Menu Đóng

Chương 147

1753. Cũng là oan nghiệp chi đây,
1754Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng.
1755. Ở đây tai vách mạch dừng,
1756. Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
1757. Kẻo khi sấm sét bất kỳ,
1758. Con ong cái kiến kêu gì được oan.
1759. Nàng càng giọt ngọc như chan,
1760. Nỗi lòng no những bàn hoàn niềm tây:
1761Phong trần kiếp đã chịu đầy,
1762Lầm than lại có thứ này bằng hai.
1763Làm sao bạc chẳng vừa thôi,
1764Chằng chằng buộc mãi lấy người hồng nhan.

Chú giải

  • (1753) oan nghiệp (thuật ngữ Phật giáo) oán thù báo ứng do việc làm từ trước.
  • (1754) sa cơ: rơi vào cạm bẫy, rơi vào mưu cơ, mắc phải mưu mẹo. Xem chú giải (0482) sa.
  • (1754) chẳng dưng: nếu không có chuyện gì, chẳng phải khi không mà như thế. Xem chú giải (1164) không dưng.
  • (1755) tai vách mạch dừng: (“dừng”, cũng có nghĩa như “dứng” = nan để làm cốt vách (Việt Nam Tự Điển); “dừng” = những thanh tre dựng vào vách để trát vữa lên trên (theo Văn Hòe)) “tai vách” nghĩa là vách có tai; “mạch dừng” nghĩa là dừng có mạch hở. § Cả câu 1755: Mụ quản gia khuyên Kiều hãy cẩn thận giữ gìn lời ăn tiếng nói: ở đây có người nghe ngóng rình mò. # chú ý: chữ nôm  (lăng) có thể đọc âm là “rừng” hay “dừng”. Tương tự như chữ nôm  (dụng) có những âm nôm: “dùng”, “dụng” hay “rụng”.
  • (1756) người cũ: cố nhân  người quen biết cũ. Ghi chú: mụ quản gia dặn Kiều có thấy người quen cũ thì chớ có nhận ra, làm như không quen biết; “người cũ” ở đây ám chỉ Thúc sinh.
  • (1757) sấm sét: lôi đình  nghĩa bóng: giận dữ, thịnh nộ.
  • (1757) bất kỳ: không liệu trước, không ngờ. Xem chú giải (0616) bất kỳ. # chữ nôm “kỳ” khắc nhầm thành  (khi). Chữ đúng:  (kỳ).
  • (1759) giọt ngọc: châu lệ  nước mắt nhỏ xuống (giống như hạt ngọc). Lí Bạch Tương tư yểu như mộng, Châu lệ thấp la y  (Học cổ tư biên ) Tương tư mờ mịt như mộng mị, Nước mắt chảy thấm ướt áo là.
  • (1759) chan: rót đổ vào, tưới, rưới vào. Thí dụ: nước mắt chan hòa (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
  • (1760) no: đủ, đầy. Thí dụ: đã no (= đã chán, đã nhàm); no lòng chịu khó (= đã chịu khốn khó mọi bề) (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tome II, trang 149). § Khảo dị: có bản ghi là “luống” (thay vì “no”) trong câu 1760: Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây.
  • (1760) bàn hoàn bồi hồi, nghĩ quanh quẩn.
  • (1760) niềm tây: nỗi lòng riêng, ý riêng. Xem chú giải (0316) niềm tây.
  • (1761) phong trần: cuộc đời nhọc nhằn cực khổ. Xem chú giải (0986) phong trần.
  • (1762) lầm than: cực khổ, vất vả, nhọc nhằn (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
  • (1763) làm sao bạc chẳng vừa thôi: sao mà phận lại mỏng bạc quá thế. § Khảo dị: có bản chép là “phận sao bạc chẳng vừa thôi”.
  • (1764) chằng chằng: ràng rịt, thắt chặt lấy, cột chặt (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt). § Khảo dị: bản Lâm Nọa Phu 1870 ghi là “khăng khăng”. Ghi chú thêm: khăng khăng = khư khư, một mực, nhất quyết, cứ như vậy (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt)).
  • (1764) hồng nhan: má hồng, chỉ người đẹp. Xem chú giải (0065) hồng nhan.