Menu Đóng

Chương 115

1369Nỉ non đêm ngắn tình dài,
1370. Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.
1371Mượn điều trúc viện thừa lương,
1372. Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.
1373Chiến hòa sắp sẵn hai bài,
1374. Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.
1375Bắn tin đến mặt Tú bà,
1376. Thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao.
1377. Rõ ràng của dẫn tay trao,
1378Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công.
1379Công tư hai lẽ đều xong,
1380Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.

tranh bìa nhạc Dương Thiệu Tước (1915-1995)
Nỉ non đêm ngắn tình dài, Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương

Chú giải

  • (1369) nỉ non: tỉ tê, thủ thỉ, nhỏ to tâm sự.
  • (1370) thỏ: tương truyền trên mặt trăng có con thỏ trắng, nên gọi mặt trăng là thỏ. Xem chú giải (0079) thỏ lặn.
  • (1370) non đoài: núi phía tây.
  • (1370) ngậm gương: ngậm lấy vừng trăng. § Câu 1370: (lược ngữ) ngoài hiên nhà mặt trăng đã ngả xuống ngang với ngọn núi ở phía tây (tưởng như ngọn núi ngậm lấy vừng trăng).
  • (1371) mượn điều: lấy cớ, viện lẽ.
  • (1371) trúc viện sân nhà, chòi… có trồng trúc, thường dùng làm chỗ nghỉ ngơi, vui chơi.
  • (1371) thừa lương hóng mát, nghỉ ngơi ở chỗ có gió mát. § Câu 1371: (lược ngữ) Thúc sinh lấy điều đem Kiều đi chơi mát rồi đem Kiều giấu đi một nơi (theo Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim).
  • (1373) chiến hòa “chiến” là dọa đi kiện Tú bà mua con nhà lương thiện về làm con hát ở lầu xanh; “hòa” là tìm cách dàn xếp với Tú bà — để cho Kiều lấy Thúc sinh, cho êm chuyện (theo Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim).
  • (1373) sắp sẵn hai bài: chuẩn bị mưu kế sẵn sàng theo hai đường lối “chiến” và “hòa”. Xem chú giải (0342) liệu bài.
  • (1374) thầy thợ: tục ngữ “tay thầy thước thợ” = tay khôn khéo mực thợ. Nguyên truyện: Thúc sinh nhờ Vệ Hoa Dương  lo chuyện dọa thưa kiện Tú bà, và mượn Bộ Tân  đi thăm dò tình hình về bọn Tú bà (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 12).
  • (1374) dò la: đi đây đó để tìm hiểu tin tức tình hình. Xem chú giải (0191) dò la.
  • (1375) bắn tin: đưa tin một cách gián tiếp (như bắn mũi tên). Hán Thư Vũ Đế tại Thượng Lâm đắc Vũ đẳng xạ thư tri Vũ sở tại  Vua Vũ ở vườn Thượng Lâm được thơ của bọn Tô Vũ bắn về, biết Tô Vũ ở chỗ nào.
  • (1377) của dẫn tay trao: Thúc sinh trả tiền cho Tú bà để chuộc lại Thúy Kiều, mụ này cho Thúy Kiều được hoàn lương (về làm vợ lẽ Thúc sinh).
  • (1378) hoàn lương đàn bà làm nghề ở lầu xanh trở về đời lương thiện, nghĩa là đi lấy chồng. # chữ nôm khắc là “hoàn nguyên”. Tạm ghi âm đọc là “hoàn lương” theo nhiều bản quốc ngữ phổ biến khác.
  • (1378) thiếp tờ đơn (của bọn Tú bà viết) xin quan huyện chấp thuận cho Thúy Kiều được lấy chồng (hoàn lương). § Chú ý: chữ  có thể đọc là “thiệp” để tránh trùng âm với chữ  (thiếp) nghĩa là vợ lẽ, nàng hầu.
  • (1378) thân trình lên. § Chú ý: chữ  và  (nghĩa là mình người) có chung một âm đọc “thân”, dễ hiểu lầm trong bản quốc ngữ.
  • (1378) cửa công: công môn  sở quan, nha môn.
  • (1379) công tư: công = việc công (Thúc sinh dọa kiện Tú bà ở cửa quan); tư = việc riêng (Thúc sinh dàn xếp trả tiền cho Tú bà để chuộc lại nàng Kiều).
  • (1380) gót tiên: chỉ gót chân người đẹp. Xem chú giải (0190) sen vàng.
  • (1380) trần ai chỗ bụi bặm; nghĩa bóng: hoàn cảnh sống nhục nhã, khổ sở. § 2 câu 1379-1380: (lược ngữ) việc công (xin quan cho Kiều hoàn lương) và việc tư (trả tiền chuộc Kiều) xong xuôi, gót chân người đẹp (như tiên), trong chớp mắt, bỗng thoát khỏi vòng khổ lụy ở chốn lầu xanh.