Menu Đóng

Chương 21

0241. Hiên tà gác bóng chênh chênh,
0242. Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình.
0243. Cho hay là giống hữu tình,
0244. Đố ai dứt mối tơ mành cho xong.
0245. Chàng Kim từ lại thư song,
0246. Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
0247Sầu đong càng khắc càng đầy,
0248Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
0249Mây Tần khóa kín song the,
0250Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.
0251Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao,
0252. Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng.

Chú giải

  • (0242) tấc riêng: thốn tâm , tấm lòng riêng, nỗi lòng riêng.
  • (0243) giống hữu tình: do chữ “tình chủng”  chỉ những người có giàu tình cảm, có một tình yêu mạnh mẽ (theo Văn Hòe). # chữ nôm thứ nhất khắc nét gần như chữ “thói” 退 (thối) (xem Duy Minh Thị 1872). Nhiều bản phổ biến ghi là “thói hữu tình”. Lý do là vì phải kị húy tên “giống/chủng” của vua Gia Long theo lệnh 1803 (cf. Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, trang 450). Ở đây xin chọn ghi là “giống hữu tình”.
  • (0245) thư song phòng đọc sách, phòng học.
  • (0246) khuây: nguôi, nguôi ngoai, không còn buồn phiền, không còn nhớ đến nữa (Từ điển nguồn gốc tiếng Việt).
  • (0247) sầu đong càng khắc càng đầy: Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim chú giải: Cái sầu đong cho vơi đi, thì chốc chốc lại đầy lên, cũng như nói: buồn muốn làm khuây mà không khuây được. Bản nôm Tăng Hữu Ứng 1874 chép là: “Sầu đong càng lắc càng đầy”, — rất gần với hình ảnh trong câu ca dao: Ai đi muôn dặm non sông, Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy.
  • (0248) ba thu dọn lại một ngàyNhất nhật bất kiến, như tam thu hề  (Thi Kinh, Vương Phong, Thái cát ) Một ngày không thấy nhau lâu bằng ba mùa thu.
  • (0249) mây Tần: sách Thái Bình Ngự Lãm chép: Tần vân như mĩ nhân  mây Tần như người đẹp.
  • (0249) song the: cửa sổ che màn làm bằng the.
  • (0250) bụi hồng: bởi chữ hồng trần . Có 3 nghĩa: (1) bụi bặm, trần ai; (2) chỉ cảnh phồn hoa náo nhiệt; (3) cõi đời, thế tục (thuật ngữ Phật giáo). § Trong câu 0250, “bụi hồng” chỉ chỗ ở của Kiều, Kim Trọng cứ loanh quanh gần đó để mong gặp mặt Kiều.
  • (0250) liệu nẻo: tìm đường, tìm cách nào đó. § Khảo dị: có nhiều bản ghi là: “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” (câu 0250). Tham khảo: Nguyễn Huy Tự (1743-1790): Bụi hồng dứt nẻo chiêm bao đi về (Hoa tiên, câu 258).
  • (0250) chiêm bao: nằm mơ; ngó thấy sự gì trong khi ngủ. Xem chú giải (0214) chiêm bao. 2 câu 0249-0250: (lược ngữ) Kiều cứ ở trong phòng không ra ngoài nên Kim Trọng chỉ còn cách tìm về trong mộng để gặp mặt người yêu. § Khảo dị: có nhiều bản ghi là: “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” (câu 0250). Tham khảo: Nguyễn Huy Tự (1743-1790): Bụi hồng dứt nẻo chiêm bao đi về (Hoa tiên, câu 258).
  • (0251) tuần: mười ngày gọi là một tuần, một tháng có ba tuần. Xem chú giải (0036) tuần.