Menu Đóng

Chương 22

0253Buồng văn hơi lạnh như đồng,
0254Trúc se ngọn thỏ tơ chùng phím loan.
0255Mành tương phất phất gió đàn,
0256Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
0257Ví chăng duyên nợ ba sinh,
0258. Làm chi đem giống khuynh thành trêu ngươi.
0259. Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
0260. Nhớ nơi kì ngộ vội dời chân đi.
0261. Một vùng cỏ mọc xanh rì,
0262. Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.
0263. Gió chiều như gợi cơn sầu,
0264Vi lau hiu hắt như màu khảy trêu.

Chú giải

  • (0253) buồng văn: văn phòng  = thư phòng, phòng đọc sách.
  • (0254) trúc se ngọn thỏ: quản bút làm bằng trúc, ngọn bút làm bằng lông thỏ (thố mao bút ), để lâu không viết nên bị khô. # chữ nôm “thỏ”  hoặc  ở đây khắc lầm thành chữ Hán “quỷ” .
  • (0254) chùng: lỏng, giãn, không căng nữa. # chữ nôm khắc là ⿰ (bộ Thủy+dụng) có thể đọc là “dùng”, “rùng”. Tạm ghi âm đọc theo bản Quan Văn Đường 1906 khắc là: “chùng” ⿰ (bộ Ti+trùng).
  • (0254) phím loan: phím đàn, bởi chữ loan giao . Đời Hán Vũ Đế, xứ Tây Hải dâng lên một thứ keo (giao) làm bằng mỡ chim loan, vua dùng để dán lại dây đàn bị đứt.
  • (0254) trúc se ngọn thỏ tơ chùng phím loan: (lược ngữ) Kim Trọng lâu ngày không dùng bút viết (ngọn làm bằng lông thỏ) nên ngọn bút khô se lại, cũng không gảy đàn nên dây đàn giãn ra không căng nữa.
  • (0255) mành tương: bởi chữ tương liêm , tức là rèm làm bằng tương phi trúc , một loại trúc đốm. Tương truyền, hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh ngày xưa khóc vua Thuấn ở trên bờ sông Tương , nước mắt rớt xuống cây trúc làm thành những vết lốm đốm, từ đó có giống ban trúc  hay tương phi trúc .
  • (0256) hương gây mùi nhớ: # chữ nôm thứ 2 khắc là: ⿰ (bộ Thủy+lai) =  (lai), có thể đọc là “lây” (nghĩa là “truyền sang”) hoặc “dây” (nghĩa là “dính vào”). Tạm ghi âm đọc theo bản Lâm Nọa Phu 1870 là: “gây” ⿰ (bộ Khẩu+cai).
  • (0256) trà khan giọng tình: “khan” = (1) khô, ráo; (2) thiếu, hiếm, ít có (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt). § cả câu 0256: (lược ngữ) Kim Trọng một mình uống trà thơm, nhớ tới nàng Kiều, nhưng chẳng thấy ý vị tình tứ gì cả. § Cũng mấy chữ đó: hương, mùi, nhớ… Đinh Hùng (1920-1967) đã viết ra một câu thơ đẹp: Nhớ hồn thảo mộc lẫn mùi hương (Đường vào tình sử, Liên tưởng). Hai chữ “thảo mộc” ở đây ám chỉ hoa sen, cũng là tên người “Liên”  trong nhan đề bài thơ của Đinh Hùng. Biết đâu Kim Trọng cũng uống trà sen và tơ tưởng tới nàng Kiều.
  • (0257) ví chăng: có 2 nghĩa: (1) ví bằng không, ví chẳng, nếu như không (hư vấn). Thí dụ: câu 0257 ở đây nghĩa là: (Kim Trọng) nếu không có duyên nợ với Thúy Kiều thì… (2) nếu như, nếu mà (câu giả thiết). Thí dụ trong 2 câu 1901-1902: Ví chăng có số giàu sang, Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.
  • (0257) duyên nợ ba sinh: duyên số đã định từ trước. Tương truyền vào đời Đường, Lí Nguyên  làm bạn với sư Viên Quan . Viên Quan lúc sắp chết hẹn với Lí Nguyên mười hai năm sau sẽ gặp lại nhau tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu. Lí Nguyên đúng hẹn đến trước chùa và thấy một mục đồng ca rằng: Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn, …, Thử thân tuy dị tính trường tồn , …, , nghĩa là: Ba đời trên đá ghi dấu tinh hồn cũ, …, Thân này dù khác nhưng bổn tính mãi còn. Lí Nguyên biết mục đồng chính là Viên Quan (Viên Giao , Cam trạch dao , Quyển ngũ , Viên Quan ).
  • (0258) giống: # chữ nôm khắc là “thói”  (thối). Nhiều bản phổ biến ghi là “thói” (khuynh thành). Lý do là vì phải kị húy tên “giống/chủng” của vua Gia Long theo lệnh 1803 (cf. Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, trang 450). Ở đây xin chọn ghi là “giống khuynh thành”.
  • (0258) khuynh thành: sắc đẹp tuyệt thế (có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành mất nước). Xem chú giải (0027) nghiêng nước nghiêng thành.
  • (0260) kì ngộ cuộc gặp gỡ lạ thường.
  • (0260) dời chân: # chữ nôm khắc là “dời gót”. Tạm ghi âm quốc ngữ là “dời chân” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (0264) vi lau: lô vĩ  cỏ lau, sậy, thường mọc ở bờ nước. Khảo dị: có bản ghi là: “vi lô”.
  • (0264) hiu hắt: (hiu = nhỏ, nhẹ, ít, yếu, không nhiều); (hắt = nhỏ, kém, yếu, giảm sút, bớt, nhẹ, dịu đi). Thí dụ: gió hiu hắt (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
  • (0264) khảy: (tiếng Khmer: khay = nạy, cạy, khoét, xoi, đào); (tiếng Lào: khảy = mở ra); (tiếng Thái: khảy, cạy) làm cho bật ra, nạy ra, mở ra, cạy ra, khoét, xoi, đào, bới (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
  • (0264) khảy trêu: § Khảo dị: “cới trêu” = trêu ghẹo, giễu cợt. Xem “trêu” (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
  • (0264) vi lau hiu hắt như màu khảy trêu: 2 câu 0263-0264: (lược ngữ) trời chiều gió thổi nhẹ, mấy cành lau lay lắt một màu ảm đạm, xui người buồn bã thê lương. § Xem thêm mấy câu thơ trong đoạn sau (mô tả chuyến đi của Kiều theo Mã Giám sinh đến Lâm Tri): Vi lau san sát hơi may, Một trời thu để riêng ai một người. Dặm khuya ngất tạnh mù khơi, Thấy trăng mà thẹn những lời non sông. Rừng thu từng biếc chen hồng, Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn (câu 0913-0918).