2353. Kíp truyền chư tướng hiến phù,
2354. Lại đem các tích phạm đồ hậu tra.
2355. Dưới cờ gươm tuốt hộp ra,
2356. Chính danh thủ phạm tên là Hoạn thư.
2357. Thoạt trông nàng đã chào thưa:
2358. Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?
2359. Đàn bà dễ có mấy tay,
2360. Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?
2361. Dẽ dàng là thói hồng nhan,
2362. Càng cay ngặt lắm càng oan trái nhiều.
2363. Hoạn thư phách lạc hồn xiêu,
2364. Khấu đầu dưới trướng giở điều kêu ca.
2354. Lại đem các tích phạm đồ hậu tra.
2355. Dưới cờ gươm tuốt hộp ra,
2356. Chính danh thủ phạm tên là Hoạn thư.
2357. Thoạt trông nàng đã chào thưa:
2358. Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?
2359. Đàn bà dễ có mấy tay,
2360. Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?
2361. Dẽ dàng là thói hồng nhan,
2362. Càng cay ngặt lắm càng oan trái nhiều.
2363. Hoạn thư phách lạc hồn xiêu,
2364. Khấu đầu dưới trướng giở điều kêu ca.
Chú giải
- (2353) kíp: gấp, vội. Xem chú giải (0428) kíp.
- (2353) hiến phù: 獻俘 nghi lễ ngày xưa, khi quân chiến thắng trở về, đem tù binh đã bắt sống được dâng lên tông miếu, để bày tỏ chiến công. Cũng có nghĩa là đem dâng nộp những người đã bắt được. Ghi chú: (lược ngữ) mau truyền lệnh cho các tướng dẫn các người phạm tội vào để xét xử (câu 2353).
- (2354) tích: 跡 điều mục, hạng khoản, sự việc (trong một hồ sơ, vụ xử án, v.v.).
- (2354) phạm đồ: 犯徒 bọn can phạm, lũ phạm tội.
- (2354) hậu tra: 候查 chờ để tra hỏi. Tương tự: đãi tra 待查.
- (2355) cờ: # chữ nôm khắc giống chữ 姐 (thư). Tạm ghi là “cờ” 旗 (kì) theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (2355) gươm tuốt hộp ra: gươm rút ra khỏi vỏ. § Khảo dị: bản Duy Minh Thị 1872 ghi là: “gươm tuốt mai ra”; “mai” 埋 (mai) nghĩa như trong “mai (rùa)”, tức là “cái vỏ”, “cái hộp”.
- (2356) thủ phạm: 首犯 người phạm tội chính, kẻ đứng đầu những người phạm tội. Tương tự: chính phạm 正犯, chủ phạm 主犯.
- (2356) Hoạn thư: vợ cả của Thúc sinh, vì ghen tương dữ dội về việc Thúc sinh lấy Kiều làm vợ lẽ, đã cư xử vô cùng cay nghiệt đối với Kiều, trong suốt những tháng ngày Kiều bị bắt về nhà họ Hoạn. Xem chú giải (1530) Hoạn thư.
- (2358) tiểu thư: chỉ Hoạn thư. Xem chú giải (1557) tiểu thư.
- (2358) cũng có bây giờ đến đây: # chữ nôm “đây” khắc là “nay”/”nơi” 尼 (ni). Tạm ghi là “đây” 低 (đê) theo bản Duy Minh Thị 1872 § Cả câu 2358: (lược ngữ) Kiều vừa thấy Hoạn thư được dẫn vào, lên tiếng chào ngay: A, “tiểu thư” thế mà hôm nay cũng phải đến đây à! (câu 2357-2358). Ghi chú: 2 chữ “tiểu thư” ở đây có chút mỉa mai.
- (2361) dẽ dàng: đằm thắm, trọng hậu, thuần hòa, không hốp tốp (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
- (2361) hồng nhan: má hồng, chỉ người đẹp. Xem chú giải (0065) hồng nhan.
- (2362) cay ngặt: khắt khe, độc ác. § Khảo dị: có bản ghi là: “cay ngạt”, “cay nghiệt”. Cf. (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị): “cay ngạt” = gay gắt.
- (2362) oan trái: 冤債 nợ do ác nghiệp (tức hành động xấu ác) đã tạo ra từ trước. Ghi chú: tạm diễn xuôi 4 câu thơ 2359-2362 như sau: Từ xưa tới nay, không dễ có được mấy mặt đàn bà gan góc như thế (nói về Hoạn thư); thói thường đàn bà thì nên đằm thắm, hiền hòa, (sao không biết rằng) càng khe khắt độc ác cho lắm thì càng rước thêm nhiều tội vạ phải đền trả mà thôi.
- (2363) Hoạn thư: # chữ nôm “Hoạn” khắc sai. Chữ đúng: 宦 (hoạn).
- (2363) phách lạc hồn xiêu: hình dung sợ hãi cực độ. # chữ “hồn” 魂 khắc sai thành chữ “phách” 魄. § Tạm ghi theo bản Duy Minh Thị 1872: “phách lạc hồn xiêu”. Xem chú giải (1651) phách lạc hồn bay.
- (2364) khấu đầu: cúi mình quỳ lạy, đầu để sát xuống đất. Xem chú giải (2262) khấu đầu.
- (2364) kêu ca: nói ra lời năn nỉ cầu xin (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).