2689. Khi nên trời cũng chiều người,
2690. Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.
2691. Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau,
2692. Tiền Đường thả một bè lau rước người.
2693. Trước sau cho vẹn một lời,
2694. Duyên ta mà cũng phúc trời chi không.
2695. Giác Duyên nghe nói mừng lòng,
2696. Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường.
2697. Đánh tranh chụm nóc thảo đường,
2698. Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.
2699. Thuê năm ngư phủ hai người,
2700. Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông.
2690. Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.
2691. Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau,
2692. Tiền Đường thả một bè lau rước người.
2693. Trước sau cho vẹn một lời,
2694. Duyên ta mà cũng phúc trời chi không.
2695. Giác Duyên nghe nói mừng lòng,
2696. Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường.
2697. Đánh tranh chụm nóc thảo đường,
2698. Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.
2699. Thuê năm ngư phủ hai người,
2700. Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông.
Chú giải
- (2690) nợ trước đền bồi duyên sau: duyên nợ đền bù giữa Kiều và Kim Trọng. Xem chú giải (0257) duyên nợ ba sinh.
- (2691) Giác Duyên: sư trưởng ở Chiêu Ẩn am, nơi Kiều đến tá túc sau khi trốn khỏi nhà Hoạn thư. Bây giờ, sư Giác Duyên đang lắng nghe lời đạo cô Tam Hợp giải thích trọn vẹn về định mệnh của Kiều suốt 15 năm lưu lạc. Xem chú giải (2040) Giác Duyên.
- (2692) Tiền Đường: sư Tam Hợp căn dặn sư Giác Duyên đến chờ bên sông Tiền Đường, rồi sẽ gặp lại Kiều. Xem chú giải (1000) sông Tiền Đường.
- (2692) thả: # chữ nôm khắc là “đến”. Tạm ghi là “thả” theo Nguyễn Tài Cẩn phục nguyên từ bản Duy Minh Thị 1872: chữ nôm “đến” 旦 (đán) sửa lại thành chữ “thả” 且 (thả) (Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, trang 605).
- (2692) bè lau rước người: # chữ nôm “bè” khắc là “vi”; “vi lau” = chiếc xuồng, thuyền nhỏ (theo Trương Vĩnh Ký). Tạm ghi âm đọc là “bè lau” theo nhiều bản nôm phổ biến khác. § cả câu 2692: (lược ngữ) đem bè lau chờ sẵn để vớt Kiều. Nguyên truyện: Tam Hợp tử đạo: (…) Tắc công đức đại nhi túc nghiệt khả tiêu, tân duyên đắc kết hĩ. Nhĩ kí dữ bỉ hữu tình, khả sĩ kì Tiền Đường tiêu kiếp thì, trạo nhất vĩ tác bảo phiệt, độ chi tục kì tiền minh, diệc phúc điền trung nhất chủng dã 三合子道: (…)則功德大而宿孽可消, 新緣得結矣. 爾既與彼有情, 可俟其錢塘消劫時, 棹一葦作寶筏, 渡之續其前盟, 亦福田中一種也 (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 19) Công đức ấy có thể làm tiêu tan cái nợ chướng từ kiếp trước, mà kết nên duyên mới. Chị đã có tình cũ với nàng thì nên đến sông Tiền Đường, chờ khi nàng hết kiếp đoạn trường, thả một bè lau mà vớt nàng, để nối lại nguyền xưa. Âu cũng là một hạt giống trong ruộng phúc đó. Ghi chú: “bè lau” là do chữ “bảo phiệt” 寶筏 trong thuật ngữ Phật giáo. Trong Bát Nhã Tâm Kinh Giải Nghĩa 般若心經解義 (Vạn Tục Tạng Kinh Vol. 26, No. 570) có câu: Thử kinh thành liệu chúng khổ chi linh đan, độ mê tân chi bảo phiệt dã 此經誠療眾苦之靈丹, 渡迷津之寶筏也 Kinh này thật là linh đơn chữa trị các bệnh khổ, là bè báu đưa người qua bến mê vậy.
- (2693) cho vẹn một lời: (lược ngữ) giữ đúng như lời Giác Duyên đã hẹn với Kiều ở dinh trại của Từ Hải: Sư rằng: Cũng chẳng mấy lâu, Trong năm năm lại gặp nhau đó mà. Nhớ ngày hành cước phương xa, Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri (câu 2403-2406).
- (2694) duyên ta mà cũng phúc trời chi không: (lược ngữ) lời sư Tam Hợp nói với sư Giác Duyên: đây là duyên may được làm việc nghĩa, mà cũng là làm phúc với trời, chứ có phải chỉ là chuyện cứu vớt nhau mà thôi đâu (theo Văn Hòe).
- (2696) lân la: lại gần, la cà, đi lảng vảng. Xem chú giải (0287) lân la.
- (2697) chụm: nhóm lại, dồn lại vào nhau (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
- (2697) thảo đường: 草堂 nhà tranh, nhà cỏ; ngày xưa, các nhà tu hành hoặc người ở ẩn thường gọi chỗ ở của mình là thảo đường 草堂. Cũng gọi là thảo lư 草廬.
- (2698) một gian nước biếc mây vàng chia đôi: (lược ngữ) cảnh một gian nhà tranh ở trong khoảng mây vàng nước biếc bao la.
- (2699) thuê năm: thuê làm công cả năm.
- (2699) ngư phủ: 漁父 người chài lưới đánh cá.
- (2700) đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông: (lược ngữ) Giác Duyên làm theo đúng lời dạy của sư Tam Hợp trong câu 2692.