường ví Nhật Duật với Quách Tử Nghi nhà Đường889 . Khi mất, hưởng thọ 77 tuổi.
Lời phê – Phúc đức. Lời chua – Chân Định: Tên phủ, bây giờ thuộc tỉnh Trực Lệ nhà Thanh.
Tuyên Quang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 30).
Hàm Tử: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ nhất (Chb. VII, 39).
Tân Mùi, năm thứ 3 (1331). (Nguyên, năm Chí Thuận thứ 2).
Sứ thần nhà Nguyên sang.
Văn Tông nhà Nguyên mới lên ngôi vua, sai Lại bộ Thượng thư là Tán Chỉ Ngõa sang báo cáo. Nhà vua sai Đoàn Tử Trinh sang chúc mừng.
Nhâm Thân, năm thứ 4 (1332). (Nguyên, năm Chí Thuận thứ 3).
Tháng 2, mùa xuân. Đưa quan tài Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu táng chung ở Thái Lăng890 .
Trước đây, nhà vua sai các quan chọn ngày lành sẽ an táng; lúc ấy có người bác đi, lấy cớ rằng năm nay an táng sẽ không lợi cho tế chủ. Thượng hoàng sai người hỏi lại người ấy rằng: “Ta tất nhiên không chết à?”. Người ấy thưa rằng: “Điều ấy tôi không dám biết”. Thượng hoàng nói: “Nếu ta không tránh khỏi chết, thì lo việc tang mẫu hậu cho xong xuôi, chả còn hơn để khỏi chết uổng hay sao? Này, việc vui mừng, việc buồn rầu, theo điển lễ phải chọn ngày, là để cho việc được trịnh trọng đấy thôi, chứ có phải như thuyết nhà âm dương891 câu nệ về việc họa phúc đâu?”. Bèn cử hành lễ hợp táng.
Lời phê – Có kiến thức. Tháng 7, mùa thu. Bổ dụng Nguyễn Trung Ngạn giữ việc ở viện Thẩm Hình892 .
Trung Ngạn lập nhà Bình Doãn để xét xử ngục tụng. Những người bị can, không ai bị oan uổng hoặc bị xử quá đáng. Nhà vua tỏ ý khen ngợi.
Quý Dậu, năm thứ 5 (1333). (Nguyên, Thuận Đế, năm Nguyên Thống thứ nhất).
Tháng 7, mùa thu. Có nạn thủy tai; dân bị đói.
Giáp Tuất, năm thứ 6 (1334). (Nguyên, năm Nguyên Thống thứ 2).
Mùa xuân. Đặt thêm chức tả hữu Chính Ngôn Tham Nghị.
Thượng hoàng tự làm tướng sang đánh Ai Lao. Ai Lao trốn chạy đi nơi xa, Thượng hoàng bèn đem quân trở về.
Thượng hoàng hạ lệnh cho Nguyễn Trung Ngạn sung chức Phát vận xứ Thanh Hóa, tải lương đi trước, rồi đem đại quân kéo đi sau. Khi quân đến Kiềm Châu, thanh thế vang động, Ai Lao nghe tiếng, chạy trốn. Thượng hoàng sai Trung Ngạn đục núi ghi công rồi đem quân trở về.
Lời phê – Chỉ làm nhọc quân lính thôi, chứ có công trạng gì đáng ghi chép. Nguyễn Trung Ngạn sao lại a dua thế? Lời cẩn án – Chỗ đục núi ghi công bây giờ ở quả núi thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nét chữ viết to bằng bàn tay, nét tạc vào đá sâu đến hơn một tấc. Lời văn như sau893 : “Hoàng Việt894 , triều nhà Trần, vua trị vì thứ 6, là Chương Nghiêu Văn Triết thái thượng hoàng đế, được trời thương yêu cho thống trị đất đai rộng lớn, các nơi xa gần, đâu đâu cũng thần phục; thế mà Ai Lao là một nước nhỏ mọn, dám ngang ngạnh giáo hóa triều đình. Năm Ất Hợi (1335), tháng quý thu (tháng 9 âm lịch), hoàng đế thân đem lục quân895 đi tuần thú896 đến biên thùy mặt tây, thì thế tử Chiêm Thành và nước Chân Lạp, nước Tiêm, đạo thần tù trưởng Mán là Quỳ Cầm, Xa Lặc, những bộ lạc mới phụ thuộc thì tù đạo mán Bôi Bồn và mán Thanh Xa, đều tranh nhau đến triều yết, dâng nộp phẩm vật địa phương; chỉ có một nghịch tặc tên là Bổng cố giữ thói u mê, sợ bị tội lỗi, không đến triều yết ngay. Tháng quý đông (tháng 12 âm lịch), hoàng đế đóng ngự doanh ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu, hạ lệnh cho các tướng cùng binh lính man di kéo vào nước ấy, tên nghịch tặc Bổng nghe tiếng chạy trốn, bèn hạ chiếu đem quân về”. Ngày tháng 12 nhuận, mùa đông, năm Ất Hợi (1335), niên hiệu Khai Hựu thứ 7″. Năm tháng chép ở bài văn này, so với năm chép trong Sử cũ , không phù hợp với nhau897 , nhưng cứ chép cả để đề phòng khi khảo cứu. Lời chua – Ai Lao: Tên nước. Xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tb. IV, 9-10).
Bổng: Tên tù trưởng Ai Lao. Việc tên Bổng ngang ngạnh như thế nào, Sử cũ không chép rõ.
Kiềm Châu: Tức đất Mật Châu, bây giờ là huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Ất Hợi, năm thứ 7 (1335). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 1).
Sứ thần nhà Nguyên sang.
Thuận đế nhà Nguyên mới lên ngôi vua, sai Lại bộ Thượng thư là Thiết Trụ (Nguyên Sử cũ chép là Thiếp Trụ) sang báo cáo, và ban cho lịch mới.
Tháng 9, mùa thu. Thượng hoàng lại tự làm tướng sang đánh Ai Lao, bị thua. Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài bị chết đuối.
Lời phê – Sính dùng binh là sự không hay, tự kiêu căng tất bị thất bại. Thế thì việc đục đá ghi công lần trước tỏ ra là việc hảo huyền! Từ khi ở Kiềm Châu đem quân về, Thượng hoàng định thân đi đánh Ai Lao lần nữa, nhưng chưa quả quyết. Nay nghe tin Ai Lao kéo xuống xâm lấn ấp Nam Nhung thuộc Nghệ An, nên lại bàn thân chinh, trong lúc ấy Thượng hoàng bị đau mắt, có người xin hoãn lại. Thượng hoàng nói: “Việc này năm trước đã bàn rồi lại thôi, bây giờ nếu vì đau mà hoãn lại, thiên hạ sẽ cho ta là người rút rát; vạn nhất giặc phương Bắc kéo sang xâm lấn bao vây, thì ta sẽ trông cậy vào đâu?”. Bèn quyết ý thân chinh. Hạ lệnh cho viên quan quản lĩnh hai hiệu quân Thần Vũ và Thần Sách kiêm giữ chức kinh lược Đại sứ Nghệ An là Đoàn Nhữ Hài sung làm đốc tướng, các quân đều phải nghe theo hiệu lệnh.
Nhữ Hài tự nghĩ rằng: Ai Lao đóng giữ ở ấp Nam Nhung, quân của chúng vừa ít vừa yếu, quân ta đánh thế nào cũng được. Vả lại, đồn trại của chúng đóng liền con sông lớn Tiết La, sau khi ta đã đánh thắng rồi, sẽ đem tù binh bắt được và chiến lợi phẩm tước được đi theo dòng sông mà kéo tràn xuống, đi đến đâu sẽ diễu võ dương uy, nhân đó chiêu dụ các nước Chiêm Thành, Chân Lạp vào chầu, như thế có thể lập được công lao phi thường. Vì thế, Nhữ Hài liền đem quân Nghệ An và hiệu quân Thần Vũ tiến lên trước. Khi đến ấp Nam Nhung, gặp quân giặc, hai bên giao chiến. Lúc ấy sương mù mờ mịt, quân giặc đã mai phục sẵn voi ngựa từ trước, hai cánh quân giặc đánh khép lại. Quan quân bị ngã xuống sông, chết mất quá nửa, trong số đó có cả Đoàn Nhữ Hài.
Thượng hoàng được tin, nói: “Nhữ Hài nhân tình thế tất thắng, dùng mưu kế tất thắng, đã gần được công to mà lại bị mắc vào mồi của giặc, không phải vì y không liệu biết thế giặc, chỉ vì y dùng quá cái sức của mình đấy thôi! Thế mới biết sự mong muốn của người ta không thể quá hạn định được”.
Lời phê898 – Sụt sùi khóc lóc, cũng chả kịp nào! Lời cẩn án – Trận đánh này, Thượng hoàng tự làm tướng, mà địa điểm đóng quân, Sử cũ không chép rõ. Đến khi Nhữ Hài bị thua chết, Sử cũ lại không chép lúc ấy mưu tính thế nào. Đến tháng 2 năm sau, mới chép: “Thượng hoàng từ chỗ đánh Ai Lao về nước”. Chép như thế, không thể hiểu được, nay không rõ việc ấy thế nào, sẽ phải khảo cứu sau. Lời chua – Nam Nhung: Tên ấp, thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Sông Tiết La: Ở ấp Nam Nhung.
Viên tướng quản lĩnh hiệu quân Khoái Hộ là Đỗ Thiên Thữ mất ở nơi quân thứ.
Khi Thượng hoàng đi thân chinh, Thiên Thữ quản lĩnh hiệu quân Khoái Hộ, đương bị bệnh nặng, Thượng hoàng cho ở lại. Thiên Thữ bắt người nhà khiêng mình đến ngoài cửa cung Vĩnh An, cố xin đi theo xe vua và nói rằng: “Tôi thà chết ở ngoài cửa doanh trại, chứ không chịu chết ở trong giường nằm”. Thượng hoàng khen là trung nghĩa, cho theo đi, khi đến đất giặc thì mất. Thượng hoàng thương tiếc, đặc cách cho khi tế được dùng nhạc Thái Thường.
Lời chua – Quân Khoái Hộ: Tức quân Thần Sách. Chế độ nhà Trần, chỉ có chức Hành khiển khi tế mới được dùng nhạc Thái Thường, nay cho Thiên Thữ được dùng, đấy là đặc biệt gia ơn.
Tháng 10, mùa đông. Động đất.
Bính Tý, năm thứ 8 (1336). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 2).
Tháng 2, mùa xuân. Thượng hoàng từ chỗ đánh Ai Lao trở về nước.
Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.
Đinh Sửu, năm thứ 9 (1337). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 3).
Tháng 6, mùa hạ. Sao chổi xuất hiện ở phương đông bắc.
Xét duyệt quan văn, quan võ, đặt các thuộc viên ở sảnh, ở viện.
Tháng 9, mùa thu. Hạ chiếu cho các quan trong triều và ngoài khảo hạch các ti thuộc.
Các quan trong triều và ngoài các lộ, hàng năm, xét những thuộc viên do mình quản đốc, người nào siêng năng, cẩn thận, có chứng cớ rõ ràng thì lưu lại, người nào không làm việc thì truất bãi đi.
Hạ chiếu cho các lộ lập kho tào thương.
Nguyễn Trung Ngạn làm tào vận sứ ở Khoái Lộ, đề nghị xin lập kho tào thương, chứa thóc thuế để chẩn cấp cho dân đói. Nhà vua y theo và hạ chiếu cho các lộ khác phỏng theo thể thức ấy mà thi hành.
Lời chua – Khoái Lộ: Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long Ứng thứ 4 (Chb. V, 32).
Hạ lệnh cho Hưng Hiếu vương đi đánh Ngưu Hống, dẹp yên được. (Hưng Hiếu vương không rõ tên).
Hưng Hiếu vương đem quân vào trại Trịnh Kỳ, phá tan quân Mán, chém tù trưởng là Xa Phần. Khi đem quân về, quân sĩ đều được ban thưởng. Hưng Hiếu vương viện dẫn việc Nhân Huệ vương899 bình định đất Nam Nhung ngày trước, xin thưởng cả cho người giữ thuyền nữa. Thượng hoàng nói: “Trước kia, Khánh Dư đi đánh Nam Nhung900 , xuất phát từ Nghệ An, phải đi mấy ngày mới đến Nam Nhung, thế mà người giữ thuyền ở trong đất giặc, chứ không phải là người giữ thuyền ở đất Nghệ An; còn như người giữ thuyền lần này thì lại khác hẳn lần trước. Vả lại, sự thưởng phạt cốt phải chính đáng mà thôi; bây giờ người giữ thuyền dựa vào người đánh thắng giặc để nhận phần thưởng, nếu người đi chiến trận bị chết, thì người giữ thuyền cũng bị chết hay sao?”. Hưng Hiếu vương thưa: “Nếu không có người giữ thuyền mà thuyền bị giặc bắt mất, thì quân sĩ liệu có kiên tâm mà chiến đấu được không?”. Thượng hoàng nói: “Nếu vậy thì trước hết phải thưởng cho các quan ở lại giữ triều đình mới phải, vì rằng nếu kinh sư mà không yên tĩnh thì quân sĩ có thể hăng hái đánh giặc được không?”. Bèn không thưởng cho người giữ thuyền.
Lúc ấy người gia đồng của Hưng Hiếu vương là Phạm Ngải cũng dự có công đánh giặc. Thượng hoàng nói: “Gia nô dầu có chiến công, cũng không được dự vào quan tước triều đình”. Vì thế mới hạ chiếu cấp ruộng cho Phạm Ngải.
Lời phê901 – Biện luận một cách khiên cưỡng, hai bên đều không phải cả. Lời phê902 – Việc này thì hợp thể. Lời chua – Việc Nhân Huệ vương đi đánh Nam Nhung, Sử cũ không chép, chỉ ghi phụ việc ấy ở đây thôi.
Ngưu Hống: Tên Mán. Xem Lý Thánh Tông, năm Long Chương Thiên Tự thứ 2 (Chb. III, 27).
Trại Trịnh Kỳ: Chưa rõ ở đâu.
Mậu Dần, năm thứ 10 (1338). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 4).
Tháng 8, mùa thu. Có thủy tai lớn.
Tháng 10, mùa đông. Gió bão to.
Phần nhiều nhà cửa, cây cối ở dân gian bị đổ.
Bổ dụng Cung Tĩnh vương là Nguyên Trác tham dự triều chính, Cung Định vương là Phủ làm Phiêu Kỵ thượng tướng quân, quản lĩnh trấn Tuyên Quang.
Lời chua – Nguyên Trác và Phủ: Đều là con vợ thứ Minh Tông.
Kỷ Mão, năm thứ 11 (1339). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 5).
Mùa xuân. Đổi lịch “Thụ thì” làm lịch “Hiệp Kỷ”.
Viên Hậu Nghi lang Thái sử cục lệnh là Đặng Lộ thấy tên lịch từ trước đến nay đều gọi là lịch “Thụ thì”, tâu xin đổi gọi là lịch “Hiệp Kỷ”; nhà vua y cho. Đặng Lộ chế ra thứ đồ xem thiên văn gọi là “lung linh nghi” khảo nghiệm khí tượng trên trời không việc gì là không đúng.
Lời chua – Đặng Lộ: Người huyện Sơn Minh thuộc Sơn Nam.
Sao Huỳnh Hoặc mọc chen vào sao Nam Đẩu.
Vừa một tháng, sao Huỳnh Hoặc mới lui ra.
Canh Thìn, năm thứ 12 (1340). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 6).
Tân Tị, năm thứ 13 (1341). (Tháng trở về sau, thuộc Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 1). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 1).
Mùa xuân, bổ dụng Nguyễn Trung Ngạn làm Đại Doãn903 ở kinh sư.
Ở kinh sư, trước kia đặt chức Đại An phủ sứ, đến đây, đổi thành Đại Doãn.
Tháng 6, mùa hạ. Nhà vua mất.
Miếu hiệu là Hiến Tông, ở ngôi 13 năm, hưởng thọ 23 tuổi.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên – Hiến Tông là người thiên tư tốt, nhưng vì ít tuổi lên nối ngôi904 , nên quyền chính trong nước đều ở trong tay Thượng hoàng. Trong sách905 có câu: “Cha còn, thì con không được tự chuyên”, thế thì còn chê trách vào đâu nữa? Tháng 8, mùa thu. Hoàng đế là Hạo lên ngôi vua.
Trước đây, nhà vua (Hiến Tông) là con cả của người vợ thứ, lên nối ngôi; đến sau bà đích mẫu là Huệ Từ hoàng thái hậu mới sinh con trai: con trưởng, Cung Túc vương tên là Dục; con thứ, tên là Hạo. Nay nhà vua mất, không có con trai. Thượng hoàng (Minh Tông) thấy Dục có tính ngông cuồng, không thể gánh vác được công việc trọng đại; lúc ấy Hạo906 mới 6 tuổi, bèn cho nối ngôi. Khi đã lên ngôi, xưng là Dụ Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Thống Thiên Thể Đạo Nhân Minh Quang Hiếu hoàng đế (tức là Dụ Tông).
Sai Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu biên soạn Triều điển và Hình thư.
Nhâm Ngọ, Dụ Tông hoàng đế năm Thiệu Phong thứ 2 (1342). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 2).
Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Cung Tĩnh vương là Nguyên Trác làm Thái Uý.
Tháng 5. Sứ Chiêm Thành sang.
Chúa Chiêm Thành là Chế A Nam mất, con rể là Trà Hoà Bố Để tự lập làm chúa, sai sứ sang cáo phó907 .
Tháng 7, mùa thu. Tôn Huệ Từ thái thượng hoàng hậu làm hoàng thái hậu.
Lời cẩn án – Huệ Từ là vợ Minh Tông, mẹ Dụ Tông. Bấy giờ Minh Tông hãy còn, mà vội tôn phong Huệ Từ làm hoàng thái hậu, như thế thì đạo thờ cha và nghĩa vợ theo chồng đều lỗi cả. Bổ dụng Nguyễn Trung Ngạn làm Hành khiển, quản trị công việc viện Xu Mật.
Theo chế độ cũ, cấm quân thuộc vào Thượng thư sảnh; đến đây, cho viện Xu Mật quản lĩnh. Trung Ngạn tuyển đinh tráng các lộ sung vào ngạch cấm quân hiện khuyết, đặt ra sổ sách để ghi chép. Viện Xu Mật quản lĩnh cấm quân bắt đầu từ đấy.
Lời chua – Trước đây chế độ nhà Trần: Xu Mật viện là chức cơ yếu, cùng với Thượng thư sảnh, và Trung thư sảnh đều được tham dự triều chính.
Giám Sát Ngự sử là Doãn Định và Nguyễn Nhữ Vi bị bãi chức.
Thượng hoàng sáng sớm đến Ngự sử đài, Giám sát Ngự sử là Doãn Định và Nguyễn Nhữ Vi chưa đế, chỉ có Ngự sử Trung Tán là Lê Duy theo hầu. Khi Thượng hoàng về cung rồi, bọn Doãn Định mới đến, bèn dâng sớ đối kháng, nói: Thượng hoàng không nên vào Ngự sử đài. Lại hặc Lê Duy về lỗi không biết can ngăn. Lời lẽ trong sớ rất là khích thiết. Thượng hoàng hiểu dụ trước mặt bọn ấy rằng: “Ngự sử đài là một trong những cung điện, có lẽ nào thiên tử lại không được vào? Vả, trong đài ấy trước kia có chỗ để thiên tử giảng luận học tập, ở đấy lại có chức Chi hậu bạ thư hầu hạ bút nghiên. Đấy là việc cũ “Thiên tử nhập đài” đấy. Ngày trước, vua Thái Tông nhà Đường từng xem cả sách Thực lục kia, huống chi là việc nhập đài”. Bọn Doãn Định còn cố sức can mãi, Thượng hoàng dụ bảo đến hai ba lần cũng không thôi, bèn bị bãi chức.
Quý Mùi, năm thứ 3 (1343). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 3).
Ngày mồng một, tháng 4, mùa hạ. Nhật thực.
Đại hạn từ tháng 5 đến mãi tháng 6. Xuống chiếu tha cho một nửa thuế nhân đinh năm nay.
Tháng 11, mùa đông. Dân bị nạn đói.
Năm ấy mất mùa, đói kém. Dân gian phần nhiều người nổi lên làm trộm cướp, nhất là gia nô các nhà vương hầu.
Giáp Thân, năm thứ 4 (1344). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 4).
Tháng 2, mùa xuân. Giặc cướp khởi lên ở huyện Trà Hương.
Người huyện Trà Hương là bọn Ngô Bệ họp tập nhiều người ở núi Yên Phụ khởi lên làm giặc cướp. Nhà vua sai quân đi bắt. Bọn Ngô Bệ liền trốn tránh tan rã.
Lời chua – Trà Hương: Tên huyện. Xem Tiền biên , ngang với Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tb. V, 22).
Núi Yên Phụ: Ở xã Yên Phụ, huyện Giáp Sơn.
Đổi đặt lại danh hiệu các quan chức.
Hành Khiển ti ở cung Thánh Từ nay đổi làm Thượng Thư sảnh; Hành Khiển ti ở cung Quan Triều vẫn để nguyên là Môn Hạ sảnh907 như cũ.
Viện Tuyên Huy đặt chức đại sứ và phó sứ;
Kiểm Pháp quan ở viện Đăng Văn909 nay đổi là Đình Úy, Tự Khanh và Thiếu Khanh;
Ti Khuyến nông đặt chức Đồn điền sứ và phó sứ;
Tổng lộ đặt An phủ sứ và phó sứ;
Thuộc châu đặt chức Thông Phán;
Lộ nhỏ đặt ti Đề Hình và ti Tào Vận;
Phủ Thiên Trường đặt chức Thái phủ và Thiếu phủ.
Lời chua – Trung thư, Thượng thư, môn hạ: Đều là tên quan ba sảnh, để tham dự bàn luận chính sự trong triều. Đó là chức Tể tướng thứ hai.
Tuyên Huy sứ: Chức này đặt từ đời nhà Đường, có nam viện và bắc viện, các viện đều có chánh sứ và phó sứ, quản lĩnh hết những việc tế trời đất, việc triều hội và yến hưởng; chức này rất trọng đại. Đến nhà Tống, thường dùng quan xu mật kiêm lĩnh, chỉ để đãi những bậc huân cựu đại thần mà đã thôi làm việc chính phủ; do đó, nhiệm vụ chức này đã có phần hơi nhẹ. Nhà Trần đặt chức này, không biết phỏng theo đời nào.
Truy khai quan tước cho Quốc Phụ Thượng Tể Huệ Vũ vương Quốc Trấn.
Trước kia, Quốc Trấn vì việc Trần Phẫu vu cáo, bị giết, đoạt mất cả quan tước910 ; đến nay, mới cho truy phục lại.
Tháng 8, mùa thu. Đặt hai mươi đô Phong đoàn ở các lộ.
Bấy giờ dân gian bị đói, phần nhiều nổi lên làm giặc cướp, nên đặt quân đoàn để đi bắt.
An táng Hiến Tông ở An Lăng.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên – Sau khi thiên tử mất, bảy tháng thì làm lễ an táng. Hiến Tông mất đã bốn năm, đến nay mới táng, mà trong triều không nghe thấy ai đem tang lễ ra tranh luận cả! Lời chua – An Lăng: Ở phủ Kiến Xương.
Dân bị nạn đói.
Bấy giờ, mấy năm mất mùa, đói kém luôn, nhân dân phần nhiều đi làm thày chùa và làm gia nô cho các thế gia.
Ất Dậu, năm thứ 5 (1345). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 5).
Tháng 3, mùa xuân. Thi thái học sinh.
Phép thi: viết ám tả cổ văn và làm bài kinh nghĩa, thơ phú.
Lời cẩn án – Phép thi nhà Trần có bốn kỳ911 , đây không nói đến kỳ thi văn sách, hoặc bấy giờ đổi lại hay là Sử cũ bỏ sót, sẽ đợi khảo sau. Tháng 5, mùa hạ. Đại hạn.
Đại hạn từ tháng 4 đến mãi tháng 5. Nhà vua xuống chiếu xét lại tội các tù phạm, giảm nhẹ tội cho những người can phạm tội thường.
Tháng 8, mùa thu. Sai sứ sang nhà Nguyên.
Nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành sang hỏi địa giới cột đồng ngày trước. Nhà vua sai Phạm Sư Mạnh sang Nguyên biện bạch việc này.
Lời chua – Cột đồng: Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 19 (Tb. II, 12-14).
Phạm Sư Mạnh: Người huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương.
Bính Tuất, năm thứ 6 (1346). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 6).
Ngày mồng một, tháng 2, mùa xuân. Nhật thực.
Sai sứ sang Chiêm Thành.
Chiêm Thành từ khi Bố Để tự lập làm chúa, không sang triều cống. Nhà vua sai Phạm Nguyên Hằng sang hỏi, bấy giờ Chiêm Thành lại sang cống, lễ vật rất là đơn bạc.
Tháng 5, mùa hạ. Nước Ai Lao cướp ngoài biên giới. Nhà vua sai Bảo Uy vương là Hoàn đi đánh, phá tan được quân ấy.
Tháng 9, mùa thu. Bổ dụng Phạm Sư Mạnh giữ Bạ thư kiêm chức Xu mật tham chính.
Đinh Hợi, năm thứ 7 (1347). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 7).
Ngày mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.
Tháng 6, mùa hạ. Bảo Uy vương là Hoàn có tội; truất ra làm Phiêu Kỵ tướng quân ở Diễn Châu, rồi sai người giết đi.
Trước đây, thuyền buôn người nhà Tống sang, dâng một tấm vải “hỏa cán”912 , nhưng vẫn để dành làm của quý: sau đem may áo cho vua, nhưng vì hơi ngắn, nên xếp để ở kho nội phủ. Hoàn tư túi với cung nhân lấy trộm. Một hôm, Hoàn vào chầu, tâu việc ở trước mặt vua, cửa tay áo bị hở ra; Thượng hoàng trông thấy, lấy làm nghi, sai kiểm lại xem, quả nhiên cái áo cất khi trước đã mất rồi. Cung nhân lẻn ra đem áo ấy về dâng nộp. Thượng hoàng giận lắm, truất Hoàn ra ngoài biên trấn. Khi Hoàn đi đến sông Trinh Nữ, Thượng hoàng sai vũ sĩ chở chiếc thuyền nhỏ đuổi theo, giết đi.
Lời chua – Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ nhất (Tb. IV, 20).
Sông Trinh Nữ: Tức sông Vạn Nữ xưa, bây giờ ở địa giới huyện An Mô, tỉnh Ninh Bình.
Mậu Tý, năm thứ 8 (1348). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 8).
Tháng giêng, mùa xuân. Bổ dụng Đỗ Tử Bình làm thị giảng913 .
Tử Bình trước giữ chức ngự tiền học sinh, nay được bổ dụng chức này.
Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ – Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để mà phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, cái nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn1, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần. Lời chua – Tử Bình: Chưa rõ người ở đâu. Sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng nhà Minh chép: “Ở huyện Cổ Lan có vườn Tử Bình, trong vườn có mai, trúc, khe suối và hồ ao, là một chỗ thắng cảnh trong huyện để du thưởng”. Như thế có lẽ Tử Bình là người huyện Cổ Lan? Huyện Cổ Lan tức là Đông Quan, nay thuộc tỉnh Nam Định915 .
Tháng 5, mùa hạ. Đại hạn.
Tháng 7, mùa thu. Nước to.
Kỷ Sửu năm thứ 9 (1349). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 9).
Tháng 5, mùa hạ. Nước Qua Oa sang cống.
Nước Qua Oa đem vật phẩm địa phương sang cống và dâng chim anh vũ biết nói.
Lời chua – Qua Oa: Tên nước. Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chb. IV, 43).
Tháng 10, mùa đông. Lập Trần Thị làm hoàng hậu.
Hậu là con gái Huệ Túc vương Đại Niên, nay lập thành Nghi Thánh hoàng hậu.
Ngày mồng một, tháng 11. Nhật thực.
Bắt đầu đặt chức Sát Hải sứ và Bình Hải quân ở Vân Đồn.
Trước kia, về thời nhà Lý, thuyền buôn của các nước ngoài đến nước ta, đều đi từ các cửa biển Diễn Châu đi vào; đến nay, lòng sông cạn, thuyền buôn dời đến tụ tập ở hải trang916 Vân Đồn. Lúc ấy có nhiều người mò trộm ngọc trai bán cho thuyền buôn, vì thế đặt quan quân để trấn thủ địa phương này.
Lời chua – Vân Đồn: Tên trang, một địa điểm sản sinh ngọc trai. Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chb. IV, 43).
823 Người tân khách nuôi ở trong nhà để bàn hỏi về mưu kế. Còn có một nghĩa nữa: nuôi người văn học để dạy bảo con cháu trong nhà cũng gọi là môn khách.
824 Sau này truyền đến Pháp Loa và Huyền Quang gây thành thiền tông Trúc Lâm, đời gọi là Trúc Lâm tam tổi: – Đệ nhất tổ: Trần Thái Tông là Tái Thế Thích Ca; – Đệ nhị tổ: Pháp Loa là Ca Diếp; – Đệ tam tổ: Huyền Quang là Át Nan.
825 Theo tục nhà chùa, vị tăng nào ở liền với sư trưởng, để sư trưởng sai phái, gọi là thị giả.
826 Cái nhà nhỏ trên núi. Nhà nhỏ thờ Phật thông thường đều gọi là “am”.
827 Tim, gan, lá lách, phổi và trái cật.
828 Vị trí hoành cách mô: phía trên giáp với phổi, phía dưới liền với buồng gan.
829 Công của nhà vua.
830 Doanh trại vua đóng quân.
831 Chỉ việc Anh Tông dụ dỗ chúa Chiêm Thành đầu hàng rồi bắt đem về nước.
832 Báo tin chiến thắng và dâng tù binh đã bắt được.
833 Chỉ việc thuyền bị đắm, Anh Tông phải trèo lên ngồi ở trốc mui thuyền.
834 Nay thuộc Thành phố Hà Nội.
835 Chu Vũ Vương Phát lên ngôi thiên tử, truy tôn tằng tổ là Cổ Công Đản Phủ làm Thái Vương ông nội là Quý Lịch làm Vương Quý.
836 Tống Thái Tổ là Khuông Dận lên làm vua, truy tôn cao tổ là Thiên làm Hi Tổ Văn Hiến hoàng đế, tằng tổ là Đĩnh làm Thuận Tổ Huệ Nguyên hoàng đế, ông nội là Kính làm Dực tổ Giản Cung hoàng đế, cha là Hoằng Ân làm Tuyên Tổ Chiêu Vũ hoàng đế.
837 Chức quan không đặt thường xuyên. Nhà Trần chỉ đặt chức Kinh lược sứ khi có việc.
838 Xem cửu quận ở Tiền Biên , quyển II, tờ 3.
839 Xem ngũ quản ở Tiền biên , quyển V, tờ 1.
840 Tục gọi là áo tràng vạt hoặc áo cổ tràng, vì cổ áo dài, khi mặc thì cổ áo hai bên khép vào với nhau. Áo này chỉ dùng trong lúc nghi lễ.
841 Viên quan chuyên giữ việc đàn hặc các quan trong triều và ngoài quận, dầu chức lớn hay chức nhỏ, nếu phạm lỗi, thì Ngự sử đài có quyền đem việc ấy ra đàn hặc.
842 Xem chữ “tể phụ” chua ở Chính biên , quyển VIII, tờ 35.
843 Cũng như tể phụ
844 Ông vua trong loài rồng. Theo kinh Hoa nghiêm : có rất nhiều Long Vương, Long Vương vào cũng có thần lực làm mây, làm mưa. Cho nên đời sau cần mưa, thường phải cầu đảo đến Long Vương.
845 Niên hiệu Trần Thái Tông (1251-1258).
846 Quả ấn của vua gọi là tỉ. Bảo tỉ: quả ấn quý báu (lời tôn kính).
847 Xem chua ở Chính biên , quyển VII, tờ 4.
848 Đời cổ, vua chúa đều có ruộng tịch điền, thiên tử một ngàn mẫu, vua chư hầu một trăm mẫu, lấy hoa lợi ruộng ấy cúng tế nhà tôn miếu. Vua chúa thường nhân mùa xuân ra cày mấy luống ở ruộng ấy làm mẫu mực, còn toàn nhờ vào sức dân, vì thế chữ “tịch” nhiều sách viết chữ “tạ” nghĩa là nhờ.
849 Thượng hoàng đây là Trần Anh Tông, con Trần Nhân Tông và Khâm Từ thái hậu. Tuyên Từ thái hậu là em ruột Khâm Từ, tức dì ruột Anh Tông, hai chị em cùng là hoàng hậu của Nhân Tông. Sau khi mẹ đẻ của Anh Tông là Khâm Từ mất, Anh Tông đối với dì ruột là Tuyên Từ rất có hiếu thảo (xem thêm Chính biên , quyển VIII, tờ 23).
850 Thượng hoàng đây là Trần Anh Tông, con Trần Nhân Tông và Khâm Từ thái hậu. Tuyên Từ thái hậu là em ruột Khâm Từ, tức dì ruột Anh Tông, hai chị em cùng là hoàng hậu của Nhân Tông. Sau khi mẹ đẻ của Anh Tông là Khâm Từ mất, Anh Tông đối với dì ruột là Tuyên Từ rất có hiếu thảo (xem thêm Chính biên , quyển VIII, tờ 23).
851 Thượng hoàng đây là Trần Anh Tông, con Trần Nhân Tông và Khâm Từ thái hậu. Tuyên Từ thái hậu là em ruột Khâm Từ, tức dì ruột Anh Tông, hai chị em cùng là hoàng hậu của Nhân Tông. Sau khi mẹ đẻ của Anh Tông là Khâm Từ mất, Anh Tông đối với dì ruột là Tuyên Từ rất có hiếu thảo (xem thêm Chính biên , quyển VIII, tờ 23).
852 Lăng của Trần Nhân Tông.
853 Binh phù hình con phi ngư. Phi ngư có tên riêng là cá vằn dao, ta thường gọi là cá chuồn. Giống cá ở biển, vây ở bụng rất dài, dùng làm “mái chèo” bay trên mặt nước.
854 Xem Chính biên , quyển VIII, tờ 27-28.
855 Chỗ ở khi còn làm thái tử, chưa lên ngôi vua.
856 Người nô bộc nhà quan.
857 Chỉ việc Phạm Ngũ Lão đối xử với binh sĩ.
858 Nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
859 Tờ chứng thực về sở hữu ruộng đất.
860 Chỉ về việc Đặng Tảo chuyên chí chầu chực lăng tẩm, không yêu cầu gì. Ý nói chí Đặng Tảo và chí Nguyễn Trung Ngạn trái ngược nhau.
861 Lúc Anh Tông định xuất gia, có làm bài thơ “Chiêu ẩn” (rủ nhau đi ẩn) đưa cho Nguyễn Trung Ngạn. Trung Ngạn từ chối không phụng mệnh.
862 Niên hiệu Trần Thánh Tông (1258-1272).
863 Xem thêm Chính biên , quyển IX, tờ 9.
864 Xem thêm Chính biên , quyển VII, tờ 23.
865 Cũng như chức Tham tri chính sự. Người nào được phong chức Tham tri chính sự mà là Thân vương thì gọi là Tham thị triều chính.
866 Quốc Trấn là bố đẻ Lệ Thánh hoàng hậu (vợ Minh Tông). Lời phê này ý nói bố hoàng hậu mà phong Quốc Phụ Thượng Tể là không chính đáng, vì thế nên sau này Quốc Trấn nói về việc lập hoàng tử, không được Minh Tông nghe theo, và cũng nhân nói về việc lập hoàng tử, mà gây ra tai nạn đến nỗi Quốc Trấn phải chịu tử hình. (Xem thêm Chính biên quyển IX, tờ 26). Câu phê này dùng nguyên câu của Khổng Tử bảo học trò là Tử Lộ: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành”. ( Luận ngữ đại toàn , quyển XIII, tờ 5).
867 Cơ quan giữ ấn của nhà vua. Có nhiệm vụ chuyển lệnh của vua tới các quan, tấu trình lên vua sự thi hành về việc chuyển lệnh của sảnh này, cùng điều khiển những công việc liên quan tới lễ nghi trong cung.
868 Chức phó của Trung thư sảnh. Có nhiệm vụ giúp vua ý kiến, lời khuyên những việc trọng đại, tuyên phụng mệnh lệnh.
869 Tức Tể tướng, quan đầu triều.
870 Lời nói khiêm tốn của những người làm quan đời xưa. Ý nói tài đức kém, nên dễ mắc sai lầm tội lỗi, cũng như nói chỉ chờ một ngày nào đó sẽ vướng vào tội lỗi.
871 Quan chế nhà Trần có Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh. Chức Hành khiển trước gia hàm Trung thư môn hạ Bình chương sự, sau lại đổi Hành khiển ti làm Trung thư sảnh, nên Hành khiển gọi là sảnh quan.
872 Viên chức ở Thẩm hình viện giữ việc xét xử kiện tụng hình ngục.
873 Chỉ vào Trần Anh Tông, xem thêm việc bắt chúa Chiêm Thành ở Chính biên , quyển IX, tờ 5.
874 Chỉ Quốc Trấn. Xem thêm việc đánh Chiêm Thành ở Chính biên , quyển IX, tờ 15.
875 Người trù bị để sau này sẽ nối ngôi vua.
876 Một thứ hình phạt nặng nhất: Trước hết chặt hai chân, hai tay, con trai thì xẻo ngoại thận đi, con gái thì đóng cọc vào âm hộ rồi mổ bụng, moi hết ruột gan ra, làm cho thân thể không mảnh nào dính vào nhau – có khi lại còn đem ngâm thành mắm. Ta gọi tội này là “tùng xẻo”.
877 Tên một ông vua đời nhà Hạ. Thái Khang là cháu Hạ Vũ, con Hạ Khải. Vũ và Khải đều là vua hiền, đến Thái Khang là người thất đức, chơi bời vô độ, bị Hậu Nghệ đánh đuổi đi.
878 Tên là Quảng, giết anh, giết bố để cướp ngôi vua, khi làm vua làm nhiều điều tàn ác, sau bị Vũ Văn Hóa Cập giết.
879 Hai ông vua đời thượng cổ Trung Quốc, tương truyền là hai vị thánh quân đời Đường và Ngu.
880 Kiệt: vua cuối cùng đời nhà Hạ; Trụ: vua cuối cùng đời nhà Thương, là hai ông vua tàn bạo nổi tiếng.
881 Quyển lịch chuyên chép các công việc hằng ngày.
882 Hán Vũ Đế (140 – 88 tr.c.ng.), một ông vua có tài cao mưu giỏi về thời Tây Hán. Năm Nguyên Phong thứ 1 (110 tr.c.ng.), Vũ Đế kéo quân ra Trường Thành, lên lâu đài của Thuyền Vu (lâu đài này do chúa Thuyền Vu là Mạc Lặc dựng lên), rồi kéo quân đến Sóc Phương, tới Bắc Hà, số quân mười tám vạn, cờ quạt cắm suốt hơn ngàn dặm, sai sứ bảo chúa Thuyền Vu rằng: “Nếu dám chống cự lại, thì Thiên tử đã tự làm tướng, sẵn sàng đợi ở biên giới, nếu không thì phải đến thần phục ngay, sao lại cứ ẩn núp ở nơi Mạc Bắc cho rét mướt khổ sở làm gì?”.
883 Nay là huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
884 Nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
885 Nguyên văn chép: “Vị vong nhân”, nghĩa đen là “người chưa chết”. Theo quan niệm ngày xưa, người đàn bà góa chồng tự xưng là vị vong nhân ( Tả truyện ), ý nói chưa chết theo chồng được.
886 Áo cà sa để mặc và cái bát để đựng thức ăn, hai bảo vật quan trọng nhất của nhà chùa. Đời sau dùng chữ “y bát ” để tượng trưng thày chùa truyền kinh pháp cho đệ tử.
887 Nhật Duật là con Trần Thái Tông, bằng vai với Thánh Tông, nên Nhân Tông gọi là chú.
888 Niên hiệu Trần Nhân Tông (1279-1284).
889 Một danh tướng nhà Đường trong thời Đại Tông và Túc Tông. Chiến công của Tử Nghi đứng đầu các hàng tướng tá, giữ việc Tiết Độ Sứ ở Sóc Phương, được phong tước là Phần Dương vương; trong nhà lúc nào cũng đàn hát. Khi mất hưởng thọ 88 tuổi.
890 Lăng tẩm Trần Anh Tông, Thuận Thánh là vợ Anh Tông.
891 Những người chuyên môn về việc suy tính tướng số, nhâm, cầm, độn, toán, xem ngày, xem thiên văn, v.v… Theo thuyết nhà âm dương thì việc chọn ngày là quan hệ, vì cùng một việc, nếu chọn được ngày tốt thì công việc sẽ thuận lợi mà người chủ sự cũng gặp nhiều điều hay, nếu chọn phải ngày xấu thì sẽ trái lại.
892 Cơ quan coi về việc hình án như Toà án ngày nay.
893 Nguyên văn bằng chữ Hán, đây là bản dịch ra tiếng Việt.
894 Hoàng là lớn, là đẹp. Hoàng Việt là nước Việt to lớn, tươi đẹp.
895 Binh chế thời cổ, mỗi quân 12.500 người, thiên tử mới có sáu quân, còn vua các chư hầu, nước lớn được ba quân, nước vừa được hai quân, nước nhỏ có một quân.
896 Tuần: tuần hành; thú; trấn thủ. Vua các chư hầu trấn thủ đất đai do thiên tử phong cho. Thiên tử đi tuần hành đến đất đai đã phong cho vua chư hầu trấn thủ để quan sát, gọi là “tuần thú”. Khi thiên tử đi tuần đến địa phương nào, thì vua các nước chư hầu ở địa phương ấy phải đến hành tại triều yết và dâng phẩm vật địa phương mình.
897 Sử Toàn thư VII, 6 chép việc đi đánh Ai Lao vào năm Giáp Tuất (1334); còn bài Bia ghi là năm Ất Hợi (1335).
898 Chỉ việc Minh Tông tỏ ý thương tiếc Đoàn Nhữ Hài.
899 Tước phong của Trần Khánh Dư.
900 Theo Toàn thư chép: “Thượng hoàng nói: Khánh Dư đi đánh Nam Nhung, đi đường bộ từ Nghệ An, mấy ngày mới đến sông Nam Nhung, bèn phạt gỗ đóng thuyền, thế là người giữ thuyền ở trong đất giặc, chứ không phải …”. Như thế có lẽ Hưng Hiếu vương xin thưởng cho quân sĩ giữ thuyền ở Nghệ An, vì thế Minh Tông mới nói người giữ thuyền lần này khác hẳn lần trước.
901 Chỉ việc Trần Minh Tông và Hưng Hiếu vương tranh luận về việc có hay không thưởng cho người giữ thuyền.
902 Chỉ việc không thưởng quan tước cho gia nô.
903 Chức quan đứng đầu cấp địa phương ở kinh sư thời xưa. Trước gọi là An phủ sứ.
904 Lúc lên ngôi vua mới mười tuổi.
905 Bài bàn ở tập chú trong thiên “Học Nhi” sách Luận ngữ .
906 Hạo là con thứ mười của Minh Tông.
907 Báo cáo tin buồn: Chúa Chiêm Thành mất.
908 Xem thêm Chính biên , quyển IX, tờ 22.
909 Trong sách Cương mục này chỉ chép “Đăng viên kiểm pháp quan” nhưng theo Toàn thư và mục “Quan chức chỉ” trong Lịch triều hiến chương đều chép “Đăng văn viện kiểm pháp quan”, nên chúng tôi theo hai bộ sách dưới mà dịch là “Viện Đăng Văn”.
910 Xem Chính biên , quyển IX, tờ 25-26.
911 Nguyên văn là “tứ trường”.
912 Thứ vải chịu được lửa. Có nhiều thuyết: – Vải hỏa cán lúc giặt phải dùng bằng lửa, khi ở trong lửa đem ra giũ đi, trông óng ánh như tuyết (Liệt Tử) ; – Một thứ lá cây hoặc vỏ cây bị “lửa thiên nhiên” thiêu, nhưng không nát, người ta lấy lá ấy hoặc bóc lấy vỏ ấy ngâm đi dệt thành vải cũng có thể giặt bằng lửa được (Bảo Phác Tử) ; – Dệt bằng lông con Hoả thử (Chuột lửa) (Thập Châu Ký) . – Dệt bằng một thứ nhung đá ở núi Biệt Khiết Xích (Thú vật đi danh sớ) .
913 Một chức quan làm việc trong Viện Hàn lâm, có nhiệm vụ soạn thảo những chiếu, chế, cáo, chỉ của nhà vua.
914 Xem thêm Chính biên quyển X, tờ 39-41, việc chúa Chiêm Thành dâng 10 mâm vàng, Đỗ Tử Bình ăn chặn, trẩm đi, lại tâu với Trần Duệ Tông là chúa Chiêm Thành ngạo mạn. Duệ Tông tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành bị tử trận.
915 Nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
916 Tên gọi những nơi có phố xá buôn bán. Phẩm vật tập trung ở trang rồi mới tiêu thụ đi nơi khác.