Menu Đóng

Chương 132

1573. Chàng về xem ý tứ nhà,
1574Sự mình cũng rắp lân la giãi bày.
1575. Mấy phen cười nói tỉnh say,
1576. Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
1577. Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
1578. Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
1579. Những là e ấp dùng dằng,
1580Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi.
1581. Có khi vui chuyện mua cười,
1582Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu.
1583. Rằng: Trong ngọc đá vàng thau,
1584. Mười phần ta đã tin nhau cả mười.

Chú giải

  • (1573) ý tứ nhà: ý tứ Hoạn thư, điều Hoạn thư nghĩ ra sao và có ý định gì (về việc Thúc sinh có vợ lẽ).
  • (1574) sự mình: việc có vợ lẽ của mình (ý nghĩ riêng của Thúc sinh).
  • (1574) lân la: đến gần làm quen, lại gần, la cà, đi lảng vảng. Xem chú giải (0287) lân la.
  • (1576) sự tình: việc Thúc sinh có vợ lẽ. § Cả câu ý nói Thúc sinh không muốn động chạm chút nào về việc này.
  • (1577) bưng kín miệng bình: “thủ khẩu như bình”  ngậm miệng không nói hay nói năng cẩn thận như bưng miệng lọ.
  • (1579) e ấp: lo sợ, ngại ngùng, không quả quyết. Xem chú giải (1390) e ấp.
  • (1579) dùng dằng: do dự, không quyết, chưa dứt khoát. Xem chú giải (0133) dùng dằng.
  • (1580) rút dây sợ nữa động rừng: tục ngữ “rút dây động rừng”. Ý nói rút một sợi dây làm rung chuyển đến cả một khu rừng; nghĩa bóng: làm một việc dẫn đến ảnh hưởng, động chạm những việc khác có liên quan, rất nguy hiểm. § 2 câu 1579-1580: (lược ngữ) trước thái độ của Hoạn thư (có vẻ chưa hay biết việc chồng mình có vợ lẽ), Thúc sinh cứ lo sợ e ngại, do dự không quyết, định thú thực sự tình với vợ, nhưng lại thôi không dám nói nữa (vì sợ động chạm gây ra nhiều chuyện lôi thôi).
  • (1582) tiểu thư: tiếng gọi con gái nhà giàu sang phú quý. Xem chú giải (1557) tiểu thư.
  • (1582) những lời đâu đâu: # chữ nôm “lời” khắc là 調 (điều). Như vậy không hợp vần với câu 6 chữ ở trên. Tạm ghi theo bản Kiều Oánh Mậu 1902 là “những lời đâu đâu”.
  • (1583) ngọc đá: Lễ Kí Quân tử quý ngọc nhi tiện mân  (Ngọc tảo ) Người quân tử quý ngọc mà khinh đá mân (ý nói hiềm vì nó lẫn lộn với ngọc vậy).
  • (1583) vàng thau: ngạn ngữ “Thật vàng chẳng phải thau đâu, Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng”.
  • (1584) tin nhau cả mười: 2 câu 1583-1584: (lược ngữ) Hoạn thư ý nói đã biết phân biệt ngọc với đá, vàng với thau, thì vợ chồng tin nhau hoàn toàn, không bao giờ có bụng ngờ vực hay lừa dối lẫn nhau.