Menu Đóng

Chính Biên 37

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 37

Từ Mậu Thân, Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 9 (1728) đến Ất Mão, Lê Thuần Tông, năm Long Đức thứ 4 (1735), gồm 8 năm.

Mậu Thân, năm [Bảo Thái] thứ 9 (1728). (Thanh, năm Ung Chính thứ 6).

Tháng 3, mùa xuân. Dân bị nạn đói.

Thanh, Nghệ và tứ trấn nhiều lần trải qua lụt lớn và gió bão, nhân dân bị đói. Triều đình bỏ ra 6 vạn quan tiền trong kho nội phủ, sai các quan trong tam ti chia nhau đi phát chẩn cho dân.

Lời chua-Tam ti: Tức ti trấn thủ, ti thừa chính sứ và ti Hiến sát sứ.

Bổ dụng: Tạ Đăng Huân, tả thị lang bộ Lễ, kiêm giữ chức tế tửu ở Quốc Tử giám, Nguyễn Trù, hữu thị lang bộ Hình, kiêm giữ chức Tư nghiệp.

Lúc ấy, đặt viên quan kiêm giữ công việc ở Quốc Tử giám3127 để cho chức trách được long trọng. Triều đình hạ lệnh các viên ấy giữ việc: mùa xuân, mùa hạ khảo xét phương pháp mưu lược về việc binh của quan võ; mùa thu, mùa đông khảo xét việc thảo thiện từ chương, mệnh lệnh của quan văn. Việc này dùng làm việc thường hành trong hàng năm.

Tham tụng Nguyễn Công Hãng nhận thấy thể văn kinh nghĩa chỉ rập theo khuôn sáo cũ, không có chút nào tinh túy anh hoa. Còn thể văn bát cổ của nhà Thanh, để suy nghĩ đẻ ra nghĩa mới, nếu dùng để thi học trò có thể thu hút được người có tài lỗi lạc. Công Hãng muốn biến đổi thể văn, nên thường dẫn quan văn vào Quốc Tử giám luyện tập thể văn ấy, để mài giũa lấy nhiều sĩ tử, học trò có ý oán trách. Sau bàn định kỳ thi kinh nghĩa trong khoa thi hương, thị hội sẽ đổi dùng thể văn bát cổ. Nhưng vì công Hãng bị mất ngôi tham tụng3128 , nên việc này chưa kịp thi hành đã bãi bỏ.

Lời chua-Đăng Huân: Người xã Đại Bằng (Phùng) huyện Đan Phượng, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) năm Chính Hòa triều Lê Hi Tông.

Tế tửu và Tư Nghiệp: Quan chế đời Bảo Thái, Quốc Tử giám tế tửu, hàm tùng tứ phẩm, Quốc Tử giám tư nghiệp, hàm tùng ngũ phẩm.

Tháng 4, mùa hạ. Ai Lao sai sứ thần sang thông hiếu với chúa Trịnh.

Họ Trịnh, cứ đến đầu mùa xuân làm lễ cầu đảo tuổi thọ, lễ ấy chúa Trịnh tiếm xưng là tiết diên thọ3129 , sứ thần Ai Lao không đến chúc mừng. Trịnh Cương làm thư yên ủi dụ bảo, nay Ai Lao sai sứ thần đến dân lễ cống, ngoài thể lệ thường số voi và thổ nghi đều cống nộp gấp đôi lần trước. Khi sứ thần đến cống và khi trở về nước, việc cung đốn và thức ăn thức mặc đều ban cấp theo cách thức hậu đãi, để họ được vui lòng.

Lời chua-Ai lao: Xem Triệu Việt Vương, năm thứ 2 (Tb.IV, 9, 10). Nhận xét: Ai Lao chép ở đây, có lẽ là Bồn Man, nhưng vì biên chép không rõ, nên nay hãy nghi lại.

Định rõ lại phép thu tô ruộng.

Trước đây, phép tô: về ruộng công nhất luật chuẩn cho thu mỗi mẫu 8 tiền, rồi căn cứ vào ruộng một mùa hoặc hai mùa mà định mấy phần nộp bằng thóc khác nhau; về ruộng tư và đất bãi thì chia ra hai bậc mà cho nộp bằng tiền. Đến nay sai quan thân hành đi khám, xét xem ruộng nào tốt, ruộng nào xấu, chia làm ba bậc để định bậc cao hạ về việc đánh thuế tô. Đại khái phép đánh thuế này nặng hơn phép cũ.

Lời phê-Sáng đổi tối thay, rất không hợp với chính thể. Pháp lệnh lúc bấy giờ phần nhiều giống như thế cả. Lời chua-Phép tô: Xem năm Bảo Thái thứ 4 (Chb. XXXVI, 9, 10).

Ba bậc tô ruộng: Theo Tạp kỷ của Cao Lãng thì về phần ruộng công: hạng ruộng nhất đẳng mỗi mẫu thuế tô một quan cổ tiền3130 , trong số này hai phần ba nộp bằng thóc; hạng ruộng nhị đẳng mỗi mẫu thuế tô 8 tiền cổ tiền, trong số này nộp một nữa bằng thóc; hạng ruộng tam đẳng mỗi mẫu nộp tô 6 tiền cổ tiền, trong số này một phần ba nộp bằng thóc. Về phần ruộng tư: hạng ruộng nhất đẳng mỗi mẫu thuế tô 3 tiền cổ tiền, hạng ruộng nhị đẳng và tam đẳng mỗi mẫu thuế tô 2 tiền cổ tiền.

Quân cấp ruộng và đất cho binh lính đã tuyển được.

Trước đây, binh lính tuyển ở tứ trấn, đã cấp cho khẩu phần ruộng công. Đến nay định rõ đẳng hạng về tô ruộng, nên lại hạ lệnh đem ruộng và đất bãi cùng cân nhắc để quân cấp cho binh lính tuyển được: đất bãi cùng ruộng vào hạng nhất đẳng thì mỗi người lính được 5 mẫu, nếu là ruộng vào hạng nhị đẳng, hoặc tam đẳng thì mỗi người được 6 mẫu hoặc 7 mẫu.

Nhà Thanh trả lại xưởng đồng Tụ Long.

Trước đây, nước ta cùng nhà Thanh lập giới mốc hai bên ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng), còn núi Tụ Long ở nước ta vẫn bị mất về nhà Thanh3131 , thổ ti nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế. Đất ở biên giới nước ta bị mất 40 dặm, triều đình đã nhiều lần làm văn thư tâu bày biện bạch việc này, vua nhà Thanh hạ sắc văn dụ bảo quan địa phương bàn luận riêng về việc lập giới mốc, một mặt hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái, tổng đốc Vân-Quý (Vân Nam, Quý Châu), khám xét lại. Nhĩ Thái lại nghe theo lời viên quan phái ủy của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, rồi hắn tâu với vua nhà Thanh là nước ta xâm chiếm đất của phủ Khai Hóa, không chịu giao trả, vua nhà Thanh hạ sắc văn dụ bảo nước ta phải theo lời trả lại. Nhĩ Thái làm tờ tư cho chạy trạm đến địa đầu biên giới Tuyên Quang, nhưng Hoàng Văn Phác (có sách chép: Văn Lâu), thổ mục giữ quan ải, dùng lời lẽ kháng cự, không chịu tiếp nhận tờ tư, kéo dài đến 5, 6 ngày. Nhĩ Thái ngờ nước ta có mưu kế gì khác chăng, hắn lập tức tư sang tỉnh Quảng Tây chia địa điểm phòng bị nơi biên giới. Một mặt hắn lại đem việc này tâu về triều đình nhà Thanh và xin điều động binh mã ba tĩnh để phòng bị biên giới, nhưng vua nhà Thanh không y cho. Liền đó, vua nhà Thanh sai bọn Hàng Dịch Lộc3132 , tả đô ngự sử, và Nhậm Lan Chi, nội các học sĩ, đi thẳng sang nước ta tuyên bố chiếu chỉ để hiểu dụ, nhân đấy xem xét sự động tĩnh. Khi bọn Dịch Lộc ra đi chưa đến nước ta, thì ngay lúc ấy, quốc thư nước ta đưa sang nhà Thanh từ trước chợt đến Yên Kinh, trong quốc thư giải bày “lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời”, vua nhà Thanh xem quốc thư, rất lấy làm vui lòng và khen ngợi, lập tức sai viết sắc văn khác, lại giao cho bọn Dịch Lộc đưa sang nước ta tuyên bố dụ bảo, trong sắc văn nói về việc tra ra đất xưởng đồng 40 dặm, nay giao trả lại.

Lúc ấy, biên giới phương bắc cảnh giới nghiêm ngặt, nên bên nước ta trong kinh ngoài trấn có ý nghi ngờ sợ hãi, nhưng Trịnh Cương quyết đoán, cho rằng, có lý nào không hấn khích gì mà lại sinh sự được, bèn nghiêm sức cho quan lại giữ biên giới, không được hành động càn rỡ.

Tháng 6, Dịch Lộc đến Đông Đô, quả nhiên giao trả lại đất cũ nước ta, lại lập giới mốc ở sông Đổ Chú.

Về nghi lễ tiếp nhận sắc văn của vua nhà Thanh, Dịch Lộc lại yêu cầu cử hành nghi lễ ba lần quỳ chín lần vái3133 , triều đình cũng miễn cưỡng nghe theo.

Sau đó, sai tả thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận và tế tửu Nguyễn Công Thái đi lên Tuyên Quang nhận đất và lập giới mốc. Thổ ti phủ Khai Hóa muốn ăn chặn lấy các sách ở Bảo Sơn, nên chỉ láo chỗ khác là sông Đỗ Chú. Công Thái biết là gian trá, liền xông pha lăn lộn những nơi lam chướng hiểm trở, đi trải qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đỗ Chú, bèn dựng bia ở nơi giáp giới. Từ đấy việc cương giới hai bên mới được ấn định.

Lời phê-Đạo làm bầy tôi phải như thế3134 Lời chua-Núi Tụ Long: Ở địa phận xã Tụ Long, châu Vị Xuyên3135 , nay chia đặt lại, nên núi ấy thuộc huyện Vĩnh Tuy. Khoáng sản trong núi có đá nam châm và đồng đỏ, lại có chỗ lẫn ngân sa nữa, nên cũng gọi là xưởng bạc.

Sách Nhất thống chí của nhà Thanh chép: “Năm Ung Chính thứ 6 (1728), tổng đốc Vân Nam xin tra xét rõ địa giới nước An Nam, phụng chỉ dụ đặc ân cho nước An Nam 40 dặm đất. Bèn lấy sông Đỗ Chú ở vịnh Bạch Mã làm giới mốc”.

Sách Đông hoa lục của Tưởng Lương Kỳ3136 chép: “Tháng 4, năm Ung Chính thứ 3 (1725), tổng đốc Cao Kỳ Trác tâu: Cương giới nước An Nam có 120 dặm thuộc cảnh thổ cũ của nội địa3137 , nước ấy dâng sớ biện bạch, bèn hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái, là đốc thần tiếp nhậm3138 khám xét lại cho được chính xác, rồi giao trả lại 80 dặm ở dưới núi Xưởng Chì (Diên Xưởng). Quốc vương nước ấy lại dâng sớ biện bạch, nên tháng 9, năm thứ 5 (1727), triều đình sai Nhậm Lan Chi, nội các học sĩ, cùng với bọn Hàng Dịch Lộc3139 , tả đô ngự sử, đi dụ bảo. Khi chưa đến nơi, thì quốc vương dâng tờ biểu tạ ơn, triều đình lại đem 40 dặm đất mà Nhĩ Thái tra ra được trã lại cho quốc vương, và làm sắc dụ giao bọn Hàng Dịch Lộc3140 đem sang tuyên đọc. Đại lược sắc văn nói: Trẫm thống trị thiên hạ, phàm những nước đã liệt vào phiên phong3141 thì dầu một thước đất không chỗ nào là không phải đất đai do trẫm chủ tể, can chi phải so đo 40 dặm đất nhỏ bé ấy làm gì? Mới đây, Ngạc Nhĩ Thái đem bản tâu của quốc vương3142 tiến trình, lời lẽ ý tưởng trong bản tâu tỏ lòng cung kính, trẫm rất vui lòng khen ngợi. Vả lại, 40 dặm đất ấy nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An Nam thì vẫn là ngoại phiên của trẫm, không có một chút gì phân biệt cả. Vậy chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng quốc vương được đời đời giữ lấy”.

Bia đá: Nay ở địa phận xã Tụ Long, huyện Vĩnh Tuy. Hai bờ phía nam phía bắc sông Đỗ Chú đều có bia đá:

Văn bia ở bờ phía nam [do bọn Nguyễn Huy Nhuận dựng, lời văn như thế này]:

“Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ.

“Ngày 18 tháng 9, năm Ung Chính thứ 6 (1728). Chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, tả thị lang bộ binh, và Nguyễn Công Thái, tế tửu Quốc tử giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”.

Văn bia ở bờ phía bắc [do bọn Ngô Sĩ Côn dựng, lời văn như thế này]:

“Khai Dương3143 ở xa tận một góc trời, tiếp giáp với đất đai Giao Chỉ. Tra trong sách vỡ ghi chép lại, thì giới mốc chỗ đất này phải ở vào sông Đỗ Chú cách phủ trị Khai Hóa 240 dặm về phía nam. Chỉ vì về sau giới mốc lẫn lộn, viên quan do triều đình phái ủy khám xét tâu xin lập giới mốc ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng sơn). Hoàng thượng ta3144 ân uy rộng khắp phương xa, nghĩ giao chỉ đời đời giữ đạo cung kính thuận theo, cả ban cho dụ chỉ, lại đem 40 dặm đất tra xét ra được, để trả lại cho.

“Bọn Sĩ Côn chúng tôi, tuân theo tờ hịch của bộ viện quan tổng đốc Vân Quý (Vân Nam, Quý Châu) ủy thác, nên ngày mồng 7 tháng 9, chúng tôi hội đồng với bọn Nguyễn Huy Nhuận, viên quan phái ủy của nước Giao Chỉ, công đồng bàn định, lấy con sông nhỏ ở phía nam vịnh Bạch Mã làm giới mốc. Chỗ này tức chỗ mà trong tờ tâu của quốc vương gọi là sông Đỗ Chú đấy.

“Vậy chúng tôi tuân theo dụ chỉ, lập nhà bia giới mốc ở phía bắc sông. Từ đây biên cương bền vững lâu dài, ức muôn năm được đội ơn không bao giờ mai một.

“Ngày 18 tháng 9, năm Ung Chính thứ 6.

“Chúng tôi là: Ngô Sĩ Côn, giữ chức tri phủ Khai Hóa và Vương Vô Đảng, giữ chức du kích trung doanh trấn Khai Hóa, kính dựng bia đá này”.

Khai Dương: Vị xưởng đồng ở phía nam phủ Khai Hóa, nên gọi là Khai Dương.

Công Thái: Người xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Thanh Hoa và Nghệ An không mưa.

Sai quan chia nhau đi tuần hành xem xét, rộng ra tiền thuế điệu cho dân.

Tháng 10, mùa đông. Được mùa lớn.

Lời phê-Vừa mới chép “không mưa”, liền đấy lại chép “được mùa”. Có lý nào như thế không? Kỷ Dậu, năm thứ 10 (1729). (Từ tháng 4 trở về sau là năm Vĩnh Khánh thứ nhất đời Đế Duy Phường-Thanh, năm Ung Chính thứ 7).

Tháng 4, mùa hạ. Trịnh Cương bắt ép nhà vua truyền ngôi cho thái tử Duy Phường.

Duy Phường, cháu ngoại Trịnh Cương, lập làm thái tử3145 , muốn để nối ngôi. Lúc ấy nhà vua lui ra ở điện Kiền Thọ, để truyền ngôi cho Duy Phường. Đấy là sợ chúa Trịnh bức bách.

Thái tử lên ngôi vua (tức Đế Duy Phường), đổi niên hiệu ân xá cho trong nước.

Xá những thuế còn bỏ thiếu từ năm Đinh Mùi (1727) trở về trước và xá hai phần mười thuế vụ hạ năm này.

Tôn nhà vua làm thái thượng hoàng.

Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Nước sông Nhị tràn ngập, đường đê nhiều chỗ bị vỡ. Triều đình sai bọn Hồ Phi Tích đào sông Nghĩa Trụ để cho thủy thế lưu thông. Một mặt mở kho thóc Vị Hoàng chẩn cấp cho dân bị thủy tai. Những ruộng cấy lúa mùa, bị ngập lụt được cấp cho thóc giống. Lại sai quan khuyến nông chia ra từng đạo đi khám xét, chia dân lưu vong làm 4 hạng, bàn định thi hành việc cứu vớt.

Lời chua-Bốn hạng dân: Theo Lê sử tục biên, thì lúc ấy chia dân lưu vong làm 4 hạng: hạng thứ nhất: những dân phiêu lưu mất tích; hạng thứ hai: những dân nhiều người phiêu tán, chỉ còn một hai suất; hạng thứ ba: những dân nghèo khổ sắp phải phiêu tán; hạng thứ tư: những dân chưa phải phiêu tán, chưa phải nghèo khổ, nhưng đã có khe kẽ khác xảy ra tệ hại.

Nhị hà: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Sông Nghĩa Trụ: Ở địa phận các xã Lê Xá, Phú Thị, Nông Vụ và Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nước ở ruộng bốn xã trên đỗ ra, khi chảy đến địa phận xã Xuân Cầu thì hợp làm một dòng, rồi chia thành ba chi: một chi chảy qua địa giới huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương làm thành sông Đạo Khê chảy suốt ra cửa biển Thái Bình; một chi từ sông Đạo Khê chảy qua địa phận huyện Cẩm Giàng làm thành sông Vân Đậu chảy vào sông Hàm Giang rồi đổ vào biển; một chi về phía nam chảy vào địa giới huyện Đông An làm thành con sông nhỏ Đông Xá hợp vào với sông Nhị.

Vị Hoàng: Tên xã, thuộc huyện Mỹ Lộc. Lúc ấy đặt kho thóc ở đây, nay là tỉnh lỵ Nam Định.

Trịnh Cương lại sửa phủ đệ mới ở Cổ Bi.

Lúc ấy nước sông lên to, đê Cự Linh bị vỡ, nước tràn vào Cổ Bi, nhà cửa bị nước cuốn đi và đổ nát. Cương sai hoạn quan đốc suất quân và dân sửa chữa đường sá, để phòng bị lúc đi di ngoạn. Nông dân bị thủy tai, không sao kể xiết sự đau khổ.

Lời chua-Đê Cự Linh: Ở địa phận xã Cự Linh, huyện Gia Lâm.

Tháng 10, mùa đông. Tôn mẹ là Trịnh Thị làm hoàng thái hậu, sách phong chính phi Trịnh Thị làm hoàng hậu.

Mưa dầm từ tháng 9 đến tháng này không ngớt.

Trịnh Cương mất, con là Giang nối ngôi.

Sau khi ở Phật Tích trở về, Trịnh Cương lại đi Như Kinh, khi đi giữa đường, mắc bệnh rồi chết ngay, phải bí mật đưa về phủ, mới phát táng.

Cương chuyên quyền gồm 22 năm, khi mất, truy xưng Nhân Vương, tiếm hiệu là Hi Tổ.

Trịnh Giang, con cả của Cương. Trước kia, Giang làm thế tử, viên bảo phó của Giang là Nguyễn Công Hãng3146 , mật khải với Cương rằng: Giang là người ngu tối ươn hèn, không thể gánh vác được công việc. Cương chần chừ chưa quyết định. Gặp lúc Cương mất. Giang bèn nối ngôi. Sau Công Hãng cũng vì việc ấy mà bị tai vạ3147 .

Lời chua-Phật Tích: Tên núi ở địa phận huyện Tiên Du, trên núi có ngôi chùa.

Tháng 11. Đình chỉ việc xây dựng cung điện.

Sai sứ thần sang nhà Thanh.

Chánh sứ Đinh Phụ Ích, phó sứ là bọn Đoàn Bá Dong và Quản Danh Dương sang dâng lễ tuế cống và tạ ơn vua nhà Thanh ban cho bức ngự thư3148 cùng việc trả lại xưởng đồng Tụ Long. Lại phụ tâu vua nhà Thanh chuẩn định nghi lễ tiếp nhận tờ chiếu chỉ, tờ sách phong và thể thức hai nước trao đổi văn thư với nhau.

Lời chua-Bá Dong: Người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm.

Danh Dương: Người xã Huê Cầu, huyện Văn Giang-Cả hai đều đỗ tiến sĩ khoa Canh Dần (1710) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Canh Tuất. Đế Duy Phường năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730). (Thanh, năm Ung Chính thứ 8).

Tháng giêng, mùa xuân. Tế Nam giao.

Tháng 2. Bỏ bớt tuần ti ở cửa ải và bến đò.

Trước đây, trong kinh kỳ và tứ trấn đều đặt sở tuần sát để đề phòng bọn gian trá, nhưng việc tra hỏi sách nhiễu của sở tuần sát lại làm tai hại cho dân. Vì thế mới bàn định bỏ bớt hai sở tuần sát ở trong kinh kỳ và huyện Thanh Trì; ở tứ trấn chỉ đặt hai sở tuần sát, còn sở tuần sát ở Lãnh Trì thuộc Sơn Nam và sở tuần sát Thuần Mỹ thuộc Hải Dương cùng các sở mới đặt đều triệt bỏ đi.

Lời chua-Lãnh Trì: Tức ngã ba sông ở huyện Nam Xang, thuộc Sơn Nam, nay thuộc Hà Nội3149 .

Tuần ti Thuần Mỹ: Ở xã Mi Động, huyện Thanh Miện, thuộc Hải Dương.

Giảm bớt thuế tô, thuế điệu ở tứ trấn và Thanh, Nghệ, có nơi nhiều nơi ít khác nhau.

Từ lúc trung hưng đến nay, ruộng công phải nộp thuế, ruộng tư được miễn trừ. Khoảng năm Bảo Thái (1720-1728), Nguyễn Công Hãng thay đổi chế độ, mới bắt ruộng phải theo từng hạng để nộp tô, lại thi hành phép đánh thuế điệu, nào làm sổ dân đinh, nào định ngạch thuế tô, kỳ cho không một hộ nào được thoát, không thước đất nào bỏ rơi, tìm bắt đinh trốn tránh, tra xét ruộng ẩn lậu, khắc nghiệt quá chừng, nhân dân phần nhiều cho là không tiện. Đến nay, Công Hãng bàn sửa đổi lại. Hãng nói: Thi hành phép điệu, chú ý muốn cho dân được tiện lợi, nhưng vì sự chi ra thu vào phiền phức, bọn lại điển nhân đấy làm gian. Vậy xin hạ lệnh cho viên quan có trách nhiệm ở tứ trấn và phủ Trường Yên chiếu theo đường đê cũ, liệu lượng tùy tiện bắt dân các hộ sửa đắp, sẽ miễn cho tiền thuế điệu. Lại giảm bớt thuế tô cho ruộng tư: hạng ruộng nhất đẳng và nhị đẳng nộp theo ngạch cũ, còn hạng tam đẳng được giảm nhẹ, chỉ thu mỗi mẫu một tiền. Thanh Hoa và Nghệ An không có đường đê cũng miễn cho tiền thuế điệu, hạng chính đinh được giảm bớt một nữa, hạng hoàng đinh và hạng lão thì nhất luật miễn trừ. Trịnh Giang y theo. Từ đây, phép thuế tô, thuế điệu đặt ra từ năm Bảo Thái mới thay đổi lại.

Lời chua-Ngạch cũ thuế điền: Xem Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 9 (tờ 3 trong cuốn này).

Tiền thuế điệu: Xem Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 4 (Chb. XXXVI, 9-11).

Thanh Hoa: Tức Thanh Hóa bây giờ.

Nghệ An: Tức Hoan Châu xưa-Cả hai đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 15, 16, 20-23, 33).

Tháng 4, mùa hạ, Giang tự tiến phong là nguyên soái, thống quốc chính, Uy nam vương.

Sau khi đã tiến phong rồi, Giang tôn bà tổ mẫu của hắn là Trương Thị làm thái tôn thái phi, mẹ đẻ là Vũ Thị làm thái phi.

Lời chua-Trương Thị: Người xã Như Kinh3150 , huyện Gia Lâm, là vợ Trịnh Bính, sinh ra Trịnh Cương.

Vũ Thị: Người xã Mi Thữ, huyện Đường Yên3151 , là vợ Trịnh Cương.

Nước lớn. Vỡ đê Mạn Trù.

Về việc sửa đắp đê, trước đây ủy thác cho viên quan ở trấn, công việc làm phần nhiều không chu đáo, nên từ năm Bảo Thái thứ 7 (1726), triều đình tự xuất tiền công trong kho để làm, và giao cho quan võ và nội giám chia nhau đôn đốc công việc sửa đắp, nhưng bọn này lại đều làm những việc: phần thì đục khoét thợ thổ đấu làm thuê, phần thì mưu toan để lấy số tiền công còn thừa lại, thành ra công việc làm không được vững bền chắc chắn. Năm nay nước sông Nhị tràn ngập, đê ở Mạn Trù châu bị vỡ, lúa mạ của 8, 9 huyện đều bị tai hại.

Lời chua-Mạn Trù: Tên xã, có cái bãi ở phần sông Thiên Mạc, tức hạ lưu sông Nhị, địa phận xã này thuộc Sơn Nam, nay thuộc tổng Đông Kết, huyện Đông An3152 , tỉnh Hưng Yên.

Định lại niên hạn làm sổ đinh.

Trước kia. Nguyễn Công Hãng bàn cứ ba năm một lần kế tiếp sửa lại sổ đinh. Đến nay định lại: Cứ 12 năm là một hạn, kể bắt đầu sửa lại sổ từ năm Giáp Thìn (1724), cấm hết việc hàm hồ tố cáo ẩn lậu. Thể thức làm sổ, nhất luật dựa theo thể thức làm sổ năm Canh Tí, chỉ cốt để phòng bị việc tra cứu số dân đinh tăng hay giảm mà thôi. Bỏ phép ba năm một lần kế tiếp sửa lại.

Lời chua-Thể thức sổ đinh: Theo “Quốc dụng chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì năm Canh Tý niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) triều Lê Thần Tông làm sổ hộ, các xã lần lượt kê khai dân đinh từ 10 tuổi trở lên, rồi chép thành 6 bản sổ: lưu ở xã một bản, nộp ở nha môn huyện một bản, nộp ở Thừa Ti, Hộ Bộ, Hộ Khoa và Khải Bản3153 đều một bản. Còn thuế thân dung vẫn theo như lệ ngạch cũ, không thêm, không bớt.

Kế tiếp làm sổ đinh: Xem năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 triều Lê Dụ Tông (Chb. XXXVI, 19).

Mồng một, tháng 6. Nhật thực.

Bổ dụng Nguyễn Minh Châu trấn thủ Nghệ An, Đặng Đình Lân trấn thủ Sơn Nam.

Giang là người hay nghi kỵ, hắn lấy cớ rằng các viên trấn thủ trị nhậm ở trấn lâu ngày, được lòng quân và dân, e sẽ sinh ra việc biến động, bèn đổi Nguyễn Minh Châu, hiện trấn thủ Kinh Bắc, đi trấn thủ Nghệ An, đại tư mã Đặng Đình Lân đi trấn thủ Sơn Nam. Những viên trấn thủ khác ở các xứ, phần nhiều thay đổi.

Tăng tiền thuế dung, thuế điệu những hộ bỏ làng đi trú ngụ (khách hộ) và bọn tạp lưu.

Trịnh Giang muốn biết số tài chính, thuế khóa thu chi thừa thiếu thế nào, bèn sai Nguyễn Hiệu và Phạm Khiêm Ích hội đồng viên chức trong lục phiên để kiểm điểm tra xét việc chi dùng của lục cung. Phủ liêu nói: “Dân nghèo phiêu lưu, ngày càng khốn khổ tiều tụy. Vậy những thuế bỏ thiếu chồng chất từ các năm trước, nay nên liệu lượng cho giảm bớt. Vả lại, hiện nay: 1. Những hộ thực người trong làng thì

khốn đốn không có cách gì chống đỡ, mà những hộ trú ngụ thì nhà cửa vững vàng, họ lại được lấy cớ là người trú ngụ mà trốn tránh dao dịch; 2. Những hộ thực người trong làng số đinh rất ít, mà bọn tạp lưu thì của cải đầy đủ, họ lại được lấy của ấy quyên nộp cho nhà nước để được miễn trừ. Vậy xin nay không kể hộ nào là thực người trong làng, hộ nào là người trú ngụ, cứ tính từng hộ để thu thuế dung, về hạng tạp lưu thì cứ hai tên gánh chịu một hộ. Đợi khi dân phiêu lưu trở về, sẽ y theo ngạch thuế cũ mà miễn xá cho hai hạng kể trên”. Trịnh Giang y theo, bèn hạ lệnh tăng thuế dung, thuế điệu hạng tạp lưu và hạng trú ngụ.

Lời chua-Lục phiên, lục cung: Xem Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (Chb. XXXV, 22, 23).

Tạp lưu: Xem Lê Hi Tông, năm Vĩnh Trị thứ 2 (Chb. XXXIV, 7).

Sai bọn Nguyễn Công Hãng đi chiêu tập dân phiêu tán.

Từ khi Nguyễn Công Hãng thay đổi phép tắc, chỉ chăm làm những việc phiền phức tê toái, nhân dân phần nhiều phiêu tán, có đến 527 làng. Phủ liêu lại bàn luận cách chiêu tập, dùng bọn Nguyễn Công Hãng và Lê Anh Tuấn 12 người làm chiêu tập sứ, đi tuần hành các quận ấp, xem xét sự lợi hại của dân và nghĩ cách xử trí giiúp dân. Lại ấn định niên hạn: làng nào dân lưu tán y kỳ hạn trở về được đông đủ, sẽ được hậu thường, làng nào đã hết kỳ hạn mà dân lưu tán chưa trở về yên nghiệp làm ăn, sẽ bị phạt nặng.

Tháng 10, mùa đông. Trịnh Giang sửa chữa xây dựng hai ngôi chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm.

Sửa chữa xây dựng hai ngôi chùa này, công việc phiền phức nặng nề, phải dỡ lấy gỗ ở phủ Cổ Bi thả xuống sông chở xuôi để cung cấp vào việc xây dựng. Lại hạ lệnh cho dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường và Chí Linh phải gánh vác công việc này, sẽ miễn cho một năm số tiền góp về đê đường và bưu đình.

Về sau, lại bắt dân khơi đường sông để việc vận tải được lưu thông, dân phải kéo gỗ, xe đá, thường có hàng vạn người làm, ngày đêm không được nghĩ ngơi.

Lời chua-Chùa Quỳnh Lâm: Ở dưới chân núi Quỳnh Lâm thuộc xã Hà Lôi, huyện Đông Triều3154 , Hải Dương, do thầy chùa Minh Không thời nhà Lý dựng lên. Ở đây có viện Quỳnh Lâm, am Bích Động.

Chùa Sùng Nghiêm: Ở xã Nam Giản, huyện Chí Linh3155 , Hải Dương.

Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất (Chb. XII, 28).

Huyện Thủy Đường: Nay thuộc Hải Dương3156 .

Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chb. VII, 28).

Bưu Đình: Tức nhà trạm. Nhan Sư Cổ nói: “Đó là chỗ nghỉ đỗ của người giữ việc chuyển đệ văn thư”. Tức nhà trạm bây giờ. Thời cố Lê, về tiền nhà trạm, thì liệu lượng bổ cho dân các xã góp, để mượn phu làm việc chuyển đệ văn thư.

Tân Hợi, năm thứ 3 (1731). (Thanh, năm Ung Chính thứ 9).

Tháng giêng, mùa xuân. Thái thượng hoàng mất.

Dâng tôn hiệu là Hòa hoàng đế, miếu hiệu Dụ Tông.

Từ khi lui ra ở điện Kiền Thọ, thượng hoàng thường uất ức không vui. Đến nay mất. Thượng hoàng ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 2 năm, hưởng thọ 52 tuổi.

Làm lễ táng ở lăng Cổ Đô.

Lời chua-Lăng: Ở xã Cổ Đô, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, sau dời đi táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương3157 .

Tháng 2. Triệt bỏ các trường xưởng mới đặt ở Thanh Hoa.

Lấy cớ rằng Thanh Hoa là đất sáng lập cơ nghiệp đế vương, không nên đào xẻ núi đồi, e hại đại mạch. Vì thế, phàm trường xưởng mới đặt đều triệt bỏ hết.

Mồng một, tháng 6, mùa hạ. Nhật thực.

Bùi Sĩ Tiêm, Thái thường tự khanh, bị bãi chức.

Vì có tai biến nhật thực. Trịnh Giang hạ lệnh cho bầy tôi bày tỏ những đều thiết thực cốt yếu. Sĩ Tiêm trình bày 10 điều: Đầu tiên nói về việc truyền ngôi vua, lời lẽ rất thống thiết chu chí.

Đại lược nói: “Nhà nước từ trung hưng đến nay, trong khoảng hai trăm năm, các chúa trước tôn phò nhà vua, sở dĩ làm cho anh hùng hào kiệt vui vẽ tới lui mà thống trị được đất đai trong nước, là chỉ nhờ ở truyền thống trung hiếu có thể giữ vững căn bản không thể nào lay chuyển được mà thôi. Vì thế nên nhà vua nhà chúa không khác gì bánh xe và thân xe nương dựa lẫn nhau, cột nhà và kèo nhà cùng nhau chống đỡ, chỉ có thể một lòng một dạ giúp đỡ nhau, mà không thể dửng dưng, mặc ai béo mặc ai gầy như người Tần người Việt coi nhau được.

“Gần đây, về việc truyền nhường ngôi báu, mặc dầu cũng noi theo khuôn phép cũ, nhưng không rõ có quả thật xuất phát từ tiên đế mỏi mệt về công việc mà thật lòng phó thác hay không? Tôi thường thấy lúc tiên đế trị vì, khí sắc bực tức bất bình thổ lộ ra trong câu văn hoặc lời nói. Những điều ấy tai mắt thần dân trong nước, có thể nào giấu giếm mãi được. Vì thế, mà từ đầu mùa hè năm Kỷ Dậu3158 đến nay, trời ra tay, đất biến động, nào nước lớn, nào nắng lâu, luôn luôn hiện ra điềm xấu, điềm dữ. Có lẽ anh linh trời đất tổ tông răn bảo một cách rõ ràng đấy.

“Tôi cúi xin vương thượng công cũ của tiền vương đã vun đắp, nối theo chí cũ của tiền vương vẫn tôn phò nhà vua, gặp việc phải cần quả quyết thi hành, chớ mê hoặc lời bọn tiểu nhân bảo thủ nghi kỵ, biết điều nghĩa, nên mạnh dạn quyết đoán, đừng câu nệ vào câu văn “ba năm không thay đổi việc làm của cha3159 , làm việc lớn không đạt được quyền nghi, chấn chỉnh đạo thường muôn đời không thay đổi, để mà chặn được ngọn sóng muốn làm vỡ đê, để mà kéo lại mặt trời khi sắp lặn. Tóm lại, đấy là dốc lòng tôn phò nhà vua để làm cho tiêu tan tai biến”.

Sĩ Tiêm lại nói: “Văn chương là một món để thu hút sĩ phu, là một thứ để tô điểm nhà nước. Văn thể triều ta, bắt đầu chấn chỉnh từ thời Thiệu Bình3160 , phát huy đầy đủ từ thời Hồng Đức3161 ; đến trung gian, một lần thay đổi mà thành ra thể văn rập theo các sách cũ, lại một lần thay đổi nữa mà thành ra thể văn tầm chương trích cú; hơn nữa, coi khinh sách của thánh nhân là dấu vết cũ rích, sử sách về cổ đại là cỏ rác vãi rơi. Sĩ từ trong một thời, bỏ sách kinh3162 , sách truyện3163 mà nghiên cứu sách ngoài để cầu được đỗ

cao, đến như những lời nói về việc cứu thời thế nguy nan, sửa chữa việc tệ hại, thì không một câu nào có thể dùng được cả.

“Tôi xin vương thượng dốc lòng tôn sùng đạo học chính thống, chấn hưng phong thái nhà nho. Phàm những tập văn do hậu nho viết ra như: các sách Ngốc trai, Đề cương và Trường sách, nhất thiết cấm chỉ. Đầu bài thi về kỳ văn sách, nên bỏ bớt điều mục, mà cần những điều thiết thực cốt yếu, văn cổ thì hỏi đại lược việc phải việc trái để biết sức học của học trò; văn kim thì hỏi những sự việc về chính trị, để xét trí mưu sáng tạo của học trò. Như thế thì không thể văn nào là không xuất phát từ lẽ chính đáng. Tóm lại, đấy là chấn chỉnh văn thể để mài giũa hiền tài”.

Còn tám điều nữa, Sĩ Tiêm điều thiết tha chỉ trích những sự tệ hại lúc bấy giờ, vì thế bị bọn quyền quý trong triều ghét bỏ. Khi bức thư ấy đệ vào phủ, Trịnh Giang giận lắm, tước hết quan chức của Sĩ Tiêm và đuổi về quê hương.

Sĩ Tiêm là người khảng khái, trọng nghĩa khí, hay nói thẳng, vì việc trình bày mười điều xúc phạm vào những điều kiêng k, nên bị tước mất quan chức. Về nhà một thời gian lâu thì mất. Đầu năm Cảnh Hưng, triều đình nghĩ Sĩ Tiêm trung trực, nên truy tặng hàm tham chính, tước Trung tiết hầu, cấp cho ruộng cúng tế để biểu dương.

Lời phê3164 -Chim phượng hoàng hót lục mặt trời mới mọc. Lời phê3165 -Đoạn văn này không rõ Bùi Sĩ Tiêm muốn nói gì. Phải chăng vì bó buộc về lời văn mà làm tối nghĩa sự việc định nói? Lời chua-Ngốc trai thập khoa sách lược: Do Lưu Định Chi nhà Minh biên soạn.

Sách học đề cương: Do Chúc Nghêu nhà Nguyên biên soạn.

Tứ đạo trường sách: Không rõ họ tên tác giả.

Mồng một, tháng 12, mùa đông. Nhật thực.

Định lại phép thi bác cử.

Các viên giữ chính quyền trong phủ chúa bàn luận, nhận thấy việc lựa chọn tài can thành3166 , trước hết phải căn cứ vào kỷ năng và sức mạnh. Khoa thi trước đây, kỳ đầu hỏi về nghĩa sách võ kinh để thải bớt người kém, thì người có kỷ năng và sức mạnh có khi bị bỏ rơi. Bèn định: kỳ đệ nhất thi bắn cung, múa siêu đao; kỳ đệ nhị thi múa siêu đao, múa kiếm, cưỡi ngựa bắn tên và chạy bộ bắn tên, mỗi người đều thi một tao; kỳ đệ tam thi văn sách, hỏi sơ lược về ý nghĩa 7 bộ sách binh thư, để xem sức học, rồi hỏi kỹ về phương pháp mưu lược việc binh, để xem tài cán. Điều lệ khảo thí đều ấn định rõ ràng. Sau đó lại nhận thấy rằng khoa thi bát cử lấy đỗ có hạn định, có khi còn bỏ sót nhân tài, bèn phỏng theo thể lệ khoa thi hoành từ về bên văn, đặt thêm khoa hoành tuyển, để khảo thí võ nghệ, người nào có tài năng sẽ được biểu dương và cắt nhắc bổ dung.

Lời chua-Phép thi: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731). định lại phép thi võ:

Kỳ đệ nhất, thi giương cung, múa siêu đao, đều chia ra ba bậc.

kỳ đệ nhị, thi múa siêu đao, múa kiếm, cưỡi ngựa múa đâu mâu, và thi bắn cung, môn bắn cung lại chia ra cưỡi ngựa bắn tên và chạy bộ bắn tên. Các môn kể trên mỗi người đều thi một tao. Lần lượt thi như thế này: Về cưỡi ngựa bắn tên, thì dựng ba cái đích, mỗi cái đích cách nhau một trăm bộ, người ứng thí cưỡi ngựa buông cương cho ngựa phi, bắn ba phát tên, người nào được hai mũi tên trúng đích là hạng ưu, được một

mũi tên trúng đích là hạng thứ. Thể lệ chạy bộ bắn tên đại lược cũng giống như thế. Thi bắn cung rồi, thứ nhì thi múa siêu đao, lăn khiên, thứ ba thi múa kiếm, múa giáo, thứ tư đi bộ múa đâu mâu, sau cùng cưỡi ngựa múa đâu mâu. Người nào võ nghệ tinh thông lão luyện là hạng hơn nhất.

Kỳ đệ tam thi một bài văn sách.

Khoa hoành tuyển: Không rõ phép thi thế nào.

Nhâm Tý, năm thứ 4 (17332). (Từ tháng 8 trở về sau, thuộc niên hiệu Long Đức thứ nhất triều Lê Thuần Tông-Thanh, năm Ung Chính thứ 10).

Tháng giêng, mùa xuân. Mua và tìm kiếm sách cũ còn sót lại.

Phàm sách vỡ cổ, thơ văn cổ cùng văn bài về việc thi cử của nước ta, không câu nệ văn chương nông cạn, quê mùa, đều được phép đem dâng nộp, sẽ liệu giá mà thưởng cấp cho.

Đình bãi việc thu các thuế thổ sản.

Thuế thổ sản, lúc bấy giờ nhân dân phần nhiều bỏ thiếu. Trịnh Giang hạ lệnh trưng thu, giao cho phủ liêu bàn định; phủ liêu nhận thấy: Từ trước các loại có giúp ích vào đồ dùng nhà binh như diêm tiêu, thanh sắt, ván đóng thuyền và bơi chèo chưa đẽo thành khí (trạo phác), mới gọi là thổ sản. Ngoài ra cũng có một vài thứ như cá, muối là những vật nhỏ mọn sản sinh ở núi chằm, dân có thể dễ tìm kiếm để nộp được. Mới từ năm Giáp Thìn (1724) có lệnh xét khắp dân gian, hễ thấy ai có nghề nghiệp gì cũng căn cứ vào đấy mà đánh thuế, bèn đi đến chỗ: có người vì phải nộp thuế sơn sống mà đẵn cả cây sơn; vì phải nộp thuế vãi lụa mà hủy bỏ khung cửi; thu thuế gỗ, thuế nứa mà người ta vứt bỏ cả búa rùa; thu thuế cá, thuế tôm mà người ta cất giấu cả võ lưới, đánh thuế mật đỏ mà không ai trồng mía; đánh thuế bông, thuế chè mà vườn tược bỏ hoang. Thành ra làng xóm tiêu điều, thuế hàng năm bỏ thiếu chồng chất, do đấy mà tài dụng trong nước phải thiếu thốn. Nay nên chỉnh đốn thay đổi tệ trước, phàm các thuế thổ sản đều hạ lệnh đình bãi, duy người nào tình nguyện mới cho phép mà thôi. Trịnh Giang y theo. Từ đây, nhân dân cho là có phần tiện lợi.

Lời chua-Trạo Phác: Tức bơi chèo chưa đẽo thành khí.

Giáp Thìn: Dụ Tông năm Bảo Thái thứ 5 (1724) định thuế thổ sản.

Bàn định tôn sùng kinh học.

Phủ liêu bàn định rằng: Sách vỡ thánh hiền là ông tổ văn chương. Gần đây theo lối học thuộc lòng: Người đọc sách Kinh, sách Truyện chương sưu tầm tiểu chú mà phần nhiều bỏ sót chính văn; người đọc sách Sử thì thiệt liệt sách ngoài mà quên mất Cương mất. Học thuật thô sơ mỗ mãng. Cần phải gia công chấn chỉnh để thay đổi tập tục của sĩ phu. Bèn sức rõ cho các học trò: hết thảy phải học thuộc chính văn sách Kinh, sách truyện, ngoài ra, về phần tập chú, thiểu chú, thì chọn bài nào tinh túy sẽ đọc. Đến như sách Tả truyện và Thông giám Cương mục, cần phải thuộc kỹ. Chấn chỉnh lại như thế, để học trò biết phương hướng mà theo. Nhưng tập tục đã lâu, chung quy vẫn không thể thay đỗi được.

Tháng 3. Giang tự ý sách chế lễ nhạc dùng trong phủ đường.

Lúc ấy nhân lâu ngày được bình yên, nên Trịnh Giang muốn làm cho lễ nhạc được sáng tỏ để tô điểm đời thái bình. Bèn hạ lệnh cho bầy tôi giữ chính quyền trong phủ bàn định lễ nhạc: Xem xét trong sách Hội điển, tham khảo rộng đến sách Tam tài đồ hội và Lễ nhạc chí của triều nhà Minh, nhà Thanh, rồi châm chước để thi hành. Khi bàn định xong. Ngày chúa Trịnh ra coi chầu, phường nhạc sắp hàng ở phủ đường, cửa phủ đường bên tả và bên hữu đã mở, thì bắt đầu cử nhạc, các quan văn quan võ lạy xong, lúc ấy tiếng nhạc sẽ ngừng. Phàm khi chúa đi tuần du hoặc xuất phát quân lính, thì bắn ba tiếng súng, buổi trưa lúc đi nghĩ, ban đêm lúc đi nằm cũng theo quy tắc như thế; khi ra đi thì có cờ lệnh, phường nhạc chia nhau đi trước dẫn đường.

Tháng 4, mùa hạ. Sai sứ thần sang nhà Thanh.

Chánh sứ Phạm Công Dong, phó sứ Ngô Đình Thạc sang để báo cáo việc Dụ Tông mất và xin nhà Thanh phong tước cho vua mới lên ngôi.

Lời chua-Công Dong: Người xã Đông Ngạc3167 , huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1706) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Tháng 5. Biếm chức Tô Thế Huy, tả thị lang bộ Lễ, làm thừa chính sứ ở Yên Quảng.

Giang cùng các đại thần ngầm bàn định bỏ vua này lập vua khác. Lúc ấy, Thế Huy giữ việc ở Kinh Diên, họ bèn vu cho Thế Huy là làm bầy tôi giảng dụ vua mà chỉ dựa dẫm phụ họa, không biết giúp đỡ vua về mặt đạo đức, nên biếm chức Thế Huy.

Tháng 8, mùa thu. Sao Hỏa Tinh phạm vào vị trí sao Nam Đẩu; sao Thái Bạch xuất hiện ở giữa ban ngày.

Lời chua-Hỏa tinh: Tức sao Huỳnh Hoặc ở phương nam.

Nam Đẩu: Theo “Thiên văn chí” trong Tấn Thư, thì 6 chòm sao Nam Đẩu, gọi là sao Thiên Miếu. Sao này tượng trưng ngôi của thừa tướng và thái tể, giữ việc khen thưởng người hiền tài, tiến dùng người sĩ phu, trao cho tước lộc. Lại giữ về việc binh nhung-Ánh sáng của hai vì sao tiếp giáp với nhau gọi là phạm.

Thái Bạch: Tức sao Kim Tinh ở phương tây. Tấn Chước nhận rằng sao Thái Bạch là hình tượng thượng công và tướng quân. Theo lẽ thường, hễ mặt trời mọc thì sao Thái Bạch lặn. Sao Thái Bạch xuất hiện ban ngày là đi dọc bầu trời. “Thiên văn chí” trong Tiền Hán thư nói: Nếu trái thời tiết mùa hạ hại đến hỏa khí, thì sao Huỳnh Hoặc xuất hiện để tỏ việc trừng phạt. Sao Huỳnh Hoặc xuất hiện thì có việc binh nhung lớn; trái thời tiết mùa thu hại đến kim khí, thì sao Thái Bạch xuất hiện để tỏ việc trừng phạt. Sao Thái Bạch đi dọc bầu trời là giường mối rối loạn.

Trịnh Giang truất thái hậu Trịnh Thị làm quận quân.

Thái hậu tên là Ngọc Trang, sinh mẫu của nhà vua.

Trịnh Giang truất nhà vua làm Hôn Đức công; lập Duy Tường, con trưởng của Dụ Tông lên ngôi vua, đổi niên hiệu, đại xá cho trong nước.

Trước đây, Giang muốn thi hành việc bỏ vua này lập vua khác, để ra oai với thần hạ, bèn mượn việc khác vu cho nhà vua, rồi bắt ép nhà vua ra ở cung riêng. Những thứ cung đốn cho vua dùng thảy đều xén bớt đi; lại truất thái hậu là quận quân. Đến nay, Giang truất nhà vua làm Hôn Đức công, dời đến ở một ngôi nhà ở bên ngoài.

Lúc ấy, Giang bắt dẫn 12 người con của Dụ Tông vào phủ đường để xem mặt, Duy Tường là con trưởng, đáng được lập làm vua. Giang sai viên quan có trách nhiệm hộ vệ Duy Tường đến ở cung Thọ Phúc. Ngày Bính Tý, làm lễ cáo Thái Miếu, ngày Canh Thìn, lên ngôi vua (Tức Thuần Tông). Đổi niên hiệu là Long Đức, đại xá cho trong nước: tha những thuế bỏ thiếu; tha những tiền nộp để chuộc tội còn bỏ thiếu chồng chất; viên quan nào vì lầm lỡ mà bị truất bãi đã lâu, đều cho xét lại rồi bổ dụng.

Lời cẩn án-Trịnh Giang bạo nghịch giết vua, cũng như Vương Mãng, Đổng Trác nhà Hán3168 . Có người nói”Đế Duy Phường là con của người khác”. Câu nói ấy chẳng qua kẻ bè đảng với họ Trịnh bịa ra để gở tội cho Giang mà thôi. Tra trong Ngọc Phả nhà Lê nói: “Duy Phường là con của Dụ Tông”. Thế hệ nhà Lê nói: “Giang vu cho nhà vua thông gian với vợ Trịnh Cương mà phế truất đi”. Ngọc Phả và Thế Hệ đều chép rành rành như thế, có thể dùng làm chứng cớ. Thế mà người tục biên Lê Sử lại nói rằng: “Nhà vua hoang dâm càn rỡ không kiêng kỵ gì”, nhưng họ không nêu rõ được sự việc. Chép như thế là hồ đồ, họ theo ý riêng mình mà múa mép câu văn, toan đem việc ấy để buộc tội Duy Phường. Tội Trịnh Giang phải trừng trị không tha thứ được mà người tục biên Lê Sử chép như thế, thì còn có thể gọi được là bộ sử đáng tin không?

Lại còn việc này nữa: Duy Tường là con trưởng, Cương phế truất đi mà lập Duy Phường; Duy Phường đã lên ngôi vua rồi, Giang lại phế truất đi mà lập Duy Tường. Sử cũ chép về việc truất bỏ Duy Phường thì nói: “Lễ số gia ân đều xén bớt”; về việc lập Duy Tường thì nói: “Dẫn hoàng tử vào trong phủ để xem mặt”. Vua tôi là nghĩa lớn, bỏ vua này lập vua kia là việc lớn. Lúc ấy, mũ và giầy lộn ngược như thế, cũng có phải tội lỗi chỉ tại một mình họ Trịnh đâu! Lời chua-Cố Lê thế hệ chép: Vĩnh Khánh đế3169 ở ngôi được ba năm, chúa Trịnh Giang vu cho là tư thông với vợ Trịnh Nhân vương3170 , bèn truất ngôi vua mà giáng phong làm Hôn Đức công.

Giang tự tiến phong làm đại nguyên soái, thượng sư, Uy vương.

Bổ dụng Nguyễn Hiệu làm thượng thư bộ Lễ, gia phong hàm thiếu phó, vào phủ chúa giữ chức tham tụng.

Trước đây, Hiệu giữ chức Tả tư giảng của Trịnh Giang, từng thăng đến thị lang và được cho tước Nông quận công, rồi được thăng chức Đô ngự sử. Đến lúa Giang nối giữ ngôi chúa, Hiệu lại được Giang tin dùng hơn trước, thăng chức thượng thư bộ Binh, gia phong hàm thiếu bảo, dựng doanh Trung tiếp. Sau đó, đổi sang bộ Lễ, gia phong hàm thiếu phó, vào phủ chúa giữ chức tham tụng.

Tháng 10, mùa đông. Giáng chức: tham tụng Lê Anh Tuấn làm đốc trấn Lạng Sơn. Nguyễn Công Hãng làm thừa chính sứ Tuyên Quang.

Tháng 11, Giang giết Nguyễn Công Hãng.

Công Hãng dùng tài biện bác, vào giữ công việc trong phủ chúa, quả quyết tự thi thố tài năng của mình, rất được Trịnh Cương tin yêu ủy nhiệm, nhưng bị nhiều người oán nghét.

Từ lúa Giang làm thế tử, Giang đã giận Công Hãng không muốn lập mình3171 , người ở bên cạnh Giang lại thiêu dệt thêm những điều sở đoản của Công Hãng. Họ nói với Giang là: “Công Hãng và bọn Lê Anh Tuấn, Trương Nhưng, Đỗ Bá Phẩm cùng kết thành bè đảng. Vả lại, Công Hãng mưu tính việc chôn cất hài cốt tiên tổ ở một kiểu đất to, có ý hi vọng toan làm việc quá phận định”. Giang bèn cho Công Hãng ra giữ chức ở Tuyên Quang. Sau đó bắt ép phải tự tử.

Lời phê-Tự mình làm điều ác nghiệt, thì không thể nào tránh khỏi tai vạ. Lời chua-Trước đây, Công Hãng chôn cất mồ mã tiên tổ ở núi Mộc Hoàn. Vì thế, người nói với Trịnh Giang đem việc này vu vạ cho Công Hãng.

Mộc Hoàn: Tên núi, ở địa giới huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh.

Bãi bỏ phép đánh thuế muối.

Trước kia. Nguyễn Công Hãng đặt phép, mỗi khi người diêm hộ nhận chứng chỉ để buôn muối, đều phải có lễ vật trọng hậu để nộp cho viên giám đương và tiến dâng phủ chúa, mà giá muối công lại cao. Muốn đền bồi vào sự phí tổn, người diêm hộ đều phải trông vào chợ búa, vì thế mà những hàng bán muối đều tăng giá muối lên, có khi một đấu muối trị giá đến một tiền. Việc muối ăn ở dân gian ngày thêm khó khăn. Đến nay bãi bỏ phép ấy.

Lời chua-Giám đương: Tên viên quan đặt tạm thời, để trông nom ở trường xưởng muối. Phàm diêm hộ buôn bán muối, đều phải lĩnh chứng chỉ ở viên giám đương, sau mới được đem muối đi bán, việc lĩnh chứng chỉ tất phải có tiền hoặc lễ vật nộp viên giám đương và tiến dâng phủ chúa Trịnh.

Lửa ở dưới đất bốc cháy tại bến Bát Tràng.

Quán chứa khách trọ tại Bát Tràng có người khách chợt vớt cái que có lửa vào cái lỗ hổng ở dưới đất, lúc bắt đầu bốc lên ngọn lửa sắc xanh, rồi sau bốc lên lửa đỏ sáng rực, đến hơn một tháng mới tắt. Người kiến thức đoán là điềm binh lửa.

Lời chua-Bát Tràng3172 : Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 2 (Chb. X, 3, 4).

Quý Sửu, Thuần Tông Giản hoàng đế năm Long Đức thứ 2 (1733). (Thanh, năm Ung Chính thứ 11).

Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.

Tháng 2. Miễn việc bắt lính trốn ở tứ trấn, bãi bỏ việc mộ lính.

Trước đây, vì cớ đinh tráng bị hao hụt, nên số lính ở tứ trấn được giảm bớt. Đến nay lại bàn tuyển bổ. Tham tụng Nguyễn Hiệu nói: “Binh lính, cốt ở chỗ giá ngự được đúng đường, không ở chỗ nhiều người, nếu chỉ tăng thêm số hão, thì việc nuôi lính phải phí tổn nhiều, chỉ làm cho dân đau khổ. Nay số ngạch nhất binh3173 đã gấp đôi ngày trước, trừ số giảm đi chỉ độ mấy ngàn người, trong sổ binh lính cũng không có gì là kém thiếu. Vả lại, số lính đã giảm, thì tô ruộng thu vào sẽ giúp ích việc chi dùng trong nước, mà dân nghèo nhờ đấy để sinh nhai. Vậy xin những nơi nào trước kia đã được giảm trừ nay vẫn cho xá miễn”. Trịnh Giang theo lời. Giang lại lấy cớ việc mộ lính trong khoảng năm Bảo Thái (1720- 1728) toàn là người bơ vơ nơi đầu đường quán chợ, mà số ruộng cấp cho lại nhiều, nên hết thảy bãi bỏ.

Lời chua-Tứ trấn: Xem Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 5 (Chb. XXXIII, 21).

Tháng 3. Xá hai tháng thuế về quan ải và bến sông cho Thanh Hoa.

Lúc ấy, Thanh Hoa giá gạo lên cao. Trấn thủ Nguyễn Thọ Trường làm tờ khải xin: Phàm người vận chở thóc gạo được cho miễn hai tháng thuế, để việc buôn bán được lưu thông, đồ dùng của dân được tiện lợi. Trịnh Giang y theo.

Lời chua-Thanh Hoa: Tức Thanh Hóa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 15, 16, 20, 21, 23).

Tháng 8, mùa thu. Bãi chức tri Công phiên Vũ Công Trấn.

Công Trấn vốn là người cứng rắn, ngay thẳng; làm quan giữ đúng phép, không a dua bọn quyền quý. Nay vì khám xét kiện trái ý chúa Trịnh, bị bãi chức về nhà.

Bãi bỏ chức quan Hà đạo.

Trước kia đặt chức quan Hà Đạo, hội đồng đi khám xét đất bãi bồi ở các loại, để tăng hoặc giảm thuế tô. Nay lấy cớ rằng đất bãi ở sông khi bồi khi lở còn phải một thời gian lâu, mà người giữ việc khám xét hàng năm đi bắt bớ đốc thúc, lại thêm nhiễu dân, bèn bàn bỏ bớt đi. Phàm đất bãi ở hạt nào, giao cho viên phủ, viên huyện hạt ấy thân đi khám xét, rồi đem đủ sự thật dâng lên phủ chúa.

Giáp Dần, năm thứ 3 (1734). (Thanh, năm Ung Chính thứ 12).

Tháng giêng, mùa xuân. Ban phát Ngũ kinh đại toàn3174 cho học quan các xứ.

Trước đây, sai quan hiệu đính kiểm duyệt năm kinh theo bản khắc văn của Trung Quốc, rồi khắc thành sách; nay sách đã in xong, ban bố cho trong nước, để theo đấy mà dạy bảo học trò, cấm mua sách của Trung Quốc. Lại sai bọn Nguyễn Hiệu và Phạm Khiêm Ích chia nhau khắc các bản Tứ thư, Chư sử, Thi lâm và Tự vị ban hành trong nước.

Lời chua-Việc quan sai hiệu đính kiểm duyệt: Chép ở năm Vĩnh Khánh thứ 3 (?).

Quách Công Thi, thổ tù ở Thanh Hoa, làm phản. Hạ lệnh cho lưu thủ Nguyễn Thọ Trường nã bắt.

Quách Công Thi ở LạcThổ, hô hào tụ hợp nhiều người đi cướp bóc. Thọ Trường không thể khống chế được, bèn làm tờ khải bày tỏ việc này. Triều đình bàn định, lấy lẽ rằng chức phận của Thọ Trường là ở chỗ cầm phòng khống chế kẻ trái phép, nên hạ lệnh cho Thọ Trường nã bắt Công Thi.

Lời chua-Lạc Thổ3175 : Tên huyện, thuộc phủ Thiên Quan, thời nhà Lê, Lạc Thổ thuộc trấn Thanh Hoa; nay đổi tên Lạc Yên, thuộc tỉnh Ninh Bình.

Công Thi: Một phiên thần, được đời đời giữ chức tù trưởng ở Lạc Thổ.

Tháng 5, mùa hạ. Hạ lệnh cấm dùng đồ vật hoa mĩ.

Lấy cớ rằng tập tục ở dân gian, mỗi ngày đi dần đến xa xỉ, bàn hạ lệnh: quan viên, quân lính và dân thứ, đồ đạc thường dùng không được chạm khắc hình chữ, trang sức hoa mĩ; người thợ không được đua nhau chế tạo thứ lạ, thứ khéo.

Tháng 7, mùa thu. Giáng chức tham tụng Nguyễn Hiệu làm thượng thư bộ Hình. Liền đó, lại cho phục chức.

Lúc ấy, phát sinh việc bè đảng. Trịnh Giang quả quyết trừng trị buộc tội. Giang ghét người hoạn quan là Vân quận công Đỗ Bá Phẩm, đã truất chức Bá Phẩm xuống làm tuần thủ ở Yên Quảng, lại muốn giết đi. Việc này Giang riêng cho Nguyễn Hiệu được định bàn. Hiệu để hoãn lại, Giang không nghe, bắt ép Bá Phẩm phải tự tử. Vì thế, Nguyễn Hiệu đương giữ chức thượng thư bộ Lễ, phải giáng chức làm thượng thư bộ Hình. Nhưng không bao lâu, Nguyễn Hiệu được thăng làm thượng thư bộ Lại và được vào phủ chúa giữ chức tham tụng như cũ.

Biên soạn sách Quốc triều hội điển.

Điển lễ cũ đời trung hưng chỉ chép ở tập Thiện chính, từ trước đến nay chưa làm thành sách. Bèn hạ lệnh biên soạn sách Quốc triều hội điển, nhưng cũng vẫn không làm xong.

Tháng 10, mùa đông. Sứ thần nhà Thanh sang nước ta.

Xuân Sơn, Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, và Lý Học Dụ. Binh khoa cấp sự trung, sang sách phong và dụ bảo việc ban lễ tế Dụ Tông.

Giang tự tiến phong làm đại nguyên soái, tổng quốc chính, thượng sư thái phụ, thông đức anh nghị thánh công Uy vương.

Giang giết Lê Anh Tuấn, đốc trấn Lạng Sơn.

Anh Tuấn là người nổi tiếng về văn học, tính trầm tiềm cẩn mật, cùng Nguyễn Công Hãng đều giữ việc trong phủ chúa. Đến tuổi già, Anh Tuấn có ý lộng quyền, Giang không bằng lòng đã lâu, giáng chức đi trấn thủ Lạng Sơn. Gặp lúc ấy có người nói, trước kia, Anh Tuấn giữ việc trong phủ, cùng Nguyễn Công Hãng định mưu bỏ người lập người khác. Giang bèn giết đi.

Ất Mão, năm thứ 4 (1735). (Từ tháng 5 trở về sau là năm Vĩnh Hựu thứ nhất triều Ý Tông-Thanh, năm Ung Chính thứ 13).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai Nguyễn Hiệu đi khám dân lưu tán ở Sơn Nam.

Sơn Nam từ khi trải qua nạn thủy tai, nhân dân nhiều người phiêu tán. Bèn sai Nguyễn Hiệu đi khám điểm số dân đinh từng nhà, tùy theo số dân nhiều hay ít, giảm bớt số hộ khẩu.

Tháng 4, mùa hạ. Sao Thái Bạch phạm vào vị trí sao Hỏa.

Nhà vua mất.

Dâng tôn hiệu là Giản hoàng đế, miếu hiệu Thuần Tông. Nhà vua ở ngôi 4 năm hưởng thọ 37 tuổi.

Táng ở lăng Bình Ngô.

Lời chua-Lăng: Ở thôn Bình Ngô, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hoá.

Giang lập Duy Thận, em nhà vua (hoàng đệ), lên ngôi, đổi niên hiệu, đại xá.

Duy Thận, con thứ mười một của Dụ Tông và là em Thuần Tông. Lúc ấy Duy Thận 17 tuổi, kém Duy Diêu, con cả nhà vua (hoàng trưởng tử) 2 tuổi. Nhưng Trịnh Giang e rằng Duy Diêu tuổi đã trưởng thành, và nhận thấy Duy Thận là cháu ngoại bà thái phi Vũ Thị3176 , trước kia vẫn nuôi nấng ở trong phủ, thân cận yêu đương có phần dễ kiềm chế. Giang mới nói thác ra rằng diện mạo Duy Thận giống như tiên đế, nên quyết ý lập làm vua. Bầy tôi không ai dám nói gì cả. Ngày Giáp Ngọ, làm lễ cáo Thái miếu, ngày Bính Thân, lên ngôi vua (tức Ý Tông), đổi niên hiệu là Vĩnh Hựu, tha hai phần mười về thuế tô, thuế dung năm này cho dân.

Lời chua-Duy Thận: Ngọc phả nhà Lê chép là Duy Chấn.

Mồng một, tháng 9, mùa thu. Nhật thực.

Đại nguyên soái Uy vương là Giang giết Đế Duy Phường.

Giang đã truất ngôi Duy Phường, nay bắt thắt cổ chết đi, đến năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) mới làm lễ chiêu hồn, táng ở xã Kim Lũ3177 , huyện Thanh Trì.

Lời cẩn án-Bạo nghịch giết vua là tội đại ác. Thế mà người tục biên Lê sử chép: “Hôn Đức công sau bị hại”. Có lẽ họ chép lời văn nhẹ nhàng như thế, để ẩn giấu tội cho Trịnh Giang. Nay theo Ngọc phả nhà Lê, cải chính lại.


3127 Xem thêm Chính biên quyển XXXIV, tờ 31.

3128 Sau đây 5 năm, Công Hãng bị truất ra làm Thừa chính sứ ở Tuyên Quang, rồi bị Trịnh Giang giết.

3129 Xem thêm Chính biên quyển XXXV, tờ 12.

3130 Mỗi tiền 60 đồng, xem lời chua của Cương mục chính biên quyển XXI, tờ 2.

3131 Xem thêm Chính biên quyển XXXV, tờ 29, 30.

3132 Nguyên văn chép Hàng Dịch Lộc. Tham khảo chú thích số 1 và 6 ở Chính biên tờ 5 và 6 sau đây.

3133 Xem thêm Chính biên quyển XXXV, tờ 27.

3134 Lời phê này có ý khen Nguyễn Công Thái chịu khó lăn lộn tìm được đúng chỗ sông Đỗ Chú.

3135 Thuộc tỉnh Hà Giang.

3136 Tác giả sách Đông Hoa lục, chính tên là Tưởng Lương Ký (Từ Hải trang 678). Ở đây Cương mục chép lầm là Kỳ.

3137 Tức đất của nhà Thanh lúc bấy giờ.

3138 Danh từ gọi viên quan tổng đốc mới kế tiếp đến nhậm chức thay viên quan trước.

3139 Nguyên văn chép: Hãng Dịch Lục, tham khảo với chú thích số 1.

3140 Nguyên văn chép: Khảng Dịch Lộc, Chính biên tờ 5 ở trên. Cùng một tên người chép trong một đoạn văn, mà 3 chỗ chép khác nhau, không rõ họ và tên viên này thế nào là đúng. Ở đây chúng tôi đều phiên “Hàng Dịch Lộc”, theo như họ và tên chép trước tiên trong đoạn văn này cho được thống nhất.

3141 Một danh từ gọi chung các nước chư hầu do triều đình Trung Quốc lúc bấy giờ phong cho. Ý nói vua chư hầu có nhiệm vụ giữ đất đai do thiên tử Trung Quốc phong cho, để làm như phên giậu bảo vệ nước của thiên tử.

3142 Những chữ “quốc vương” chép ở đoạn này đều chỉ vua Lê lúc bấy giờ.

3143 Xem lời chua của Cương mục ở dưới.

3144 Tức vua Thế Tông (Ung Chính) nhà Thanh.

3145 Xem thêm Chính biên quyển XXXVI, tờ 32.

3146 Xem thêm Chính biên quyển XXXVI, tờ 25.

3147 Xem thêm tờ 27 trong cuốn này.

3148 Bức thư chính tay vua viết ra. Xem thêm chính biên quyển XXXVI, tờ 25.

3149 Nay thuộc tỉnh Hà Nam.

3150 Nay thuộc xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

3151 Nay thuộc tỉnh Hưng Yên.

3152 Nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.

3153 Tức quyển sổ có dính tờ khải dâng lên phủ chúa.

3154 Nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

3155 Nay thuộc tình Hải Dương.

3156 Nay là huyện Thụy Nguyên, T.P Hải Phòng.

3157 Đất huyện Lôi Dương nay thuộc Thọ Xuân và huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa.

3158 Sĩ Tiêm nhắc lại năm tháng mà Trịnh Giang đã bắt ép Dụ Tông truyền ngôi cho thái tử Duy Phường.

3159 Lời nói của Khổng Tử, chép trong thiên Học Nhi sách Luận ngữ. Ý nói: Sau khi cha mất, mà trong 3 năm người con không thay đổi công việc của cha thì người ấy có thể gọi là người con có hiếu.

3160 Thiệu Bình (1434-1439) một niên hiệu của Lê Thái Tông.

3161 Hồng Đức (1470-1497), một niên hiệu của Lê Thánh Tông.

3162 Tức Ngũ kinh: Mao thi, Thượng thư, Chu dịch, Lễ ký và Xuân thu.

3163 Tức Tứ thư: Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung.

3164 Chỉ câu Sĩ Tiêm nói: Có quả Dụ Tông bị mỏi mệt mà thực lòng phó thác ngôi vua cho Duy Phường hay không-Lời phê có ý nói trong thời vua Lê chúa Trịnh mà dám nói câu này thật hiếm có, không khác gì chim phượng hoàng hót lúc mặt trời mới mọc.

3165 Chỉ đoạn cuối của lời điều trần thứ nhất, từ câu tôi cuối xin vương thượng… đến câu kéo lại mặt trời sắp lặn.

3166 Can có nghĩa là chắn. Thành là một bức thành. Cổ nhân thường dùng danh từ “can thành” để tượng trưng người võ thần có sức mạnh, ví như lá chắn để ngăn lại mũi tên, như bực thành để bảo vệ dất nước.

3167 Nay là xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

3168 Xem chú thích số 1. Chính biên quyển XXXIII, tờ 9.

3169 Tức Duy Phường.

3170 Tức Trịnh Cương, bồ Trịnh Giang.

3171 Xem thêm tờ 10 trong cuốn này.

3172 Nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

3173 Danh hiệu gọi lính tứ trấn, khác với “ưu binh”, danh hiệu gọi lính Thanh Nghệ.

3174 Sách in toàn văn đã chép trong năm Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ và Xuân Thu) gọi chung là “Ngũ kinh đại toàn”. Khác với sách do Bùi Huy Bích chép rút đi, mà học trò sau này đây gọi là sách “Quan hành”.

3175 Nay là huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

3176 Vợ Trịnh Cương và là bà của Trịnh Giang.

3177 Tục gọi là làng Lũ, nay thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội.