Menu Đóng

Chính Biên 17

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XVII

Từ Đinh Tị, Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) đến Đinh Mão, Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 5 (1447), gồm mười một năm.

Đinh Tỵ, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437). (Minh, năm Chính Thống thứ 2).

Tháng giêng, mùa xuân. Bọn Quỵ và Thang, thổ tù ở Gia Hưng, làm phản. Dẹp yên được.

Bọn Đạo Quỵ và Đạo Thang (không rõ họ hai người này) thổ tù mỗi châu thuộc trấn Gia Hưng, nổi lên làm phản, bắt giết Đại tri châu Đạo Lễ (cũng không rõ họ), rồi chiếm giữ bản châu. Chiêu thảo sứ Hà An Lược đem lính thổ đi đánh, bắt được bọn Quỵ và hơn trăm đồ đảng, giải về kinh đô, giết chết.

Nhà vua dùng An Lược làm Chiêu thảo đại sứ. Lại dùng Đạo Xa (không rõ họ), con của Quỵ, làm Hoài viễn tướng quân, coi quản công việc trong châu, ban cho mũ áo và đai.

Lời chua – Gia Hưng: Tức Lâm Tây. Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 4 (Chính biên II, 41).

Mỗi châu: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì Thuận Châu1662 thổ âm gọi là Mường Muỗi. Lại theo Gia phả họ Bạc trong Hưng Hóa tỉnh sách thì Đạo Chưởng chiêu tập vỗ về những người Mường Muỗi cư trú tại đó. Mường Muỗi nay là Thuận Châu. Sử cũ cho chữ “Muỗi” là tiếng nôm1663 , nên gọi là Mỗi Châu hoặc châu Thuận Mỗi1664 .

Đạo: Tức là chức Phụ đạo1665 .

Quỵ, Thang, Lễ, Xa: Có người nói bốn tên này đều là dòng dõi họ Xa.

Hà An Lược: Người Mai Hạ thuộc Mai Châu. Theo Gia phả1666 , thì An Lược đem lính thổ đến Mộc Châu, bắt được bọn Quỵ, Thang và đồ đảng của chúng, giải về kinh đô, giết chết. Triều đình phong An Lược làm Chiêu thảo đại sứ.

Sứ nhà Minh sang.

Trước kia, nhà vua sai bọn Lễ bộ Thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Thúc Huệ sang Minh cầu xin phong vương1667 . Đến đây, nhà Minh sai bọn Binh Bộ Thượng thư là Lý Úc và Thông Chính sứ ti hữu thông chính sứ là Lý Hanh đem chiếu sắc và ấn vàng sang phong nhà vua làm An Nam quốc vương.

Nhà vua sai bọn Hùng Tiệp hữu quân quản lãnh là Thái Sĩ Minh, Thẩm hình viện sự là Hà Phủ và Hữu hình viện Đại phu là Nguyễn Nhật Thăng sang Minh đáp tạ.

Sai Nhập nội hành khiển Lê Trãi và hoạn quan Lương Đăng cùng trông coi việc làm xe loan và thẩm định nhã nhạc.

Trãi dâng bản đồ vẽ khánh đá1668 và nhân đó tâu rằng: “Dẹp loạn, dùng võ, thái bình dùng văn. Ngày nay chế định lễ nhạc, chính là đúng lúc. Nhưng cội gốc nếu không vững thì lễ nhạc không dựa vào đâu mà đứng được; văn hiến nếu không có lễ nhạc không bởi đâu mà thực hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Tôi, vâng theo chiếu chỉ, thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng; ngặt vì học thức kém cỏi, khó lòng điều hòa được luật điệu âm nhạc là món thần diệu tinh vi. Nguyện xin bệ hạ yêu thương nuôi dưỡng dân đen để nơi làng xóm quê thôn không còn có tiếng sầu than oán giận. Thế mới không lỗi mất căn bản của nhã nhạc”. Nhà vua ban khen và tiếp nhận lời tâu của Trãi.

Lời phê – Lời tâu bày tuy nói đúng được căn bản của nhạc, nhưng khi thi hành ra chính sự thì khó đấy. Truy tôn thêm thụy hiệu đế hậu cho các tổ khảo.

Vì có việc nhà Minh ban sắc phong vương, nên sửa lễ cáo nhà thái miếu, truy tôn thêm các tôn hiệu.

Hiển tổ Chiêu Đức Trạch hoàng đế làm Hiển tổ Chiêu đức Chí nhân Trạch hoàng đế1669 .

Hiển từ Gia thục hoàng thái hậu làm Hiển từ Gia thục Khâm thuận hoàng thái hậu1670 .

Tuyên tổ Hiến văn Phúc hoàng đế làm Tuyên tổ Hiến văn Duệ triết Phúc hoàng đế1671 .

Trinh từ Ý văn hoàng thái hậu làm Trinh từ Ý văn Trang hiến hoàng thái hậu1672 .

Thái tổ Thống thiên Khải vận Thánh đức Thần công Duệ văn Anh vũ hoàng đế làm Thái tổ Thống thiên Khải vận Thánh đức Thần công Duệ văn Anh vũ Đại hiếu hoàng đế1673 .

Cung Từ Quốc Thái mẫu làm Cung Từ Quang Mục Hoàng Thái hậu1674 .

Thăng trật cho bách thần.

Gia phong cho các thần linh trong nước, sai các quan đến làm lễ tế, khấn cáo về việc nhà vua được sắc phong vương.

Khảo thí võ nghệ.

Khảo thí và điểm duyệt võ nghệ của các tướng hiệu trong các quân vệ. Phép thi thế này: trước thi cung tên, thứ đến tiễn thủ1668 , thứ nữa đến sử dụng áo giáp và lá chắn. Ba món thi trên đây, nếu đều

trúng cách thì được cấp cả toàn bổng; nếu không trúng thì lương bổng phải giảm dần xuống. Phép thi này đặt làm thành lệ mãi mãi.

Tháng 3. Biểu dương người tiết phụ họ Lê ở Quốc Oai.

Lê Thị Liễn, người Phúc Lâm thuộc Quốc Oai1676 , là vợ Lương Thiên Tích, Túc vệ nhà nhuận Hồ1677 , có nhan sắc. Goá bụa sớm, không có con, bà vẫn ở lại nhà chồng, giữ việc thờ cúng đến trọn đời. Thiếu bảo Lê Quốc Hưng đem việc này tâu lên triều đình, nên nhà vua ban cho bà tấm biển treo ở nhà để biểu dương.

Lời chua – Quốc Oai: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chính biên X, 16).

Phúc Lâm: Thay đổi ra sao, không rõ.

Hạn hán.

Nhà vua ra lệnh cho các lộ làm lễ đảo vũ.

Nhà vua đi xem đánh cá ở Hồ Tây.

Lời chua – Hồ Tây: Tức Lãng Bạc. Xem thuộc Hán, Quang Vũ, năm Kiến Vũ thứ 18 (Tiền biên II, 11).

Tháng 4, mùa hạ1678 . Từ tháng 3 đến tháng này không mưa.

Làm lễ đảo vũ ở cung Cảnh Linh.

Lời chua – Cung Cảnh Linh: Xem Lê Thần Tông, năm Thiên Thuận thứ 1 (Chính biên IV, 21).

Tháng 5. Nhà vua đi bái yết thái miếu. Bãi bỏ trò chèo hát1679 .

Trước kia, nhà vua sai Lê Trãi là Lương Đăng cùng làm việc hiệu đính và quy định nhã nhạc. Những điều bàn luận của Trãi phần nhiều không hợp với Đăng, nên Trãi dâng sớ cố xin từ việc, được nhà vua ưng thuận. Đăng nhân đó dâng kiến nghị, nói: “Trong lễ, có lễ đại trào và lễ chầu thường. Các lễ tế giao, các nhà thái miếu, ngày sinh nhật nhà vua và tết nguyên đán đều là lễ đại trào, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngự bảo tọa; trăm quan đều đội mũ và mặc áo đại trào. Ngày mồng một và ngày rằm, hoàng đế mặc áo hoàng bào, đội mũ xung thiên, lên ngự bảo tọa; trăm quan đều mặc công phục, đội mũ phốc đầu1680 . Gặp lễ chầu thường, hoàng đế mặc hoàng bào, đội mũ xung thiên, lên ngự kim đài; trăm quan mặc thường phục cổ tròn, đội mũ lượt thâm (ô sa mạo).

“Nhã nhạc thì có: nhạc tế giao, nhạc tế thái miếu, nhạc ngũ tự1681 , nhạc cứu nhật thực và nguyệt thực, nhạc dùng trong lễ đại trào, nhạc dùng trong lễ chầu thường, nhạc chín lần tấu trong bữa đại yến, nhạc dùng trong cung. Tất cả không thể dùng chung như nhau được”.

Nhà vua ưng theo kiến nghị của Lương Đăng. Rồi cuối cùng ra lệnh cho thi hành.

Tháng 6. Hạn hán và hoàng trùng1682 .

Nhà vua ra lệnh cho các lộ và các trấn làm lễ đảo vũ.

Ở kinh đô có mưa.

Bầy tôi vào chúc mừng. Nhà vua sai họ đi các lộ xem có mưa không.

Hạ chiếu giảm bớt hình phạt, đánh nhẹ thuế khóa.

Tờ chiếu có nói: “Gần nay, hạn hán, hoàng trùng, lệ khí và tai nạn dồn dập xảy đến! Vậy nay nên giảm bớt hình ngục, nới nhẹ thuế khóa để yên ủi lòng dân”.

Dùng Lê Khả làm Hành quân tổng quản1683 , coi giữ cấm quân, Bóc chức tước của Đại tư đồ Lê Sát. Tha Bùi Ư Đài và cho khai phục quan chức. Biếm truất Tây đạo tham tri1684 Đặng Đắc xuống làm An phủ sứ ở Lạng Sơn; rồi tống giam vào ngục, giết chết.

Bấy giờ nhà vua đã khôn lớn, xét xử và quyết định công việc ngày càng sáng suốt. Lê Sát còn cứ tham quyền cố vị. Nhà vua chán ghét Lê Sát, bèn mưu tính với những người ở bên tả hữu, cho rằng Lê Sát và Lê Hươu là bà con của Sát, Lê Khả vốn có hiềm khích với Sát. Nhà vua bèn đuổi bọn Ê ra ngoài, dùng Khả giữ quân cấm vệ. Sát còn cố chấp, cho là không nên. Nhà vua nổi giận, đứng dậy, đi vào trong cung, mật sai báo việc này cho mấy viên quan giữ việc can ngăn là bọn Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích biết. Bọn Cảnh An liền cùng nhau dâng thư hặc Sát về tội chuyên quyền.

Nhà vua giao xuống cho tòa pháp ti xét hỏi vụ Lê Sát. Bọn Lê Văn Linh và Lê Ngân đều bào chữa cho Sát, nhưng nhà vua không nghe, bèn bóc hết chức tước của Sát. Hạ chiếu rằng: “Lê Sát ghen ghét người tài năng, tự tiện cầm quyền oai phúc, kể đã lâu ngày. Hắn giết Nhân Chú1685 , truất giáng Lê Khả1686 , đày Tư Đày1687 , ruồng bỏ Cầm Hổ1688 . Xét những việc hắn làm đó đều là trái đạo làm tôi. Nay muốn khép hắn vào tội để giãi tỏ phép nước, lại nghĩ Sát là đại thần nhận lãnh mạng lệnh tiên đế dặn lại, nên rộng ban ơn, đặc cách tha cho tội chết, nhưng phải cách chức”.

Tha Bùi Ư Đài, cho khai phục quan chức, cất làm Tham tri coi giữ sổ sách quân và dân ở Tây đạo.

Biếm truất Tây đạo tham tri quân dân bạ tịch và Đặng Đắc xuống làm An phủ sứ ở Lạng Sơn, sau đó tống giam vào ngục, ra lệnh chém để rao cho mọi người biết. Đó vì Đặng Đắc là kẻ bày mưu lập kế cho Lê Sát.

Lời phê1689 – Lê Thái Tông cũng không phải là ông vua sáng suốt. Đại Tư mã, tham dự triều chính, Đình thượng hầu, Lê Văn An, chết.

Văn An là người hòa nhã, dễ dãi, tiếp đón các nho sĩ và đại phu bao giờ cũng giữ lễ độ. Đến đây, Văn An chết, đặt tên thụy là Trung Hiến.

Sét đánh cửa Đông Thành (Đông Kinh).

Giáng Tham đốc Lê Văn Linh xuống làm Tả bộc xạ1690 , giáng Điện tiền đô kiểm điểm Lê Ê xuống làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa.

Vì bọn Văn Linh và Lê Ê là chỗ thân tình của Lê Sát, nên đều phải biếm truất và truy đoạt tấm biển “công thần” được ban cho từ triều Thuận Thiên1691 .

Lời chua – Quy Hóa: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chính biên VI, 41).

Dùng Lê Ngân làm Nhập nội đại đô đốc, đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti.

Lại dùng Bùi Cầm Hổ làm Trung thừa.

Trước kia, Cầm Hổ làm Trung thừa vì hặc Lê Sát, nên bị đày ra làm An phủ sứ lộ Lạng Sơn; đến đây, Lê Sát bị đổ, Cầm Hổ được nhà vua khen là cương trực, nên có mạng lệnh cho làm chức này.

Tháng 7, mùa thu. Lê Sát có tội, cho phép được tự tử. Gia sản bị tịch thu. Nguyên phi Lê Thị, con gái của Sát, bị phế làm thứ nhân1692 .

Bấy giờ có người cáo tỏ rằng Lê Sát nuôi bọn võ sĩ Lê Thảo, Lê Khản và Lê Khắc Hài làm thích khách, mưu toan làm hại Lê Ngân. Nhà vua nổi giận, hạ chiếu rằng: “Sát nay lại nuôi dưỡng những tay liều chết để mưu hại người trung lương, dấu tích gian ác của hắn ngày một lộ liễu. Vậy đáng nên chém để rao cho mọi người biết”.

Bọn Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ tâu rằng: “Tội Sát đáng chết đấy thật, nhưng Sát đã từng làm đến đại thần, nên phanh thây làm nhục, e để đời sau chê cười!”.

Nhà vua bèn cho phép Sát được tự tử. Tịch thu các đồ vật của Sát, chia ban cho quần thần. Vợ con và tài sản của Sát đều bị sung công. Nguyên phi Ngọc Dao, con gái của Sát, sau khi Sát phải tội, cũng bị phế.

Sách phong chiêu nghi1693 Lê thị lên làm Huệ phi.

Phi, là con gái Lê Ngân, sau khi Ngọc Dao bị phế, được lên bậc này.

Phía tây nam có tiếng như sấm. Gió to, mưa lớn.

Tháng 8. Dùng Lê Khả làm Thiếu úy.

Nguyễn Văn Lôi xin cho mò ngọc trai. Nhà vua không cho phép.

Văn Lôi tâu xin cho mò hạt trân châu ở Đông Hải để sung vào việc tiêu dùng trong nước. Nhà vua không nghe.

Lời chua – Đông Hải: Trấn An Bang thuộc Đông đạo, có hải phận Vân Đồn, trong hải phận này có sản ngọc trai.

Hạ chiếu răn bảo pháp ti đoán hình ngục phải theo đúng luật pháp.

Nhà vua dụ rằng: “Phàm người giữ việc xét đoán ngục tụng phải nên căn cứ vào điều chính trong minh văn của luật pháp. Khi tội danh đã phù hợp với luật rồi thì trước phải tường trình với các đại thần,

thái giám và đài quan1694 cùng nhau công đồng xem xét, rồi sau mới kết án tâu lên vua, chứ không được thiên vị vì tình riêng, cứ theo ý mình mà tăng nặng hay giảm nhẹ như kiểu Lê Sát đã làm ngày trước”.

Lời chua – Thái giám: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, Lê Thái Tổ cất đặt quan lại, có chức thái giám, dùng những người họ thân có công lao đứng làm, chức vị ở dưới Nhập nội hành khiển và Xu mật đại sứ.

Dùng Lê Đổ làm Chính sự viện đồng tham nghị.

Trung thừa Bùi Cầm Hổ can rằng: “Tham nghị là chức giúp rập chính sự, nếu không phải là bậc lão thành thì không nên dùng. Nay Lê Đổ có nhiều lầm lỗi, thế mà cho lên làm chức này, e không thể khuyến khích người khác được”. Nhà vua không nghe.

Lời chua – Chính sự viện đồng tham nghị: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, Lê Thái Tổ mới lập ra chính sự viện, có những chức tham tri chính sự, tham nghị và đồng tham nghị để nắm giữ công việc then chốt.

Tháng 9. Hoạn quan Lương Đảng dâng nhã nhạc mới.

Nhạc mới này, mô phỏng nhạc khí của nhà Minh mà làm ra. Nhạc tấu ở trên nhà, có: trống cái, bộ khánh1695 , bộ chuông1696 , đàn cầm1697 , đàn sắt1698 , sinh1699 , tiêu1700 , quản1701 , thược1702 , chúc1703 , ngữ1704 , huân1705 , trì1706 . Nhạc tấu ở dưới thềm, có: phương hưởng1707 , không hầu1694 , đàn tì bà1695 và quản dịch1696 dùng.

Xe loan làm xong. Nhà vua phong hoạn quan Lương Đăng làm Đô giám.

Trước kia, Lương Đăng tâu xin quy định nghi trượng lỗ bộ1711 : Khi vua trẩy một cách trọng thể, xe loan thì có xe lớn (đại lộ), xe voi, xe ngựa, kiệu cửu long1712 , kiệu thất long1713 , bộ liễn1714 , phi liễn1715 . Nhà vua nghe theo. Đến đây làm xong, Đăng được phong làm Đô giám trung thừa.

Bùi Cầm Hổ tâu rằng: “Bệ hạ từ khi lên ngôi đến giờ, thay đổi nhiều việc của tiên đế đã làm. Kìa như Lễ Bộ ti đồng giám là Lương Đăng, tiên đế thấy hắn biết chút chữ nghĩa, cho làm nội nhân phó chưởng, nhưng rồi thấy hắn chỉ khúm núm bề ngoài, không thẳng thắn, không thể gần gũi được, nên mới cho hắn ra làm văn đội. Thế mà nay lại cho lên làm chức quan to. Vậy xin bệ hạ nghĩ lại”.

Người thợ là Cao Liệt dâng hai chiếc mũ cỏ, và xin mộ dân sung vào làm việc ở Quan tác cục1716 . Thị ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích can rằng: “Người làm vua xưa không quý những đồ kỳ lạ khéo léo, nên vua Thuấn chỉ mới dùng thứ đồ sơn, thế mà có đến hơn mười người can ngăn. Vậy xin bệ hạ nghĩ đến tiên đế đã từng tắm gió gội mưa, cũng chưa hề dùng đến thứ mũ ấy”.

Khi đã bãi trào, nhà vua giơ cái mũ cỏ lên cho các đại thần và đài quan1717 xem và nói: “Của này có gì đáng gọi là kỳ lạ, thế mà đài quan đã phải can ngăn”. Vĩnh Tích thưa rằng: “Tôi muốn làm để nhà vua troở nên hiền hơn Nghiêu, Thuấn, nên mới can ngăn từ lúc chưa chớm nảy điều quấy đó thôi”. Nhà vua làm thinh.

Lời chua – Văn đội: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, Lê Thái Tổ có đặt ra Ngự Tiền Văn đội, trong đội có ti Thính hậu chuyên giữ việc sai phái điều bát.

Nguyễn Vĩnh Tích: Người La Phù, thuộc huyện Thượng Phúc1718 .

Lê Cảnh Xước, Nội mật viện sứ, phạm tội ăn hối lộ, bị bãi chức; sau đó lại được khai phục.

Cảnh Xước ăn hối lộ 20 lạng bạc. Theo luật đáng phải tội chết. Nhà vua cho rằng Cảnh Xước hầu ở tòa Kinh Diên đã lâu, nên ruồng bỏ, bắt làm thứ dân. Được hơn một tháng, nhà vua lại dùng làm Hàn Lâm viện thị giảng, Ngự tiền học sinh cục phó.

Lời chua – Ngự tiền học sinh cục phó: Theo “Chức quan chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, Lê Thái Tổ mới đặt ra Ngự tiền học sinh cục, trong cục có cục trưởng và cục phó.

Tháng 11, mùa đông. Thi hành lễ mới.

Lương Đăng dâng kiến nghị mới về các tiết mục nghi thức của các lễ coi chầu hoặc yến tiệc trong những ngày sinh nhật nhà vua, tết nguyên đán, mồng một, ngày rằm. Lễ mới này khi đặt xong, nhà vua sai viết ra treo ở cửa Thừa Thiên. Đến đây, nhà vua đi bái yết thái miếu, bắt đầu mặc áo cổn, đội mũ miện; trăm quan mặc triều phục, làm lễ. Khi nhà vua coi chầu, lúc ra lúc vào đều có tiền hô hậu hét.

Bọn Lê Trãi, Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, và Nguyễn Liễu tâu rằng: “Lễ nhạc là cốt ở người, mới đặt ra được. Phải là bậc tài đức như Chu Công1719 rồi sau mới không thể chê trách về việc đặt lễ, chế nhạc. Nay nhà vua để cho hạng bầy tôi nhỏ mọn ở trong cung chuyên việc sắp đặt lễ nhạc, như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao? Vả lại, việc làm của Đăng đều là dối vua, lừa dưới không căn cứ vào đâu cả. Thí dụ như xưa kia, khi trống đánh thì người ta truyền báo lễ chầu buổi sớm; nay vua đã ngự triều ban, yên chỗ rồi, bấy giờ mới đánh trống! Xưa kia, khi vua đi ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung1720 , bên hữu có 5 chuông1721 cùng rền lên để hưởng ứng lại. Khi vua đi vào thì người ta đánh chuông di tân1722 và cũng họa lại bằng năm chuông khác. Ngày nay, khi vua ra coi chầu, đánh 108 tiếng chuông. Số 108 đó là số đếm khi lần tràng hạt1723 của các hòa thượng.

“Nếu theo chế độ nhà Minh, khi vua ngồi, ở cửa Phụng Thiên thì có kim đài1724 , ở điện Phụng Thiên thì có bảo tọa. Bây giờ chỉ có một điện Hội Anh, lại có kim đài thường di chuyển không để yên một chỗ; nếu đặt hai kim đài ở cả hai chỗ thì lại không nên. Đó là những lễ nghi gì?

“Còn về xe vua dùng, phía trước có mái vẩy, phía sau có cửa, thế mà bây giờ mở cửa phía trước! Lối xưa có như vậy không?

“Vua, khi ra, khi vào có tiền hô hậu hét, đó là lệ thường. Bấy giờ, khi cáp môn sứ đã xướng đến tiết mục “tâu việc xong rồi”, trăm quan đã lui gót, thế mà vua còn ngồi lại, người coi nghĩ lễ mới bắt đầu hô: “nhập tất”1725 . Thế là nghĩa gì?

“Lương Đăng là tên bầy tôi nhỏ mọn, ra vào nơi cung cấm, hầu hạ ở bên vua. Như vậy chúng tôi trộm lấy làm ngờ lắm!”.

Lương Đăng tâu: “Thần là kẻ vô học, không biết chế độ thời xưa ra sao. Những việc bây giờ làm đó chỉ là biết thế nào, làm thế ấy thôi”.

Nguyễn Liễu tâu: “Từ xưa đến nay, chưa có bao giờ hoạn quan lại được tự chuyên, làm nát thiên hạ như vậy!”.

Đinh Thắng từ trong nội đi ra, mắng rằng: “Hoạn quan làm gì mà nát thiên hạ? Nếu nát thiên hạ thì phải nát đầu mày”.

Nhà vua bèn giao Nguyễn Liễu cho hình quan xét hỏi. Khi án đã kết, Liễu bị tội đáng chết chém. Nhưng nhà vua ra chiếu chỉ cho đặc cách giảm xuống tội thích chữ vào mặt, đày đi châu xa.

Lời chua – Phía trước có mái vẩy, phía sau có cửa: Ở phần Xa dư loại trong Uyên giám loại hàm, Trần Tượng Đạo có nói: “Về chế độ xe, theo hình tượng trời để làm mui, theo hình tượng đất để làm thùng xe, theo sao đẩu để làm trụ cắm gọng mui và ổ bánh xe, theo chòm sao nhị thập bát tú để làm gọng mui xe, theo mặt trời và mặt trăng

để làm bánh xe và tay hoa xe. Phía trước có thanh gỗ chắn ngang, phía sau cửa lên xuống; gờ ngang ở đằng trước; gờ ngang ở đằng sau.

Nước Tiêm La sai sứ sang cống.

Tiêm La sai bọn Trai Cương Thích đến triều cống. Nhà vua ban cho sắc thư để sứ giả đem về. Lại gửi tặng quốc vương và vương phi Tiêm La các thức như lụa mùa1726 , đĩa, bát.

Lời chua – Tiêm La: Tên nước. Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chính biên IV, 43, 44).

Tháng 12. Giết Nhập nội đại đô đốc Lê Ngân, tịch thu cả nhà. Giáng truất Huệ phi Lê Thị, con gái Lê Ngân, xuống làm tu dung1727 .

Có người cáo tỏ rằng nhà Lê Ngân thờ phật Quan Âm để cầu khẩn cho con gái là Huệ phi được vua yêu chiều. Bấy giờ nhà vua đang ngự ở cửa Đông trong thành, bèn sai thái giám Đỗ Đại đem 50 võ sĩ đến khám nhà Lê Ngân, soát thấy có pho tượng Phật để thờ, vàng, bạc và lụa màu1728 . Nhà vua sai bắt nô tì của Lê Ngân để xét hỏi.

Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra, tạ tội rằng: “Tôi từ trẻ, theo đi khởi nghĩa Lam Sơn, may được trông thấy cảnh thanh bình; về già, vì dồn chứa nhọc nhằn vất vả đã lâu, nên sinh lắm bệnh. Thầy bói đoán rằng chỗ đất nhà tôi ở là ngôi chùa cổ đã hoang phế, nay sinh yêu ma làm cho động trệ, không yên, nên sùng mộ đạo Phật để cầu âm phúc. Chẳng ngờ nay bị người vợ lẽ mà tôi đã bỏ, cùng với Trần Thị, là vợ lẽ của Lê Sát ngày trước mà nhà vua ban cho nhà tôi1729 xui xiểm, kết hợp với tên đầy tớ gian ngoan, nhân dịp thêu dệt cho thành tội lỗi. Nếu được nhà vua soi xét định đoạt thì buông tha cho tôi về điền viên để được trót đời tàn rạc này”.

Nhà vua chưa nguôi giận, giao Lê Ngân cho tòa pháp ti luận tội. Khi án đã thành, nhà vua cho phép Lê Ngân được chết, tịch thu cả nhà, phế Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân xuống làm tu dung. Bà đồng1730 cũng bị đày đi châu xa.

Lời phê – Lê Ngân: Trước đây, đã bào chữa cho Lê Sát, dường cùng bè đảng với kẻ ác, sao không ngay lúc bấy giờ trị tội luôn cả đi, mà lại cho vượt bậc thăng chức? Đến đây, chỉ vì cớ nhỏ nhặt6, lại giết Lê Ngân: hình phạt sao quá lạm thế! Mậu Ngọ, năm thứ 5 (1438), (Minh, năm Chính Thống thứ 3).

Tháng giêng, mùa xuân. Tập trận thủy chiến.

Trước kia, sai sắc bọn Đô tổng quản ở năm đạo1732 chỉnh lý các thuyền chiến và cờ xí; đến đây diễn tập thủy chiến.

Vét các sông ở Trường Yên, Thanh Hóa và Nghệ An.

Bấy giờ đường thủy ở các lộ dần dần cạn nghẽn; nhà vua ra lệnh cho dân khu ở bốn đạo1733 làm việc khơi vét.

Lời chua – Trường Yên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chính biên II, 11).

Thanh Hóa, Nghệ An: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16, 117, 20, 23).

Phế quận vương Tư Tề xuống làm thứ dân.

Trước kia, Tư Tề hay nói những lời quái gở càn bậy, bị kẻ hầu cận cáo tỏ, nhà vua đã sắc sai trăm quan không được đi lại với Tư Tề; đến nay phế hẳn làm thứ dân.

Đại xá. Hạ chiếu cho trăm quan điều trần việc nước.

Vì cớ thường xảy ra tai biến và điềm gở, nhà vua hạ chiếu tự trách mình. Bài chiếu thế này:

“Luôn năm lại đây, nào hạn hán, nào hoàng trùng, tai nạn và điềm gỡ dồn dập xảy đến. Mấy cây trước cửa nhà thái miếu ở Lam Kinh1734 nhiều lần cũng bị sét đánh. Xét xem tại sao xảy ra điềm xấu như vậy, tất là phải có lý do. Có lẽ vì những cớ này:

“Trẫm không tu sửa đức tính, bỏ bể trễ mọi chính sự chăng?

“Những bậc tể phụ không phải là người hiền tài, sự quản lý nhà nước có điều sai trái không đúng mức chăng?

“Bổ dụng không được người tốt, vàng thau lẫn lộn chăng?

“Có nạn hối lộ công khai, việc hình ngục kiện tụng có điều oan uổng, quá lạm chăng?

“Nhiều phen dấy việc thổ mộc doanh tạo làm cho sức dân mỏi mệt khốn đốn chăng?

“Sưu cao, thuế nặng, nhân dân phải thiếu thốn về tiền tài chăng?

“Vậy nay đại xá cho thiên hạ. Trăm quan văn võ các ngươi ai nấy đều nên điều trần bày tỏ những điều thiếu sót lầm lỗi trong mọi chính sự, cứ nói thẳng, đừng giấu giếm. Nếu có điều gì đáng lượm dùng, thì trẫm thế nào cũng cất nhắc thêm lên chức cao; dẫu rằng có vấp phải những điều ngu ngốc viễn vông đi nữa, cũng chẳng bắt tội gì đâu. Như vậy ngõ hầu mới có thể cảm lại được lòng Trời, ngừng được tai biến khiến cho nước nhà dài hưởng phúc lành vô cùng”.

Lời phê1735 – Cũng là văn bản nói suông nói đó thôi Tháng 12, mùa đông. Sứ nhà Minh sang ta.

Triệu Nhân Chính, Tri châu châu An Bình thuộc phủ Thái Bình nhà Minh và Nông Kính, Tri châu châu Hạ Tư Lang thuộc trấn Thái Nguyên bên ta, đều vượt bờ cõi, xâm lấn đất đai của nhau.

Ti Bố chính sứ Quảng Tây tâu vua Minh rằng quan sở tại ở Hạ Tư Lang tranh chiếm hai động An Bang và Hóa Long thuộc châu An Bình. Nhưng đến việc quan sở tại ở châu An Bình ấy thôn tính bờ cỡi, xâm chiếm các động Vũ Đức của ta thì Bố Chính sứ Quảng Tây lại ỉm đi, không tâu vua Minh biết. Vua Minh sai bọn Cấp sự trung là Thang Nãi sang dụ bảo ta trả lại những đất ta đã xâm chiếm. Nhà vua sai bọn Lê Bá Kỳ, Đồng tri Trung Quân, và Bùi Cầm Hổ, Trung thừa sang Minh, phúc tấu về việc này. Lại xin vua Minh ra sắc dụ bảo bầy tôi trấn thủ Quảng Tây phải nghiêm sức cho quan lại nhà Minh ở nơi biên giới không được gây hấn sinh sự.

Lời chua – Thái Bình: Tên phủ. Xưa là đất nước Nam Việt1733 ; đời Hán gọi là Lệ Giang thuộc quận Giao Chỉ; đời Đường đặt làm một châu chỉ có tính cách ràng buộc lỏng

lẻo1737 . Đời Tống, Thái Bình là một trong năm trại lập ở Lĩnh Nam sau khi đã bình định được. Đời Nguyên đặt làm lộ Thái Bình thuộc đạo Tả Giang. Đời Minh, là phủ Thái Bình thuộc ti Bố Chính sứ tỉnh Quảng Tây. Đời Thanh để theo như cũ.

An Bình: Tên châu, thuộc phủ Thái Bình.

Hạ Tư Lang: Tên châu. Xưa là đất châu Tư Lang. Xem Lý Thái Tông, năm Kiền Phù hữu đạo thứ 3 (Chính biên III, 3).

An Bang, Hóa Long, Vũ Đức: Đều là tên động. Thay đổi ra sao không rõ.

Kỷ Mùi, năm thứ 6 (1439). (Minh, năm Chính Thống thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Cầm Man đem người Ai Lao vào cướp nơi biên giới. Nhà vua tự làm tướng đi đánh dẹp.

Cương Nương ở Cầm Man làm phản, khuấy nhiễu cướp bóc dân chúng ở nơi biên giới. Việc lên đến triều đình. Nhà vua sai tuyên bố tội trạng và cho quân đến đánh. Cương Nương sợ, cầu cứu với nước Ai Lao. Ai Lao sai bầy tôi là Nữu Hoa đem quân và voi đến xâm lấn khuấy nhiễu caác châu Phục Lễ. Nhà vua chính mình đem sáu quân1738 đi đánh: Nữu Hoa phải rút lui.

Lời chua – Cầm Man: Theo Hưng Hóa lục của Hoàng Trọng Chính1739 , thì các châu Phù Yên1740 , Sơn La1741 , Tuần Giáo1742 và Mai Sơn1743 , hồi đầu Lê, đều là các động, giáp giới với Ai Lao và liền với châu Phục Lễ. Họ Cầm nối đời làm phục đạo. Có lẽ Cầm Man tức là ở đó.

Cương Nương: Tên người của Cầm Man1744 .

Tháng 3. Đặt mọi quy thức về tiền đồng và đồ hàng tấm.

Nhà vua hạ chiếu quy định:

Tiền đồng: Một tiền là 60 đồng.

Lụa: Một tấm vải dài 30 thước1745 , ngang 1 thước 5 tấc trở lên.

Vải gai nhỏ1746 : một tấm dài 24 thước, ngang 1 thước 3 tấc.

Vải gai tiêu ma1747 : một tấm dài 24 thước.

Vải bông: một tấm dài 22 thước.

Giấy: một trăm là 100 tờ.

Tháng 4, mùa hạ. Sao chổi xuất hiện ở phương tây.

Tháng 10, mùa đông. Sinh hoàng tử Nghi Dân.

Tháng 11. Đại xá. Ban tiệc rượu mừng.

Đại xá cho cả nước. Đổi lại niên hiệu. Người dân từ 70 tuổi trở lên được thưởng tước một tư1748 và uống rượu mừng.

Canh Thân, năm Đại Bảo thứ 1 (1440). (Minh, năm Chính Thống thứ 5).

Mồng 1, tháng giêng, mùa xuân. Hạ chiếu cho quần thần cứ thẳng thắn bàn nói về những chính sự còn thiếu sót.

Chiếu rằng: “Đại thần và bách quan văn võ ăn lộc của vua, nên lo điều lo của vua. Phàm những chính sự và mệnh lệnh nếu có hại cho quân và dân, những việc làm của trẫm lỡ có điều gì không được thích đáng, thì ai nấy đều nên tranh luận cho rõ ràng, can ngăn cho vỡ vạc, giúp đỡ cho những điều trẫm không nghĩ tới. Như thế thì, từ trước đến sau, vua và tôi mới giữ toàn vẹn được công danh sự nghiệp, cùng nhau chung hưởng vinh hiển. Há chẳng tốt lắm sao?”.

Hà Lai, thổ tù châu Thu Vật, làm phản. Nhà vua chính mình cầm quân đi đánh, bắt được và giết chết Hà Lai. Trở về cung, làm lễ dâng tù binh ở nhà thái miếu.

Thổ tù châu Thu Vật thuộc Tuyên Quang là Hà Lai làm phản. Nhà vua tự làm tướng, thân đi đánh bắt được con của Lai là Mậu; ngày hôm sau, lại bắt được Lai, chém chết. Rút quân về, làm lễ ở nhà thái miếu, dâng tù binh.

Lời phê – Đối với những đồ nhãi nhép, làm gì mà phải khoe khoang như thế2? Vô vị quá lắm! Lời chua – Thu Vật: Tên châu. Nay là Thu Châu thuộc phủ Yên Bình1750 .

Lập con là Nghi Dân làm thái tử.

Tháng 3. Tên Nghiễm, thổ tù châu Thuận Mỗi thuộc trấn Gia Hưng, đem người Ai Lao vào cướp nơi biên giới. Nhà vua tự làm tướng đi đánh. Tháng 5, mùa hạ. Nghiễm xin hàng. Nhà vua rút quân về.

Thổ tù châu Thuận Mỗi thuộc trấn Gia Hưng, tên là Nghiễm (không rõ họ), làm phản, dắt người Ai Lao đến xâm lấn biên giới. Nhà vua hạ chiếu chính mình cầm quân đi đánh. Khi đại quân tiến đến trấn Gia Hưng, gặp lúc bấy giờ thời tiết đang nắng dữ và năng mưa, nhà vua thấy Nghiễm dâng tiến trâu và voi, xin hàng, thì ưng thuận, rút quân về.

Lộ Thanh Hóa có thủy tai lớn.

Tân Dậu, năm thứ 2 (1441). (Minh, năm Chính Thống thứ 6).

Tháng 3, mùa xuân. Nghiễm lại làm phản. Nhà vua chính mình cầm quân đi đánh, bắt được Nghiễm, trở về cung, làm lễ dâng tù binh ở nhà thái miếu.

Tên Nghiễm lại dắt người Ai Lao vào cướp nơi biên giới. Nhà vua nổi giận, tự làm tướng, cầm quân đi đánh, thẳng tiến đến biên giới Thuận Châu. Tướng Ai Lao là Đạo Mông lui giữ La Động. Nhà vua sai đuổi kỳ cùng, bắt sống được Đạo Mông, lại bắt được con của Nghiễm là Sinh Tượng, Chàng Đồng. Nghiễm cùng quẫn, phải xin hàng. Nhà vua sai bắt đem về, làm lễ dâng tù ở nhà thái miếu.

Lời chua – La Động: Thay đổi ra sao, không rõ.

Tháng 5, mùa hạ. Tuyển lấy các tú nữ đem vào cung.

Tháng 11, mùa đông. Giáng truất thái tử Nghi Dân xuống làm Lạng Sơn vương, đổi lập Bang Cơ làm thái tử.

Thần phi Dương Thị, mẹ Nghi Dân, tính cả ghen, sau khi thấy con được lập làm thái tử, lại càng kiêu rông. Nhà vua nổi giận, giáng xuống làm chiêu nghi1751 . Dương Thị, do đấy, ngày càng ấm ức oan trách; nhà vua giáng xuống làm “thứ phụ”1752 .

Vì thấy người mẹ không có hiền đức thì chắc con cũng chẳng ra gì, nhà vua bèn hạ chiếu giáng Nghi Dân xuống làm Lạng Sơn vương, đổi lập Bang Cơ làm thái tử.

Lập hoàng tử Khắc Xương làm Tân Bình vương.

Nhâm Tuất, năm thứ 3 (1442). (Minh, năm Chính Thống thứ 7).

Tháng 3, mùa xuân. Thi đối sách để tuyển lấy tiến sĩ.

Trước kia, đã bàn đặt khoa tiến sĩ, đến đây, cho vào điện đình để thi đối sách, ban cho từ Nguyễn Trực trở xuống 33 người đỗ tiến sĩ cập đệ1753 , xuất thân1754 , đồng xuất thân1755 có khác nhau. Lại sai dựng bia khắc bài văn nói về việc mở khoa thi tiến sĩ và đề tên những người đã đỗ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây.

Lời chua – Nguyễn Trực: Người làng Bối Khê thuộc Thanh Oai1756 .

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua đi tuần phía đông, vào chơi chùa núi Côn Sơn1757 , nơi Nguyễn Trãi ở.

Nhà vua tuần hành phía đông, duyệt võ ở Chí Linh, Lê Trãi đón mời, nhà vua đến chơi chùa núi Côn Sơn, nơi ở của Lê Trãi.

Trước kia, Nguyên Đán, Tư đồ đời Trần, về hưu ở núi Côn Sơn. Núi này có chùa gọi là Tư Quốc, phong cảnh rất đẹp, và u tĩnh. Trãi là cháu ngoại Nguyên Đán1758 . Năm 60 tuổi, Trãi nghỉ việc, về ở tại Côn Sơn.

Lời chua – Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chính biên VII, 28).

Côn Sơn: Thuộc xã Chi Ngại, huyện Chí Linh1759 .

Tư Quốc: Tên chùa, ở phía nam Côn Sơn, tương truyền chùa này do sư Pháp Loa1760 làm.

Tháng 8. Nhà vua về đến huyện Gia Định, mất.

Nhà vua ở ngôi 9 năm thọ 20 tuổi. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ Lê Trãi, người đẹp mà lại hay chữ. Nhà vua nghe tiếng, vời đến, phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm cho hầu ở bên, nhân đó, sàm sỡ với Thị Lộ. Đến đây, đi tuần phía đông, xa giá quay về đến trại Vải1761 , làng Đại Lại, huyện Gia Định, thì mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất. Trăm quan giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về kinh đô. Nửa đêm vào đến trong cung, mới phát tang. Người ta đều nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt giết Thị Lộ.

Lời chua – Gia Định: Tên huyện. Xem Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 4 (Chính biên III, 34).

Nguyễn Thị Lộ: Người Hải Triều thuộc huyện Ngự Thiên1762 .

Đại Lại: Tên xã, thuộc huyện Gia Bình1763 .

Trại Vải (Lệ Chi Viên): Theo Bắc Kỳ tạp biên của Ngô Cao Lãng, trại Vải ở xã Đại Lại. Bắt đầu có từ bao giờ, không rõ.

Thái tử Bang Cơ lên ngôi.

Nhà vua mới hai tuổi, do các đại thần là Lê Khả và Lê Xí… cùng lập lên (tức là Lê Nhân Tông).

Đại xá.

Đại xá cho cả nước. Kể từ năm sau, đổi niên hiệu làm Thái Hòa năm thứ 1 (1443).

Giết Thừa chỉ nhập nội đại hành khiển, trí sĩ Lê Trãi tru di cả họ1764 .

Trãi phải tội liên lụy vì người vợ lẽ Thị Lộ. Người ta đều cho là oan.

Lời phê – Đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. Trãi nếu là người hiền, thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón trước ngự giá, thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền? Sai sứ sang nhà Minh.

Bây giờ, Triệu Nhân Chính, tri châu Long Châu, ủy thác cho bọn đầu mục là Lữ Thông quản lĩnh hơn nghìn quân, vượt qua biên giới, xâm lấn châu Hạ Tư Lang, cướp bóc lung tung người và súc vật. Bầy tôi trấn thủ Thái Nguyên tâu việc này lên triều đình. Các đại thần xin sai Thị ngự sử Triệu Thái sang nhà Minh tâu bày về việc này. Lại dùng bọn Hải Tây đạo Đồng tri Nguyễn Thúc Huệ, Tham tri Nguyễn Đình Lịch và Lê Phó sung vào sứ bộ cáo phó1765 và sứ bộ cầu phong1766 .

Lời cẩn án – Sử cũ chép Triệu Thái tâu về sự việc địa phương Khâm Châu1767 Nay xét Bang Giao bị lãm của Giáp Trưng và “Bang Giao chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì năm Đại Bảo thứ 3 (Nhâm Tuất, 1442) tức năm Chính Thống thứ 7 nhà Minh, nước ta có đưa công văn sang Bố Chính sứ Quảng Tây nói, vừa đây, chiếu theo lời khải1768 của Phan Giam Dực, bầy tôi trấn thủ Thái Nguyên, trình rằng Thái Nguyên bị thổ quan Long châu là Triệu Nhân Chính sai bọn đầu mục Lê Thông đem hơn nghìn

quân đánh thôn Nhung thuộc châu Hạ Tư Lang, cướp bắt người và trâu bò đem đi. Nay xét Minh sử cũng chép nước ta sai bầy tôi sang tố cáo về việc thổ quan ở An Bình xâm lấn và cướp bóc; còn sự việc Khâm Châu ra sao, không hề nói đến. Về sau, đến năm Diên Ninh thứ 3 (1456), nhà Minh cũng vì cớ xảy việc Long Châu, sắc sai hai bên hội họp với nhau để khám xét. Như vậy Sử cũ chép là Khâm Châu, e có lẽ lầm. Nay xin cải chính. Đến như trước chép Triệu Nhân Chính là thổ quan An Bình, sau lại chép là thổ quan Long Châu, có lẽ vì An Bình kiêm lỵ cả Long Châu hoặc vì Triệu Nhân Chính sau đổi đi Long Châu: điều đó chưa rõ. Vậy xin trình bày cả ra đây để tham khảo. Lời chua – Triệu Thái: Người Hoàng Chung thuộc Lập Thạch1769 .

Táng (Lê Thái Tông) ở Hựu Lăng.

Ngày 16 tháng ấy1770 làm lễ táng Đại hành hoàng đế1771 ở phía tả Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, gọi là Hựu Lăng, đặt tên thụy là Văn hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tông.

Quý Hợi, Nhân Tông Tuyên hoàng đế, năm Thái Hòa thứ 1 (1443). (Minh, năm Chính Thống thứ 8).

Tháng giêng, mùa xuân. Sao sa.

Quần thần mời Hoàng thái hậu1772 cùng tham dự xét xử chính sự.

Tháng 2. Động đất.

Tháng 5, mùa hạ. Động đất.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua và quần thần đều bỏ đồ trở.

Bấy giờ tai biến và điềm gở luôn luôn xảy ra. Thái sử Bùi Hanh nêu thuyết âm dương xung khắc làm hại lẫn nhau, xin mặc đồ cát phục1773 để cúng trừ tai giải ách. Quần thần xin làm theo như lời Hanh đã tâu. Nhà vua bèn bỏ đồ trở, mặc áo hoàng bào, ngự nơi chính điện. Bầy tôi mặc áo, đội mũ theo lễ chầu thường, đướng hầu theo ban thứ.

Lời phê – Lời nói của thái sử1774 đã là vô căn cứ lắm rồi, đến cả quần thần cũng lại không biết nốt, thì còn giúp vua thế nào được? Huống chi bấy giờ vua mới lên hai, thế mà nói nào mặc hoàng bào, nào ngự chính điện: đều là những lời hão huyền cả. Tháng 11. Sứ nhà Minh sang.

Nhà Minh sai Hành nhân ti hành nhân là Trình Cảnh sang làm lễ tế điếu, và sai Quang lộc tự thiếu khanh là Tống Kiệt và Binh khoa cấp sự trung là Tiết Kiêm sang phong nhà vua là An Nam quốc vương.

Khi sứ Minh về nước, nhà vua dùng bọn Ngự sử trung thừa là Hà Phủ, Hàn lâm việc tri chế cáo là Nguyễn Như Đổ và Ngự tiền học sinh là Lương Như Hộc sung vào sứ bộ sang Minh đáp tạ về việc tế điếu; bọn tham tri bạ tịch là Trình Dục, Nội mật viện chánh chưởng là Trình Thanh và Hàn lâm viện trực học sĩ là Nguyễn Khắc Hiếu sung vào sứ bộ đi đáp tạ về việc phong vương.

Lời chua – Nguyễn Như Đổ: Người làng Đại Lan thuộc huyện Thanh Trì1769 , khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông đỗ hội nguyên1770 , khi thi đình đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ.

Lương Như Hộc: Người làng Hồng Lục thuộc huyện Gia Lộc1777 , đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông.

Trình Thanh: Người làng Lương Xá thuộc huyện Chương Đức1778 , đỗ khoa hoành từ, năm Tân Hợi, Thuận Thiên thứ 4 (1431) đời Lê Thái Tổ.

Nguyễn Khắc Hiếu: Người huyện Bình Lục1779 .

Giáp Tí, năm thứ hai (1444). (Minh, năm Chính Thống thứ 9).

Tháng giêng, mùa xuân. Tuyển lính.

Tháng 5, mùa hạ. Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu. Triều đình sai Thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đi đánh.

Bí Cai, chúa của Chiêm Thành, lấn cướp Hóa Châu. Triều đình sai bọn Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh.

Lời chua – Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên III, 20-21).

Hóa Châu: Xem Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 15 (Chính biên VIII, 44).

Tháng 7, mùa thu. Bắt giam Thái phó Lê Liệt vào ngục.

Bấy giờ những kẻ quyền gian kiểu hạnh1780 được dùng làm việc. Có người gièm pha Lê Liệt với thái hậu, nên mới có lệnh bắt bỏ tù Lê Liệt và vợ con gia quyến ông.

Tháng 10, mùa đông. Động đất.

Ất Sửu, năm thứ 3 (1445). (Minh, năm Chính Thống thứ 10).

Tháng giêng, mùa xuân. Đào sông ở Thanh Hóa.

Triều đình sai văn thần đôn đốc quân các lộ khơi vét sông ở Thanh Hóa.

Lời chua – Thanh Hóa: Xưa là Ái Châu. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 20-21).

Tháng 4, mùa hạ. Chiêm Thành lấn cướp Hóa Châu. Triều đình sai Tư đồ Lê Thận và Đô đốc Lê Xí đi đánh.

Tháng 6. Phong hoàng đệ là Tư Thành làm Bình Nguyên vương.

Lời chua – Bình Nguyên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (Chính biên II, 18).

Tháng 10, mùa đông. Hạ chiếu giảm phú thuế và nhẹ hình phạt.

Bài chiếu đại lược nói: “Trẫm, thơ ấu nối ngôi, chưa am tường việc đời. Gần đây, tai biến dồn dập, sấm sét luôn xảy, mưa không thuận, đê vỡ, nước lụt, sâu cắn hại lúa. Có lẽ vì chính sự có điều thiếu sót sai lầm, việc ngục tụng hình luật không được đúng mức mà xui nên thế chăng? Vậy nên giảm thuế khóa, nhẹ hình phạt để cầu phúc trời?

Nhập nội Đô đốc Lê Xí bị miễn chức.

Nhà vua còn nhỏ tuổi, hoàng thái hậu coi giữ triều chính, cất nhắc những người thân thích họ hàng lên làm việc. Vì thấy Lê Xí không ăn cánh với mình, nên ghét bỏ ông.

Bấy giờ có việc đi đánh Chiêm Thành, Xí đã vâng lĩnh mạng lệnh nhưng chưa đi, bị kẻ quyền thần tố cáo, buộc vào tội chết. Triều đình cho rằng Xí là bậc kỳ cựu, có công lao, đáng nên chiếu cố theo bát nghị1781 trong luật, vì vậy mới cho Xí được miễn chức, về nhà.

Có thủy tai lớn.

Nước sông lên to, tràn ngập. Kinh thành ngập nước sau đến 3 thước1782 . Lúa má bị hư hại.

Bính Dần, năm thứ 4 (1446). (Minh, năm Chính Thống thứ 11).

Tháng giêng, mùa xuân. Triều đình sai bọn Nhập nội đô đốc Lê Thụ, Lê Khả và Thiếu phó Lê Khắc Phục đi đánh Chiêm Thành.

Vì Bí Cai, chúa Chiêm Thành, thường hay xâm phạm biên giới, nên triều đình bàn đem đại binh đi đánh, tập hợp đông đảo các quân chuyển lương thực tích trữ ở Hà Hoa.

Lời chua – Hà Hoa: Tên phù. Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 3 (Chính biên X, 37).

Tháng 2. Sai sứ sang nhà Minh.

Bấy giờ thổ ti ở Long Châu (nhà Minh) là Triệu Nhân Chính nhiều lần xâm lấn cướp bóc thổ dân Thái Nguyên, và chúa Chiêm Thành là Bí Cai thường hay lấn cướp Hóa Châu. Triều đình bèn sai bọn Hải Tây đạo tham tri bạ tịch1783 là Nguyễn Thúc Huệ và Đồng tri thẩm hình viện sự là Trình Thanh sang nhà Minh để tâu bày về những việc này.

Lời chua – Long Châu: Xem Trần Thánh Tông, năm Bảo Phù thứ 4 (Chính biên VII, 17).

Tháng 4, mùa hạ. Bọn Lê Thụ và Lê Khả đánh thành Chà Bàn: hạ được thành này, bắt được vua Chiêm Thành là Bí Cai đem về, làm lễ dâng tù binh ở nhà thái miếu. Lập Ma Ha Quý Lai làm vua nước Chiêm Thành.

Bọn Thụ và Khả kéo quân từ Ly Giang, Đa Lang và Cổ Lũy để tiến lên, giao chiến với quân Chiêm: Địch đại bại. Nhân đà thắng lợi, bọn Khả thẳng tiến đến cửa biển Thi Nại. Quân Chiêm lui giữ thành Chà Bàn. Khả dẫn đầu quân tinh nhuệ, làm tiên phong.

Dụ dỗ Ma Ha Quý Lai, cháu của Bố Đề là vua Chiêm Thành cũ, đến minh thệ với ta, Khả xui hắn làm nội ứng. Kế đó, đạo quân của Thụ cũng đến. Hai đạo quân hợp sức lại, vây đánh thành Chà Bàn. Thành này bị phá; quan quân bắt được vua Chiêm là Bí Cai với cung phi, cung tần và người trong bộ lạc Chiêm Thành. Lại còn tước được voi, ngựa, khí giới, nghi trượng vô kể. Các tướng Lê Thụ và Lê Khả bèn rút quân về.

Nhà vua sai làm lễ dâng tù binh là Bí Cai ở nhà thái miếu. Ban chiếu đại xá cho cả nước.

Quý Lai sai bầy tôi là bọn Chế Cữu Ma Nô Bà Bị dâng biểu xưng thần, xin làm vua nước Chiêm Thành. Nhà vua cho lập Quý Lai làm chúa, để Bí Cai và phi tần của Bí Cai ở lại kinh đô, còn những người Chiêm khác đã đầu hàng đều cho đưa về nước.

Sau đó có tên Phan Mỗ đem hơn ba trăm người nước Chiêm, cả nam lẫn nữ, đến đầu hàng. Nhà vua hạ chiếu chi họ ở tản ra các đạo.

Lời chua – Ly Giang: Tên đất. Nhà Lê đổi gọi Lê Giang; nay là huyện Lễ Dương thuộc phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam.

Đa Lang: Thay đổi ra sao, không rõ.

Thành Chà Bàn, cửa Thi Nại: Đều xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 5 (Chính biên X, 41).

Cổ Lũy: Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 13 (Chính biên X, 5).

Minh sử chép: “Tuấn1784 sai tướng đi xâm lấn Chiêm Thành, cướp lấy Tân Châu cảng, bắt sống vua Chiêm là Ma Ha Bí Cai đem về. Vua Minh1785 bèn vì Chiêm Thành mà lập vua mới là Ma Ha Quý Lai, sắc sai sứ giả An Nam dụ bảo Tuấn thả cho vua cũ Chiêm Thành trở về, nhưng Tuấn không vâng theo chiếu chỉ”. Những lời chép trong Minh sử như vậy có khác với đây. Nay xin trình bày ra cả để tham khảo1786 .

Tháng 9, mùa thu. Sai sứ sang nhà Minh.

Bấy giờ, đã đánh được Chiêm Thành, quân ta bắt Bí Cai, vua Chiêm, làm tù binh, đem về. Người Chiêm bèn sang tố cáo với nhà Minh.

Vua Minh sắc sai nhà vua thả cho vua cũ Chiêm Thành về nước. Nhà vua sai bọn Hải Tây đạo Tham tri bạ tịch Nguyễn Nhân và Chính sự viện Đồng tham nghị Trình Hoằng Nghị sang Minh tâu bày về việc Chiêm Thành thường hay xâm phạm biên giới.

Đinh Mão, năm thứ 5 (1447). (Minh, năm Chính Thống thứ 12).

Tháng 7, mùa thu. Ban chiếu thủ các cung nữ và sai quan các đạo dò hỏi xem xét những ẩn tình đau khổ của dân để tâu lên triều đình.

Bài chiếu rằng: “Nhận lỗi, trách mình, phải rất mực thành thực thì mới cảm cách được trời đất. Chính sự nhân đức, trước nhất phải cứu giúp tai nạn cho dân. Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, thiên tai dồn dập, trăm họ khó kiếm ăn. Gần đây, đã ra lệnh cho các quan điều trần những điều tiện lợi cho quân và dân để trẫm thu lượm lựa chọn thi hành. Nay lại hạ lệnh buông thả các cung nữ và sai quan các đạo xem xét những điều đau khổ của dân sở tại để tâu lên trẫm biết”.


1662 Thuận Châu (nay là huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La) này khác với Thuận Châu là tên đất cùng với Hóa Châu do nhà Trần đặt cho Ô Lý của Chiêm Thành cũ, khoảng năm 1293-1331 (Xem Chính biên I, 28).

1663 Nguyên văn chép là “tục tự”.

1664 Xem Chính biên XVII, 20 và XXIII, 28.

1665 Thổ quan ở miền dân tộc thiểu số.

1666Cương mục không chép rõ Gia phả này là của nhà họ Bạc trên đây hay là của nhà Hà An Lược.

1667 Việc năm Bính Thìn, 1436 (xem Chính biên XVI, 33).

1668 Nguyên văn chép Cương mục là “Thạch khánh đồ” (Chính biên XVII, 2). Nhưng đến Chính biên XX, 14, Cương mục lại chép là “Thạch bản đồ”. Và nhiều sách khác cũng chép là “Thạch bản đồ”. Đó có lẽ là vì chữ “khánh” và chữ “bản” tự dạng chữ Hán hơi giống nhau, nên dễ gây ra lầm lẫn. Nay theo sự khảo cứu của chúng tôi, thì chữ “khánh” có lẽ đúng hơn: một là vì Nguyễn Trãi khi dâng “Thạch khánh đồ” (bản đồ vẽ khánh đá) gắn liền với việc tâu bày về nguyên lý âm nhạc, sau khi Nguyễn Trãi vâng chiếu chỉ soạn nhã nhạc; hai là vì chính Việt sử thực lục (nằm trong bộ Toàn thư ) là bản sử tương đối xưa hơn, chép rõ là “Thạch khánh đồ” (quyển XI, tờ 35b). Vậy có thể tạm khẳng định rằng những chỗ chép là “Thạch bản đồ” đều không đúng.

1669 Tên là Thinh, cụ (tằng tổ) của Lê Thái Tông.

1670 Tức Nguyễn Thị, là vợ của Thinh và là cụ bà của Lê Thái Tông. Xem thêm Chính biên XV, 6-7.

1671 Tên là Khoáng, ông nội của Lê Thái Tông.

1672 Tức là Trịnh Thị, là vợ của Khoáng và là bà nội của Lê Thái Tông. Xem thêm Chính biên XV, 6-7.

1673 Tức Thái Tổ Lê Lợi, cha của Lê Thái Tông.

1674 Tức Phạm Thị Trần, người làng Quần Lai thuộc huyện Lôi Dương, Thanh Hóa, là vợ lẽ của Lê Lợi và là mẹ đẻ của Lê Thái Tông. Xem thêm Chính biên XVI, 14; Toàn thư XI, 1.

1675 Hai chữ “tiễn thủ” đây có lẽ là “thủ tiễn” mà Cương mục in lầm. Vì tham khảo các sách chỉ thấy có “thủ tiễn” nghĩa là tên bắn bằng tay. Xem chú giải ở Chính biên XV, 14.

1676 Thuộc tỉnh Hà Tây.

1677 Theo quan niệm sử thuần phong kiến, nhà Hồ (1400-1406) không được kể là chính thống nên bị chép là nhuận Hồ hoặc ngụy Hồ. Xem thêm chú giải số 2 ở Chính biên XIII, 1.

1678 Trong tháng 4 mùa hạ này có việc rất quan trọng mà Cương mục lược bỏ là: “nhà vua muốn xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ (tức Hồ Quý Ly). Nguyễn Trãi lặt lượm sao lục được vài mươi bài thơ văn bằng nôm của họ Hồ, đem dâng vua” ( Toàn thư XI, 38).

1679 Nguyên văn là “bãi ưu hí”.

1680 Xem chú giải số 2 ở Chính biên III, 23.

1681 Thờ năm thần. Về ngũ tự, có nhiều thuyết, đây chỉ nêu hai thuyết cần hơn: thuyết thứ nhất, ngũ tự là: câu mang (thần cây cối), nhục du (thần loài kim), huyền minh (thần nước), chức dung (thần lửa), và hậu thổ (thần đất). Thuyết thứ hai, ngũ tự là: thần cổng, thần giếng, thần cửa, thần bếp và thần nhà giữa.

1682 Sâu cắn lúa.

1683 Một chức quan đặt không thường xuyên.

1684 Một chức quan coi giữ sổ sách quân dân ở một đạo.

1685 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1686 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1687 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1688 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1689 Về việc Lê Thái Tông nổi giận với Lê Sát, rồi vào cung, sai mật báo cho chọn Đinh Cảnh An biết việc Lê Sát cố chấp, không theo ý vua.

1690 Chức Tả bộc xạ được đặt từ thời Trần hàm nhị phẩm, tương đương với Hành khiển thượng thư tức là chỉ dưới Tể tướng. Đầu thời Lê gọi là Thị trung bội xạ chỉ dành cho Đại thần giữ then chốt rất quan trọng. Cương mục chép Lê Văn Linh đang làm Tham đốc bị giáng xuống làm Tả bộc xạ có lẽ chép nhầm. Bởi vì Tham đốc là chức quan võ nằm trong một vệ dưới chức Đề đốc hàm nhị phẩm.

1691 Niên hiệu Lê Thái Tổ, 1428-1433. Xem thêm Chính biên XV, 20-22.

1692 Người dân thường, không có chức tước phẩm trật gì.

1693 Chiêu Nghi là một cấp bậc vợ lẽ của vua, ở trong hàng tam chiêu (chiêu nghi, chiêu dung và chiêu viên) thuộc bậc cửu tần (chín cung tần), dưới hậu và hoàng phi (xem Chính biên XVIII, 16-17).

1694 Chức quan ở Ngự sử đài, giữ việc can ngăn.

1695 Nguyên văn “biên khánh”, thứ nhạc khí gồm 16 chiếc khánh cùng treo vào một giá bề dài và bề ngang đều giống nhau, chỉ khác là có cái mỏng, cái dày để hợp với 12 chính luật và 4 bội luật (theo Từ Nguyên , trang 1175).

1696 Nguyên văn “biên chung”. Thứ nhạc khí gồm 16 cái chuông cùng treo vào một giá, chia làm hai đợt, ăn khớp với 12 chính luật và 4 bội luật. Chuông lớn và chuông nhỏ đều hình chầy, phía dưới phẳng miệng. Cứ theo dày hay mỏng mà xếp thứ tự, cao độ 7 tấc 5 phân thời xưa (theo Từ Nguyên , trang 1175).

1697 Đàn cầm xưa có 5 dây, sau dùng 7 dây: dài 3 thước, 6 tấc cổ. Dùng ngón tay mà gảy theo 13 ký hiệu, phát ra 13 âm thanh (theo Từ Nguyên , trang 997).

1698 Đàn sắt, xưa có 50 dây, sau đổi làm 25 dây; mỗi dây có một trụ. Khi đánh đàn thì làm di động ở trên hay dưới để cho âm thanh phát ra trong, đục, bổng, trầm khác nhau (theo Từ Nguyên ).

1699 Thứ nhạc khí xưa làm bằng vỏ quả bầu, trong xếp 13 chiếc ống nhỏ, thành hàng quây tròn, thổi ở một cái vòi có cựa (theo Từ Nguyên , trang 1127).

1700 Cái tiêu xưa làm bằng trúc, hạng lớn: 23 ống, hạng nhỏ: 16 ống, khác với cái tiêu ngày nay chỉ có một ống (theo Từ Nguyên , trang 1141).

1701 Nhạc khí xưa, thất truyền đã lâu. Mỗi thuyết một khác: người nói có 6 lỗ, người nói có 8 lỗ, người nói có đáy, người nói không đáy, người nói có một ống, người nói có cả hai ống để thổi… (theo Từ Nguyên ).

1702 Nhạc khí xưa, giống cái đoản địch (sáo ngắn) có ba lỗ (theo Từ Nguyên ).

1703 “Chúc” làm bằng gỗ, đóng như cái đấu vuông, trên thách, dưới thu sâu 1 thước 5 tấc cổ, ba mặt đều bưng ván gỗ, đáy ván giữa làm lồi lên như mặt trống để đập gõ. Khi đánh, dùng cái ván có cán dài, gọi là cái “chỉ” mà rập thành tiết tấu. Nhạc khí này dùng để giáo đầu trước khi tấu nhạc (theo Từ Nguyên , trang 759).

1704 Thứ nhạc khí, làm giống hình con hổ đang phục, trên lưng có 27 cạnh khía khấp khểnh để gõ bằng dùi gỗ, điểm xen khi ngừng khúc nhạc (theo Từ Nguyên , trang 664).

1705 Cái huân, nặn bằng đất, to bằng quả trứng ngỗng, trên thót dưới phình, trong rỗng miệng có một lỗ để thổi, thành phía trước có 4 lỗ, thành phía sau có 2 lỗ (theo Từ Nguyên , trang 353).

1706 Trì, một nhạc khí xưa, thổi ra tiếng để hòa hợp nhịp nhàng với cái “huân” (theo Từ Nguyên ).

1707 Nhạc khí xưa, chế bằng kim loại, gồm có 16 tấm hình chữ nhật, xếp nghiêng thành hai hàng cùng treo chung vào một giá. Khi dùng chiếc dùi đồng nhỏ mà gõ thì tùy theo từng tấm dày mỏng phát ra âm thanh trong, đục khác nhau ( Từ Nguyên , trang 681).

1708 Thứ đàn cổ, thất truyền đã lâu. Thuyết cũ cho rằng nó giống cây đàn sắt nhưng nhỏ hơn, gảy bằng phím gỗ (theo Từ Nguyên , trang 1135).

1709 Đàn tì bà có 4 dây, đầu cong, cổ dài, mặt phẳng, lưng tròn, bụng trên thót dưới phình như hình lá đề. Mặt đàn có bốn “tượng” và 13 “phẩm” để theo đó mà điều tiết thanh âm trong hay đục (theo Từ Nguyên , trang 998).

1710 Ống sáo xưa, làm bằng trúc, dài 1 thước 8 tấc cổ (theo Từ Nguyên , trang 1127).

1711 Về nghĩa “lỗ bộ”, có nhiều thuyết khác nhau nhưng có thể nói tóm là những nghi trượng khi vua trẩy như áo giáp và lá chắn để quân lính dùng đi dàn trước mặt mà hộ vệ, hay là nước muối dùng rảy đường cho khỏi bụi. Những thứ này đều được ghi chép vào sổ, nên gọi lỗ bộ. Ở Việt Nam, những đồ như dùi đồng, phủ việt và bát bửu đều gọi là lỗ bộ.

1712 Kiệu chạm chín con rồng.

1713 Kiệu chạm bảy con rồng.

1714 Xe người kéo.

1715 Xe đi nhanh.

1716 Sở làm mũ.

1717 Chức quan ở Ngự sử đài, giữ việc can ngăn.

1718 Làng La Phù nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

1719 Xem chú giải ở Chính biên I, 9.

1720 Một trong mười hai luật mà người xưa dựa vào thời tiết để đánh dấu mười hai tháng. Hoàng chung thuộc tháng trọng đông (tháng 11 âm lịch).

1721 Tức là thanh chung (chuông xanh), xích chung (chuông đỏ), hoàng chung (chuông vàng), cảnh chung (chuông ghi công) và hắc chung (chuông đen). Theo Từ Nguyên trang 76.

1722 Một trong mười hai luật tính theo thời tiết mười hai tháng âm lịch. Di tân thuộc tháng trọng hạ (tháng 5 âm lịch).

1723 Theo nhà Phật số 108 là số lượng phiền não. Khi lần tràng hạt, mỗi lượt gần hết 108, tức là qua được 108 cái phiền não.

1724 Chỗ ngồi cao, có trang sức bằng vàng, hoặc thiếp vàng.

1725 Cấm mọi người qua lại, dành đường để vua trẩy vào cung.

1726 Nguyên văn “sắc quyến”. Riêng chữ “quyến” theo Từ Nguyên trang 1166, tả lại đồ dệt bằng tơ sống, dày, thô và rão; còn theo Việt Nam tự điển , trang 460, thì là lụa mỏng mà trắng.

1727 Một chức vị của vợ lẽ vua. Theo chế độ đời Tùy Văn Đế, thì tu dung được xếp vào hàng chín cung tần. Ở Việt Nam, dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), tu dung là một trong tam tu (tu nghi, tu dung, tu viện) chức vị ở dưới tam chiêu (chiêu nghi, chiêu dung, chiêu viện) và trên tam sung (sung nghi, sung dung, sung viện). Cả ba cấp tam chiêu, tam tu và tam sung này để kể là cửu tần (xem thêm Chính biên XXIII, 16, 17).

1728 Nguyên văn là “sắc quyến”. Xem chú giải ở trên (Chính biên XVII, 14).

1729 Trần thị cùng gia quyến Lê Sát đều bị sung công làm nô tì khi Lê Ngân phải tội, do đó nàng bị nhà vua chia phát cho nhà Lê Ngân.

1730 Nguyên văn là “nữ vu”, tức là bà đồng trông nom về việc thờ phật Quan âm ở nhà Lê Ngân mà Cương mục ở đoạn trên (chỗ khám nhà Lê Sát) bỏ sót, không chép.

1731 Ý Tự Đức muốn chỉ về việc nhà Lê Ngân thờ Phật để cầu phúc cho con gái là Huệ phi Nhật Lệ.

1732 Xem Chính biên XV, 5.

1733 Xem Chính biên XIII, 32.

1734 Nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

1735 Về việc Lê Thái Tông hạ chiếu tự trách mình, cho trăm quan điều trần việc nước.

1736 Quốc hiệu của Triệu Đà.

1737 Nguyên văn là “cơ mi”. Xem chú giải số 3 ở Tiền biên IV, 24.

1738 Nguyên văn là “lục sự”. Xem chú giải số 3 ở Chính biên IX, 34.

1739 Xem chú giải số 3 ở Chính biên III, 27.

1740 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1741 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1742 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1743 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1744 Đây dịch theo nghĩa của nguyên văn Cương mục . Còn Toàn thư XI, 51b chép là “… Cầm Man, Cương Nương đẳng…”. Như vậy, Cương Nương cũng như Cầm Man, là một dân thiểu số ở đương thời.

1745 Thước cổ Việt Nam. Hiện nay, 1 thước ta độ 40 công phân (0m40); còn thước đời Lê thế nào, không rõ.

1746 Nguyên văn là “tế ma bố”. Theo Cương mục , chỉ là một thứ vải gai nhỏ. Nhưng theo Toàn thư XI, 52a thì là vải nhỏ và vải gai vì chép: “Tế ma bố tịnh trường nhị thập tứ xích”.

1747 Nguyên văn là “tiêu bố”. Theo Từ Nguyên , tiêu ma là một thứ gai, có thể dệt làm vải.

1748 Xem chú giải số 2 ở Chính biên X, 18.

1749 Ý nói ở đời Lê, trước kia, đã chép Lê Thái Tông chính mình đi đánh Cầm Man (Kỷ Mùi, 1439, xem Chính biên XVII, 18); đến đây lại chép đi đánh và giết được Hà Lai.

1750 Hồi kháng chiến (1946-1954), thuộc tỉnh Tuyên Quang. Nay là huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

1751 Xem chú giải ở Chính biên XVI, 9.

1752 Theo các từ thư, “thứ phụ” chỉ có nghĩa là vợ của hàng con thứ. Đây có thể có nghĩa là người đàn bà thường dân, không còn chức tước phẩm trật thuộc hàng vợ vua ở hàng cung nữa.

1753 Xem chú giải số 5 ở Chính biên VI, 30.

1754 Xem chú giải số 5 ở Chính biên VI, 30.

1755 Xem chú giải số 5 ở Chính biên VI, 30.

1756 Nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

1757 Tục gọi núi Hun.

1758 Thân mẫu Nguyễn Trãi tên là Thái, con gái của Trần Nguyên Đán.

1759 Nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

1760 Tổ thứ hai trong Trúc lâm tam tổ, dưới Điều ngự giác hoàng, trên sư Huyền Quang. Xem thêm chú giải số 2 ở Chính biên IX, 1.

1761 Hán văn là Lệ Chi Viên.

1762 Hải Triều: tên làng. Nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

1763 Nay là huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

1764 Nguyễn Trãi ( Cương mục theo quốc tính chép là Lê Trãi), mất ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3, tức ngày 19 tháng 9 năm 1442.

1765 Báo tin buồn về việc Lê Thái Tông chết.

1766 Xin phong vương cho Lê Nhân Tông.

1767 Xem Toàn thư XI, 56.

1768 Lời tỏ bày sự việc bằng giấy tờ.

1769 Làng Hoàng Chung nay thuộc xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

1770 Tháng 8, năm Nhâm Tuất (1442).

1771 Xem chú giải ở Chính biên I, 37.

1772 Tức là Tuyên từ hoàng thái hậu, tên là Nguyễn Thị Anh, người Bố Vệ, huyện Sơn Đông thuộc Thanh Hóa, là vợ lẽ của Lê Thái Tông được phong Thần phi, và là mẹ của Lê Nhân Tông (xem thêm Chính biên XIX, 7).

1773 Đồ mặc tốt lành, trái với tang phục.

1774 Chức quan của Bùi Hanh.

1775 Nay là thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

1776 Đỗ đầu thi hội.

1777 Nay là thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

1778 Lương Xá nay là xã Chi Lăng, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.

1779 Nay là huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

1780 Hú họa ưa may, không có thực tài.

1781 Xem chú giải ở Chính biên XV, 10.

1782 Xem chú giải số 7 ở Chính biên XVII, 19.

1783 Chức Tham tri coi giữ sổ sách công việc quân và dân ở đạo Hải Tây.

1784 Một tên khác của Lê Nhân Tông dùng để ngoại giao với Minh.

1785 Minh Anh Tông (1436-1449).

1786 Đoạn này đáng lẽ đặt riêng vào “Lời cẩn án” mới phải, nhưng Cương mục lại đặt liền ngay dưới chỗ “Lời chua” về Cổ Lũy.