1633. Sắn bìm chút phận con con,
1634. Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
1635. Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
1636. Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao?
1637. Đêm thu gió lọt song đào,
1638. Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.
1639. Nén hương đến trước thiên đài,
1640. Nỗi lòng khấn hết mọi lời vân vân.
1641. Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
1642. Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra.
1643. Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
1644. Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.
1634. Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
1635. Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
1636. Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao?
1637. Đêm thu gió lọt song đào,
1638. Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.
1639. Nén hương đến trước thiên đài,
1640. Nỗi lòng khấn hết mọi lời vân vân.
1641. Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
1642. Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra.
1643. Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
1644. Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.
Chú giải
- (1633) sắn bìm: loài cây leo, thường dựa vào thân cây khác. Nói ví thân phận vợ lẽ. Xem chú giải (1480) cát lũy. # chữ nôm “bìm” khắc không rõ. Chữ đúng: ⿱艹砭 (bộ Thảo/biêm).
- (1634) khuôn duyên: thiên định nhân duyên 天定姻緣 nhân duyên trời định. Xem chú giải (0343) khuôn thiêng. § Khảo dị: bản Duy Minh Thị 1872 ghi là “Hương duyên biết có vuông tròn cho chăng?”. Ghi chú: “hương duyên” viết tắt của “hương hỏa nhân duyên” 香火因緣 = chỉ cho sự kiện 2 người tâm đầu ý hợp, dường như đã kết lời thề từ đời trước nên ngày nay gặp nhau thì càng thân thiết nhau hơn. Từ ngữ này bắt nguồn từ tập tục của người xưa, mỗi khi lập lời thề ước, thường bày hương án để tế cáo thần minh (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典). Tham khảo: Nguyễn Tài Cẩn (Tư liệu truyện Kiều… bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh, trang 26).
- (1634) vuông tròn: vuông ra vuông tròn ra tròn, ý nói mọi việc đâu vào đấy, xếp đặt đúng chỗ. Xem chú giải (0412) vuông tròn. Xem lại câu 0412: Khuôn xanh đã biết vuông tròn mà hay?
- (1635) bất bằng: không bằng phẳng, nhiều gian truân. Xem chú giải (1464) bất bình. § Ghi chú: “nỗi bất bằng” ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa: (1) duyên phận của Kiều có nhiều truân chuyên, nghĩa là không bằng phẳng; (2) thân phận của Kiều khiến cho nàng thấy không vừa lòng, đáng giận.
- (1636) liều: tỏ ra táo bạo, bạt mạng, bất kể, bất chấp hiểm nguy. Xem chú giải (0328) liều. § Cả câu 1636: (lược ngữ) Thúc sinh về thăm quê nhà ở Vô Tích, Kiều ở nhà một mình, đành liều như Hằng Nga ở trong cung Quảng một mình (theo Nguyễn Quảng Tuân, Bản nôm 1866, trang 477). Kiều hình như có linh tính — vì quả thực, ngay sau đó, khi đang khấn khứa trước bàn thờ ngoài sân, nàng bị bọn ác nhân bắt cóc. # chữ nôm khắc là “liều nhà”. Tạm ghi âm đọc là “liều như” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1636) cung Quảng: Quảng Hàn Cung 廣寒宮. Theo truyền thuyết, vua Đường Huyền Tông 唐玄宗 ngày rằm tháng 8 đi chơi trên mặt trăng, thấy một cung phủ lớn, có bảng đề: Quảng Hàn Thanh Hư Chi Phủ 廣寒清虛之府. Về sau Quảng Hàn Cung 廣寒宮 chỉ cung tiên ở trên mặt trăng.
- (1636) ả Hằng: Hằng Nga 姮娥 xem chú giải (0015) tố nga.
- (1636) nghĩ nao: nghĩ sao, nghĩ thế nào. Xem chú giải (0055) nao.
- (1637) song đào: 窻桃 cửa sổ có hoa đào. Xem ghi chú chung trong chú giải (1408) sân hoa.
- (1638) ba sao: tam tinh 三星. Thi Kinh 詩經: Tuệ bỉ tiểu tinh, Tam ngũ tại đông 嘒彼小星, 三五在東 (Thiệu Nam 召南, Tiểu tinh 小星) Tí ti những ngôi sao nhỏ kia, Năm ba ngôi ở phương đông. Ghi chú: Có nhiều giải thích rất phức tạp về hai chữ “ba sao”. Nhưng cũng có thể hiểu một cách giản dị rằng câu 1638 chỉ tả cảnh đêm thu lúc trời đã khuya, có vành trăng khuyết và sao mọc giữa trời (theo Văn Hòe).
- (1639) thiên đài: bàn thờ Trời ở ngài sân, bàn ông Thiên. Nguyên truyện dùng chữ “thiên đình” 天庭 nghĩa là trời, thiên đế. Nguyên truyện: Đê đê cáo, bái thiên đình, vọng ngọc thành. Thôi ngã lang quân, cấp tảo hồi trình 低低告, 拜天庭, 望玉成. 催我郎君,急早回程 (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 14) (Thúy Kiều) lầm rầm khấn vái trời cao, cầu mong hộ trì cho chồng tôi được mau chóng trở về.
- (1640) vân vân: 云云 lời này lời khác. # chữ nôm “vân” thứ hai khắc là “vi” 爲 (vi). Như vậy không hợp vần với câu 6 chữ theo sau. Tạm ghi âm đọc là “vân vân” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (1641) ác nhân: 惡人 người ác độc, người hung dữ.
- (1642) khốc quỷ kinh thần: quỷ khốc thần kinh 鬼哭神驚 hình dung kinh khủng cực độ.
- (1644) thất kinh: 失驚 mất hồn mất vía, giật mình hoảng sợ.