1873. Bây giờ mới rõ tăm hơi,
1874. Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen.
1875. Chước đâu ghẽ thúy chia uyên,
1876. Ai ra đường nấy ai nhìn được ai.
1877. Bây giờ một vực một trời,
1878. Hết điều khinh trọng hết lời thị phi.
1879. Nhẹ như bấc nặng như chì,
1880. Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên?
1881. Lỡ làng chút phận thuyền quyên,
1882. Bể sâu sóng cả có tuyền được vay?
1883. Một mình âm ỉ đêm chầy,
1884. Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh.
1874. Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen.
1875. Chước đâu ghẽ thúy chia uyên,
1876. Ai ra đường nấy ai nhìn được ai.
1877. Bây giờ một vực một trời,
1878. Hết điều khinh trọng hết lời thị phi.
1879. Nhẹ như bấc nặng như chì,
1880. Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên?
1881. Lỡ làng chút phận thuyền quyên,
1882. Bể sâu sóng cả có tuyền được vay?
1883. Một mình âm ỉ đêm chầy,
1884. Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh.
Chú giải
- (1873) tăm hơi: cá thở hơi dưới nước mà có tăm; nghĩa bóng: tin tức, âm hao. Xem chú giải (1482) tăm hơi.
- (1874) máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen: Kiều hiểu ra rằng lòng ghen tuông của Hoạn thư quả thực ghê gớm khác thường.
- (1875) chước: mưu mẹo, mánh lới, mưu kế. Xem chú giải (1110) chước.
- (1875) ghẽ thúy chia uyên: chữ nôm “ghẽ” 技 (kĩ) = phân rẽ, tách ra, rời xa; “phỉ thúy” 翡翠 và “uyên ương” 鴛鴦 là hai giống chim đi đâu cũng có đôi, không rời nhau; vì thế nên người xưa ví với vợ chồng hòa mục. § Ghi chú: “ghẽ thúy chia uyên” nghĩa là chia rẽ vợ chồng.
- (1876) ai ra đường nấy ai nhìn được ai: câu này ứng với mưu chước của Hoạn thư: Làm cho nhìn chẳng được nhau, Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên (1549-1550). # chữ nôm khắc là “Đã ra…”. Tạm ghi âm đọc là “Ai ra…” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1877) một vực một trời: vực sâu trời cao cách nhau rất xa.
- (1878) khinh trọng: 輕重 nặng và nhẹ; trên và dưới; sang và hèn; bà chủ và con hầu.
- (1878) thị phi: chê khen, bình luận. Xem chú giải (1016) thị phi.
- (1879) nhẹ như bấc nặng như chì: có cái thì rất nhẹ, có cái rất nặng. Ghi chú: người đọc không rõ là “những cái gì?/những người nào?”: thân phận Kiều bây giờ/mơ ước mai sau?; nhân duyên tan vỡ của Kiều và Thúc sinh/tình cảnh éo le giữa Kiều và Hoạn thư? Kiều và Thúc sinh? Kiều và Hoạn thư?
- (1880) gỡ cho ra nữa còn gì là duyên: duyên ở đây hẳn là “nhân duyên/tình duyên” giữa Kiều và Thúc sinh; người đọc tự hỏi: nhưng gỡ ra “cái gì” ở đây mà “duyên” lại đứt đoạn, không còn chi nữa?
- (1881) lỡ làng: bỏ mất, làm mất dịp, bỏ qua cơ hội, không kịp làm (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt). # chữ nôm khắc có thể đọc là “lỡ dường”. Tạm ghi âm đọc là “lỡ làng” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1881) thuyền quyên: người đẹp, gái đẹp; chỉ người con gái nói chung. Xem chú giải (0819) thuyền quyên.
- (1882) bể sâu sóng cả: biển sâu sóng lớn, chỉ cảnh vực nguy nan. Ghi chú: 2 câu 1881-1882 nói lên nỗi lòng u uất của một con người tài sắc nhưng mãi còn ray rứt trước một định mệnh đoạn trường: Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa (câu 0415-0416).
- (1882) tuyền: toàn, toàn vẹn, trọn vẹn.
- (1882) vay: sao, hay sao, như thế sao, có phải như vậy chăng (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
- (1883) âm ỉ: khuất, kín, nhỏ, nhẹ, kéo dài.
- (1883) chầy: dài, lâu, muộn. Xem chú giải (0217) chầy.
- (1884) năm canh: mỗi canh bằng hai giờ, một đêm có năm canh; “năm canh” nghĩa là suốt đêm. Xem chú giải (0217) canh. § Ghi chú cho cả đoạn 12 câu thơ: hoàn cảnh éo le của Thúy Kiều khiến nàng đau đớn ê chề, một mình cô đơn thổn thức suốt những đêm dài.