Menu Đóng

Chương 211

2521. Trơ như đá vững như đồng,
2522. Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời.
2523Quan quân truy sát đuổi dài,
2524Hầm hầm sát khí ngất trời ai đương.
2525Trong hào ngoài lũy tan hoang,
2526Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi.
2527. Trong vòng tên đá bời bời,
2528. Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
2529. Khóc rằng: Trí dũng có thừa,
2530. Bởi nghe lời thiếp đến cơ hội này.
2531. Mặt nào trông thấy nhau đây?
2532. Thà liều sống chết một ngày với nhau.

tranh lụa, Ngọc Mai (sinh năm 1951 tại Gia Định)
Trong vòng tên đá bời bời, Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ

Chú giải

  • (2522) chẳng: # chữ nôm khắc là “cho”  (chu). Tạm ghi âm đọc là “chẳng”  (trang) theo bản Duy Minh Thị 1872.
  • (2523) quan quân quân đội của triều đình.
  • (2523) truy sát đuổi theo giết chết.
  • (2524) hầm hầm: vẻ mặt giận dữ, tức tối. Xem chú giải (1134) hầm hầm. § Khảo dị: bản Duy Minh Thị 1872 ghi là “ù ù”.
  • (2524) sát khí: khí hậu (không khí, hơi khí, khung cảnh) đầy vẻ chém giết, chết chóc. Xem chú giải (2251) sát khí.
  • (2525) trong hào ngoài lũy: hào  = dòng nước bao quanh thành để bảo vệ thành; lũy  = tường chắn để che chở thành. Ghi chú: lũy hào trong ngoài đều đổ vỡ tan tành (câu 2525).
  • (2526) loạn quân đám quân sĩ mất trật tự, lộn xộn, rối loạn.
  • (2527) tên đá: thỉ thạch  tên và đá. Ngày xưa là vũ khí giữ thành.
  • (2527) bời bời: nhiều lắm, rất nhiều. Xem chú giải (0178) bời bời.
  • (2528) trơ trơ: không thay đổi, không di chuyển, không nhúc nhích. Xem chú giải (0541) trơ trơ.
  • (2529) trí dũng trí tuệ và dũng khí.
  • (2530) thiếp tiếng đàn bà con gái tự xưng (nhún mình).
  • (2530) cơ hội (1) then chốt, chỗ trọng yếu nhất; (2) dịp, đúng lúc; (3) cơ quan, bộ phận giăng bẫy, tròng. Ghi chú: theo văn mạch ở đây, “cơ hội” mang nghĩa gần như “cơ sự”, “sự thể”, “tình cảnh”, “nông nỗi”. Cũng có thể hiểu theo nghĩa (3): bởi vì Từ Hải đã nghe lời Kiều nên mới mắc vào bẫy của Hồ Tôn Hiến. Xem 2 chữ “sa cơ” trong câu 2516: Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.
  • (2532) liều: không sợ thiệt hại hay nguy hiểm, tỏ ra táo bạo, bạt mạng, bất kể, bất chấp hiểm nguy. Xem chú giải (0328) liều.
  • (2532) sống chết: # chữ nôm khắc là “sống thác”; “thác” ⿱ (thác/tử). Tạm ghi âm đọc là “sống chết”; “chết” ⿱ (chiết/tử) theo bản Duy Minh Thị 1872. § Câu 2532: Kiều vừa khóc vừa nói: “sống chết” có phần bình thường tự nhiên hơn.