Menu Đóng

Chương 87

1033Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
1034Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
1035. Bốn bề bát ngát xa trông,
1036. Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
1037. Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
1038. Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
1039. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
1040Tin sương luống hãy rày trông mai chờ.
1041Bên trời góc bể bơ vơ,
1042Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
1043. Xót người tựa cửa hôm mai,
1044Quạt nồng đắp lạnh những ai đó giờ?

tranh lụa, Ngọc Mai (sinh năm 1951 tại Gia Định)
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Chú giải

  • (1033) trước lầu: chữ nôm “lầu” khắc là “sau”. Xin chọn ghi âm đọc theo bản quốc ngữ của Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim. Xem phần Khảo dị dưới đây trong câu 1034.
  • (1033) ngưng bích tên lầu. Có nghĩa là chỗ tụ họp màu xanh biếc của cây cối (theo Đào Duy Anh). # chữ nôm khắc là  không đúng. Chữ đúng: “ngưng” .
  • (1033) khóa xuân: (đảo ngữ) Kiều bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích. Xem chú giải (0156) khóa xuân.
  • (1034) vẻ: # chữ nôm khắc ⿰ có thể đọc là “vết”, “vệt”, “vượt”… Xin chọn ghi âm đọc “vẻ” (theo bản quốc ngữ của Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim). § Khảo dị: 9 bản (trên 10 bản tổng cộng) trong sách Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh thị đến bản Kiều Oánh Mậu của Nguyễn Tài Cẩn (Nxb Văn Học, 2004) đều ghi là: “Trước sau Ngưng Bích khóa xuân, Vệt non xa tấm trăng gần ở chung” (câu 1033-1034). Góp ý: theo cảm nhận riêng, chữ “sau” không nói rõ Ngưng Bích là tên một ngôi “lầu”, âm điệu không được thâm trầm, hơn nữa 2 chữ “trước sau” mô tả phương hướng quan sát không tự nhiên cho lắm. Kể cũng lạ, 2 câu thơ này (bản quốc ngữ của Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim) được dạy trong trường trung học cũng gần trăm năm, đã trở thành quen thuộc với bao tầng lớp nhân dân, đọc trên hàng chục trang web bây giờ, vậy mà chỉ trên những trang “học giả” mới gặp cách đọc khác như đã ghi trong sách khảo dị của Nguyễn Tài Cẩn (cf. supra).
  • (1036) bụi hồng: bụi bặm, trần ai. Xem chú giải (0250) bụi hồng.
  • (1039) chén đồng: chén rượu thề nguyền đồng tâm.
  • (1040) tin sương: xem chú giải (0622) tin sương.
  • (1040) luống: uổng, mất không. Xem chú giải (0464) luống.
  • (1040) rày trông mai chờ: xem chú giải (0313) rày. Ghi chú: cả câu 1040 ý nói: Kiều mong chờ tin tức (về Kim Trọng) từ ngày này qua ngày khác, nhưng chỉ uổng công thôi.
  • (1041) bên trời góc bể: thiên nhai hải giác . # chữ nôm  có thể đọc là “bên”, “ven”. Xin chọn ghi âm đọc “bên trời” theo nhiều bản quốc ngữ phổ biến khác. § Khảo dị: Nguyễn Hữu Vinh đề nghị ghi là “ven trời”.
  • (1041) bơ vơ: một mình, không có ai giúp đỡ, không có chỗ nương tựa.
  • (1042) tấm son: đan tâm  tấm lòng son, lòng trung không bao giờ thay đổi.
  • (1043) tựa cửa hôm mai: chỉ cha mẹ mong con. Chiến quốc sách Nhữ triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng; nhữ mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng  (Tề sách lục ) Con sớm ra đi mà chiều trở về, thì ta tựa cửa mà trông; chiều ra đi mà không về, thì ta tựa cửa mà ngóng.
  • (1044) quạt nồng đắp lạnh: đông ôn hạ sảnh . Lễ Kí Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh  (Khúc lễ thượng ) Phàm đạo làm con, khi trời mùa đông lạnh thì làm cho cha mẹ ấm áp, khi trời mùa hè nóng thì làm cho cha mẹ mát mẻ; sớm tối chầu chực hỏi han cha mẹ.