Menu Đóng

Chương 181

2161Đầu xanh đã tội tình gì,
2162Má hồng đền quá nửa thì chưa thôi.
2163. Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
2164. Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
2165. Lần thâu gió mát trăng thanh,
2166. Bỗng đâu có khách biên đình đến chơi.
2167Râu hùm cằm én mày ngài,
2168Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
2169Đường đường một đấng anh hào,
2170Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
2171. Đội trời đạp đất ở đời,
2172Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.

tranh lụa, Ngọc Mai (sinh năm 1951 tại Gia Định)
Đường đường một đấng anh hào

Chú giải

  • (2161) đầu xanh: thời tóc còn đen, tức thời tuổi trẻ. Ghi chú: trong tiếng Việt, “tóc xanh” nghĩa là “tóc đen”.
  • (2161) tội: xem chú giải (1013) tội.
  • (2162) má hồng: chỉ người đẹp. Xem chú giải (0006) má hồng.
  • (2162) đền quá nửa thì: (nợ má hồng) đền trả đã quá nửa đời xuân xanh. § 2 câu 2161-2162: (lược ngữ) Kiều than van: Hỏi ta thời non trẻ ngây thơ tội nghiệp ra sao, mà nay thân gái truân chuyên, quá một nửa đời vẫn chưa được buông tha. Xem thêm: Đặng Trần Côn  (1710-1745): Thiên địa phong trần, Hồng nhan đa truân  (Chinh phụ ngâm khúc ) Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
  • (2163) chạy chẳng khỏi trời: # chữ nôm khắc là “tránh chẳng”. Tạm ghi âm đọc là “chạy chẳng” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
  • (2164) liều: không sợ thiệt hại hay nguy hiểm. Xem chú giải (0328) liều.
  • (2164) mặt phấn: mặt phấn, mượn chỉ người đẹp. Xem chú giải (1392) má phấn.
  • (2164) ngày xanh: thời tuổi trẻ. Xem chú giải (0086) ngày xanh.
  • (2165) thâu: suốt cả, tới, đến, cho tới khi, cho đến lúc, cho thấu qua, kéo dài đến… Xem chú giải (1001) thâu.
  • (2165) trăng thanh: # chữ nôm khắc là “đêm thanh”. Tạm ghi âm đọc là “trăng thanh” theo Nguyễn Tài Cẩn phục nguyên từ bản Duy Minh Thị 1872 (Cf. Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, trang 577).
  • (2166) biên đình miền xa xôi giáp biên giới nước khác, vùng biên thùy, biên cảnh, biên giới, biên địa.
  • (2167) râu hùm cằm én mày ngài: râu hùm cằm én = hổ đầu yến hạm  đầu hổ cằm yến; hình dung tướng mạo oai võ. Nhà coi tướng cho là tướng phong hầu vạn lí; mày ngài = ngọa tàm mi  lông mày như con tằm nằm ngang. Tam quốc diễn nghĩa Huyền Đức khán kì nhân; thân trường cửu xích, nhiêm trường nhị xích; diện như trùng tảo, thần nhược đồ chi; đan phụng nhãn, ngọa tàm mi; tướng mạo đường đường, uy phong lẫm lẫm  (Đệ nhất hồi) Huyền Đức nhìn xem thấy người ấy mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như gấc, môi như tô son, mắt phượng, mày tằm, oai phong lẫm liệt (Phan Kế Bính dịch). Ghi chú: Nhân vật Lưu Huyền Đức gặp ở đây là Quan Vân Trường  (sau trở thành đệ nhất ngũ hổ tướng của Lưu Bị) chỉ cao chín thước, còn kém Từ Hải một cái đầu.
  • (2168) vai năm tấc rộng: vai rộng 5 tấc, tức là nửa thước.
  • (2168) thân mười thước cao: nếu là thước ta ngày nay dài độ 0,44 m, thì thân Từ Hải cao 4,40 m! Vai rộng 0,22 m, thân cao 4,40 m; trên đời đâu có người như vậy. Những con số này có tính cách tượng trưng, tác giả chỉ muốn diễn tả cái tướng cao lớn của nhân vật mà thôi.
  • (2169) đường đường có nhiều nghĩa: (1) dung mạo đoan chính trang nghiêm; (2) chí khí cao lớn; (3) khí thế, lực lượng hùng mạnh.
  • (2169) anh hào có nhiều nghĩa: (1) anh hùng hào kiệt; (2) võ nghệ cao siêu, đảm lược hơn người.
  • (2170) côn quyền: côn  đánh gậy; quyền  đánh tay; “côn quyền” nói về sức lực, võ nghệ.
  • (2170) lược thao: lục thao tam lược  binh thư do Khương Tử Nha  và Hoàng Thạch Công  soạn ra. Ghi chú: cả câu ý nói Từ Hải giỏi võ nghệ và có tài dùng binh.
  • (2172) họ Từ tên Hải. Nguyên truyện: họ Từ tên Hải, tự Minh Sơn, thâm minh thao lược anh hùng cái thế (Kim Vân Kiều truyện , Hồi 17).
  • (2172) Việt Đông tên đất Quảng Đông  từ xưa (theo Tản Đà). Ghi chú: Tuy nhiên, vấn đề chữ Việt  (còn viết là ) dùng để gọi tắt tỉnh Chiết Giang  hoặc Quảng Đông , trong lịch sử Trung Quốc vẫn còn có nhiều phức tạp.