Menu Đóng

Chương 159

1897Diện tiền trình với tiểu thư,
1898Thoạt xem dường có ngẩn ngơ chút tình.
1899. Liền tay trao lại Thúc sinh,
1900. Rằng: Tài nên trọng mà tình nên thương.
1901Ví chăng có số giàu sang,
1902. Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.
1903Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
1904Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời.
1905. Sinh rằng: Thật có như lời,
1906Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay.
1907. Nghìn xưa âu cũng thế này,
1908Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa.

Chú giải

  • (1897) diện tiền trước mặt.
  • (1897) tiểu thư: xem chú giải (1557) tiểu thư.
  • (1898) thoạt xem: (lược ngữ) Hoạn thư thoạt xem tờ trình của Thúy Kiều.
  • (1898) ngẩn ngơ: ngơ ngác, không hiểu gì, kinh ngạc, ngạc nhiên. Xem chú giải (0302) ngẩn ngơ.
  • (1901) ví chăng: nếu như mà, giá như (câu giả thiết). Xem chú giải (0257) ví chăng.
  • (1902) nhà vàng: kim ốc . Điển cố: Hán Vũ Đế khi còn nhỏ tuổi, có nói: Nhược đắc A Kiều tác phụ, đương tác kim ốc trữ chi dã  (Hán Vũ Đế cố sự ) Nếu được lấy A Kiều làm vợ, sẽ làm nhà vàng cho nàng ở. Cả câu 1902 Hoạn thư ý nói Kiều xứng đáng có người đúc nhà vàng cho ở, tức là hết mực khen ngợi tài sắc Thúy Kiều.
  • (1903) bể trần: trần hải  trần thế mang mang, cõi đời bao la. Tào Dần Yên ba tình diệc đạm, Trần hải lộ thường hu  (Dẫn kính tạ khách ) Khói sóng tình đạm bạc, Cõi đời mênh mang, đường đời nhiều quanh co khúc khuỷu.
  • (1903) thuyền quyên: người đẹp, gái đẹp; cũng chỉ chung đàn bà, con gái. Xem chú giải (0819) thuyền quyên.
  • (1904) hữu tài có tài năng.
  • (1904) vô duyên không có duyên phận. § Nguyên truyện: “hữu tài vô mệnh”  có tài không có số.
  • (1906) hồng nhan: má hồng, chỉ người đẹp. Xem chú giải (0065) hồng nhan.
  • (1906) bạc mệnh: số mạng mỏng manh, nghĩa là không tốt. Xem chú giải (0034) bạc mệnh.
  • (1906) vay: sao, hay sao, như thế sao, có phải như vậy chăng. Xem chú giải (1882) vay.
  • (1907) âu cũng: ắt là cũng, có lẽ cũng. Xem chú giải (0282) âu.
  • (1908) từ bi (1) Theo thuật ngữ Phật giáo, từ  = đem lại an lạc cho chúng sinh; bi  = dứt trừ hết những thống khổ cho chúng sinh. Trí độ luận Đại từ dữ nhất thiết chúng sanh lạc, đại bi bạt nhất thiết chúng sanh khổ  (Thích sơ phẩm trung , Đại từ đại bi nghĩa ) Đại từ là vui với tất cả những vui sướng của chúng sinh, đại bi là dứt trừ tất cả những thống khổ của chúng sinh. (2) Trong cách nói thông thường, “từ bi” nghĩa là lòng thương xót, lân mẫn. § Lời Thúc sinh ở đây có ý mong mỏi Hoạn thư hãy biết thương xót Kiều và đối xử bớt khắt khe tàn nhẫn với nàng thì hơn. # chữ nôm khắc là “bi từ”. Tạm ghi âm đọc là “từ bi” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1908) âu liệu: có lẽ hãy nên, có lẽ nên liệu mà. Xem chú giải (0282) âu.