Menu Đóng

Chương 117

1393. Thấy lời nghiêm huấn rành rành,
1394Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.
1395. Rằng: Con biết tội đã nhiều,
1396. Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam.
1397Trót vì tay đã nhúng chàm,
1398. Dại rồi còn biết khôn làm sao đây.
1399Cùng nhau vả tiếng một ngày,
1400Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành.
1401. Lượng trên quyết chẳng thương tình,
1402Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi.
1403. Thấy lời vàng đá tri tri,
1404Sốt gan ông mới cáo quỳ cửa công.

Chú giải

  • (1393) nghiêm huấn lời dạy bảo của cha. Tương tự: phụ huấn , phụ mệnh .
  • (1394) đánh liều: làm liều, lấy lòng can đảm ra liều mình làm. Xem chú giải (0328) liều.
  • (1395) tội: lầm lỗi, điều làm sai trái.
  • (1396) sấm sét búa rìu: cả câu ý nói trách phạt thế nào cũng chấp nhận — dù là sấm sét (chịu tội với trời) hay búa rìu (chịu tội với người, với luật pháp).
  • (1397) trót vì: # chữ nôm khắc là “xót vì”. Tạm ghi âm đọc là “trót vì” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1397) tay đã nhúng chàm: tay đã nhúng vào nước chàm thành vết nhơ không rửa sạch được nữa; nghĩa bóng là đã trót làm bậy không ăn năn kịp (theo Đào Duy Anh).
  • (1399) cùng nhau vả tiếng một ngày: (lược ngữ) vả lại đã mang tiếng ở với nhau dù chỉ một ngày (theo Đào Duy Anh). Tục ngữ ta có câu “Vợ chồng một ngày nên nghĩa” (theo Đàm Duy Tạo).
  • (1400) ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành: (lược ngữ) ôm đàn gảy ai mà đành lòng cắt đứt dây. Nghĩa bóng: đã lấy nhau rồi ai nỡ lòng nào dứt bỏ nhau. Xem chú giải (0556) chẳng ôm cầm thuyền ai.
  • (1402) bạc đen: lòng dạ đơn bạc, đổi trắng thay đen. § 2 câu 1401-1402: (lược ngữ) lượng trên (tức là Thúc ông) nếu không thương xót, thì Thúc sinh sống chết cũng liều, không chịu đối xử bạc bẽo với Kiều, nghĩa là nhất quyết không bỏ rơi Kiều.
  • (1403) vàng đá: tỉ dụ ý chí hoặc tình cảm vững bền không dời đổi. Xem chú giải (0422) vàng đá. § Khảo dị: bản Kiều Oánh Mậu 1902 ghi là “sắt đá”.
  • (1403) tri tri: trơ trơ, không thay đổi, không di chuyển, không nhúc nhích. Xem chú giải (0541) trơ trơ.
  • (1404) sốt gan: sốt ruột, bực tức.
  • (1404) cáo quỳ: quỳ kêu ở cửa quan. # chữ nôm khắc là “cáo tì”. Tạm ghi âm đọc là “cáo quỳ” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (1404) cửa công: sở quan, nha môn. Xem chú giải (1378) cửa công.