1909. Tiểu thư rằng: Ý trong tờ,
1910. Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa Không.
1911. Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
1912. Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.
1913. Sẵn Quan Âm các vườn ta,
1914. Có cây trăm thước có hoa bốn mùa.
1915. Có cổ thụ có sơn hồ,
1916. Cho nàng ra đó giữ chùa tụng kinh.
1917. Tàng tàng trời mới bình minh,
1918. Hương hoa ngũ cúng sắm sanh lễ thường.
1919. Đưa nàng đến trước Phật đường,
1920. Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia.
1910. Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa Không.
1911. Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
1912. Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.
1913. Sẵn Quan Âm các vườn ta,
1914. Có cây trăm thước có hoa bốn mùa.
1915. Có cổ thụ có sơn hồ,
1916. Cho nàng ra đó giữ chùa tụng kinh.
1917. Tàng tàng trời mới bình minh,
1918. Hương hoa ngũ cúng sắm sanh lễ thường.
1919. Đưa nàng đến trước Phật đường,
1920. Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia.
Chú giải
- (1909) tiểu thư: xem chú giải (1557) tiểu thư.
- (1910) mệnh bạc: số mạng mỏng manh, nghĩa là không tốt. Xem chú giải (0034) bạc mệnh.
- (1910) cửa không: không môn 空門 có nhiều nghĩa: (1) Giáo nghĩa Phật giáo lấy tính Không làm chỗ tột cùng, cho nên cửa Phật gọi là Không môn. (2) Các pháp nương vào nhân duyên mà sinh khởi, không có tự tính, gọi là không: nếu thể ngộ tính không ấy, thì được giải thoát mà vào Niết bàn, nên gọi là Không môn. (3) Pháp môn quán xét các pháp là không mà thành tựu Phật đạo. Là một trong 4 pháp môn tu hành do tông Thiên Thai thành lập. (4) chùa Phật. Cf. Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典. § Ghi chú: trong 2 câu 1909-1910, Hoạn thư nói rằng Kiều trong tờ trình có ý xin vào chùa đi tu.
- (1912) khỏi lụy trong vòng bước ra: (đảo ngữ) bước ra khỏi vòng hệ lụy.
- (1913) Quan Âm các: 觀音閣 gác (hoặc am) thờ bồ tát Quan Âm.
- (1914) cây trăm thước: cây cao lớn.
- (1915) cổ thụ: 古樹 cây sống lâu năm.
- (1915) sơn hồ: 湖山 núi non bộ và hồ nước.
- (1916) tụng kinh: tụng niệm kinh chú. § Khảo dị: có bản ghi là: “chép kinh”, “viết kinh”.
- (1917) tàng tàng: tang tảng sáng, lúc trời còn sớm, vừa mới rạng sáng (theo Văn Hòe). § Khảo dị: có bản ghi là “tâng tâng”, “tưng tưng”.
- (1917) bình minh: 平明 lúc trời vừa sáng.
- (1918) ngũ cúng: 五供 năm vật cúng dường Bản tôn khi tu pháp Nhất tòa Mật giáo. Đó là hương xoa, vòng hoa, hương đốt, thức ăn uống và đèn. (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典)
- (1918) lễ thường: nghi lễ thông thường. Xem chú giải (1669) lễ thường.
- (1919) đưa nàng: # chữ nôm khắc là “đưa rằng” không biết nghĩa là gì. Tạm ghi âm đọc là “đưa nàng” theo nhiều bản nôm phổ biến khác. § Khảo dị: có bản chép cả câu 1919 là “đưa chàng” (không hợp nghĩa); bản kinh viết là “cậy chàng đưa đến Phật đường” (theo Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim).
- (1919) Phật đường: 佛堂 điện thờ cúng tượng Phật.
- (1920) tam quy: 三皈 (thuật ngữ Phật giáo) tức là quy y Tam bảo 三寶, gồm quy y Phật 皈依佛, quy y Pháp 皈依法, quy y Tăng 皈依僧. Nghĩa là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng và xin được cứu giúp, che chở để mãi mãi thoát khỏi tất cả khổ não của thân tâm (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).
- (1920) ngũ giới: 五戒 (thuật ngữ Phật giáo) năm điều ngăn cấm: sát sinh (sát 殺), trộm cắp (đạo 盜), tà dâm (dâm 滛), nói xằng (vọng 妄), uống rượu (tửu 酒).
- (1920) xuất gia: 出家 từ giã nhà đi tu.