Menu Đóng

Chương 195

2329Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
2330. Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?
2331. Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
2332Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là.
2333Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
2334. Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
2335Kiến bò miệng chén chưa lâu,
2336Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.
2337. Thúc sinh trông mặt bấy giờ,
2338. Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm.
2339Lòng riêng mừng sợ khôn cầm,
2340. Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai.

Chú giải

  • (2329) Sâm Thương tên hai vì sao, người xưa tin rằng Sâm (sao Hôm) ở phương tây và Thương (sao Mai) ở phương đông, sao này mọc thì sao kia lặn, không gặp nhau bao giờ. Chỉ sự cách biệt.
  • (2329) chữ tòng: đàn bà lấy chồng thì phải theo chồng. Xem chú giải (1477) chữ tòng.
  • (2330) phụ lòng: phụ bạc, làm trái điều ân nghĩa hoặc tình nghĩa.
  • (2330) cố nhân: người thân yêu cũ. Xem chú giải (1797) cố nhân. Ghi chú: ở đây Kiều gọi Thúc sinh là “cố nhân”.
  • (2332) tạ lòng: cảm ơn về tấm lòng yêu thương, ân tình tốt đẹp, độ lượng rộng rãi, v.v. Xem chú giải (0388) tạ lòng.
  • (2332) báo ân: báo đáp ơn huệ. Xem chú giải (2323) báo ân.
  • (2332) gọi là: coi như là, để tỏ là. § 2 câu 2331-2332: (lược ngữ) Kiều đem trăm cuốn gấm, nghìn cân bạc biếu tặng Thúc sinh, để tỏ lòng mang ơn sâu nặng đối với người xưa, xin coi như lễ mọn không đáng là bao.
  • (2333) vợ: # bản nôm khắc sai là “em” ⿰ (bộ Nữ+yêm). Chữ đúng: ⿰ (bộ Nữ+bị).
  • (2333) quỷ quái tinh ma quỷ, yêu tinh, ma quái; tỉ dụ người tàn ác giảo quyệt. Xem chú giải (1812) tinh ma.
  • (2334) kẻ cắp bà già gặp nhau: (ngạn ngữ) bà già bắt được kẻ cắp. Nói sự không ngờ mà được. # chữ nôm “cắp” khắc không rõ nét. Chữ đúng: ⿰ (bộ Nhân+cấp).
  • (2335) kiến bò miệng chén: xem chú giải (1548) kiến trong miệng chén. Ghi chú: nhớ lại câu nói của Hoạn thư lúc trước mưu đồ hại Kiều khi biết chồng mình có vợ lẽ: Lo gì việc ấy mà lo, Kiến trong miệng chén lại bò đi đâu (câu 1547-1548).
  • (2336) mưu sâu: chỉ mưu kế thâm độc mà Hoạn thư đã chuẩn bị để hại Kiều khi trước. Ghi chú: xem lại câu 1612: Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày.
  • (2336) nghĩa sâu: đối lại với “mưu sâu” của Hoạn thư, có lẽ nên hiểu là một cách nói mát mẻ, châm biếm cay chua (theo Văn Hòe).
  • (2337) mặt: # chữ nôm khắc sai thành ⿰ (bộ Thủ+diện). Chữ đúng: ⿰ (mạt+diện).
  • (2339) lòng riêng: chỉ lòng nghĩ của Thúc sinh. Xem chú giải (0316) niềm tây.
  • (2339) khôn cầm: khôn = khó; cầm = ngăn giữ lại được. Xem chú giải (0073) khôn.
  • (2340) cho ai: “ai” trỏ vào Thúy Kiều. § 2 câu 2337-2338: (lược ngữ) trong lòng Thúc sinh vừa lo sợ thay cho Hoạn thư (sẽ bị Kiều xử phạt), đồng thời cũng lấy làm mừng cho Thúy Kiều nay đã thoát vòng đày đọa và đạt tới ngôi vị một phu nhân nắm trọn quyền trả ơn báo oán.