2089. Thấy nàng lạt phấn sạm son,
2090. Mừng thầm được buổi bán buôn có lời.
2091. Hư không đặt để nên lời,
2092. Nàng đà lớn sợ rụng rời lắm phen.
2093. Mụ càng xua đuổi cho liền,
2094. Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần.
2095. Rằng: Nàng muôn dặm một thân,
2096. Lại mang lấy tiếng dữ gần lành xa.
2097. Khéo oan gia của phá gia,
2098. Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây.
2099. Kíp toan kiếm chốn xe dây,
2100. Không dưng chưa dễ mà bay đường trời.
2090. Mừng thầm được buổi bán buôn có lời.
2091. Hư không đặt để nên lời,
2092. Nàng đà lớn sợ rụng rời lắm phen.
2093. Mụ càng xua đuổi cho liền,
2094. Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần.
2095. Rằng: Nàng muôn dặm một thân,
2096. Lại mang lấy tiếng dữ gần lành xa.
2097. Khéo oan gia của phá gia,
2098. Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây.
2099. Kíp toan kiếm chốn xe dây,
2100. Không dưng chưa dễ mà bay đường trời.
Chú giải
- (2089) lạt phấn sạm son: (lược ngữ) không tô son điểm phấn (mà vẫn xinh đẹp tự nhiên).
- (2090) được buổi: được dịp, gặp đúng lúc. § Khảo dị: có bản chép là: “được món” hay “được mối”.
- (2090) bán buôn có lời: (lược ngữ) cả câu 2090: Bạc bà lấy làm mừng trong bụng vì gặp Kiều là người xinh đẹp, có thể dùng làm món hàng buôn bán kiếm lời ở lầu xanh. Xem chú giải (0966) rước khách kiếm lời. Ghi chú: câu này ứng với câu trước 2088: Bạc bà học với Tú bà đồng môn.
- (2091) hư không: 虛空 không có cớ gì, bỗng dưng.
- (2091) đặt để nên lời: bịa đặt chuyện này chuyện nọ. Nguyên truyện: (Na Bạc ma ma) tiện thì thường tác kinh tác quái đích lai hách hách Thúy Kiều (那薄媽媽) 便時常作驚作怪的來唬嚇翠翹 (Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳, Hồi 17) (Mụ họ Bạc này) thường đặt chuyện kinh khủng quái đản để dọa nạt Thúy Kiều. # chữ nôm khắc là “đặt bỏ nên lời”. Tạm ghi âm đọc là “đặt để nên lời” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (2092) lớn sợ: cả sợ, rất sợ hãi.
- (2092) rụng rời: đau đớn hoặc sợ hãi quá làm cho có cảm giác như chân tay rớt xuống, người bủn rủn ra. Xem chú giải (0595) rụng rời.
- (2093) mụ càng xua đuổi cho liền: Bạc bà thấy Kiều xinh đẹp mặn mà, biết đây là món bở sẽ kiếm được nhiều tiền cho nghề lầu xanh của mụ. Vì biết rằng Kiều rất lo sợ — sau khi nhận tội với sư Giác Duyên về việc trộm cắp chuông khánh ở nhà Hoạn thư, và phải gấp rút đi tìm chốn dung thân —, liền tìm cách dọa nạt: ngay tức khắc xua đuổi Kiều, nếu nàng không nghe theo lời dàn xếp của mụ. § Khảo dị: có người đề nghị ghi âm đọc câu này như sau: “Mụ càng xua đuổi tru lên”, với chữ “tru” nghĩa là “tru tréo” = “kêu réo ầm lên” (Việt Nam Tự Điển).
- (2094) hung hiểm: 兇險 hung ác hiểm độc.
- (2094) Châu Trần: ví dụ nhân duyên tốt đẹp. Xem chú giải (1458) Châu Trần.
- (2096) dữ gần lành xa: tục ngữ: Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Ghi chú: Bạc bà đe dọa Kiều đang mang tiếng xấu gần (đã lấy trộm chuông khánh nhà Hoạn thư).
- (2097) khéo: # chữ nôm khắc là “hại”. Tạm ghi âm đọc là “khéo” theo nhiều bản nôm phổ biến khác.
- (2097) oan gia: kẻ thù, người thù oán. Xem chú giải (1013) oan gia.
- (2097) phá gia: 破家 tiêu hết gia sản, tan nát cửa nhà. # chữ nôm khắc là “phá nhà”. Như vậy trùng vần với câu sau. Tạm ghi âm đọc là “phá gia” theo nhiều bản nôm phổ biến khác. § Ghi chú: cả câu 2097 Bạc bà ý nói: Kiều chỉ là thứ người gây ra thù oán, đồ làm đổ vỡ cửa nhà, tiêu tan gia sản.
- (2099) kíp: gấp, vội. Xem chú giải (0428) kíp.
- (2099) xe dây: kết duyên vợ chồng. Xem chú giải (0540) trao tơ.
- (2100) không dưng: nếu không có chuyện gì, nếu không làm gì cả. Xem chú giải (1164) không dưng.
- (2100) chưa dễ mà bay đường trời: (lược ngữ) 2 câu 2099-2100: nếu Kiều không chịu nhận mưu chước dàn xếp lấy chồng (như Bạc bà đưa ra), thì Kiều không dễ gì có đường chạy thoát khỏi tội vạ.