2869. Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
2870. Bây giờ kim mã ngọc đường với ai?
2871. Ngọn bèo chân sóng lạc loài,
2872. Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu ly.
2873. Vâng ra ngoại nhậm Lâm Tri,
2874. Quan san nghìn dặm thê nhi một đoàn.
2875. Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
2876. Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.
2877. Phòng xuân trướng rủ hoa đào,
2878. Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.
2879. Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
2880. Nghe lời chàng cũng hai đường tin nghi.
2870. Bây giờ kim mã ngọc đường với ai?
2871. Ngọn bèo chân sóng lạc loài,
2872. Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu ly.
2873. Vâng ra ngoại nhậm Lâm Tri,
2874. Quan san nghìn dặm thê nhi một đoàn.
2875. Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
2876. Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.
2877. Phòng xuân trướng rủ hoa đào,
2878. Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.
2879. Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
2880. Nghe lời chàng cũng hai đường tin nghi.
Chú giải
- (2869) dặn ngọc thề vàng: vàng ngọc (kim ngọc 金玉) = (nghĩa đen) vàng và ngọc; (nghĩa bóng) sự vật quý báu, đáng trân trọng. Câu 2869: (lược ngữ) Kim Trọng như nhớ lại ngày nào, vừa mới thề ước với Kiều, đã phải vội vàng đi Liêu Dương hộ tang chú; trước khi lên đường, Kim Trọng đã nói lời từ biệt với Kiều: Trăng thề còn đó trơ trơ, Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. Ngoài nghìn dặm chốc ba đông, Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy. Gìn vàng giữ ngọc cho hay, Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời (câu 0541-0546).
- (2870) kim mã: triều đình, dinh quan… Xem chú giải (0410) kim môn.
- (2870) ngọc đường: 玉堂 điện ngọc, hàn lâm, cung điện… (chỉ chung chỗ của người có chức vị cao sang hiển hách). § Ghi chú: 2 câu 2869-2870: (lược ngữ) Kim Trọng cảm khái rằng đã cùng thề non hẹn biển với Kiều, nay được công thành danh toại, mà Kiều đi đâu, ta biết cùng ai chung hưởng giàu sang.
- (2871) ngọn bèo chân sóng lạc loài: (đảo ngữ) thân phận Kiều lạc lõng như cánh bèo trôi giạt theo sóng nước. Xem chú giải (0219) bèo giạt.
- (2872) vinh hiển: 榮顯 vẻ vang rạng rỡ.
- (2872) lưu ly: 流離 trôi giạt, chia lìa. Xem chú giải (0953) lưu ly.
- (2873) ngoại nhậm: 外任 làm quan địa phương (ở ngoài kinh thành).
- (2873) Lâm Tri: nơi Mã Giám sinh đã đưa Kiều đến ở lầu xanh của Tú bà. Xem chú giải (0920) Lâm Tri.
- (2874) quan san: cửa ải và núi, ý nói đường đi xa xôi khó khăn. Xem chú giải (1520) quan san. # chữ nôm khắc là “khai san”. Tạm ghi âm đọc là “quan san” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (2874) thê nhi: 妻兒 vợ và con cái.
- (2875) cầm đường: 琴堂 chỉ dinh quan (châu, phủ, huyện). § Mật Tử Tiện 宓子賤 đời Xuân Thu làm quan huyện ở huyện Thiện Phủ 單父, chỉ ngồi đánh đàn mà trong huyện được yên vui.
- (2876) tiếng hạc tiếng đàn: Triệu Biện 趙抃 (1008-1084) làm quan đời Tống, đến quận huyện nào chỉ mang theo một con hạc và một cây đàn, ông rất thanh liêm. Đời sau dùng chữ cầm hạc 琴鹤 để chỉ sự thanh liêm của các quan quận huyện.
- (2876) tiêu dao: 逍遙 an nhàn tự tại, ung dung, không bó buộc. Trang Tử 莊子: Bàng hoàng hồ vô vi kì trắc, tiêu dao hồ tẩm ngọa kì hạ 彷徨乎無為其側, 逍遙乎寢臥其下 (Tiêu dao du 逍遙遊) Ung dung tự đắc không làm gì ở bên, an nhàn tự tại ta nằm ngủ khểnh ở dưới cây (Nhượng Tống dịch).
- (2877) phòng xuân: phòng hai vợ chồng Thúy Vân và Kim Trọng. § Ghi chú: có bản ghi là “phòng hương”. Trong Truyện Kiều, có rất nhiều từ ngữ tương tự: trướng đào, gối mai, sân hoa, buồm gió lèo mây… Đó chỉ là một cách viết cho văn vẻ, và đôi khi cũng tiện cho việc tìm vần điệu câu thơ, không nhất thiết phải có ý nghĩa nhất định nào đó. Xem chú giải (1408) sân hoa.
- (2878) chiêm bao: nằm mơ. Xem chú giải (0214) chiêm bao.
- (2879) rỉ: rỉ tai, nói nhỏ vào tai. Xem chú giải (0765) rỉ.
- (2880) hai đường tin nghi: nửa tin nửa ngờ.