Menu Đóng

Chương 111

1321. Rằng: Sao nói lạ lùng thay,
1322. Cành kia chẳng phải cội này mà ra?
1323. Nàng càng ủ dột thu ba,
1324Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh:
1325Thiếp như hoa đã lìa cành,
1326. Chàng như con bướm liệng vành mà chơi.
1327Chúa xuân đành đã có nơi,
1328Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi.
1329. Sinh rằng: Từ thuở tương tri,
1330Tấm riêng riêng những nặng vì nước non.
1331Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
1332. Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Chú giải

  • (1321) nói: # chữ nôm khắc là “có”. Tạm ghi âm đọc là “nói” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1322) cội này: Thúc sinh vẫn nghĩ Kiều là con đẻ của Tú bà.
  • (1323) ủ dột: # chữ nôm khắc là “tủi xót”. Tạm ghi âm đọc là “ủ dột” theo nhiều bản nôm phổ biến khác. § Khảo dị: có bản quốc ngữ ghi là “tủi giọt”.
  • (1323) thu ba chỉ mắt người con gái (trong sáng long lanh như nước mùa thu). Xem chú giải (0348) nét thu.
  • (1324) đoạn trường: đứt ruột. Tỉ dụ đau thương tới cực điểm. Xem chú giải (0200) đoạn trường.
  • (1324) nghĩ: # chữ nôm khắc có thể đọc là “dở” hoặc “giở”. Tạm ghi âm đọc là “nghĩ” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1325) thiếp như: # chữ nôm khắc là “khác như”. Tạm ghi âm đọc là “thiếp như” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1325) hoa đã lìa cànhChi tại tường đông hoa tại tây, Tự tòng lạc địa nhậm phong xuy. Chi vô hoa thì hoàn tái phát, Hoa nhược li chi nan thướng chi 西 (Khí phụ từ ) Cành ở phía đông tường, hoa ở phía tây, Từ khi hoa bị gió thổi rơi xuống đất, Cành không có hoa còn có thể mọc lại, Hoa lìa cành rồi khó mà lên lại trên cành.
  • (1326) con bướm liệng vành: Kiều ý nói nàng lìa cửa nhà đến ở lầu xanh ví như hoa đã lìa cành, mà chàng Thúc đến chơi cũng ví như con bướm liệng chung quanh hoa mà thôi (theo Nguyễn Văn Anh). Vương Giá Vũ tiền sơ kiến hoa gian nhị, Vũ hậu toàn vô diệp để hoa. Phong điệp phân phân quá tường khứ, Khước nghi xuân sắc tại lân gia  (Vũ tình ) Trước mưa còn thấy nhụy trong hoa, Sau mưa chẳng thấy hoa dưới lá đâu nữa. Ong bướm bay đầy qua tường, Ngờ rằng sắc xuân ở bên láng giềng. # ghi chú chữ nôm “liệng”: ⿰ (lệnh+tuyền) là loại chữ nôm có thành phần chỉ âm (lệnh) và thành phần chỉ ý (tuyền).
  • (1327) chúa xuân: chỉ Thanh Đế  thần coi về mùa xuân. Chu Thục Trinh  (đời Tống): Liên lí chi đầu hoa chánh khai, Đố hoa phong vũ tiện tương thôi. Nguyện giao Thanh Đế thường vi chủ, Mạc khiển phân phân điểm thúy đài 便 Hoa ở trên cành liền thớ chính đương lúc nở đẹp, Mưa gió ghen ghét giày vò thúc giục. Mong Chúa xuân lúc nào cũng làm chủ cho hoa, Đừng để hoa rụng tơi bời lốm đốm bãi rêu xanh (theo Đàm Duy Tạo). § Chúa xuân ở đây chỉ Thúc sinh.
  • (1328) ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi: (lược ngữ) 2 câu 1327-1328: Kiều nói Thúc sinh (cũng như chúa xuân) đã có vợ cả rồi, gia thất đã đâu vào đó rồi, nay đến chơi với nhau, chỉ là qua ngày chốc lát, Thúc sinh chẳng cần nói nhiều làm chi. § Tản Đà có ý ngậm ngùi: “Câu này nghe rất tầm thường mà ngẫm ra thực thấy chỗ đau đớn.”
  • (1329) tương tri: biết rõ lòng nhau. Xem chú giải (0460) tương tri.
  • (1330) tấm riêng: lòng riêng. Xem chú giải (0316) niềm tây.
  • (1330) nước non: lời chỉ bể mà thề chỉ núi mà nguyền. Xem chú giải (0603) thệ hải minh sơn. Ghi chú: (lược ngữ) Thúc sinh nói trong lòng mình luôn luôn mang nặng lời thề ước với Kiều.
  • (1331) trăm năm: trong khoảng thời gian một trăm năm người ta sống ở cõi đời. Xem chú giải (0001) trăm năm trong cõi. Ở đây Thúc sinh ý nói muốn cấu kết mối tình lâu dài với Thúy Kiều, bền vững như núi sông, tức tình vợ chồng.
  • (1331) cuộc vuông tròn: đoàn viên cục  cuộc kết duyên sum họp.
  • (1332) ngọn nguồn lạch sông: cùng nguyên cánh ủy  cùng nguồn hết ngọn. § Thúc sinh ý nói muốn lấy Kiều làm vợ cho nên mới phải hỏi cặn kẽ để biết cho đến nơi đến chốn (theo Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim).