1081. Mảnh tiên kể hết xa gần,
1082. Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.
1083. Tan sương vừa rạng ngày mai,
1084. Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang.
1085. Trời tây lãng đãng bóng vàng,
1086. Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi.
1087. Mở xem một bức tiên mai,
1088. Rành rành “tích việt” có hai chữ đề.
1089. Lấy trong ý tứ mà suy:
1090. Ngày hai mươi mốt tuất thì phải chăng?
1091. Chim hôm thoi thót về rừng,
1092. Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành.
1082. Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.
1083. Tan sương vừa rạng ngày mai,
1084. Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang.
1085. Trời tây lãng đãng bóng vàng,
1086. Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi.
1087. Mở xem một bức tiên mai,
1088. Rành rành “tích việt” có hai chữ đề.
1089. Lấy trong ý tứ mà suy:
1090. Ngày hai mươi mốt tuất thì phải chăng?
1091. Chim hôm thoi thót về rừng,
1092. Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành.
hình Internet
Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành
Chú giải
- (1081) mảnh tiên: tờ hoa tiên 花箋 loại giấy đẹp có vẽ hoa dùng để viết thơ từ.
- (1083) sương: # chữ nôm khắc không đúng nét. Chữ đúng: 霜 (sương).
- (1084) tiện hồng: 便鴻 tiện nhờ người đưa thư; hồng 鴻 là con nhạn như loài én trời; “hồng” mượn chỉ thư từ. Xem thêm chú giải (0945) tin nhạn.
- (1085) lãng đãng: mập mờ, không rõ. Xem chú giải (0190) lãng đãng.
- (1086) phục thư: 復書 viết thư trả lời.
- (1087) tiên mai: do chữ mai tiên 梅箋. Một loại giấy đẹp có vẽ hoa mai, dùng để chép thơ, viết thư từ… Cũng gọi là thi tiên 詩箋, tín tiên 信箋.
- (1088) tích việt: 昔越. Nguyên truyện: Thượng hữu “tích việt” nhị tự. (…) Tha ước ngã nhị thập nhất nhật tuất thì việt tường tương kiến 上有「昔越」二字(…)他約我二十一日戌時越牆相見 (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 10) Trên lá thư có hai chữ “tích việt”. (…) (Sở khanh) hẹn ngày 21 giờ tuất trèo qua tường gặp nhau.
- (1091) hôm: đêm, ban đêm, buổi tối. Thí dụ: sớm hôm, đầu hôm sớm mai (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
- (1091) thoi thót: (thoi = yếu, nhẹ, kém, giảm sút); (thót = bị kéo lên, rút lên cao, co lại); (thóp = không đủ không khí). Thí dụ: thót bụng, giật thót người (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt). Ghi chú: (1) Nếu hiểu “thoi thót” như “thoi thóp” = thở rất yếu nơi lồng ngực (theo Từ điển nguồn gốc tiếng Việt), thì cả câu 1091 có nghĩa như sau: lúc chiều tối, chim bay yếu ớt về rừng. (2) Nếu hiểu theo Văn Hòe, câu này có nghĩa như sau: về buổi chiều, chim chóc bay lẹ làng vội vã về tổ (Truyện Kiều Chú giải, trang 292). § Khảo dị: có đề nghị ghi âm đọc là “thôi thoát”.
- (1092) giá trà mi: giàn hoa trà mi. Xem chú giải (0845) trà mi. § Khảo dị: có nhiều bản ghi là “đóa trà mi”. Chữ nôm “đóa” 朶 (đóa) rất dễ lầm với chữ “giá” 架 (giá). Viết “giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành” (câu 1092) có phần hợp nghĩa hơn là “đóa trà mi…”
- (1092) đã: # chữ nôm khắc là “dã ngậm”. Tạm ghi âm đọc là “đã ngậm” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1092) ngậm trăng nửa vành: # chữ nôm “vành” 萌 (manh), thường đọc là “mành”. Nhưng quan hệ m/v trong tiếng Việt có trong thực tế (thí dụ: vời/mời, vụn/mụn, cầu vồng/cái mống…). Do đó âm “mành” có thể đọc là “vành” (Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, trang 508). § Khảo dị: bản Quan Văn Đường 1906 khắc chữ nôm “vành” là: ⿰釒荣 (bộ Kim+vinh). Như vậy, câu 1092 càng rõ nghĩa hơn: giàn hoa trà mi che mất một nửa vầng trăng mới lên.