0265. Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
0266. Xăm xăm đè nẻo lam kiều lần sang.
0267. Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
0268. Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.
0269. Lơ thơ tơ liễu buông mành,
0270. Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
0271. Mấy lần cửa đóng then cài,
0272. Dẫy thềm hoa rụng biết người ở đâu.
0273. Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
0274. Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.
0275. Là nhà ngô việt thương gia,
0276. Buồng không để đó người xa chưa về.
0266. Xăm xăm đè nẻo lam kiều lần sang.
0267. Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
0268. Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.
0269. Lơ thơ tơ liễu buông mành,
0270. Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
0271. Mấy lần cửa đóng then cài,
0272. Dẫy thềm hoa rụng biết người ở đâu.
0273. Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
0274. Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.
0275. Là nhà ngô việt thương gia,
0276. Buồng không để đó người xa chưa về.
Chú giải
- (0266) xăm xăm: chỉ nhắm vào hay làm gì, chú ý, quyết tâm (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
- (0266) đè: nhắm đường đi, băng qua. Xem chú giải (0123) đè.
- (0266) lam kiều: Tương truyền đời Đường, Bùi Hàng 裴航 hỏng thi, đi qua trạm Lam Kiều 藍橋, gặp nàng Vân Anh 雲英 ở đây. Bà mẹ nàng bảo hễ có cái chày giã thuốc bằng ngọc đem lại kháp vừa cái cối ngọc thì gả con gái cho. Về sau Bùi Hàng lấy được Vân Anh và hai người đều thành tiên (Thái bình quảng kí 太平廣記, Quyển ngũ thập, Bùi Hàng). Trong câu thơ này, lam kiều chỉ nơi có người đẹp ở.
- (0268) lá thắm: lá đỏ. Ý nói nhân duyên tốt đẹp. Có nhiều thuyết tương tự. Chẳng hạn: Đời Hi Tông 僖宗, cung nữ Hàn Thị 韓氏 lấy lá đỏ viết một bài thơ đem thả theo dòng nước trôi ra ngoài. Vu Hựu 于祐 bắt được, lại đề một bài thơ để trôi ngược vào trong cung. Hàn Thị nhặt được lá đỏ có đề thơ đó. Về sau vua thải ba ngàn cung nữ. Vu Hựu lấy được Hàn Thị (Lưu Phủ 劉斧, Thanh tỏa cao nghị 青瑣高議, Lưu hồng kí 流紅記).
- (0268) chim xanh: thanh điểu 青鳥 chim thần sứ giả của Tây Vương Mẫu. Lí Thương Ẩn 李商隱: Bồng lai thử khứ vô đa lộ, Thanh điểu ân cần vị thám khan 蓬萊此去無多路, 青鳥殷勤為探看 (Vô đề 無題) Muốn tới Bồng Lai nhưng không có nhiều lối, Nhờ chim xanh vì ta ân cần thăm dò.
- (0270) mỉa mai: (tiếng Mường: mỉ môi) nói xấu, nói bóng gió về chuyện xấu kẻ khác, chế giễu (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt). Ghi chú: Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1896), “mỉa mai” = mường tượng, gần giống, không khác bao nhiêu. Do đó, còn có một cách hiểu khác cho câu thơ 0270: Con oanh học nói và đã nói nghe gần như được tiếng người (tham khảo: Truyện Kiều Tập Chú, 1999). Về mặt từ ngữ, hai cách hiểu đều chấp nhận được. Bây giờ xin chậm rãi đọc lại 4 câu thơ 0269-0272: Lơ thơ tơ liễu buông mành, Con oanh học nói trên cành mỉa mai. Mấy lần cửa đóng then cài, Dẫy thềm hoa rụng biết người ở đâu. Đây là tâm trạng của chàng Kim, vừa tìm tới nhà nàng Kiều, nhưng không được gặp mặt, trong lòng thất vọng, nghe chim oanh hót, hỏi chàng nghĩ ngợi gì, ngay khoảnh khắc đó? A, con chim học nói tiếng người đã nói gần được như tiếng người rồi ư? Hay là vì đang còn ưởng ưởng rầu rĩ, tưởng con chim hót như có ý chế giễu kẻ si tình? Theo thiển ý, phản ứng thứ hai có phần hợp lý tự nhiên hơn chứ? Đó cũng là cách giải thích của Đào Duy Anh, Văn Hòe, Nguyễn Thạch Giang, v.v.
- (0272) dẫy thềm: đầy thềm.
- (0275) ngô việt thương gia: 吳越商家 người đi buôn bán nay đây mai đó (theo Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim). Ngô, Việt là tên hai nước thời xưa.