Menu Đóng

Chương 239

2857. Những là phiền muộn đêm ngày,
2858. Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?
2859Chế khoa gặp hội tràng văn.
2860. Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.
2861Cửa trời rộng mở đường mây,
2862. Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần.
2863. Chàng Vương nhớ đến xa gần,
2864. Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền.
2865. Tình xưa ân trả nghĩa đền,
2866Gia thân bèn mới kết duyên Châu Trần.
2867Kim từ nhẹ bước thanh vân,
2868Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương.

Chú giải

  • (2859) chế khoa khoa thi đặc biệt do ý vua đặc định, gọi là chế cử khoa . Gọi tắt là chế cử  hoặc chế khoa .
  • (2859) tràng văn: văn trường  trường thi, nơi khảo thí, khảo trường.
  • (2860) bảng xuân: xuân bảng  bảng ghi tên những người thi đậu tiến sĩ. Vì kết quả công bố vào mùa xuân, nên gọi là xuân bảng .
  • (2861) cửa trời: thiên môn  cửa hoàng cung, cửa cung vua.
  • (2861) đường mây: vân lộ  đường công danh, ra làm quan, đạt được tước vị cao. Xem chú giải (2478) thanh vân.
  • (2862) ngõ hạnh: tức Hạnh Viên  ở kinh đô Tràng An. Đời nhà Đường các tân khoa tiến sĩ được dự tiệc và xem hoa ở đây.
  • (2862) dặm phần: đường về quê nhà; đường về làng. Xem chú giải (2235) phần. Cả câu 2862: Kim Trọng và Vương Quan chiếm được bảng vàng, tiếng thơm bay khắp quê nhà.
  • (2864) Chung lão: ông già họ Chung, làm chức lại, ngày trước đã giúp đỡ lo lót với nha dịch để cứu cha con Vương viên ngoại khỏi tội. Xem lại: Họ Chung có kẻ lại già, Cũng trong nha dịch lại là từ tâm. Thấy nàng hiếu trọng tình thâm, Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay. Tính bài lót đó luồn đây, Có ba trăm lạng việc này mới xuôi (câu 0607-0612).
  • (2864) tạ ân: bày tỏ lòng cảm tạ đối với ân huệ của người khác. Xem chú giải (2421) tạ ân.
  • (2864) chu tuyền: chu toàn  giúp đỡ; lo liệu chu đáo.
  • (2866) gia thân thêm thân, thân gần hơn nữa. Ghi chú: Chung lão gả con gái cho Vương Quan cho tình thêm thân giữa hai gia đình. Ghi chú: trong câu 2866 # chữ nôm khắc là “lúc mới”. Tạm ghi âm đọc là “bèn mới” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (2866) Châu Trần: (hôn nhân) vô cùng tốt đẹp (nghĩa bóng). Xem chú giải (1458) Châu Trần. Xem lại (lời quan phủ chủ trì hôn lễ cho Thúc sinh và Thúy Kiều): Thật là tài tử giai nhân, Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn? (câu 1457-1458).
  • (2867) thanh vân: đường công danh, đường ra làm quan có tước vị. Xem chú giải (2478) thanh vân. § bản chữ nôm trong câu 2867 khắc là “chàng càng” thay vì “Kim từ”. Tạm ghi âm đọc là “Kim từ” (rõ nghĩa hơn: vì trong đoạn này nói về 2 chàng là Vương Quan và Kim Trọng) theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (2868) nỗi nàng: # chữ nôm khắc là “nỗi chàng”. Tạm ghi âm đọc là “nỗi nàng” (hợp nghĩa hơn: vì trong câu này nói về tình cảnh thân phận lưu lạc của Kiều).