Menu Đóng

Chương 161

1921Áo xanh đổi lấy cà sa,
1922Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.
1923. Sớm khuya tính đủ dầu đèn,
1924Xuân Thu cắt sẵn hai tên hương trà.
1925. Nàng từ lánh dấu vườn hoa,
1926. Dường gần rừng tía dường xa bụi hồng.
1927Nhân duyên đâu lại còn mong,
1928Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi.
1929Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
1930. Ngày pho thủ tự đêm nồi tâm hương.
1931. Cho hay giọt nước cành dương,
1932Lò lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.

Chú giải

  • (1921) áo xanh: áo mặc màu xanh của những tì nữ, con hầu. Xem chú giải (1745) thanh y.
  • (1921) cà sa (tiếng Phạm: kaṣāya) áo mặc của người xuất gia. Giới luật Phật giáo quy định: Người xuất gia không được dùng năm chính sắc (đỏ, vàng, xanh, trắng, đen), may áo bằng nhiều mảnh vải đủ màu sắc ghép lại.
  • (1922) pháp danh tên trong Phật pháp, (…) khác với tên người thế tục (tục danh). Người được trao cho Pháp danh trong Phật giáo chứng tỏ rằng người ấy đã là đệ tử xuất gia hoặc tại gia của đức Phật, sống theo nếp sống đạo hạnh, đúng với lời dạy của đức Phật (Phật Quang Đại Từ Điển ).
  • (1922) Trạc Tuyền Thúc sinh nhận lời Hoạn thư chọn cho Thúy Kiều pháp danh là “Trạc Tuyền”.
  • (1924) hương trà thắp hương pha trà.
  • (1924) Xuân Thu cắt sẵn hai tên hương trà: Xuân Hoa  và Thu Nguyệt  là tên hai đứa hầu gái, lo việc thắp hương pha trà. § Nguyên truyện: Chúc tất, phân phó Xuân Hoa, Thu Nguyệt đạo: Tả kinh phi đẳng nhàn sự, nhĩ nhị nhân tu phục thị ân cần. Trà hát thực dụng bất khả đoạn khuyết, hoán thủy thiêu hương, phanh trà tảo địa, câu nhĩ nhị nhân chức nhậm  (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 16) Hoạn thư khấn xong, quay ra dặn hai đứa hầu tên là Xuân Hoa và Thu Nguyệt: Viết kinh chẳng phải việc nhàn rỗi, hai đứa bay phải lo hầu hạ ân cần. Trà uống thức ăn không được thiếu hụt, thay nước thắp hương, nấu trà quét dọn, đều là phận sự của hai đứa bay.
  • (1925) lánh dấu vườn hoa: ra vườn hoa (ở gác Quan Âm) không ở trong nhà nữa. § Khảo dị: có bản chép là “lánh gót vườn hoa”.
  • (1926) rừng tía: tử lâm , tử trúc lâm  chỗ bồ tát Quan Thế Âm ở. § Ghi chú: ở đây nghĩa là cõi Phật.
  • (1926) bụi hồng: cõi đời, thế tục, trần tục. Xem chú giải (0250) bụi hồng.
  • (1927) nhân duyên (thuật ngữ Phật giáo) “nhân”  là nguyên nhân bên trong trực tiếp sinh ra kết quả; “duyên”  chỉ cho nguyên nhân gián tiếp giúp đỡ bên ngoài. Hết thảy vạn hữu đều do nhân duyên hòa hợp mà giả sinh, không có tự tính, đó chính là lí “nhân duyên tức không”  (Phật Quang Đại Từ Điển ). § Ghi chú: cả câu 1927 có thể hiểu theo nghĩa thông thường như sau: Kiều hết còn hy vọng hàn gắn lại duyên vợ chồng với Thúc sinh nữa.
  • (1928) khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi: (lược ngữ) Kiều chỉ mong không phải tủi thẹn với mặt phấn má hồng nữa.
  • (1929) Phật tiền: trước Phật đài.
  • (1929) Phật tiền thảm lấp sầu vùi: (đảo ngữ) những nỗi thảm sầu đều tiêu tan (bị vùi lấp) hết khi Kiều ở trước Phật đường.
  • (1930) pho thủ tự cuốn kinh Phật tự mình viết bằng tay. § Ghi chú: Kiều có phận sự chép kinh Phật ở Quan Âm các.
  • (1930) nồi tâm hương = hương thơm của lòng; nồi hương = bát hương lớn. § Người học Phật với tấm lòng chân thành cung kính thì tự cảm đến Phật, không khác gì đốt hương cúng dường Phật (Phật Quang Đại Từ Điển ). § 2 câu 1929-1930: ý gần sát với nguyên truyện: Kim chánh hảo kiền thành lục kinh bái Phật, dĩ tiêu nghiệt trái  (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 16) Bây giờ chính là lúc mình phải hết lòng chép kinh Phật lễ Phật để trả sạch nợ nghiệt chướng.
  • (1931) giọt nước cành dương: dương chi tịnh thủy  trong phép tu hành dùng cành dương nước sạch kính dâng bồ tát. ◇Pháp Uyển Châu Lâm Ngã kim dĩ cụ dương chi tịnh thủy, duy nguyện đại từ ai mẫn nhiếp thụ, nguyện cứu ngã ách (…) ngã kim khể thủ quy y phụng thỉnh (…) (Quyển thất tứ) Tôi nay cụ bị cành dương nước sạch, kính xin bậc đại từ thương xót nhiếp thụ, mong cứu tôi khỏi tai ách (…) tôi nay lạy sát đầu dưới đất đảnh lễ quy y phụng thỉnh.
  • (1932) lò lòng: cái lò trong lòng, cũng như “lửa lòng”, tức là “tâm hỏa”  = lửa trong lòng nóng nảy, phiền muộn, kích động, giận dữ, v.v. § Khảo dị: có bản viết là “lửa lòng”.
  • (1932) trần duyên tức 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì 6 trần là những chỗ mà tâm duyên theo, thường làm ô nhiễm tâm tính, nên gọi là “trần duyên” (Phật Quang Đại Từ Điển ).