Menu Đóng

Chương 97

1153. Mụ càng kể nhặt kể khoan,
1154Gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha.
1155Vực nàng vào nghỉ trong nhà,
1156. Mã Kiều lại hở ý ra dặn lời:
1157. Thôi đà mắc lận thì thôi.
1158. Đi đâu chẳng biết con người Sở khanh?
1159Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
1160. Một tay chôn biết mấy cành phù dung.
1161Đà đao lập sẵn chước dùng,
1162. Lạ gì một cốt một đồng xưa nay.
1163. Có ba mươi lạng trao tay,
1164Không dưng chi có chuyện này trò kia.

Chú giải

  • (1154) kể nhặt kể khoan: (Tú bà) kể lể “bắt nhặt bắt khoan”, nghĩa là nghiêm ngặt khe khắt từng li từng tí.
  • (1154) gạn gùng: hỏi cặn kẽ đủ điều cho tới cùng. # bản chữ nôm khắc là: ⿰ (bộ Trùng+hiệt) và ⿰ (bộ Thủ+sùng). Chữ thứ nhất gần giống chữ  (đốn), nên bản nôm 1866 của Nhà xuất bản Nghệ An ghi âm đọc là “đon sòng”. § Khảo dị: có bản đọc là: “đón rào”.
  • (1154) nồng nàn: gắt gao đến hết lý lẽ.
  • (1155) vực: đỡ dậy, nâng lên. Xem chú giải (0991) vực.
  • (1156) hở ý: để lộ cho biết ý. § Khảo dị: có bản ghi là “ngỏ ý”.
  • (1157) mắc lận: bị lừa gạt.
  • (1159) bạc tình: bạc bẽo, không hậu. Đỗ Mục Thập niên nhất giác Dương Châu mộng, Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh  (Khiển hoài ) Mười năm chợt tỉnh giấc mộng Dương Châu, Được cái tiếng là kẻ bạc tình ở chốn lầu xanh. # chữ nôm “bạc” khắc thiếu nét thành  (tự). Chữ đúng:  (bạc). § Khảo dị: có bản chép là “phụ tình” .
  • (1160) phù dung thời rất xưa “phù dung” là một tên khác của hoa sen; cũng gọi là “hà hoa” . Ngày nay gọi là “mộc phù dung” ; cũng gọi là: “cự sương hoa” , “mộc liên” , “địa phù dung” ,”hoa mộc” . “Phù dung” thường dùng trong văn thơ để ví với người đẹp. Ngoài ra, “phù dung” còn có nhiều ý nghĩa khác: cao khiết, xinh đẹp, trong trắng, thuần khiết, v.v.
  • (1161) đà đao kế võ hiểm, bỏ đao xuống, giả vờ thua chạy, thừa lúc kẻ địch không phòng bị, đột nhiên quay đầu lại đánh.
  • (1161) chước: mưu mẹo, mánh lới, mưu kế. Xem chú giải (1110) chước.
  • (1162) một cốt một đồng: ông đồng bà cốt. Ở đây chỉ Tú bà và và Sở khanh thông mưu với nhau để lừa nàng Kiều.
  • (1163) ba mươi lạng: # chữ nôm “mươi” khắc là “trăm” ⿱ (bách/lâm). Tạm ghi âm đọc là “ba mươi lạng” theo đúng nghĩa trong nguyên truyện: bọn Tú bà trả ba mươi lạng bạc mướn Sở khanh làm chước đà đao (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Hồi 10). § Khảo dị: có bản ghi là “ba trăm lạng”.
  • (1164) không dưng: nếu không có chuyện gì, chẳng phải khi không mà như thế.
  • (1164) chuyện này trò kia: # chữ nôm khắc là “người này nọ kia”. Tạm ghi âm đọc là “chuyện này trò kia” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.