1609. Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen,
1610. Xấu chàng mà có ai khen chi mình.
1611. Vậy nên ngảnh mặt làm thinh,
1612. Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày.
1613. Lâm Tri đường bộ tháng chầy,
1614. Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
1615. Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
1616. Hãy đem dây thắm buộc chân nàng về.
1617. Làm cho cho mệt cho mê,
1618. Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
1619. Trước cho bõ ghét những người,
1620. Sau cho để một tiếng cười về sau.
1610. Xấu chàng mà có ai khen chi mình.
1611. Vậy nên ngảnh mặt làm thinh,
1612. Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày.
1613. Lâm Tri đường bộ tháng chầy,
1614. Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
1615. Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
1616. Hãy đem dây thắm buộc chân nàng về.
1617. Làm cho cho mệt cho mê,
1618. Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
1619. Trước cho bõ ghét những người,
1620. Sau cho để một tiếng cười về sau.
Vô Tích – Lâm Tri:
Lâm Tri đường bộ tháng chầy, Mà đường hải đạo sang ngay thì gần
Chú giải
- (1609) ngứa ghẻ hờn ghen: tục ngữ: “Ngứa như ngứa ghẻ, đòn như đòn ghen”. Hờn ghen quá làm cho ngứa ngáy như bị bệnh ghẻ, chỉ muốn cào muốn xé. # chữ nôm khắc là “giận ghẻ hờn ghen”. Tạm ghi âm đọc là “ngứa ghẻ hờn ghen” theo nhiều bản nôm phổ biến khác. § Khảo dị: bản Duy Minh Thị 1872 ghi là “giận lẩy hờn ghen”.
- (1610) xấu chàng: tục ngữ: “xấu chàng hổ ai”, nghĩa là chồng xấu mặt thì vợ cũng hổ ngươi.
- (1612) rắp ranh: chuẩn bị sẵn sàng.
- (1613) Lâm Tri: tên huyện thuộc tỉnh Sơn Đông, Thúc sinh đang theo đường bộ về đó thăm cha; Thúy Kiều ở gần nhà Thúc ông ở Lâm Tri. Xem chú giải (0920) Lâm Tri.
- (1613) chầy: dài, lâu, muộn. Xem chú giải (0217) chầy.
- (1614) hải đạo: 海道 đường bể. Nguyên truyện: Lâm Tri nãi hải Đại chi bang, nhược năng duyên hải nhi khứ, bất dụng thập nhật khả vãng phản hĩ 臨淄乃海岱之邦, 若能沿海而去, 不用十日可往返矣 (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 13) Lâm Tri là vùng biển bên núi Đại (tức núi Thái Sơn), nếu theo đường bể mà đi, không đến mười ngày có thể đi về được một chuyến.
- (1615) gia nhân: 家人 người nhà; tôi tớ, bộc dịch.
- (1616) dây thắm: § có bản nôm ghi là “dây xích”.
- (1617) mệt: # chữ nôm khắc là “dại”: ⿸疒曳 (bộ Nạch+duệ), rất dễ lầm với chữ “mệt”: 疒⿸蔑 (bộ Nạch+miệt). § Tạm ghi âm đọc là “mệt” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1618) ê chề: ê = chê, cười, chế nhạo; ê chề = (nghĩa đen) ê mặt, bị xấu hổ; (nghĩa bóng) đau khổ, nhục nhã (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt). # chữ nôm khắc là “ê tòng”. § Tạm ghi âm đọc là “ê chề” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1620) tiếng cười: § Khảo dị: bản Duy Minh Thị 1872 ghi là “trò cười”.