1981. Nhịn ngừng nuốt tủi đứng ra,
1982. Tiểu thư đâu đã tránh hoa bước vào.
1983. Cười cười nói nói ngọt ngào,
1984. Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi?
1985. Dối quanh sinh mới liệu lời:
1986. Tìm hoa quá bước xem người viết kinh.
1987. Khen rằng: Bút pháp đã tinh,
1988. So vào với thiếp Lan Đình nào thua.
1989. Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
1990. Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.
1991. Thuyền trà gạn nước hồng mai,
1992. Thong dong nối gót thư trai cùng về.
1982. Tiểu thư đâu đã tránh hoa bước vào.
1983. Cười cười nói nói ngọt ngào,
1984. Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi?
1985. Dối quanh sinh mới liệu lời:
1986. Tìm hoa quá bước xem người viết kinh.
1987. Khen rằng: Bút pháp đã tinh,
1988. So vào với thiếp Lan Đình nào thua.
1989. Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
1990. Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.
1991. Thuyền trà gạn nước hồng mai,
1992. Thong dong nối gót thư trai cùng về.
thư pháp Vương Hi Chi 王羲之 (303-361)
So vào với thiếp Lan Đình nào thua
nguồn Internet: Thuyền trà gạn nước hồng mai
Chú giải
- (1981) nhịn ngừng: nén lòng, nhận đè mối cảm xúc. § Khảo dị: theo Nguyễn Tài Cẩn (Tư liệu truyện Kiều… bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh, 2008): “ngừng” là một từ cổ nghĩa là “nước mắt”; thí dụ: “đượm ngừng” = mắt đẫm lệ.
- (1981) nuốt tủi: thầm nuốt niềm tủi nhục. § Hai chữ “nuốt tủi” ở đây cho thấy tình cảnh trái ngược với lòng mong mỏi của Kiều khi xin Hoạn thư cho phép xuất gia (câu 1928): Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi. # chữ nôm “tủi” khắc không rõ. Chữ đúng: 悴 = ⿰忄碎 (bộ Tâm+1/2 toái).
- (1981) đứng ra: đứng ra bên cạnh (để che mắt Hoạn thư khỏi thấy cuộc gặp gỡ lén lút giữa Kiều và Thúc sinh).
- (1982) tiểu thư: chỉ Hoạn thư. Xem chú giải (1557) tiểu thư.
- (1982) tránh hoa: chữ nôm “tránh” ⿰足另 (bộ Túc+lánh) = thành phần chỉ ý 足 (túc); thành phần chỉ âm 另 (lánh). § cả câu 1982: (lược ngữ) Hoạn thư đứng rình đã lâu ở ngoài vườn (xem 2 câu 1995-1996), đi tránh xa bụi hoa trước cửa rồi mới bước vào Quan Âm các; làm Kiều lúc đó phải giật mình (“tiểu thư đâu đã…”). § Khảo dị: có nhiều dị bản cho 2 chữ “tránh hoa” ở đây: lánh hoa (Liễu Văn Đường 1866, Nguyễn Quảng Tuân) ; rẽ hoa (Kiều Oánh Mậu 1902); gót hoa (Duy Minh Thị 1872, Nguyễn Tài Cẩn); hài hoa (Lâm Nọa Phu 1870, Nguyễn Quảng Tuân), v.v.
- (1986) người viết kinh: tức là Thúy Kiều (có phận sự làm việc sao chép kinh Phật ở Quan Âm các).
- (1987) bút pháp: cách viết, lối chữ viết, nghệ thuật thư pháp.
- (1987) tinh: tốt, khéo, đẹp, tỉ mỉ. § Nguyên truyện: Quả nhiên tả đắc hảo, nhan cân liễu cốt (*), thiết họa ngân câu, thị hảo nhất bút tự 果然寫得好, 顏筋柳骨, 鐵畫銀勾, 是好一筆字 (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 16) Quả thực chữ viết đẹp lắm, cứng cỏi đanh thép, thực là một loại chữ đẹp. (*) Đời nhà Đường có hai nhà thư pháp là Nhan Chân Khanh 顏真卿 và Liễu Công Quyền 柳公權 viết chữ rất đẹp và cứng cỏi, nên tôn xưng là “nhan cân liễu cốt” 顏筋柳骨.
- (1988) Lan Đình: Vương Hi Chi 王羲之 (303-361) tự là Dật Thiếu, người đời Tấn, quê ở Cối Kê (nay thuộc Chiết Giang). Ông nổi danh về lối chữ thảo và chữ lệ. Bài Tự tập thơ Lan Đình 蘭亭集序 ông viết, văn đã hay, chữ lại tốt, người ta gọi là thiếp Lan Đình (Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung Quốc). # chữ nôm khắc là “hương đình”. Cf. Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu trang 297 & 565 (51B): “Hương” là chữ lệnh năm 1803 bắt dùng để kị húy tên bà mẹ cả vua Gia Long. Nay ta phải bỏ “Hương” để phục nguyên chữ “Lan”.
- (1989) lưu lạc giang hồ: 流落江湖 trôi giạt sông hồ, phiêu bạc khắp nơi.
- (1990) nghìn vàng: rất nhiều tiền. Xem chú giải (0645) nghìn vàng. Ghi chú: 2 câu 1889-1890 hơi có ý mỉa mai Kiều đã là gái ở lầu xanh (gái giang hồ) và Thúc sinh đã bỏ nhiều tiền chuộc nàng về làm thiếp.
- (1991) thuyền trà: dịch từ chữ Hán trà thuyền 茶船 = chỉ cái khay — có hình như chiếc thuyền —, đựng bộ đồ pha trà như bình trà, dĩa, tách, chén, muỗng…, trên mặt khay có nhiều lỗ nhỏ để nước trà uống dư chảy xuống dưới khay. 2 câu thơ 1991-1992 có nghĩa là: sau tuần trà, khi nước trà pha trong chén đã hơi lâu chuyển sang màu đỏ sậm (như màu của trái hồng mai), được gạn lọc xác trà lại và đổ nước xuống khay, thì vợ chồng Thúc sinh ra về. § Tham khảo: (1) Trương Vĩnh Ký (Kim Vân Kiều truyện, ed. Saigon, 1911), trang 135: thuyền trà. — Chén trà có dĩa dài làm cong cong. (2) J.F.M. Génibrel (Dictionnaire Annamite-Français, ed. Tân Định, 1898), page 854: thuyền = (…) barque de thé, c’est-à-dire “théière”; cf. “thuyền trà rót nước hồng mai” (Kiều, câu 1991) = litt. la théière verse le thé de hồng mai (= bình trà rót nước hồng mai). § Khảo dị: hầu hết các bản quốc ngữ phổ biến đều ghi là “thiền trà” 禪茶 hoặc là “thuyền/thiền trà” 船茶, và hiểu theo nghĩa “trà pha ở nhà chùa” (ở đây là Quan Âm các).
- (1991) hồng mai: 紅梅 loại mơ nấu nước uống có màu đỏ sậm. Ngoài ra, còn có một thứ nước uống gọi là “hồng mai tạc” 紅梅酢 lấy trái mơ đỏ phơi khô, thêm vào muối và lá tía tô, cho ra nước, giữ từ 2 đến 4 tuần làm thành.
- (1991) thong dong: thong thả, thư thái, không vội vàng. Xem chú giải (0693) thong dong.
- (1992) thư trai: 書齋 phòng học, phòng văn. Ghi chú: Ở đây có thể hiểu là phòng đọc sách của Thúc sinh, hoặc là chỗ ở của vợ chồng Thúc sinh. § Lời bàn: 2 câu thơ 1991-1992 cực tả bản lãnh cao cường của Hoạn thư. Chính nàng đã sắp đặt mọi sự để bắt quả tang Thúc sinh lén lút gặp Kiều, vậy mà ngoài mặt vẫn tươi cười, thong dong theo chân chồng về nhà, như không có chuyện gì xảy ra.