1045. Sân Lai cách mấy nắng mưa,
1046. Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
1047. Buồn trông cửa bể chiều hôm,
1048. Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
1049. Buồn trông ngọn nước mới sa,
1050. Hoa trôi man mác biết là về đâu?
1051. Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
1052. Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
1053. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
1054. Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
1055. Chung quanh những nước non người,
1056. Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.
1046. Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
1047. Buồn trông cửa bể chiều hôm,
1048. Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
1049. Buồn trông ngọn nước mới sa,
1050. Hoa trôi man mác biết là về đâu?
1051. Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
1052. Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
1053. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
1054. Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
1055. Chung quanh những nước non người,
1056. Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.
Chú giải
- (1045) sân Lai: Lão Lai Tử 老萊子 đã 70 tuổi, cha mẹ hãy còn. Có lần ông mặc áo ngũ sắc ra sân múa, rồi giả cách ngã, khóc như trẻ con, để làm vui cha mẹ (Nghệ văn loại tụ 藝文類聚, Quyển nhị thập). Sau từ “Lão Lai y” 老萊衣 chỉ sự hiếu dưỡng cha mẹ. # chữ nôm khắc là “Bồng Lai”. Tạm ghi âm đọc là “sân Lai” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1046) gốc tử: 梓 cây tử. Chỉ quê cha đất tổ, cố hương. Thi Kinh 詩經: Duy tang dữ tử, Tất cung kính chỉ 惟桑與梓, 必恭敬止 (Tiểu nhã 小雅, Tiểu bàn 小弁) Bụi cây dâu cùng cây tử, Ắt phải cung kính vậy. Chỗ làng sinh ra mình gọi là tử lí 梓里 hay tang tử 桑梓.
- (1047) chiều hôm: # chữ nôm khắc là “gần hôm”. Tạm ghi âm đọc là “chiều hôm” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1051) dàu dàu: héo úa, ủ rũ, tàn tạ, phai tàn. Xem chú giải (0058) dàu dàu.
- (1053) duềnh: ghềnh nước, vực nước. Ghi chú: ghềnh = mô đá lớn cao và nghiêng ở hai bên bờ thác hay sông. Thí dụ: lên thác xuống ghềnh (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
- (1054) ầm ầm: # chữ nôm khắc có thể đọc là “om thòm”. Tạm ghi âm đọc là “ầm ầm” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1056) lưu lạc: 流落 trôi giạt, phiêu bạc. Ghi chú: (lược ngữ) Kiều đau lòng vì nỗi trôi giạt quê người, nên làm mấy câu thơ cho khuây khỏa (câu 1055-1056).