Menu Đóng

Chương 237

2833Ruột tằm ngày một héo don,
2834Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
2835Thẩn thơ lúc tỉnh lúc mê,
2836Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao.
2837Xuân huyên lo sợ xiết bao,
2838Quá ra khi đến thế nào mà hay.
2839. Vội vàng sắm sửa chọn ngày,
2840Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng.
2841. Người yểu điệu kẻ văn chương,
2842. Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì,
2843. Tuy rằng vui chữ vu quy,
2844Vui này đã cất sầu kia được nào.

Chú giải

  • (2833) ruột tằm: (lược ngữ) tấm lòng Kim Trọng cũng như ruột con tằm nhả tơ.
  • (2833) héo don: “don” = khô héo, gầy mòn (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị); “héo don” = khô héo, gầy mòn. § Khảo dị: có bản ghi là “héo hon”: héo = úa, khô, tàn, queo; hon = bị làm cho nhỏ lại, teo tóp (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
  • (2834) tuyết sương tuyết và sương.
  • (2834) hao mòn mình ve: § 2 câu 2833-2834: (lược ngữ) Kim Trọng vì nhớ thương Kiều, ruột gan mỗi ngày một thêm ủ rũ khô héo như con tằm (nhả hết tơ), phải dãi dầu sương tuyết đi thăm dò tin tức về Kiều nên gầy gò như con ve (vào mùa sương lạnh thì yếu dần rồi chết).
  • (2835) thẩn thơ: thẫn thờ, bần thần, đờ đẫn, lờ đờ, lừ đừ, bơ thờ (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
  • (2836) máu theo nước mắt: vì đau thương quá mà khóc ra nước mắt lẫn máu. Điển cố: Nàng Tiết Linh Vân  từ biệt cha mẹ vào làm cung phi của Ngụy Văn Đế , khóc chảy nước mắt đỏ như máu. Xem chú giải (0762) giọt hồng.
  • (2836) hồn lìa: thần hồn lìa khỏi xác. # chữ nôm “hồn” khắc sai thành  (khối). Chữ đúng: “hồn”  (hồn).
  • (2836) chiêm bao: nằm mơ; ngó thấy sự gì trong khi ngủ. Xem chú giải (0214) chiêm bao. § “hồn lìa chiêm bao” = (lược ngữ) Kim Trọng nằm chiêm bao, thần hồn lìa khỏi xác.
  • (2837) xuân huyên: chỉ cha và mẹ (ở đây tức là ông bà Vương viên ngoại). Xem chú giải (0673) xuân huyên.
  • (2837) xiết bao: kể làm sao hết, làm sao cho xuể. Xem chú giải (0073) xiết.
  • (2838) quá ra khi đến thế nào mà hay: (lược ngữ) 2 câu 2837-2838: ông bà Vương viên ngoại hết sức lo sợ thấy Kim Trọng đau thương quá sức như vậy, nếu có mệnh hệ gì thì biết làm sao.
  • (2839) chọn ngày: trạch nhật  chọn ngày lành.
  • (2840) duyên Vân: Thúy Vân thay chị kết hôn với Kim Trọng. § Làm đúng theo lời Kiều dặn khi xưa. Xem lại: Ngày xuân em hãy còn dài, Xót tình máu mủ thay lời nước non (câu 0731-0732).
  • (2840) xe dây: kết duyên vợ chồng. Xem chú giải (0540) trao tơ.
  • (2841) yểu điệu: thùy mị dịu dàng. Thi Kinh Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu  (Chu nam , Quan thư ) Gái hiền yểu điệu, Xứng đôi với người quân tử.
  • (2841) văn chương có học thức.
  • (2843) vu quy: con gái về nhà chồng. Xem chú giải (0651) vu quy. # chữ nôm khắc sai là “thủ quy” thay vì “vu quy”. § 2 chữ “vu quy” không thích hợp để nói về Kim Trọng. Nhà chú giải Đàm Duy Tạo (viethocjournal.com/kim-van-kieu-dinh-giai-chuong-27/) ghi là “vu phi” . Thi Kinh Phụng hoàng vu phi  (Đại nhã , Quyển a ) Chim phượng (con trống) và chim hoàng (con mái) cùng bay. Tỉ dụ vợ chồng hòa mục, tương thân tương ái; thường dùng làm lời chúc tụng hôn nhân tốt đẹp.
  • (2844) vui này đã cất sầu kia được nào: (lược ngữ) niềm vui kết duyên cùng Thúy Vân không làm nhẹ bớt gánh nặng đau buồn vì chưa tìm lại được Thúy Kiều.