2713. Rằng: Tôi đã có lòng chờ,
2714. Mất công mười mấy năm thừa ở đây.
2715. Chị sao phận mỏng đức dày,
2716. Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai.
2717. Tấm thành đã thấu đến trời,
2718. Bán mình là hiếu cứu người là nhân.
2719. Một niềm vì nước vì dân,
2720. Âm công cất một đồng cân đã già.
2721. Đoạn trường sổ rút tên ra,
2722. Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
2723. Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
2724. Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào.
2714. Mất công mười mấy năm thừa ở đây.
2715. Chị sao phận mỏng đức dày,
2716. Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai.
2717. Tấm thành đã thấu đến trời,
2718. Bán mình là hiếu cứu người là nhân.
2719. Một niềm vì nước vì dân,
2720. Âm công cất một đồng cân đã già.
2721. Đoạn trường sổ rút tên ra,
2722. Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
2723. Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
2724. Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào.
Chú giải
- (2714) mười mấy năm thừa: (lược ngữ) lời Đạm Tiên ở đây ứng với 2 lần gặp Kiều: (1) khi đến báo mộng sau khi Kiều thăm mộ Đạm Tiên 15 năm về trước: Âu đành quả kiếp nhân duyên, Cũng người một hội một thuyền đâu xa (câu 0201-0202); (2) lúc Kiều mới tới nhà Tú bà và đã cầm dao đâm vào cổ định tự tử khi biết mình đã bị lừa: Hãy xin hết kiếp liễu bồ, Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau (câu 0999-1000).
- (2715) phận mỏng đức dày: (lược ngữ) Đạm Tiên nói rằng Kiều có số phận xấu nhưng là người nhân đức và biết ăn ở phúc hậu.
- (2716) kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai: (lược ngữ) … đành rằng xưa nay kiếp hồng nhan vốn thường mỏng mảnh, nhưng tấm lòng nhân hậu của Kiều không dễ có ai sánh bằng. Xem lại lời Kiều lúc viếng mả Đạm Tiên vào lễ Thanh Minh đầu truyện: Rằng: Hồng nhan tự nghìn xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu (câu 0107-0108). # chữ nôm khắc là “kiếp này cũng vậy”. Tạm ghi âm đọc là “kiếp xưa đã vậy” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (2717) tấm thành: tấm lòng thành.
- (2718) bán mình là hiếu cứu người là nhân: 2 câu 2717-2718 cùng ý với lời sư Tam Hợp ở đoạn trước: Lấy tình thâm trả tình thâm, Bán mình đã động hiếu tâm đến trời. Hại một người cứu muôn người, Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng (câu 2683-2686).
- (2720) âm công: 陰功 (1) âm đức, đức hạnh kín đáo người ta không biết được; (2) việc làm nhân đức ở thế gian và được ghi công dưới âm phủ.
- (2720) đồng cân đã già: đồng cân = đơn vị cân lường; đã già = đã nặng, đã nhiều. Xem chú giải (1534) cũng già. Cả câu 2720: (lược ngữ) công đức của Kiều bây giờ đem cân đã nặng lắm rồi.
- (2721) đoạn trường sổ: sổ kê tên những người phải chịu oan nghiệp khổ sở. Xem lại lời Đạm Tiên báo mộng với Kiều ở đầu truyện: Vâng trình hội chủ xem tường, Mà xem trong sổ đoạn trường có tên (câu 0199-0200).
- (2722) đoạn trường thơ: xem chú giải (0209) tập đoạn trường. Xem lại lời Đạm Tiên báo mộng với Kiều ở đầu truyện: Kiều vâng lĩnh ý đề bài, Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm. Xem thơ nức nở khen thầm: Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường. Ví đem vào tập đoạn trường, Thì treo giải nhất chi nhường cho ai (câu 0205-0210).
- (2722) trả nhau: # chữ nôm khắc là “trả theo”. Như vậy không đúng vần với câu 6 chữ ở sau.
- (2723) hưởng thụ: 享受 an hưởng, tiếp thụ.
- (2724) duyên xưa: cuộc tình duyên giữa Kiều và Kim Trọng
- (2724) phúc sau: phần hạnh phúc sau này với Kim Trọng.