1621. Phu nhân khen chước rất mầu,
1622. Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay.
1623. Sửa sang buồm gió lèo mây,
1624. Khuyển Ưng lại chọn một bầy côn quang.
1625. Dặn dò hết các mọi đường,
1626. Thuận phong một lá vượt sang bến Tề.
1627. Nàng từ chiếc bóng song the,
1628. Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
1629. Bóng dâu đã xế ngang đầu,
1630. Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi.
1631. Tóc thề đã chấm ngang vai,
1632. Nào lời non nước nào lời sắt son.
1622. Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay.
1623. Sửa sang buồm gió lèo mây,
1624. Khuyển Ưng lại chọn một bầy côn quang.
1625. Dặn dò hết các mọi đường,
1626. Thuận phong một lá vượt sang bến Tề.
1627. Nàng từ chiếc bóng song the,
1628. Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
1629. Bóng dâu đã xế ngang đầu,
1630. Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi.
1631. Tóc thề đã chấm ngang vai,
1632. Nào lời non nước nào lời sắt son.
Chú giải
- (1621) phu nhân: 夫人 tiếng tôn xưng vợ của những quan có tước phong. Ở đây chỉ mẹ của Hoạn thư, vợ quan Lại bộ Thượng thư.
- (1621) chước rất mầu: mưu kế mầu nhiệm, diệu kế.
- (1623) buồm gió lèo mây: buồm và dây cột buồm. § “Buồm gió lèo mây” ý nói thuyền đi nhanh như gió như mây. Xem thêm ghi chú chung trong chú giải (1408) sân hoa. # chữ nôm “buồm” khắc là ⿰巾光 (bộ Cân+quang), có thể đọc là “hoảng”, “khoang”. Tạm ghi âm đọc là “buồm” 帆 (phàm) theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1624) Khuyển Ưng: 犬鷹 hai tên gia nhân Hoạn thư sai đi bắt cóc Thúy Kiều ở Lâm Tri đem về Vô Tích.
- (1624) một bầy: # chữ nôm khắc là “một vài”. Tạm ghi âm đọc là “một bầy” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1624) côn quang: quang côn 光棍 kẻ vô lại, lưu manh.
- (1625) dặn dò: căn dặn, nhắc nhủ. Xem chú giải (1200) dặn dò.
- (1626) thuận phong: thuận gió.
- (1626) một lá: thuyền nhẹ, thuyền nhỏ (như một chiếc lá). Nguyễn Du 阮攸: Thiên địa thiên chu phù tự diệp 天地扁舟浮以葉 (Chu hành tức sự 舟行即事) Chiếc thuyền con như chiếc lá nổi giữa đất trời. Ghi chú: hiểu là “thuyền nhẹ thuyền nhỏ” ở đây có nghĩa tương đối, so với “biển rộng trời cao”. Theo hai câu 1623-1624 ở trước, thuyền “buồm gió lèo mây” chở được “một bầy côn quang”, và ở đoạn sau trong hai câu 1709-1710, Buồm cao lèo thẳng cánh suyền, Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang, — trên đường trở về Vô Tích sau khi bắt cóc được Thúy Kiều ở Lâm Tri —, thì thuyền của bọn Khuyển Ưng cũng không phải cỡ tầm thường.
- (1626) bến Tề: bến sông đất Tề 齊, tức là bến Lâm Tri. Ghi chú: Đời nhà Chu, nước Tề đóng đô ở đấy, nên gọi là bến Tề.
- (1627) chiếc bóng: một mình, lẻ loi. Xem chú giải (1523) chiếc bóng.
- (1627) song the: cửa sổ che màn làm bằng the. Xem chú giải (0249) song the.
- (1629) bóng dâu: mượn chỉ chiều tối; cũng dùng để ví với tuổi già xế bóng. Xem chú giải (1254) bóng dâu.
- (1630) biết đâu ấm lạnh: Lễ Kí 禮記: Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh 凡為人子之禮, 冬溫而夏凊, 昏定而晨省 (Khúc lễ thượng 曲禮上) Đạo làm con người ta, mùa đông giá lạnh chuẩn bị chăn đệm ấm áp cho cha mẹ, mùa hè nóng nực lo liệu giường chiếu mát mẻ cho cha mẹ, sớm tối chầu chực hỏi han cha mẹ. § 2 câu 1629-1630 ý nói: Kiều tưởng nhớ cha mẹ.
- (1631) tóc thề: tóc cắt khi nói lời thề ước. Xem chú giải (0448) tóc mây một ước dao vàng chia hai.
- (1631) ngang vai: # chữ nôm khắc là “quanh vai”. Tạm ghi âm đọc là “ngang vai” theo nhiều bản nôm khác.
- (1632) lời non nước: lời thốt chỉ non thề nước. Xem chú giải (0603) thệ hải minh sơn. # chữ nôm khắc là “người non nước”. Tạm ghi âm đọc là “lời non nước” theo nhiều bản nôm khác.
- (1632) lời sắt son: lời hẹn quả quyết lâu dài như ghi vào tờ ước bằng sắt (thiết khoán 鐵券) và viết bằng chữ son (đan thư 丹書). # chữ nôm khắc là “người sắt son”. Tạm ghi âm đọc là “lời sắt son” theo nhiều bản nôm khác.§ 2 câu 1631-1632 ý nói: (1) Kiều nhớ Kim Trọng (theo Tản Đà và Văn Hòe); (2) Kiều nhớ Thúc sinh (theo Phạm Kim Chi và Bùi Khánh Diễn).