1345. Trăm điều ngang ngửa vì tôi,
1346. Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
1347. Như chàng có vững tay co,
1348. Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.
1349. Thế trong dầu lớn hơn ngoài,
1350. Trước hàm sư tử gửi người đằng la.
1351. Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
1352. Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
1353. Vả trên còn có nhà thung,
1354. Lòng trên trông xuống biết lòng có thương?
1355. Sá chi liễu ngõ hoa tường,
1356. Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.
1346. Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
1347. Như chàng có vững tay co,
1348. Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.
1349. Thế trong dầu lớn hơn ngoài,
1350. Trước hàm sư tử gửi người đằng la.
1351. Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
1352. Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
1353. Vả trên còn có nhà thung,
1354. Lòng trên trông xuống biết lòng có thương?
1355. Sá chi liễu ngõ hoa tường,
1356. Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.
Chú giải
- (1346) tội trời: tội lớn tày đình (theo Lý Văn Hùng, Kim Vân Kiều bình giảng); tội trời bắt chịu (theo Đào Duy Anh).
- (1347) tay co: cái cọc buộc mái chèo, hình cong như cái tay co lại; “vững tay co” tức là chắc tay đối phó (theo Đào Duy Anh).
- (1348) đắp điếm cho một vài: hai câu 1347-1348 ý nói: nếu chàng có cứng tay thì che chở cho được vài phần (theo Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim).
- (1349) thế trong: Dịch Kinh 易經: Nữ chánh vị hồ nội, nam chánh vị hồ ngoại 女正位乎內, 男正位乎外 (Gia nhân quái 家人卦) Người nữ giữ ngôi vị của mình ở trong nhà, người nam giữ ngôi vị của mình ở bên ngoài. Ở đây, “thế trong” chỉ thế lực của vợ.
- (1349) hơn ngoài: “thế ngoài” chỉ thế lực của chồng.
- (1350) sư tử: 獅子, cũng gọi là “sư tử Hà Đông”, chỉ người vợ hung dữ hay ghen. Nguồn gốc thành ngữ này là ở mấy câu thơ sau đây của Tô Thức 蘇軾: Long Khâu cư sĩ diệc khả liên, Đàm không thuyết hữu dạ bất miên. Hốt văn Hà Đông sư tử hống, Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên 龍丘居士亦可憐, 談空說有夜不眠. 忽聞河東獅子吼, 拄杖落手心茫然 (Kí Ngô Đức Nhân kiêm giản Trần Quý Thường thi 寄吳德仁兼簡陳季常詩) Long Khâu cư sĩ cũng vô duyên, Bàn Không bàn Hữu thức suốt đêm. Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống, Hốt hoảng tâm thần rơi gậy thiền (Tuệ Sỹ dịch, Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng). Trần Quý Thường, người đời Tống, mộ đạo Phật, là bạn thường đàm đạo với Tô Thức. Trần Quý Thường có bà vợ là Liễu Thị, con gái danh gia vọng tộc đất Hà Đông, mà lại có tính hay ghen, nhiều khi nổi cơn la hét dữ dội. Nhân trong thuật ngữ Phật giáo có câu: Phật thuyết pháp thanh âm uy nghiêm như sư tử hống, nên Tô Thức làm bài thơ trên, gọi đùa vợ Trần Quý Thường là “sư tử Hà Đông”.
- (1350) đằng la: 藤蘿 loài dây leo. Ở đây ví với thân phận vợ lẽ. Xem thêm chú giải (0902) cát đằng.
- (1351) luồn: đi vào bên trong, đi xuyên qua một khoảng hẹp. Thí dụ: luồn tay vào, đi luồn qua (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt). § Cả câu 1351: (lược ngữ) lời Kiều ý nói trước mặt vợ cả (của Thúc sinh) phải cúi đầu chịu thế ở dưới thấp, không được tự do tự tại. § Cũng có thể đọc là “lòn”.
- (1352) giấm chua: thố 醋 nghĩa là giấm, thố ý 醋意 nghĩa là lòng ganh ghét. “Giấm chua” chỉ đàn bà ghen. Có 2 điển cố: (1) Đời Đường, Vũ Hậu ghen, giết mấy phi tần của vua Cao Tông rồi ngâm thây họ vào trong giấm. (2) Sách Tục Văn Hiến Thông Khảo nói con sư tử mỗi ngày ăn hết một bình giấm, nói ví như đàn bà ghen, vì thế đời sau mới gọi đàn bà ghen là sư tử. Xem thêm chú giải (1350) sư tử.
- (1352) tội: chịu đối xử hành hạ làm cho khổ sở.
- (1352) lửa nồng: lửa nóng, lửa hầm. § Câu 1352: (lược ngữ) lời Kiều ý nói làm vợ lẽ phải vào luồn ra cúi và chịu đựng sự ghen tuông của bà vợ cả, như thế thì thân phận của nàng còn cực khổ gấp ba lần làm gái làng chơi.
- (1353) nhà thung: tiếng kính xưng cha (ở đây chỉ cha của Thúc sinh). Chữ 椿 (thung) hay dùng lẫn lộn với 椿 (xuân). “Xuân đường” 椿堂 nghĩa là “nhà xuân”, chỉ cha. Ở đây vì theo vần “ông” nên dùng 樁 (thung) thay cho 椿 (xuân). § Khảo dị: bản Kiều Oánh Mậu 1902 ghi là “nhà thông”. Xem chú giải (0534) xuân đường.
- (1355) sá chi: kể chi, đáng chi. Xem chú giải (0308) sá gì.
- (1355) liễu ngõ hoa tường: hạng liễu tường hoa 巷柳牆花 liễu ở ngoài ngõ, hoa ở bên tường. Chỉ đàn bà hành vi phóng đãng; cũng chỉ kĩ nữ.
- (1356) lầu xanh: chỗ con hát ở, kĩ viện. Xem chú giải (0809) lầu xanh.