Menu Đóng

Chương 162

1933Sồng nâu từ trở màu thiền,
1934. Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu,
1935Quan phòng then nhặt lưới mau,
1936. Nói lời trước mặt rơi châu vắng người.
1937Gác kinh viện sách đôi nơi,
1938. Trong gang tấc lại gấp mười quan san.
1939. Những là ngậm thở nuốt than,
1940Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà.
1941Thừa cơ sinh mới lẻn ra,
1942Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
1943Sụt sùi giở nỗi đoạn tràng,
1944Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh.

Chú giải

  • (1933) sồng nâu: màu nhuộm bằng củ nâu hoặc lá sồng (nâu xám) (theo Văn Hòe). § Khảo dị: có bản ghi là nâu sồng.
  • (1933) màu thiền: màu quần áo người đi tu, cảnh sắc nhà chùa.
  • (1935) quan phòng đóng cửa phòng ngăn giữ.
  • (1935) then nhặt lưới mau: cả câu 1935 ý nói cửa vào Quan Âm các có đặt then bao lưới khít rịt chặt chẽ. § Kiều bị Hoạn thư giam lỏng ở Quan Âm các.
  • (1936) rơi châu: chảy nước mắt. Xem chú giải (0082) châu sa. § câu 1936: (lược ngữ) Thúc sinh trước mặt lúc đông người thì nói nói cười cười, còn lúc vắng người thì nghĩ đến Kiều mà rơi nước mắt.
  • (1937) gác kinh viện sách: gác kinh là Quan Âm các, chỗ Kiều chép kinh; viện sách là phòng đọc sách của Thúc sinh.
  • (1938) gang tấc: rất gần nhau. Xem chú giải (0425) gang.
  • (1938) quan san: cửa ải và núi; nghĩa bóng: đường đi xa xôi khó khăn. Xem chú giải (1520) quan san.
  • (1939) ngậm thở nuốt than: (lược ngữ) Thúc sinh ngậm nuốt không dám than thở.
  • (1940) tiểu thư: Hoạn thư. Xem chú giải (1557) tiểu thư.
  • (1940) vấn an thăm hỏi người bề trên mạnh khỏe an ổn hay không.
  • (1941) thừa cơ lợi dụng cơ hội, nhân dịp.
  • (1942) xăm xăm: chỉ nhắm vào hay làm gì, chú ý, quyết tâm. Xem chú giải (0266) xăm xăm.
  • (1942) vườn hoa: # chữ nôm khắc là “vi hoa”. Tạm ghi âm đọc là “vườn hoa” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1943) sụt sùi: tiếng khóc thổn thức không ra tiếng; vừa khóc vừa thở qua lỗ mũi. Xem chú giải (0222) sụt sùi.
  • (1943) đoạn tràng: đau lòng đứt ruột. Xem chú giải (0200) đoạn trường.
  • (1944) giọt châu: giọt nước mắt. Xem chú giải (0082) châu sa.
  • (1944) đượm tràng: ướt đẫm vạt áo. # chữ nôm khắc là “đượm dài”. Như vậy không hợp vần với câu 6 chữ ở trên. Tạm ghi âm đọc là “đượm tràng” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1944) áo xanh: thanh sam  ngày xưa quan bậc thấp mặc áo quần màu xanh. Xem chú giải (1745) thanh y. Bạch Cư Dị Tọa trung khấp hạ thùy tối đa? Giang Châu tư mã thanh sam thấp  (Tì Bà Hành ) Trong số những người ngồi nghe, ai là người khóc nhiều nhất? Vạt áo xanh của tư mã Giang Châu ướt đẫm (nước mắt). § Phan Huy Vịnh dịch thơ: Lệ ai chan chứa hơn người? Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh.