Menu Đóng

Chương 154

1837Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
1838. Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay.
1839. Sinh càng như dại như ngây,
1840. Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi.
1841Ngảnh đi chợt nói chợt cười,
1842Cáo say chàng đã giạm bài lảng ra.
1843Tiểu thư vội thét: Con Hoa!
1844Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn.
1845. Sinh càng nát ruột tan hồn,
1846. Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay.
1847Tiểu thư cười nói tỉnh say,
1848. Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi.

Chú giải

  • (1837) bắt khoan bắt nhặt: khoan = chậm, lâu, từ từ, hơi kéo dài; nhặt = mau, nhanh, lẹ, gấp rút (Từ điển Nguồn gốc tiếng Việt). Ghi chú: “bắt khoan bắt nhặt” = bắt bẻ từng li từng tí.
  • (1837) tận: chữ nôm khắc là  (tận); ở đây chữ nôm này tương đương với chữ  (tiện). Âm cổ là “tạn”. § “tạn” = thấu đến nơi, sát một bên, cùng tột (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị). Ghi chú cả câu 1837: (lược ngữ) Hoạn thư (tiếp tục thi hành kế hoạch trả thù Kiều và Thúc sinh) tỏ ra hết sức khe khắt, bắt Kiều phải quỳ sát mặt Thúc sinh, bắt phải dâng chén mời đặt sát vào tay Thúc sinh.
  • (1839) như dại như ngây: dại = điên, rồ, cuồng; ngây = đờ người, cứng đơ, sững sờ như bị mê hoặc (Từ điển Nguồn gốc tiếng Việt).
  • (1841) ngảnh: quay mặt nhìn sang chỗ khác. # chữ nôm khắc là ⿰ (bộ Tâm+dựng) có thể đọc âm là “dửng”. Trong (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tome I, trang 223) có mục từ “dằng” ; thí dụ: “dùng dằng” = lưỡng lự, chưa quyết một bề. Tạm ghi âm là “ngảnh” theo nhiều bản quốc ngữ phổ biến khác.
  • (1842) cáo say: mượn cớ là đã say rượu.
  • (1842) giạm bài: nói ướm trước, dò hỏi, thăm dò (Từ điển Nguồn gốc tiếng Việt).
  • (1842) lảng ra: tránh né, lánh đi, làm lơ, lờ đi (Từ điển Nguồn gốc tiếng Việt). § 2 câu 1841-1842: (lược ngữ) Thúc sinh quay mặt đi chỗ khác, khi thì gượng nói lúc thì gượng cười, lại lấy cớ là đã say, nói tránh sang chuyện khác, để không phải bị ép uống rượu nữa (ý muốn tránh cho Kiều khỏi quỳ mời nhục nhã).
  • (1843) tiểu thư: tiếng gọi con gái nhà giàu sang phú quý; ở đây chỉ Hoạn thư. Xem chú giải (1557) tiểu thư.
  • (1843) con Hoa: tên Hoạn bà đặt cho Kiều. Xem chú giải (1743) Hoa nô.
  • (1844) khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn: (lược ngữ) Kiều phải mời Thúc sinh uống rượu, nếu chàng không uống cạn chén thì ta (chỉ Hoạn thư) sẽ ra lệnh đánh đòn mi đó.
  • (1846) ngậm bồ hòn: quả bồ hòn có nhựa rất đắng và dùng để giặt quần áo. Tục ngữ: “Ngậm bồ hòn làm ngọt”, nghĩa là ngậm đắng nuốt cay mà đành chịu vậy. # chữ nôm “hòn” khắc nhầm thành  (kỉ). Chữ đúng:  (hoàn).
  • (1846) ráo ngay: uống cạn ngay.